(Tamnhin.net) - Sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế của chúng ta vẫn là nền kinh tế cấp thấp, do mô hình tăng trưởng lâu nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn dễ dãi và lao động chất lượng thấp.


PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi về những nỗ lực kiềm chế lạm phát và tái lập ổn định vĩ mô vững chắc.

PGS, TS. Trần Đình Thiên nêu rõ, nền kinh tế đang gặp những vấn đề nghiêm trọng như cơ cấu mất cân đối, lạm phát cao kéo dài khiến doanh nghiệp bị suy yếu. Lòng tin của người dân và nhà đầu tư giảm sút. Đó là những yếu tố cùng tác động một lúc, buộc chúng ta phải nghĩ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế và phải làm quyết liệt.

Sự mất cân đối bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả lại thấp. Thế nên, càng tăng trưởng, sức ép lạm phát càng lớn và các mất cân đối càng nghiêm trọng. Vì vậy, phải tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giải quyết tận gốc những căn bệnh của nền kinh tế như lạm phát, nhập siêu... Hiện nay, kinh tế thế giới cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, nên chúng ta lại càng phải cấu trúc lại nền kinh tế nếu muốn hội nhập với kinh tế thế giới.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, khi lạm phát lên rất cao, bất ổn vĩ mô đặc biệt nghiêm trọng cũng là lúc các mất cân đối lộ ra và đó là cơ hội để giải quyết các vấn đề. Giải quyết vấn đề căn bản và triệt để bằng cách đổi mới thực chất là tái cấu trúc nền kinh tế.

Mấy năm qua, lạm phát cứ lặp đi lặp lại, có yếu tố khách quan song chủ yếu là do chúng ta chưa thực sự bắt tay tái cấu trúc nền kinh tế mà chỉ lo đối phó ngắn hạn. Cứ chống lạm phát ngắn hạn, giữ nguyên cơ cấu thì không thể giải quyết triệt để lạm phát trong dài hạn. Nguồn lực cũng như dư địa chính sách để chống lạm phát ngày càng ít đi và bị thu hẹp. Sức khỏe của doanh nghiệp ngày càng giảm, sức của dân cũng giảm đi nhiều. Trong Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa rồi, các nhà tài trợ đã khuyến cáo, nếu chúng ta không cẩn thận, những thành tích xóa đói giảm nghèo sẽ bị tình trạng lạm phát kéo dài làm xói mòn, triệt tiêu.

Để tái cấu trúc nền kinh tế, theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, thứ nhất, cần thay đổi hệ thống chi tiêu ngân sách. Thứ hai, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Không thể để tình trạng một nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé mà có rất nhiều ngân hàng - to nhỏ, mạnh yếu đủ cả, gây rủi ro rất lớn. Thứ ba, ưu tiên phát triển thị trường đất đai và bất động sản. Thứ tư, thay đổi hệ thống khuyến khích lao động trả lương trong khu vực nhà nước, một nhiệm vụ theo tôi thậm chí còn ưu tiên trước cả việc tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thứ năm, khẩn trương tái cơ cấu hệ thống phân quyền, phân cấp quản lý trung ương - địa phương.

PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, do đi sau nên cần phải nghĩ đến mô hình kinh tế nào có thể giúp chúng ta rút ngắn được khoảng cách với các nước khác. Mẫu hình Việt Nam nên tham khảo là Hàn Quốc, Đài Loan, những nền kinh tế đã có bước phát triển nhảy vọt. Tất nhiên, lựa chọn cụ thể như thế nào còn tùy thuộc vào thời cuộc và đặc điểm của Việt Nam.

Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển vượt bậc nhờ vào việc phát triển công nghệ cao mà nền tảng chính là công nghệ thông tin. Có lẽ Việt Nam nên chọn cách đi tương tự theo hướng “tăng trưởng xanh”, tức công nghệ cao nhưng bền vững và sạch, không cần tăng trưởng nhanh.

PGS, TS. Trần Đình Thiên, chúng ta chưa thể tái cấu trúc chính vì những lợi ích nhóm hay quyền lợi địa phương. Mô hình tăng trưởng từ trước đến giờ chỉ để đạt được những thành tích dễ dãi, phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ nên rất ít nỗ lực cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt. Vì thế, cần thay đổi mô hình, tầm nhìn cũng như tư duy.

Trong 25 năm qua, lực lượng tư nhân đã phát triển nhanh nhưng vẫn lớn chậm. Tức họ có thể giàu nhanh nhưng năng lực cạnh tranh vẫn rất kém vì chỉ quen “ăn sẵn”. Do vậy cần tạo ra một môi trường cạnh tranh, thay đổi cả cách thức ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước.

Một điều quan trọng nữa là Việt Nam chưa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên doanh nghiệp không thể tham gia chuỗi phát triển của thế giới. Nghĩa là phải có một sự thay đổi căn bản và toàn diện trong lĩnh vực doanh nghiệp.

PGS, TS. Trần Đình Thiên cho răng,Áp lực thay đổi đang rất lớn và những động thái gần đây đã cho thấy sự thay đổi về thể chế và cấu trúc kinh tế đang diễn ra.

Đó là áp lực từ quốc tế, phải thay đổi để hàng hóa Việt Nam có thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Rồi là áp lực trong nước. Điều này thì đã rất rõ: nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, đầu tư công nhiều mà hiệu quả chỉ vừa phải, lãng phí. Hệ thống ngân hàng đang chứa đựng một số rủi ro. Các thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm. Khu công nghiệp, khu kinh tế mở ra quá nhiều, mà thu hút quá ít doanh nghiệp.

Sơn Hà


http://www.tamnhin.net/tieu-diem/144...-cap-thap.html