Page 13 of 14 FirstFirst ... 391011121314 LastLast
Results 121 to 130 of 131

Thread: THUẬN THIÊN DI SỬ

  1. #121
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669

    Thuận Thiên Di Sử--Hồi 28 : Lượng Cả Bao Dong

    Thuận Thiên Di Sử

    --Hồi 28 :

    Lượng Cả Bao Dong


    Nguyên thời mạt của nhà Tây-Hán, Thiên-sơn lão tiên dạy trước sau bẩy người đệ tử đều văn võ kiêm toàn. Bẩy người cùng nhau thề đem sức ra giúp dân, mưu cầu hạnh phúc. Họ ứng thí, thành đạt, cùng giữ chức thái thú, thứ sử bẩy quận liên tiếp. Nhưng bấy giờ vua Hán u mê tin dùng Vương Mãng, khiến giặc dã khắp nơi nổi dậy. Thiên-Sơn lão tiên triệu tập cả Thiên-sơn thất hùng lại, rồi ban cho thanh kiếm, với bốn giòng chữ trên.
    Vừa đúng lúc đó, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Thiên-sơn thất hùng cùng khởi binh lập ra nước Thục. Người đứng đầu Thiên-sơn thất hùng tên Công-tôn Thuật được tôn làm vua. Thanh kiếm Thiên-Sơn lão tiên ban cho, trở thành Thượng-phương bảo kiếm. Khi Công-tôn Thuật băng, thanh kiếm này lọt về tay con thứ nhì tên Công-tôn Thi. Công-tôn Thi hàng Hán. Sau này Thi lại phản Hán, bị Vương Bá giết chết, thanh kiếm về tay Vương Bá. Trong trận đánh bên bờ sông Bồ-lăng, Bắc-bình vương Đào Kỳ dùng chiêu võ Cửu-chân, tay không đoạt thanh kiếm này trên tay Vương Bá.
    Khi Đoàn Huy sang Đại-Việt, hoàng đế Đại-lý ân cần dặn y bằng mọi cách tìm cho ra thanh kiếm này. Bởi, hiện họ Đoàn cai trị nước Đại-lý được là nhờ hai phái Thiên-sơn, Tượng-quận hợp lại. Nhưng có nhiều chi phái của Thiên-sơn, vẫn không phục. Họ cương quyết chỉ tuân phục người nào tìm được tín vật của Thiên-sơn lão tiên ban cho Công-tôn Thuật làm thượng phương bảo kiếm.
    Đoàn Huy nhìn thấy thanh gươm, y run run, hướng vào đệ tử phái Thiên-tượng hô lớn:
    - Toàn thể đệ tử phái Thiên-tượng quỳ xuống!
    Mấy ngàn đệ tử Đại-lý nghe tôn sư của phái hô, họ không hiểu gì, nhưng cũng quỳ gối xuống. Đoàn Huy tay tiếp bọc nhiễu đỏ hô lớn:
    - Đệ tử kính cẩn cung nghinh thánh lệnh của Thiên-sơn lão tiên.
    Y tâu với Thuận-thiên hoàng đế:
    - Hôm trước, anh em hạ thần mười phần chết, mới có phần sống. Nhờ ân đức của hoàng thượng thoát khỏi hiểm nguy. Hôm nay lại được bệ hạ ban cho di vật của lão tiên. Thần xin vì bệ hạ, đi khắp nơi tuyên bố thánh đức.
    Nói rồi y quỳ gối lạy tạ. Thuận-thiên hoàng đế phất tay, một kình lực nhu hoà đỡ Đoàn Huy dậy. Ngài phán:
    - Hôm nay, chúng ta tụ họp ở đây, vì cùng là con cháu vua Trưng cả. Đoàn huynh không nên đa lễ.
    Ngài tiến tới trước mặt Kim-Sinh, tôn sư phái Cửu-long:
    - Kim huynh. Dù Chân-lạp, dù Chiêm-thành, dù Lão-qua, dù Ngô-Việt, dù Đại-lý, dù Đại-Việt, chúng ta đều là giòng giống Việt-thường, con cháu vua Hùng cả. Xưa vua Hùng phong cho con thứ hai mươi mốt đến ba mươi theo dấu chim nhạn vào tận cùng phía Nam lập ấp qui dân. Nay thành nước Chân-lạp. Hôm nay Kim huynh cùng chư huynh đệ phái Cửu-long về đây lễ Bắc-bình vương, đủ tỏ anh em Cửu-long không quên được nguồn gốc.
    Ngài cầm lấy hộp bọc nhiễu điều trên chiếc mâm do thái giám đội, mở ta. Bên trong lại một thanh kiếm nữa. Thanh kiếm này nhỏ, dài hơn thanh kiếm của Thiên-Sơn lão tiên một chút. Kim-Sinh liếc nhìn qua, thấy trên bao kiếm có khắc chữ Cửu-chân vương cạnh đó khắc cành hoa đào.
    Mắt Kim-Sinh muốn hoa lên. Vì trong mật dụ của phái Cửu-long chép rằng, tỗ xưa kia của phái là Đào Thế-Kiệt, sinh ra Bắc-bình vương Đào Kỳ. Lúc sinh thời, ngài dùng một thanh kiếm đánh Đông dẹp Bắc. Khi thành đại nghiệp, ngài được tôn lên ngôi Cửu-chân vương. Sau ngài vui mừng, cười mà qui tiên. Thanh kiếm đó về Đô Dương, người kế tục ngài trấn nhậm Cửu-chân. Sau khi Đô Dương tử trận, thanh kiếm này tuyệt tích.
    Kim Sinh nghĩ:
    - Thanh kiếm này vốn là linh vật của Đại-Việt, mà nay hoàng đế ban cho phái Cửu-long. Có nghĩa ngài công nhận nước Chân-lạp vẫn thuộc giòng giống Việt.
    Kim Sinh quỳ gối kính cẩn tiếp thanh kiếm. Khác với khi Đoàn Huy hành lễ, Thuận-thiên hoàng đế đỡ dậy không cho quỳ. Ngược lại ngài để Kim Sinh hành lễ. Đứng cạnh ngài có các thái tử. Các thái tử hiểu rằng ngụ ý phụ hoàng muốn nói: Chân-lạp vốn đất cũ, cùng giòng giống Việt-thường. Sau này ai được nối ngôi phải tìm cách thống nhất làm một.
    Thuận-thiên hoàng đế đến trước Chế Ma-Thanh, ngài cầm lấy tay y, bằng giọng ấm áp, ngài phán:
    - Xưa Quốc-tổ, Quốc mẫu sinh trăm con. Con lớn nhất được phong làm vua. Còn lại chín mươi chín người, mỗi người được phong một nơi. Hoàng tử thứ ba mươi mốt đến bốn mươi vượt núi vào Nam, lập ra nước Chiêm-thành. Chế huynh đệ, người nhỏ hơn ta đến mười tuổi, thì ta là anh, người là em. Một giải đất Chiêm-thành, dài từ Nghệ-an vào đến Chân-lạp, ta giao cho người. Chân-lạp vốn nhiều vàng, lắm ngọc, sông sâu, núi cao, biển rộng, người hãy đem hết tài năng ra phò tá huynh trưởng, để ghi danh thiên cổ. Bất cứ huynh đệ làm việc gì liên quan đến Đại-việt, Chân-lạp, Lão-qua, cũng đừng quên rằng chúng ta cùng một tổ.
    Ai nghe Thuận-thiên hoàng đế nói những lời đó đều tưởng những câu khuyên nhủ thông thường. Nhưng Chế Ma-Thanh đã từng hội họp với Triệu Thành tại Hồng-hương mật cốc. Y được phong Kiểm hiệu thái sư. Tĩnh hải tiết độ sứ. Đồng bình chương sự. Suy thành thuận hoá công thần. Chiêm-thành quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực phong ngũ thiên hộ. Cho nên khi nghe Thuận-thiên hoàng đế nhắn nhủ, y rùng mình, cảm thấy như mưu kế đã bại lộ.

  2. #122
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Thuận-thiên hoàng đế, trao cho y một hộp sơn son thiếp vàng. Y mở hộp ra, bất giác mồ hôi y xuất cùng mình, chân tay y bải hoải. Vì trong hộp có mười thoi vàng lớn, bốn đôi vòng đeo tay bằng hồng ngọc. Một cái vòng đeo cổ bằng vàng, nạm ba mươi sáu hạt kim cương lớn. Đây chính là lễ vật y dâng cho Triệu Thành. Trong hộp còn một phong giấy. Y mở ra coi, chính là tờ biểu, y gửi Triệu Thành tâu về Tống đế, trình bày mưu kế của y lật anh là Chế Ma-Huy, rồi đem quân đánh vào phía Nam Đại-việt. Y không hiểu sao, nay lại nằm trong cái quả này.
    Kinh hoàng y nghĩ:
    - Mình họp cùng Triệu Thành bí mật đến thần không biết, quỷ không hay. Mà sao Khu-mật viện nhà Lý lại biết tỏ tường. Vàng, ngọc, cùng tờ biểu này, chính tay Triệu Thành cất giữ, làm sao lọt vào tay Lý Công-Uẩn? Chỉ nguyên tờ biểu này, y có thể đem mình ra chặt đầu. Hoặc nếu y gửi cho hoàng huynh mình thì toàn gia mình đã bị tru lục rồi.
    Bất giác chân tay y bủn rủn cả ra. Y quỳ gối rập đầu binh binh liền tám lần:
    - Biên thần Nam phương tạ hồng ân của hoàng đế bệ hạ. Ân đức của bệ hạ rộng như trời như biển. Hạ thần dù thịt nát xương tan cũng không đủ đền ơn bệ hạ.
    Nguyên những thư tín, vàng ngọc của Chế Ma-Thanh dâng cho Triệu Thành. Trong lần từ Thiên-trường về Thăng-long, y đã bị Thanh-Mai sai tráng sĩ Thiên-trường lặn xuống sông, đột nhập thuyền ăn cắp về. Khai-quốc vương trình với Thuận-thiên hoàng đế, đem tặng lại cho y, để suốt đời y phải cúi đầu tuân lệnh Khu-mật viện Đại-Việt.
    Ngài đến trước Phủ-Vạn:
    - Phủ hoàng thúc. Hiện giờ bên Lão-qua, do ấu quân cai trị. Quyền hành đều nằm trong tay hoàng thúc. Tiếng rằng hoàng thúc ngồi dưới một người, mà thực ra ngồi trên trăm họ. Hoàng thúc tuy chưa làm vua, mà thực ra uy quyền đã hơn vua. Xưa Quốc-tổ cho các hoàng tử thứ bốn mươi mốt tới năm mươi vượt núi về phương Tây qui dân lập ấp. Nay thành Lão-qua. Lão-qua với Đại-việt cùng giòng giống vua Hùng cả. Hôm nay hoàng thúc tới đây dự lễ để tỏ lòng không quên nguồn gốc. Thực quý vô cùng. Ta có món quà tặng hoàng thúc.
    Ngài mở lồng bàn. Trên cái mâm, có hộp lớn sơn son thiếp vàng, ngoài đề chữ Hoàng-thúc Lão-qua. Phủ-Vạn mở ra. Bên trong có một tượng Phật bằng ngọc xanh biếc, lớn bằng cổ tay. Cạnh đó mười thỏi vàng với con voi bằng vàng, trên nạm hơn trăm hạt kim cương. Đây chính là lễ vật y gửi Triệu Thành về dâng cho vua Tống. Trong hộp còn trục giấy, cuộn tờ biểu y dâng vua Tống trình bầy kế hoạch lật đổ cháu, chiếm ngôi vua, rồi đem quân đánh vào vùng Thanh-hóa của Đại-việt.
    Y kinh hoàng, chân tay run lẩy bẩy, đầu gối nhũn ra. Y quỳ xuống rập đầu liền tám lần:
    - Hạ thần thọ hoàng ân trọng hơn núi. Kể từ nay, thần xin làm thân trâu ngựa theo hầu hoàng đế bệ hạ.
    Đợi cho Phủ-Vạn lạy xong, Thuận-thiên hoàng đế đến bên Trần Uy. Ngài nắm lấy tay ông, ân cần nói:
    - Khi xua Quốc tổ cho các hoàng tử thứ năm mươi mốt tới sáu mươi đến vùng Nam-hải phá rừng, lập ấp qui dân. Đời vua An-Dương, vua Trưng vẫn là Nam-hải. Ngài lại sai hoàng tử thứ sáu mươi mốt tới bẩy mươi lập ấp qui dân. Đời vua An-dương vua Trưng là Quế-lâm. Hơn trăm năm trước, anh hùng Quế-lâm, Nam-hải hợp sức với nhau lập ra nước Ngô-việt. Gần đây Ngô-việt bị Tống diệt. Tuy vậy, dân Ngô-việt vẫn không quên nguồn gốc mình gốc con cháu vua Hùng. Hôm nay Trần huynh cùng Tiền thái tử về đây lễ anh hùng thời vua Trưng. Mong rằng sau lễ trẫm sẽ được gặp Trần huynh để đàm đạo.
    Sau khi tặng quà hết tất cả mười sáu đại tôn sư, hoàng-đế hướng xuống quần hùng nói lớn:
    - Hôm nay giỗ một vị đại vương, ngài còn là một vị đại tôn sư võ học Lĩnh-nam. Trẫm...
    Một đoàn người ngựa rầm rập tiến vào khu lễ đài. Đi đầu có một tráng sĩ cầm lá cờ lớn, trên thêu chữ Đại-tống Bình-nam vương một lá cờ khác có chữ Thái-úy, tổng đốc binh mã, chưởng quản Khu-mật viện. Tiếp theo hơn mười người cỡi ngựa đi vào.
    Thanh-Mai nói với Mỹ-Linh:
    - Bọn Triệu Thành.
    Triệu Thành cỡi ngựa đi đầu, tiếp theo, bọn Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Minh-Thiên, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Triệu Anh, Triệu Huy, Quách Quỳ.
    Sư thái Tịnh-Tuệ, nhân danh ban tổ chức cùng hai nữ đệ tử Ngô Thuần-Trúc, Hàn Diệu-Chi tiến ra thi lễ:
    - Bần ni, chưởng môn phái Mê-linh, được võ lâm Đại-việt ủy cho tổ chức giỗ Bắc-bình vương năm nay. Bần ni xin các vị cho biết, các vị thuộc môn phái nào?
    Dư Tĩnh đáp:
    - Chúng tôi không thuộc phái võ cũng như bang hội nào của Giao-chỉ cả. Chúng tôi là sứ đoàn Thiên-triều qua quận Giao-chỉ.
    Nói rồi y giới thiệu từng người trong bọn. Cao nhất Triệu Thành, thấp nhất Quách Quỳ.
    Ngô Thuần-Trúc lễ phép đáp:
    - Thì ra các vị thuộc sứ đoàn nhà Đại-tống đấy. Nhưng thưa Triệu vương gia, đây là nơi võ lâm Đại-việt tổ chức giỗ tổ. Giỗ tổ chia ra làm năm ngày. Ngày thứ nhất dành cho võ lâm anh hùng. Ngày thứ nhì trở đi đành cho dân chúng. Các vị không phải võ lâm Đại-Việt, cũng không phải con dân Đại-Việt, các vị không thể vào đây.
    Vương Duy-Chính quát lớn:
    - Khắp thiên hạ, đâu cũng thuộc đất của thiên tử. Giao-chỉ là một quận của nhà Đại-tống, tức đất của thiên tử. Chúa ta lĩnh mệnh làm sứ thần, thay mặt thiên tử kinh lý Giao-chỉ, mà các người dám cấm ư?
    Ngô Thuần-Trúc vẫn ôn tồn:
    - Vương chuyển-vận-sứ nói sai rồi. Từ cổ, vua Đế-Minh đã cắt đất chia thiên hạ làm hai. Từ núi Ngũ-lĩnh về Bắc thuộc Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Văn-lang. Cương giới đã định, phong tục, luật pháp khác nhau. Có lý đâu đất Đại-việt chúng tôi thành một quận của Trung-quốc?
    Vương Duy-Chính đưa mắt cho Triệu Thành, rồi nói:
    - Nếu cứ biện luận theo kiểu này, không biết bao giờ cho dứt. Bây giờ chúng tôi lấy tư cách người võ lâm, đến đây dự lễ tiền nhân võ lâm có được không? Xưa kia Đào Kỳ được phong Hán-trung vương triều Hán. Vương gia của tôi là Bình-nam vương triều Tống. Người sau lễ người trước sự thường. Không lẽ các vị không cho?
    Hàn Diệu-Chi gật đầu:
    - Nếu tiền bối nói thế thì được. Anh hùng vốn của chung thiên hạ. Ai cũng có quyền vào lễ. Nào mời các vị.
    Vương Duy-Chính tự hào tiến sĩ xuất thân, ứng đáp nhanh, mà y cảm thấy thua kém một bước. Y muốn nhân danh võ lâm vào lễ, Diệu-Chi gọi ngay y bằng danh tự tiền bối, không còn gọi y là Chuyển-vận-sứ nữa. Y đành cùng Triệu Thành theo thầy trò Diệu-Chi vào lễ đài.
    Diệu-Chi cầm loa xướng ngôn:
    - Kính thưa chư vị anh hùng võ lâm Đại-việt. Đặc biệt giỗ Bắc-bình vương năm nay có nhiều cao nhân tiền bối võ lâm Trung-quốc tới lễ. Vị cao tăng mặc áo cà sa đại hồng là Minh-Thiên đại sư, thủ tọa Đạt-Ma đường phái Thiếu-Lâm.
    Nàng chỉ vài Đông-Sơn lão nhân:
    - Vị lão nhân đây là một trong Hoa-sơn tứ đại thần kiếm Đông-Sơn lão nhân. Vị trung niên này là Dư Tĩnh, đệ tử của người. Thiếu niên đi cạnh người là võ trạng nguyên Địch Thanh.
    Nàng chỉ vào Triệu-Thành:
    - Vị này là đại hiệp Triệu Thành, cao đồ của Minh-Thiên đại sư. Hai vị đi cạnh Triệu đại hiệp là hai trong Tung-sơn tam kiệt tên Triệu Anh, Triệu Huy.
    Nàng cố ý hạ Triệu Thành xuống sau Địch Thanh, coi như không cần biết đến cái tước Bình-nam vương của y. Nàng giới thiệu tiếp:
    - Vị này họ Vương tên Duy-Chính thuộc phái Võ-đang.
    Nàng xướng tiếp:
    - Tấu nhạc.
    Nhạc tấu vang lừng. Bất đắc dĩ Triệu Thành phải lên đài đốt hương. Nhưng y chỉ vái có một vái, rồi đứng sang bên cạnh nhường chỗ cho tùy tùng lễ. Đợi cho bọn tùy tùng lễ xong, y cất tiếng hỏi:
    - Trong buổi lễ hôm nay, ai có ngôi vị cao nhất?
    Nhật-Hồ lão nhân bước ra:
    - Chính lão phu. Không biết đại hiệp có điều chi thắc mắc?
    Việc Nhật-Hồ lão nhân mới tái xuất giang hồ, Triệu Thành chưa biết. Vì vậy y không rõ lão là ai. Y chỉ vào cây cờ bay phất phới, trên có hàng chữ:
    Đại-hội anh hùng võ lâm Đại-việt
    - Phải triệt hạ cây cờ này ngay tức khắc. Cây cờ mang giòng chữ phản nghịch như thế kia, mà để nguyên được ư?
    Nhật-Hồ lão nhân hỏi:
    - Xin Triệu đại hiệp cho biết thế nào là phản nghịch?
    Triệu Thành dõng dạc nói lớn:
    - Các người đây đều thuộc con dân Thiên-tử. Đất của các người chỉ có một quận Giao-chỉ, không hơn, không kém. Thế nhưng các người tiếm xưng Đại-việt. Như vậy không phản nghịch ư?
    Phạm Trạch từ dưới đài nhảy lên, trả lời thay cho sư phụ:
    - Triệu đại hiệp tới đây là khách, chúng tôi lịch sự, để các vị lên đài lễ tổ, đó là một điều thân thiện. Các vị chỉ lễ có một lễ, thực vô phép, không thể tha thứ. Đã vậy còn hống hách với chúng tôi. Bộ các vị chê gươm Đại-việt không sắc ư?
    Dư Tĩnh quát lớn:
    - Các người định đùng số đông áp chế chúng ta ư? Ta đến đây là khách. Các người là chủ. Lớn tiếng đe dọa khách phải chăng chủ trương của võ đạo Giao-chỉ? A ha, hậu thế của Đào Kỳ, Phương-Dung không ngờ hèn quá!
    Tại khán đài phái Đông-a, Tôn Đản cười khoan khoái:
    - Bọn Triệu Thành sắp đánh nhau với bọn Nhật-Hồ rồi. Kể ra bọn Nhật-Hồ tuy ác độc, tà ma, ngoại đạo, tham quyền, ngu dốt, nhưng được cái chúng yêu nước. Hôm trước mình bắt được Nhật-Hồ lão nhân, Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn, Đặng Trường, Nguyễn Chí. Chỉ cần tung mẻ lưới, vây Ngọc-lan đình, có vồ, giam trọn bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo, coi như dẹp yên cái mầm mống kinh tởm này. Nhưng anh cả cho rằng diệt bọn Hồng-thiết như vậy, uổng mất lòng yêu nước của chúng. Cần thả Nhật-Hồ lão nhân ra dùng lão cùng bọn giáo chúng đối phó với bọn Tống. Anh cả bầy kế cho Nhật-Hồ lão nhân ngồi chủ vị hôm nay, để lão phải đứng ra đối đầu với bọn Triệu Thành. Ta cứ việc ôm gối ngồi cao.
    Trong mười trưởng lão của Hồng-thiết giáo Đại-việt, mỗi người đều có một đường lối hoạt động riêng. Chống Trung-quốc bằng tất cả mọi khả năng như Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, Nguyễn Chí, Phạm Trạch, Lê Đức, Phạm Hổ. Đối với năm người này, cái gì của Trung-quốc cũng xấu hết. Đến độ văn hoá chung của Hoa-Việt như lịch số, thiên văn, y học, Phật-giáo, họ cũng bài xích, muốn xóa bỏ hết. Trong khi cầm quân tranh dành thời Thập-nhị sứ quân, khi họ tới đâu có người Hoa ắt thẳng tay tàn sát. Họ quên mất rằng những triều đại Tần, Hán, Đường, Tống đem quân sang đánh Đại-việt do bọn vua quan ác độc. Chứ dân Hoa với Việt vốn cùng một tổ, đâu có thù hằn gì nhau! Những người Hoa sống ở đất Việt, họ càng đáng thương, vì phải chạy trốn bọn vua chúa tàn bạo, mà rời quê hương ra đi. Tuy chủ trương như vậy, nhưng đối với Hồng-thiết giáo cả sáu người đều trung thành.
    Ngược lại Hoàng Văn vốn người Việt gốc Hoa. Y mang hai giòng máu Hoa-Việt. Đúng ra, với địa vị của y. Y phải dung hoà những mâu thuẫn Hoa-Việt. Y lại thiên hẳn về phía Hoa, đào thêm hố chia rẽ hai dân tộc. Y vốn người của Khu-mật viện nhà Tống sai sang Đại-Việt, tổ chức người Hoa thành đội ngũ, để chờ quân Tống sang, làm nội ứng. Y được phong tước Cổ-loa hầu, phó đô nguyên soái. Chính y dẫn dụ bọn Hoàng Liên theo Tống. Vì vậy, khi y bị Mỹ-Linh đánh bại, bị bắt, Khai-quốc vương không giết y. Vương muốn dùng y như một chứng cớ, tố giác âm mưu bọn Triệu Thành.
    Đặng Trường vốn xuất thân họ Trần. Sau vì ông tổ ba đời phạm tội, phải cải sang họ Đặng. Y xuất thân trong gia đình vọng tộc, tương đối có kiến thức rất rộng. Thủa thơ ấu, y theo Nhật-Hồ lão nhân sang Trung-nguyên, học võ công Trung-nguyên, cho nên y không chống Trung-quốc. Nhưng rất trung thành với Hồng-thiết giáo Đại-việt.
    Đỗ Xích-Thập quả thực ngu dốt nhất trong bọn mười trưởng lão Hồng-thiết. Y xuất thân đệ tử phái Tản-viên. Nhưng vì làm những điều ô danh môn hộ, bị đuổi ra khỏi môn phái, y theo Hồng-thiết giáo. Nhân khi Nhật-Hồ lão nhân bị bọn Lê Ba, Vũ Nhất-Trụ giam dưới hầm. Y tưởng lão chết rồi. Y muốn làm giáo chủ, nhưng quá dốt, nên y đi tìm thế dựa bằng cách theo tên Hoàng Văn, có thể mượn thế Tống triều.
    Nhật-Hồ lão nhân bị giam hai mươi năm, lão mới ra tù, không biết gì đến những thay đổi của đám đệ tử. Từ trước đến nay, võ lâm Đại-Việt cho lão là bọn tà ma, ác quỷ. Không bao giờ Hồng-thiết giáo được mời tham dự những cuộc tế lễ anh hùng. Hôm nay không những lão được mời mà còn được võ lâm Đại-việt cho ngồi vào ghế chủ vị, một ghế cao nhất của các tôn sư. Đến nằm mơ lão cũng không ngờ tới mình lại được danh dự cao như vậy.
    Bây giờ, thình lình bọn Triệu Thành tới quấy phá buổi lễ. Lão là chủ vị, bổn phận lão phải đứng ra đối phó. Bọn đệ tử chống Trung-quốc của lão chỉ thiếu Vũ Nhất-Trụ, không biết Khu-mật viện giam đâu. Còn tất cả đều có mặt. Lê Ba đội lốt đạo sĩ Dương Ẩn, y quên mất mình ở vị tôn sư của phái Sài-Sơn. Y đứng dậy chỉ vào mặt Dư Tĩnh:
    - Chúng ta đang hội nhau, tưởng nhớ công ơn võ lâm tiền bối. Bất cứ kẻ nào đến đây gây rối, chúng ta đều giết sạch. Mi là ai, ta không cần biết. Dù mi có là Ngọc-Hoàng đại đế, Thập-điện Diêm-La cũng phải biết điều.
    Khai-quốc vương đứng hầu bên cạnh phụ hoàng. Vương nghĩ thầm:
    - Ta cần phải đổ thêm dầu vào cho hai bọn này chém giết nhau.
    Nghĩ vậy vương hướng vào Dương Ẩn:
    - Dương đạo sư. Vị này là một đại thần của triều Tống đấy. Về võ, người thuộc phái phái Hoa-sơn, về văn người xuất thân tiến sĩ.
    Dương Ẩn trở lại bình tĩnh:
    - Dù cho Triệu Khuông-Dẫn tới đây cũng phải biết điều, chứ cái thứ tép riu, cá lòng tong này mà cũng hạch sách chúng ta ư?
    Triệu Khuông-Dẫn là thái tổ nhà Tống. Khắp Trung-quốc không ai được nhắc đến tên tục này. Bất cứ người nào nhắc đến bị ghép phạm tội đại bất kính, bị đem chém. Nay Dương Ẩn công khai nhục mạ trước chỗ đông thì còn gì thể thống thiên triều?
    Triệu Thành giận quá, chân tay y run bần bật. Nhưng y không dám cho tùy tùng xử dụng võ công. Vì y biết rằng xử dụng võ công ở đây có khác gì tự tử? Y dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Địch Thanh:

  3. #123
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    - Địch trạng nguyên, kể từ giờ phút này, bất cứ kẻ nào làm nhục thiên triều, trang nguyên phải kiềm chế cho chúng biết oai Trung-quốc.
    Chợt nhìn thấy Thuận-thiên hoàng đế. Y lớn tiếng:
    - Nam-bình vương! Vương gia nhận sắc phong của thiên triều, trấn ngự phương Nam, mà để cho người ta đem húy của đức thái tổ ra nhục mạ thế ư?
    Thuận-thiên hoàng đế mỉm cười:
    - Triệu đại hiệp. Đại hiệp là ái đồ của viện trưởng viện Đạt-ma phái Thiếu-lâm, không lẽ không biết luật lệ võ lâm? Tại hạ đến đây với tư cách đệ tử phái Tiêu-sơn, chứ không phải với tư cách ông vua. Trên đài này, toàn các tôn sư võ phái của giòng giống Việt. Vai vế tại hạ rất nhỏ. Người có quyền, vai vế cao nhất ở đây chỉ có Nhật-Hồ tiên sinh. Đại hiệp gặp điều gì không vừa lòng, cứ khiếu nại với tiên sinh hay hơn.
    Nhật-Hồ lão nhân nghe Thuận-thiên hoàng đế đề cao vai trò của mình, lão hãnh diện, sung sướng ra mặt. Lão đưa mắt nhìn các đệ tử, ngụ ý bảo : « Các người hành động đi chứ? »
    Đỗ Xích-Thập, Hoàng Liên đều nhận sắc phong của Tống. Họ cùng nghĩ rằng: Vạn nhất xẩy ra động thủ, chắc chắn bọn Triệu Thành bị nguy. Bấy giờ không lẽ hai người ngồi nhìn? Mà ra tay viện trợ, e mất mạng. Hoàng Liên vốn người xảo trá bậc nhất. Y thị đứng lên, nói với Triệu Thành:
    - Bình-nam vương gia. Không hiểu cây cờ đây có gì lạ, mà vương gia kết tội chúng tôi bạo nghịch?
    Triệu Thành bình tĩnh trở lại. Y chỉ cây cờ, dõng dạc nói:
    - Võ công các vị dù cao đến đâu, nhưng vẫn phải tuân theo luật lệ của thiên tử. Thiên-tử phong cho Lý Công-Uẩn làm Giao-chỉ quận vương cai quản quận Giao-chỉ, gồm đất từ phía Nam Lưỡng-Quảng, cho đến quận Chiêm-thành. Các vị sống trong đất Giao-chỉ cùng như sống tại Trung-nguyên. Các vị không thể tiếm danh từ một quận, xưng lên một nước. Cây cờ này phải hạ xuống, bỏ chữ Đại-việt đi, thay vào đó bằng chữ Giao-chỉ.
    Triệu Thành cảm thấy dường như kế hoạch của y với Duy-Chính phác hoạ cùng Hoàng Văn ở Cổ-loa bị lộ. Bây giờ sự tình biến đổi đảo lộn hết. Đúng chương trình, sau khi Thuận-thiên hoàng đế đến lễ. Triệu Thành xuất hiện, nhân danh sứ thần thiên triều, thống trách hai việc. Một, tiếm xưng hoàng đế. Hai, tiếm đùng quốc hiệu Đại-việt. Triệu Thành bắt Thuận-thiên hoàng đế theo đúng chiếu chỉ thiên triều, trở lại với tước Nam-bình vương, bỏ niên hiệu Thuận-thiên. Đồng thời bỏ quốc hiệu Đại-việt, trở lại với tên quận Giao-chỉ. Võ lâm Giao-chỉ muốn « được » mang tên Đại-việt, cùng dùng niên hiệu, Thuận-thiên hoàng đế phải thoái vị, nhường ngôi cho Nam-quốc vương triều Lê tức Hồng-Sơn đại phu.
    Sau đó Thành bỏ đi. Bấy giờ bọn Hoàng Văn, Xích-Thập, Hoàng Liên, Nùng Dân-Phú xúm vào thống mạ Thuận-thiên hoàng đế hèn nhát, làm mất quốc thể, bắt phải thoái vị trả ngôi vua về cho Hồng-Sơn đại phu. Nếu ngài chịu thoái vị, Hồng-Sơn đại phu lên ngôi vua. Triều đình văn võ bá quan người bỏ đi, người ngơ ngác. Trong khi võ lâm chia năm xẻ bẩy. Đúng lúc đó, Tống, Chiêm, Lào đem quân vào.
    Ngược lại Thuận-thiên hoàng đế không chịu thoái vị, Hồng-Sơn đại phu sẽ được phái Đông-a phò trợ, khởi binh. Phái Mê-linh đã vào tay Hoàng Liên. Phái Tản-viên vào tay Đỗ Xích-Thập cùng nổi lên tiếp tay. Đợi cho người Việt tàn sát nhau, cuối cùng dù bên nào thắng, Tống cũng đem quân vào. Hoàng Văn sẽ cùng đoàn ngũ người Hoa nổi lên tiếp ứng.
    Như vậy cả hai trường hợp, Tống chiếm Đại-Việt xong, sẽ thừa thế chiếm Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp. Bờ cõi phương Nam mở rộng. Bấy giờ có thừa lương thực, cùng binh sĩ, đem lên chiếm Đại-lý. Đại-lý chiếm rồi, thanh thế Tống lớn vô cùng, chỉ đánh một tiếng trống là chiếm được Liêu, Tây-hạ.
    Thế nhưng, bây giờ sự thể đổi khác. Từ hai ngày qua Triệu Thành tìm Hoàng Văn khắp mà không thấy. Nhà của y bị giáp binh chiếm đóng. Tìm Hoàng Liên, Xích-Thập cũng biệt tăm.
    Triệu Thành thấy mười sáu đại tôn sư võ lâm đang ngồi trước mặt. Trong đó có Xích-Thập với Hoàng Liên. Còn lão già Nhật-Hồ, Thành không biết lý lịch.
    Nghe Triệu Thành nói, Dương Ẩn (Lê Ba) cười nhạt:
    - Triệu đại hiệp nói nghe cũng lạ tai. Từ cổ, giữa Lĩnh-nam với Trung-nguyên cương giới đã phân, văn hoá, phong tục có khác. Trung-quốc là Trung-quốc. Đại-việt là Đại-việt. Đại-việt có bắt Trung-quốc phải bỏ tên Trung-quốc để đổi thành Liêu-đông, Quan-ngoại đâu? Tại sao Trung-quốc bắt Đại-việt phải đổi thành Giao-chỉ? Đương kim hoàng đế Tống triều lấy hiệu Thiên-thánh hoàng đế. Đại-việt nào có bắt Thiên-thánh hoàng đế bỏ niên hiệu để trở thành Biện-lương quận vương đâu mà Trung-quốc bắt hoàng đế Đại-việt bỏ niên hiệu Thuận-thiên để trở thành Giao-chị quận vương?
    Y ngừng lại một lát rồi tiếp:
    - Tôi nghĩ, rừng nào, cọp ấy. Trung-quốc có vua Trung-quốc. Đại-việt có vua Đại-việt. Nước sông, nước giếng không ai phạm vào ai sẽ tốt đẹp mọi bề. Các vị là sứ đoàn sang Chiêm-quốc, trở về ngang Đại-việt, đến dự lễ anh hùng nước tôi. Chúng tôi xin kính mời quý vị uống ít chung rượu rồi lên đường cho.
    Vương Duy-Chính thấy Dương Ẩn ngồi sau cây cờ trên thêu hình một kỵ mã. Con ngựa phun ra lửa, y biết Ẩn thuộc phái Sài-sơn. Y nghĩ thầm:
    - Lạ thực. Ta đến đây với mục đích ép Lý Công-Uẩn thoái vị, trả ngôi vua cho chưởng môn phái Sài-sơn Hồng-Sơn đại phu. Tại sao tên đạo sĩ này vốn người của phái Sài-sơn lại làm khó dễ ta?
    Vương Duy-Chính không hiểu cũng phải. Vì ngoài Khu-mật viện Đại-việt, không ai biết chân tướng cùng nguồn gốc của Dương Ẩn. Không ai có thể ngờ Dương Ẩn trong lớp áo đạo sư, thái thượng chưởng môn phái Sài-sơn lại âm thầm theo Hồng-thiết giáo, leo tới chức trưởng lão. Võ công Dương rất cao thâm, ngôi sư thúc của Hồng-Sơn đại phu, một trong Đại-việt ngũ long. Ngoài ra đạo sư Dương Ẩn ít khi xuất hiện. Nên chỉ những đệ tử thân tín mới biết mặt.
    Còn Lê Ba, một ma đầu hạng nhất, nổi tiếng giết người không gớm tay. Giáo-chúng Hồng-thiết cho y cái tên con quỷ dâm dục. Khi y nhìn thấy một người đàn bà nào, mà y nảy lòng ham muốn. Y phải tìm đủ mọi cách để giao hoan cùng người đàn bà đó, với bất cứ giá nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh. Y không từ bất cứ người đàn bà nào, dù vợ của thuộc cấp, chị dâu, con dâu. Tuy dốt nát, dâm đãng cùng cực, nhưng mưu đồ của y rất lớn. Y muốn trở thành giáo chủ Hồng-thiết giáo. Nhưng Hồng-thiết giáo bị võ lâm coi như bọn tà ma ngoại đạo. Trong thâm tâm, y tưởng rằng Sài-sơn thế mạnh, ân nhiều, khắp Đại-việt tôn phục vì, sáng tổ là Phù-đổng Thiên-vương. Trong phái, y đóng vai hiền lành đạo đức. Sau này y có lên ngôi giáo chủ, ai dám dị nghị về đạo hạnh của y.
    Hồng-Sơn đại phu nguyên là Nam-quốc vương Lê Long-Mang, ngoài phu nhân ra chỉ duy sư phụ của ông biết thôi. Khi sư phụ của ông từ trần, truyền ngôi chưởng môn cho ông, bị nhiều kẻ chống đối. Ông phải thố lộ lý lịch của ông với sư thúc Dương Ẩn, để nhờ Dương Ẩn giúp đỡ ông. Chính vì thế Dương Ẩn nắm được yếu điểm của ông. Y tự tin, y nắm được cả Hồng-thiết giáo lẫn phái Sài-sơn, rồi đi tới chỗ thống lĩnh võ lâm.
    Thế rồi Hồng-Sơn đại phu ngày càng nổi tiếng. Tài năng càng tăng, khắp nơi đều kính nể. Y muốn khống chế ông thực muôn lần không được. Sau y nghĩ ra một kế, bắt cóc phu nhân của ông là Vũ Thiếu-Nhung, cho Nhật-Hồ lão nhân dùng làm cây thuốc luyện công. Rồi sau đó gài cho truyện này vỡ lở ra. Đương nhiên Hồng-Sơn đại phu phải từ chức và truyền ngôi chưởng môn cho y.
    Khi gài bẫy cho Vũ Nhất-Trụ xuống thăm Nhật-Hồ lão nhân, y những tưởng xông thuốc mê, giam Nhất-Trụ lại, rồi đem Vũ Thiếu-Nhung ra doạ Hồng-Sơn đại phu. Y đương nhiên thống lĩnh đệ tử phái Sài-sơn. Trong đại hội võ lâm này, y cho Lê Đức thống lĩnh giáo chúng dự đại hội. Y sẽ đứng ra khuyên Lê Đức cải tà quy chánh. Lê Đức giả quy thuận phái Sài-sơn. Hồng-thiết giáo đang bị coi như tà ma ngoại đạo, trở thành đệ tử phái Sài-sơn đạo đức nhất nước.
    Nào ngờ Nhật-Hồ lão nhân được Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu ra. Khai-quốc vương phóng thích lão. Lão xuất hiện, tha thứ hết tội lỗi cho bọn đệ tử. Bao nhiêu công trình của Lê Ba đều ra mây khói. Cho đến giờ này, quần hùng vẫn chưa biết Lê Ba với Dương Ẩn là một.
    Vương Duy-Chính gật đầu:
    - Những điều Dương đạo sư nói chẳng qua thuộc lý. Lý đó đã mất từ lâu rồi. Thời Tần Thủy-Hòang, vua An-dương sai sứ giả sang tiến cống xưng thần, được phong chức tước. Từ đấy, đất phía Nam thành quận huyện của Trung-quốc. Đến khi Triệu Đà thắng An-dương. Y cũng phải phục tùng, tiến cống xưng thần. Sau này con Đà xin về kinh làm việc, xóa bỏ lĩnh địa Nam-việt. Đến cuối thời Đông-hán, nhân Vương Mãng soán vị ở Trung-quốc, Trưng Trắc nổi lên làm loạn ở Lĩnh-nam.
    Bỗng thấp thoáng, Vương Duy-Chính bị một người tát vào mặt bốp bốp hai cái. Khi y vung tay đỡ, người kia đã lùi lại. Mọi người nhìn xem ai đánh Vương, thì ra Lê Đức. Lê Đức chỉ tay vào mặt Vương Duy-Chính:
    - Trước bàn thờ anh hùng Lĩnh-nam, mà mi dám kêu tên húy của vua Bà ra ư? Cho mi hai cái tát, để liệu mà giữ mồm.
    Đúng ra bản lĩnh Vương Duy-Chính ngang với bọn trưởng lão Hồng-thiết. Nhưng vì trong khi y mãi nói, Lê Đức xuất thủ mau quá, y phản ứng không kịp. Y chửi thề:
    - Võ công đánh trộm mà cũng dương danh ư? Đẹp mặt chưa? Các hạ cho biết cao danh.
    Sư thái Tịnh-Tuệ đáp:
    - Người này là đệ tử thứ tám của Nhật-Hồ lão nhân. Hiện giữ chức trưởng lão của Hồng-thiết giáo.
    Vương Duy-Chính giận căm gan, nhưng y phải ngậm miệng. Y tiếp:
    - Kể từ sau khi Trưng thị bị bại, đất Giao-chỉ lại thuộc về Trung-quốc. Mãi gần đây, thiên triều bận việc ở phương Bắc, mới phong cho Lê Hoàn làm Giao-chỉ quận vương. Con Hoàn là Long-Đĩnh nối ngôi. Y hoang dâm quá, bị bệnh không ngồi được, phải nằm mà thiết triều. Người Việt gọi y bằng Ngọa-triều. Ngọa-triều chết, con còn nhỏ, thiên triều chỉ dụ tìm con trai Lê Hoàn cho kế vị.
    Y ngừng lại, đưa mắt cho Triệu Thành. Triệu Thành tiếp:
    - Nhưng Lý Công-Uẩn âm mưu với Đào Cam-Mộc, Thân Thiệu-Anh tâu rằng Lê Hoàn không còn một người con nào cả. Thiên triều thể theo đó, thuận cho Công-Uẩn tạm làm Giao-chỉ quận vương, để chờ tìm ra con Lê Hoàn sẽ trả ngôi vua về cho. Còn nếu không tìm được, chờ đến khi con Ngọa-triều lớn, sẽ nối ngôi cha. Không may con Ngọa-triều chết.
    Y ngừng lại một lát, đưa mắt nhìn khắp cử toạ một lượt, rồi tiếp:
    - Lý Công-Uẩn lên làm vua đã mười tám năm. Thiên triều năm lần bẩy lượt thúc dục y tìm kiếm con cháu nhà Lê. Y đều trả lời rằng không còn. Thiên triều luôn luôn tưởng nhớ đến Lê Hoàn đã tiến cống xưng thần trong bao năm, không hề lỗi đạo, nên vẫn cố công tìm kiếm con cháu kẻ cô trung. Hay đâu trời không phụ người. Cô gia mới tìm ra được con thứ của Lê Hoàn.
    Hồng-Sơn đại phu là Lê Long-Mang rất ít người biết. Vì vậy khi nghe đến con thứ của vua Lê Đại-Hành còn sống, họ đều im lặng chờ xem là ai.
    Triệu Thành tiếp:
    - Người đó tên Lê Long-Mang, tước phong Nam-quốc vương. Vương ẩn thân ở thôn dã. Về võ công, danh vương lừng lẫy Giao-chỉ. Về ân đức, vương trải khắp Hoa-Việt. Vương xứng đáng làm vua đất Việt.
    Chờ cho mọi người ngơ ngác một lúc, Triệu-Thành chỉ xuống khán đài phái Sài-Sơn:
    - Vương chính thị Hồng-Sơn đại phu.
    Mọi người đều bật lên tiếng ái chà, « ồ » kinh ngạc.
    Triệu Thành lớn tiếng:
    - Thiên triều quyết định hưng diệt, kế tuyệt, cho nên phái cô gia đến đây, để thương lượng với anh hùng Lĩnh-nam rằng: Lý Công-Uẩn phải thoái vị, để trả ngôi vua về cho họ Lê, thiên triều để yên. Bằng không, đại quân Lưỡng-Quảng trên sáu mươi vạn theo đường bộ tiến sang. Thủy quân vùng Mân-Quảng hơn mười vạn sẽ đổ bỗ vào vùng Thanh-Nghệ. Quân Chiêm từ trong tiến lên. Quân Lào từ Tây kéo qua, quyết dẹp Lý Công-Uẩn.
    Y ngừng lại một lát rồi dõng dạc:
    - Khổng-tử nói « Binh đao là hung khí, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng ». Nhưng nếu thiên triều không diệt Lý Công-Uẩn, e bọn phản thần tặc tử Trung-quốc sẽ noi gương. Anh hùng, võ lâm Đại-việt chọn Lý tức chọn chiến tranh. Chọn Lê có hòa bình. Chọn Lý chỉ có quận Giao-chỉ, với tước Giao-chỉ quận vương. Phải, bỏ quốc hiệu Đại-việt, bỏ niên hiệu Thuận-thiên hoàng đế. Chọn Lê có quốc hiệu Đại-Việt, với niên hiệu của hoàng đế. Trung-quốc, Đại-Việt kết anh em, đời đời kết thân trong thế môi hở, răng lạnh.
    Lê Đức có học nhất trong đám đệ tử Nhật-Hồ. Y hỏi:
    - Lê làm vua hay Lý làm vua cũng là việc riêng của Đại-việt chúng tôi. Các vị không có quyền xen vào. Các vị hăm mang quân sang đánh ư? Các vị đừng quên hai lần sông Bạch-đằng xác đến giờ chưa tiêu hết. Núi xương ở Chi-lăng vẫn còn đó. Chúng ta há sợ sao? Các người kết tội Lý cướp sự nghiệp của Lê Hoàn. Thế còn Triệu Khuông-Dẫn cướp sự nghiệp của Sài Vinh thì sao? Nói mà không sờ lên gáy.
    Địch Thanh lạng người chặt vào vai Lê Đức. Lê Đức trầm vai tránh khỏi. Địch Thanh chuyển tay thành trảo chụp vào ngực y. Lê Đức xuống trung bình tấn tay trái gạt tay Địch Thanh, tay phải xỉa vào ngực. Địch Thanh thu tay lại, chân quét một cước. Lê Đức nhảy lên cao, phóng vào cổ, mặt y hai cước.
    Địch Thanh đẩy lên cao một chưởng. Chưởng phong bao trùm khắp lễ đài. Lê Đức ở trên cao đá gió một cái, y đáp xuống dưới đài. Y cười lớn:
    - Tên bé con Địch Thanh kia. Ta sợ chạm đến bài vị anh hùng Lĩnh-nam, nên nhường mi. Mi có giỏi xuống đây chọi với ta ngàn chiêu.
    Phạm Trạch cười hích hích, hai môi y rung động như hai quả chuối đen trên mặt:
    - Hôm nay chúng ta giết sạch mấy tên Tống này, lấy gan tế Bắc-bình vương.
    Giáo chúng Hồng-thiết giáo rút vũ khí ra loảng xoảng.

  4. #124
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669

    Thuận Thiên Di Sử-Hồi 29 : Quốc Hiệu Đại Việt

    Thuận Thiên Di Sử

    Hồi 29

    Quốc Hiệu Đại Việt
    -----

    Thấy nguy, Minh-Thiên đại sư để tay trước miệng hú lên một tiếng vang vang, inh tai nhức óc. Nhưng người công lực thấp phải bịt tai lại, mới đứng vững. Đợi cho giáo chúng Hồng-thiết giáo nghiêng ngả, Minh-Thiên mới ngừng. Ông nói lớn:
    - Các vị định đùng số đông hiếp chế bọn bần tăng ư?
    Khai-Quốc vương nghĩ được một kế. Vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Trần Tự-An. Tự-An mỉm cười bước ra, hướng Minh-Thiên xá một xá:
    - Đại sư! Tại hạ xin mạn phép đề nghị một giải pháp. Mong đại sư nhận cho.
    Minh-Thiên nghĩ rằng Tự-An thân với Hồng-Sơn đại phu, giải pháp đó hẳn có lợi cho Tống. Ông bình tĩnh:
    - Mong đại hiệp chỉ dạy.
    Tự-An hướng Nhật-Hồ lão nhân:
    - Giáo-chủ! Hôm nay giáo chủ ngồi chủ vị của võ lâm Đại-Việt. Mọi trách vụ do giáo chủ. Các vị võ lâm Trung-quốc quả có nhiều điều vô lễ trước bàn thờ tổ. Tội đó khó tha. Vậy tiểu bối đề nghị thế này. Bên Tống cử ra ba người đấu với ba người bên Đại-Việt. Nếu Tống thắng hai, thì giáo chủ tha cho họ về nước. Còn như ta thắng hai, họ phải quỳ gối trước bàn thờ Bắc-bình vương lễ đủ tám lễ, rồi mới cho về. Sau nữa tuyệt đối không được can thiệp vào việc quốc hiệu, niên hiệu Đại-Việt bữa.
    Nhật-Hồ lão nhân được chưởng môn phái Đông-a cung kính tôn làm chủ vị. Lão sướng quá gật đầu:
    - Triệu đại hiệp, xin đại hiệp cử ra ba người đi.
    Triệu Thành đưa mắt cho đám bộ hạ, rồi nói:
    - Cô gia cử ba người ra lĩnh giáo võ công Giao-chỉ. Người đầu tiên sư phụ tại hạ, Minh-Thiên đại sư. Người thứ nhì là Đông-Sơn lão nhân sẽ lĩnh giáo kiếm pháp Giao-chỉ. Người thứ ba trạng nguyên Địch Thanh. Không biết bên Giao-chỉ, ai sẽ ra đấu?
    Nhật-Hồ lão nhân bị giam hai mươi năm, lão không biết sở trường, sở đoản của anh hùng Đại-việt. Lão nghĩ:
    - Đã thế mình chỉ dùng người của Hồng-thiết giáo. Như vậy sau trận này anh hùng thiên hạ sẽ phải khuất phục giáo phái ta đơn phương đánh đuổi bọn Tống. Ta thừa sức hạ lão thầy chùa Minh-Thiên kia rồi. Còn lại Hoàng Liên xuất thân phái Mê-linh, không biết có đàn áp được lão Đông-Sơn không? Còn thằng Địch Thanh này, Nguyễn Chí thừa khả năng đàn áp y.
    Lão vuốt râu mỉm cười:
    - Như vậy còn gì bằng? Lão phu xin lĩnh giáo những cao chiêu của Thiếu-lâm thần tăng. Còn Hoàng Liên sẽ lĩnh giáo kiếm thuật của Đông-Sơn lão nhân. Địch trạng nguyên còn trẻ, phải có người trẻ lĩnh giáo. Trong các đệ tử của lão, Nguyễn Chí trẻ nhất, sẽ xin hầu tiếp Địch trạng nguyên. Không biết bên quý vị ai sẽ xuất thủ trước.
    Sư thái Tịnh-Tuệ nhân danh trưởng ban tổ chức, bà nói:
    - Trên lễ đài này chỉ dành cho đại tôn sư của môn phái, bang hội. Sứ đoàn qua đây, chúng tôi coi như một môn phái. Vậy mời Triệu vương gia ngồi trên lễ đài. Còn tất cả các vị xin xuống khán đài. Bần ni đã dành một chỗ quý trọng cho các vị.
    Triệu Thành đưa mắt cho bộ hạ. Từ Minh-Thiên đến Quách Quỳ đều xuống khán đài ngồi.
    Vương Duy-Chính biết bọn Hồng-thiết giáo sở trường về dùng độc. Y ngăn trước:
    - Tại hạ cũng xin đưa ra thể lệ cuộc đấu. Điều thứ nhất tuyệt đối không dùng thuốc độc, độc chưởng, ám khí. Điều thứ nhì, người ngoài không được trợ giúp. Nếu bên nào phạm vào, coi như bị thua. Điều thứ ba, ai rơi xuống đài, cũng coi như bị thua.
    Thanh-Mai than thầm:
    - Mụ Hoàng Liên nhận chức tước của triều Tống. Không chừng mụ giả thua Đông-Sơn lão nhân, để tha cho bọn Triệu Thành về. Phải làm cách nào giải quyết đây?
    Vương Duy-Chính nói với Địch Thanh:
    - Địch trạng nguyên hãy lĩnh giáo cao chiêu của đệ ngũ trưởng lão Hồng-thiết giáo đi.
    Địch Thanh dạ một tiếng, y tiến đến giữa đài, khoanh tay chờ. Nguyễn Chí từ dưới đài tung mình lên đứng đối diện với Địch Thanh. Hai bên chưa ai muốn xuất thủ trước.
    Ở dưới khán đài, Triệu Huy nhìn thấy Đoàn Huy ngồi trong đám tôn sư võ học. Bây giờ y mới tỉnh ngộ:
    - Thì ra bọn phóng độc ta ở trên sông Hồng-hà là một môn phái võ của Giao-chỉ. Tên cầm đầu ngồi kia, chắc y thuộc loại đại tôn sư. Bọn ta bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, dùng thuốc của Hoàng Văn tạm thoát chết. Còn phấn độc như con quỷ đòi mạng đe dọa bấy lâu. Ta ra công tìm chúng, đòi thuốc giải mấy tháng nay đều tuyệt vô âm tín. Bây giờ không tìm lại thấy nó ngồi ngay trước mắt.
    Triệu Huy tung người người lên đài, chỉ tay vào mặt Đoàn Huy:
    - Thì ra mi! Mi cũng có mặt ở đây sao? Chúng ta tìm mi suốt mấy tháng nay. Thực ông trời có mắt. Hôm nay mi còn trốn được nữa không?
    Nói rồi y nhảy đến vồ Đoàn Huy

  5. #125
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Cao Huyền-Nga giả làm một nữ đệ tử phái Đông-a. Bà đã hóa trang thành người có khuôn mặt khác hẳn, để tránh tai mắt bọn Hồng-thiết giáo. Bà ngồi im, quan sát các biến chuyển, nghe hai con, cùng các bạn đàm đạo. Bà thấy con trai không hiểu gì về Nguyễn Chí, bây giờ bà mới lên tiếng:
    - Trước đây Nguyễn Chí từng thống lĩnh giáo-chúng vùng Cửu-chân một thời gian dài. Vì vậy y học được mấy chiêu võ công Cửu-chân. Còn nội công thực không rõ.
    Trần Kiệt bảo Tôn Đản:
    - Cháu len lỏi lại chỗ Hồng-thiết giáo, tìm cách mách cho Nguyễn Chí xử dụng võ công Cửu-chân, mới hy vọng thắng Địch Thanh. Cơ chừng này, chỉ mấy chục chiêu nữa Nguyễn Chí bại đến nơi rồi.
    Tôn Đản đứng lên. Nó cùng Tự-Mai chạy lại chỗ giáo chúng Hồng-thiết. Không khó khăn, nó tìm ra chỗ đứng của Phạm Trạch. Thấy Phạm Trạch đang nói truyện với Phạm Hổ, Lê Đức. Tự-Mai nói thầm với Tôn Đản:
    - Đản này, hôm trước chúng ta cùng chị Mỹ-Linh đi cứu bá mẫu. Vô tình được biết mặt hết bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Nhưng bọn chúng lại không biết mặt chúng mình. Trong mười tên trưởng lão Hồng-thiết giáo, chỉ duy hai tên Vũ Nhất-Trụ, Nguyễn Chí đã biết mặt anh em mình hôm dự cuộc thẩm vấn chúng tại Khu-mật viện. Bây giờ mình đóng vai trẻ con được.
    Giáo chúng Hồng-thiết giáo thấy hai thiếu niên len lỏi vào khu vực của mình, họ ngăn lại:
    - Hai chú em. Hai chú đi đâu đây?
    Tự-Mai đã được Khu-mật viện cung cấp cho những tín hiệu mật khẩu của Hồng-thiết giáo. Nó trả lời:
    - Đi tự tử.
    Tên giáo chúng thấy Tự-Mai trả lời đúng mật khẩu hỏi tiếp:
    - Uống máu chưa?
    Câu này có nghĩa:
    - Chú thuộc cơ đội nào?
    Tự-Mai đưa ngón tay cái chỉ lên trời. Cử chỉ này có nghĩa rằng:
    - Tôi thuộc đội thông tin.
    Tên giáo chúng để hai đứa tự do. Chúng đến bên bọn thủ lĩnh đang tụ tập với nhau, bàn tán làm sao giúp Nguyễn Chí thắng Địch Thanh. Phạm Trạch hỏi một thủ lĩnh giáo chúng vùng Cửu-chân:
    - Người có biết ngũ trưởng lão học võ công Cửu-chân ở đâu không?
    - Đệ tử không biết rõ cho lắm. Hồi hơn hai mươi năm trước đệ tử thấy đệ ngũ lão gia luyện võ công Cửu-chân. Lão gia nói rằng người biết xử dụng ba chiêu Thiết-kình phi chưởng toàn vẹn. Còn lại, người chỉ biết phát chiêu, mà không biết vận khí.
    - Người có biết Thiết kình phi chưởng gồm bao nhiêu chiêu không?
    - Đệ tử không rõ.
    Trên đài, hai cao thủ bậc nhất tiếp tục phát chiêu. Mỗi chiêu Địch Thanh đánh ra, Nguyễn Chí phải vận hết công lực đỡ, râu tóc lão đựng đứng lên. Ngược lại mỗi chiêu Nguyễn Chí đánh ra, Địch Thanh phải lùi lại hai bước.
    Phía bên Tống, Dư Tĩnh hỏi Đông-Sơn lão nhân:
    - Sư phụ. Đệ tử thấy Địch đệ thắng khắp quần hùng Trung-nguyên, mà không hạ được lão già kia, thực võ ông Giao-chỉ cao thâm không biết đâu mà lường. Như vậy bọn Đại-việt ngũ long hay lão già Nhật-Hồ kia công lực sẽ cao đến đâu?
    Đông-Sơn lão nhân lắc đầu:
    - Người nên nhớ bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo đều là những quái kiệt võ lâm Giao-chỉ. Tên nào cũng trên bẩy mươi tuổi, kinh nghiệm sâu sa, công lực dồi dào. Chúng học võ của Hồng-thiết thần công, rồi học thêm võ công Giao-chỉ. Cho nên chúng bác học vô cùng. Bản lĩnh chúng chưa chắc thua Đại-Việt ngũ long làm bao đâu.
    Trên đài, Nguyễn Chí lại phát chiêu Thiết kình thăng thiên của phái Cửu-chân. Binh một tiếng, Địch Thanh loạng choạng lui lại hai ba bước. Tôn Đản cất tiếng ca thực lớn:
    Kình nhập biển Đông,
    Khí tụ Đản-trung,
    Truyền khắp lồng ngực,
    Phát chiêu cầu vòng.
    Trên đài, Nguyễn Chí biết sau khi phát chiêu Thiết-kình thăng thiên phải chuyển qua chiêu Kình-nhập biển Đông. Tay trái từ trên cao quay một vòng xuống dưới, rồi chuyển thẳng về trước. Khi kình lực phát ra rồi, tay phải đang từ dưới đẩy lên. Hai kình lực như mũi dùi quay tròn đâm thẳng ra. Nhưng y không biết vận khí ra sao. Giữa lúc đó, nghe tiếng Tôn Đản la lớn lên phép vận khí. Chân khí của y tòng tâm chuyển theo hai tay.
    Địch Thanh vừa bị chiêu Thiết-kình thăng thiên, tuy không mạnh hơn các chiêu trước của Nguyễn Chí làm bao, nhưng trong chưởng bao hàm sát thủ khủng khiếp, khắc chế chưởng pháp của y, khiến căn bản y tự tuyệt. Y lui lại ba bước. Nguyễn Chí không cho y thở, đánh thêm chiêu Kình-nhập biển Đông. Binh một tiếng nữa, Địch Thanh cảm thấy trời long đất lở.
    Nói thì chậm, chứ từ lúc Nguyễn Chí phát chiêu Thiết-kình thăng thiên. Tôn Đản đọc tâm pháp. Nguyễn Chí phát chiêu Kình-nhập Đông-hải chỉ thoáng cái. Tôn Đản đọc tiếp:
    Đuôi kình đập sóng.
    Vận khí tâm không,
    Ý chuyển bụng dưới.
    Toả ra song song.
    Trên đài Nguyễn Chí co tay trái lại. Tay phải chém ngang vào ngực đối thủ, thành chiêu Kình vĩ lăng ba tức đuôi cá kình đập sóng bay lên. Trong khi đó y vận khí như Tôn Đản.
    Bình, Địch Thanh nghiến răng đỡ, y lảo đảo muốn ngã.
    Cứ như thế, Tôn Đản đọc đến chiêu Ngũ kình đồng du thuộc chiêu thứ mười, Địch Thanh không đỡ nổi nữa. Y bay bổng lên cao, rơi xuống giữa đài, miệng ứa máu ra.
    Tôn Đản ngừng đọc. Nguyễn Chí thấy Địch Thanh ngã. Y mỉm cười:
    - Địch trạng nguyên, người thua rồi!
    Địch Thanh nghiến răng, từ từ đứng dậy. Nhưng y lảo đảo, ngã ngồi xuống. Theo luật lệ võ lâm, trong khi giao đấu, đối thủ thọ thương, không cử động được, người phát chiêu phải đỡ dậy. Nguyễn Chí thấy Địch Thanh quằn quại, y chạy lại đỡ hắn lên.
    Thình lình Địch Thanh chụm hai tay vào nhau, đẩy thẳng vào ngực Nguyễn Chí một chưởng như trời long đất lở. Bình một tiếng. Nguyễn Chí bay bổng khỏi đài, rơi xuống ngay trước khán đài của phái Tiêu-sơn. Mọi người kêu thét lên. Lê Đức chạy lại đỡ sư huynh. Nguyễn Chí nhăn nhó, y mửa ra búng máu tươi, rồi lắc đầu, không ngồi dậy được.
    Lê Đức nhảy lên đài chỉ vào mặt Địch Thanh:
    - Nhục nhã cho mi, xuất thân là một trạng nguyên, thuộc danh môn chính phái, mà có hành vi đê tiện như vậy sao? Trận này không kể.
    Dư Tĩnh cũng nhảy lên đài:
    - Tôi hỏi Lê trưởng lão câu này nhé. Khi mới đấu, sư thái Tịnh-Tuệ đã nói: Ai rơi xuống đài coi như thua. Sư đệ của tôi tuy ngã, nhưng ngã trên đài. Còn Nguyễn trưởng lão rơi xuống đài rõ ràng. Hơn nữa sư đệ của tôi dùng trí mà thắng Nguyễn trưởng lão. Dùng trí hay dùng lực mà thắng cũng là thắng.

  6. #126
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Dư Tĩnh đưa mắt nhìn xuống khu giáo chúng Hồng-thiết để tìm xem kẻ nào đã nhắc đòn cho Nguyễn Chí. Bất giác y giật mình, vì nhận ra Trần Tự-Mai với Tôn Đản hai thiếu niên y đã gặp trên núi Chung-chinh, rồi trong đại hội Lệ-hải Bà-vương. Sau cùng hai thiếu niên này làm cho bọn y khốn đốn ở Thiên-trường. Y tự hỏi:
    - Hai thằng này tại sao lại đứng trong đám đệ tử Hồng-thiết giáo?
    Y lên tiếng:
    - Kẻ nào đã lên tiếng đọc tâm pháp võ công? Nếu là anh hùng hảo hán, hãy lên đây đối thoại với ta!
    Tôn Đản vốn gan cùng mình. Nó như con nghé tơ, không sợ bất cứ cái gì. Nó vọt mình lên đài, khoanh tay, ưỡn ngực:
    - Tại hạ họ Tôn tên Đản, người trấn Thanh-hóa, xin sẵn sàng đối đáp với Dư đại hiệp.
    Dư Tĩnh chỉ Nguyễn-Chí:
    - Trước khi đấu, sư thái Tịnh-Tuệ nói rằng cấm người ngoài cuộc không được trợ giúp kẻ đang ở đấu trường. Tại sao tiểu huynh đệ lại giúp trưởng lão Nguyễn Chí?
    Tôn Đản cười lớn:
    - Anh hùng thiên hạ xin chứng giám cho. Tôi mới bằng này tuổi. Trong khi ngũ trưởng lão tuổi đã trên thất tuần. Tôi e, khi người nổi danh thiên hạ, thống lĩnh giáo chúng Hồng-thiết giáo nổi dậy ở Cửu-chân, lúc ấy thân phụ tôi chưa ra đời. Võ công người cao thâm biết chừng nào, mà bảo tôi trợ giúp người ư? Thực vô lý.
    Nó cười:
    - Dư đại hiệp bảo tôi giúp ngũ trưởng lão, đọc tâm pháp, vậy đó là tâm pháp gì? Tôi đâu biết võ công Hồng-thiết giáo!
    Dư Tĩnh lắc đầu:
    - Dĩ nhiên tiểu huynh đệ không biết võ công Hồng-thiết giáo. Tiểu huynh đệ đọc tâm pháp võ công phái khác ra, nên y mới đánh ngã Địch đệ cuả tôi.
    Những người ở gần chỗ đứng của Tôn Đản đều nghe thấy nó đọc một số câu tâm pháp, nhưng nay nghe nó cãi lý, cũng phải bật cười:
    - Đúng rồi.
    Tôn Đản chỉ cãi lý với Dư Tĩnh, chứ nó không qua mặt được những người của phái Mê-linh. Khi nó mới cất tiếng đọc, những người phái Mê-linh biết ngay đây thuộc tâm pháp võ công Cửu-chân xưa. Nay thuộc phái Mê-linh.
    Sư thái Tịnh-Huyền đã biết nhiều về Tôn Đản. Hôm mới gặp nó lần đầu, chính bà thấy nó dùng võ công Cửu-chân, Tản-viên thắng Quách Quỳ. Bấy giờ bản lĩnh nó còn rất non nớt. Vừa rồi nghe nó đọc tâm pháp Thiết-kình phi chưởng, bà thấy nó biết rất nhiều chiêu, mà chính phái Mê-linh cũng không ai biết. Bà dùng Lăng-không truyền ngữ nói với sư tỷ Tịnh-Tuệ:
    - Sư tỷ, thiếu niên này quả biết rất nhiều võ công Cửu-chân. Những chiêu Nguyễn Chí vừa đánh ra, chính y đã đọc tâm pháp lên, chứ không sai tý nào.
    Sư thái Tịnh-Tuệ là thần ni, chí công, vô tư. Bà gật đầu:
    - A-di-đà Phật. Dù Tôn tiểu thí chủ có nhắc ngũ trưởng lão hay không Địch trạng nguyên cũng thắng rồi. Xin các vị xuống đài cho. Bây giờ sang trận đấu thứ nhì. Nào mời Đông-Sơn lão nhân lên đài đấu với đệ thập trưởng lão Hồng-thiết giáo Hoàng Liên.
    Sư thái Tịnh-Tuệ không muốn Hoàng Liên nhân danh phái Mê-linh, đấu với Tống. Bà muốn cho mọi người biết, trận này Hồng-thiết giáo đấu với Tống, chứ không phải Đại-việt. Được, thua không liên quan gì tới phái Mê-linh.
    Hoàng Liên rời khỏi chỗ ngồi. Mụ khoan thai ra đứng giữa đài. Một tay cầm đốc kiếm. Một tay bắt kiếm quyết. Võ lâm Đại-việt vỗ tay hoan hô rung động quảng trường.
    Đông-Sơn lão nhân từ chỗ ngồi của sứ đoàn, vọt mình lên cao. Ở trên không y lộn liền ba vòng. Trong khi đang rơi xuống, y chắp tay hướng bốn phương thi lễ. Võ lâm lại hoan hô vang dậy.
    Đông-Sơn lão nhân chắp tay hướng Hoàng Liên:
    - Hoa-sơn hậu học Đông-Sơn xin được lĩnh giáo cao chiêu của di đồ Vạn-tín hầu Lý Thân.
    Toàn phái Mê-Linh nghe Đông-Sơn nói vậy, đều hiểu rằng kiếm thuật y rất cao minh. Y biết bên Đại-việt có pho Long-biên kiếm pháp khắc chế kiếm pháp Trung-nguyên. Không những y không sợ, mà còn thách thức nữa.
    Hoàng Liên tuy xuất thân phái Mê-linh, một trong danh môn chính phái. Nhưng y thị lại sa đọa nhất võ lâm, thân danh tàn tạ. Không cần lễ nghi. Y thị rút kiếm quay một vòng, rồi đẩy về trước.
    Dưới khán đài phái Đông-a, Tôn Đản, Tự-Mai đã trở về chỗ ngồi. Mỹ-Linh kéo Tôn Đản lại ngồi bên cạnh, khen:
    - Em giỏi thực, giúp Nguyễn Chí thành công. Tiếc rằng xưa nay bọn Hồng-thiết vốn xảo quyệt, mà lại không ngờ đến việc người ta xảo quyệt với mình, thành ra bị bại.
    Trần Kiệt bảo bọn Thanh-Mai:
    - Các cháu phải chú ý theo dõi kiếm pháp Hoa-sơn. Tham vọng bọn Tống còn dài. Chiến tranh Tống-Việt không biết lúc nào diễn ra. Ta nghiên cứu võ công của chúng, rồi chế ra các thức khắc chế, cho người sau dùng, như Vạn-tín hầu xưa.
    Mỹ-Linh, Thanh-Mai nghe Trần Kiệt nói, bất giác cả hai cùng nhìn nhau, trong lòng rộn lên những niềm vui vô cùng. Hơn ai hết, từ Thuận-thiên hoàng đế cho đến bách quan Đại-Việt đều lo lắng không ít về phái Sài-sơn với Đông-a. Sài-sơn đứng đầu về đạo đức, ân nghĩa thấm khắp đất nước. Đông-a nổi danh hào sảng, anh hùng. Cả hai phái, người nhiều, thế mạnh. Gần hai mươi năm qua, triều đình dùng đủ cách lấy lòng tôn sư hai phái, mà không được. Trong khi đó Tống cứ rình rập mua chuộc võ lâm Đại-việt để đem quân xâm chiềm.
    Thuận-thiên hoàng đế chỉ ước mong vạn nhất Tống mang quân sang, phái Đông-a không theo Tống chống triều đình cũng may mắn rồi, chứ chẳng hy vọng gì phái này cùng hợp tác chống giặc. Mối lo nghĩ này, Khai-quốc vương thường thố lộ với Thanh-Mai, Mỹ-Linh. Hai chị em đã tiết lộ cho vương biết rằng đối với năm ông cầm đầu phái Đông-a, chỉ cần lấy chính nghĩa ra nói truyện cũng đủ. Tuy vậy cho đến đêm hôm qua vương cũng chưa tin tưởng lắm, vì lo sợ Thiên-trường ngũ kiệt sẽ vì mối thâm giao hai đời với Lê triều, mà theo chủ trương của Hồng-sơn đại phu. Vô tình làm lợi cho Tống.
    Nay nghe cái túi khôn của Thiên-trường ngũ kiệt là Trần Kiệt dặn chị em phải nghiên cứu kiếm pháp Hoa-sơn, để chuẩn bị thế phòng Tống sẵn, hai chị em hiểu rằng trong tâm các ông chỉ biết có đất nước trên hết.
    Mỹ-Linh nói nhỏ với Thanh-Mai:
    - Từ đây đến chỗ chú hai xa quá. Nếu dùng Lăng-không truyền ngữ, cần có nội công thượng thừa. Trong bọn mình, thím có công lực cao nhất. Vậy thím tường trình cho ông nội với chú biết tình hình đi.
    Thanh-Mai vận khí, dẫn về Đốc-mạch, tới huyệt Mệnh-môn, chuyển qua Nhâm-mạch, đưa vào trung đơn điền. Nàng hướng Lý Long phát âm:
    - Thanh-Mai đây. Anh có nghe được không.
    - Anh nghe rất rõ. Nội công em cao thực. Có tin gì về phái Đông-a không?
    - Có.
    Rồi nàng trình bầy tất cả diễn tiến.
    Khai-quốc vương nói:
    - Tôn Đản với Tự-Mai hay thực. Đừng chạy đâu, lát nữa có việc.

  7. #127
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Trên đài Hoàng Liên ra chiêu Yến tử thoát sào như con chim én bay vọt khỏi tổ. Chiêu số rất ảo diệu, có sát thủ kinh người. Mỹ-Linh than thầm:
    - Mụ này thực vô lễ. Khi mới giao đấu mà ra chiêu này, còn gì lễ nghi Âu-lạc của Vạn-tín hầu nữa.
    Đông-Sơn lão nhân thấy chiêu kiếm hiểm độc, khắc chế với võ công của lão. Lão vọt người lên cao tránh khỏi. Hoàng Liên chuyển kiếm hướng mũi lên trời. Đông-Sơn lão nhân co chân lại, chĩa kiếm xuống quay một vòng. Mũi kiếm của lão trúng mũi kiếm Hoàng Liên. Lão đẩy mạnh một cái, hai thanh kiếm cong đi. Người lão bay vọt lên cao. Ở trên cao, lão đá gió hai lần người tà tà đáp xuống.
    Trong khi đó Hoàng Liên cảm thấy cánh tay tê rần, kiếm suýt rơi xuống sàn. Khi Đông-Sơn lão nhân đáp xuống, mụ không truy kích được.
    Qua một chiêu, hai đối thủ đã biết sức nhau, cùng cầm kiếm đứng nhìn, chờ đợi.
    Cho đến bây giờ, khán giả mới kịp vỗ tay hoan hô.
    Mỹ-Linh suýt xoa:
    - Mụ Hoàng Liên hiếu thắng, thành ra quên mất căn bản kiếm pháp Mê-Linh. Phàm kiếm pháp bản môn dùng kiếm chiêu, chứ không dùng kiếm khí. Dùng mau thắng chậm. Khi phát chiêu, đối thủ mất căn bản, lập tức chuyển chiêu khác, sao cho như mây trôi, nước chảy, đối thủ không còn trở tay kịp. Đây mụ đối chiêu với Đông-Sơn lão nhân, hoá ra dùng kiếm khí. Tức lấy sở đoản của mình, chống với sở trường của địch. Hỏng!
    Đông-Sơn lão nhân đưa kiếm quay một vòng, tia kiếm như một ánh chớp, rồi biến thành mấy chục chiêu, bao trùm khu đầu Hoàng Liên. Mụ không sợ, thụp người xuống, đưa mũi kiếm xuyên vào giữa vòng kiếm quang của Đông-Sơn lão nhân.
    Lão bước sang trái hai bước, đẩy ngược lại một chiêu. Thế là hai người quay tròn lấy nhau. Kiếm của Hoàng Liên cực kỳ tinh diệu, khi phải đấy, mà lại thành trái. Khi trái đấy, mà lại thành phải. Hư hư, thực thực.
    Vũ Anh hỏi Mỹ-Linh:
    - Công chúa! Tôi nghe công chúa học được trọn vẹn Long-biên kiếm pháp. Công chúa thấy kiếm pháp của Hoàng-Liên ra sao?
    Nghe Vũ-Anh hỏi, Mỹ-Linh nghĩ thầm:
    - Ông này là một trong Thiên-trường ngũ kiệt, võ công, kiến thức trùm đất Việt. Thế mà ông lại hỏi ý kiến mình. Hẳn ông muốn trắc nghiệm mình đây. Chứ không lẽ ông không biết? Mình cứ trình bầy thực, có gì sơ xuất, ông sẽ chỉ cho.
    Nghĩ vậy nàng đáp:
    - Thưa sư thúc. Xưa Vạn-tín hầu đấu với anh hùng Trung-nguyên, nhân đó thu thập tinh hoa kiếm pháp của họ lại, rồi tìm ra nội công, cùng chiếu số khắc chế. Pho kiếm ấy đặt tên Long-biên kiếm pháp. Kiếm có 72 thức. Mỗi thức 36 biến hoá căn cứ vào tám quẻ của kinh Dịch gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Lý, Khôn, Đoài. Tám mà đánh về sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới thành sáu biến nữa hoá ra bốn mươi tám. Như vậy mỗi chiêu biến thành bốn mươi tám chiêu. Tổng cộng 3456 chiêu. Đệ tử Mê-linh nào cũng biết xử dụng những chiêu này.
    Ngừng lại một lát, nàng tiếp:
    - Mỗi chiêu phân ra tấn công là dương, thủ là âm. Như vậy thành 6912 chiêu. Điều này bị thất truyền. Nếu ai học được 72 chiêu trấn môn, nối liền các chiêu lại với nhau sẽ xử dụng được đủ. Ai học được bài quyết biến hoá, sẽ biến thành hư thực. Cứ ba chiêu hư, có bẩy chiêu thực. Cộng tới 20.736 chiêu hư và 48.384 chiêu thực. Tổng cộng thành 69.120 chiêu.
    Vũ Anh lại hỏi:
    - Tôi nghe nói hôm trước công chúa đã xử dụng kiếm pháp này hạ Hoàng Văn, một trong trưởng lão kiệt hiệt của Hồng-thiết. Liệu lát nữa đây, nếu Hoàng Liên thua, công chúa có nên xuất thủ không?
    Mỹ-Linh lắc đầu:
    - Tiểu nữ không dám, và không có quyền. Tiểu nữ ở phận cháu, lại được sủng ái làm con nuôi, tiểu nữ chỉ xuất chiêu khi có lệnh của chú hai.
    Vũ Anh nghe Mỹ-Linh trình bày, ông nghĩ thầm:
    - Thực không hổ đệ tử của sư huynh Huệ-Sinh, lời lời đều có đạo lý hiếu thuận.
    Trên đài thình lình Hoàng Liên đổi hẳn kiếm pháp. Kiếm chiêu của mụ vẫn là Long-biên. Nhưng biến hoá khác hẳn. Mỗi chiêu đánh ra kình lực mạnh vô cùng. Phạm Hào bật lên tiếng khen:
    - Giỏi. Mụ Hoàng Liên giỏi!
    Bọn Mỹ-Linh, Thanh-Mai không hiểu gì. Trần Kiệt giảng:
    - Các cháu nhìn kìa. Kiếm chiêu, mụ vẫn dùng Long-biên kiếm pháp. Nhưng nội công, mụ dùng nội công Hồng-thiết. Kình lực mạnh vô cùng.
    Đúng như Trần Kiệt nói. Mỗi chiêu mụ Hoàng Liên đánh ra, kiếm khí cực mạnh, phát ra tiếng kêu vo vo.
    Đông-Sơn lão nhân không hổ đệ nhất kiếm khách Trung-nguyên. Y thư thả trả đòn. Kiếm chiêu của y thô kệch vô cùng. Nhưng mỗi chiêu đều bao hàm sát thủ khủng khiếp.
    Nguyên tổ sư phái Hoa-sơn xuất thân từ phái Tương-dương. Sau khi phái Tương-dương tranh dành, phân chia chém giết nhau trong thời Lục-triều. Ông cắp gươm ngao du thiên hạ, giao đấu cùng anh hùng khắp nơi, rồi trở về núi Hoa-sơn nghiên cứu, chế ra pho Hoa-sơn kiếm pháp. Ông thu dụng đệ tử, truyền nghề. Từ đấy Hoa-sơn kiếm pháp nổi danh vô địch Trung-nguyên. Đến đời thứ mười ba, nảy ra bốn tay kiếm khách lừng danh. Họ được đời tặng danh hiệu Hoa-sơn tứ lão. Gồm Đông, Tây, Nam, Bắc. Đông-Sơn lão nhân dạy là một trong Hoa-sơn tứ lão. Ông dạy rất nhiều đệ tử. Nhưng có hai người thành danh nhất phải kể Dư Tĩnh, hiện giữ chức An-phủ-sứ Quảng-tây lộ. Địch Thanh trúng cách Võ trạng nguyên năm trước tại Biện-kinh.
    Nhân Tống triều muốn mở rộng bờ cõi ra xa, mới ban hành chính sách trọng đãi, khuyến khích võ nghiệp. Triệu Thành nắm quyền thái-úy, nhờ Dư Tĩnh mời lão ra giúp. Lão nhận lời, nhân đó theo sứ đoàn sang Đại-Việt. Lúc đầu, lão tự cho mình vô địch thiên hạ, coi võ lâm Đại-việt bằng nửa con mắt. Từ khi qua Thiên-trường thăm phái Đông-a, rồi trên đường về Thăng-long gặp anh hùng Đại-lý. Lão mới biết ngoài bầu trời này con bầu trời khác.
    Bây giờ, lão thấy mình đã cố gắng hết sức, mà không thắng được mụ ni cô già, lão càng thêm e dè.
    Thình lình lão nghe có tiếng Lăng-không truyền ngữ của Minh-Thiên nói vào tai:
    - Lão nhân nghe đây. Hoàng Liên cùng Đỗ Xích-Thập nhận sắc phong của ta. Mụ sẽ giả vờ thua, để cho ta rời khỏi Giao-chỉ an toàn. Vì vậy không được đả thương mụ.
    Trong khi đó Hoàng Liên nghe Đỗ Xích-Thập dùng Lăng-không truyền ngữ nói :
    - Liệu tìm cách thua đi là vừa.
    Nghe tình nhân nói, mụ Hoàng Liên chửi thầm:
    - Tổ bà thằng ngu! Chỉ vì tham miếng đỉnh chung mà cam chịu nhục. Thôi đã trót, phải trét. Ta chịu thua tên này cho xong truyện.
    Nghe vậy, mụ quay kiếm vo vo, đánh liền mười chiêu, đẩy lui Đông-Sơn lão nhân tới góc đài, rồi bổ một chiêu như sét đánh vào đầu lão. Lão đưa kiếm đỡ, tay đẩy ra một chưởng. Choang một tiếng, kiếm của Hoàng Liên bị gẫy làm nhiều mảnh bay lên cao. Đông-Sơn chĩa kiếm đánh bốn chiêu liền. Mụ tránh được ba chiêu. Đến chiêu thứ tư, mụ lùi tới mé đài, hụt chân. Mụ lộn xuống đất.
    Vừa xuống tới đất, mụ rút kiếm của một đệ tử phái Mê-linh, vọt trở lên. Tay mụ ném cán kiếm gẫy vào người Đông-Sơn lão nhân. Lão phẩy tay một cái, cán kiếm hướng vào người Khai-thiên vương.
    Khai-thiên vương đứng hầu phụ hoàng, nhưng vương không chú ý đến trận đấu. Những biến cố vừa qua làm vương lo nghĩ không ít.
    Trước đây phụ hoàng đã phán với triều thần rằng, người không nhất thiết chỉ định trừ quân. Ngài đợi xem, trong các em, các con, ai tỏ ra có tài, có đức sẽ truyền ngôi cho. Vì vậy các con ngài đều được gọi là thái tử hết.
    Sau khi vương phi Triệu Liên-Hương từ trần do trúng độc Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Ngài biết cái chết đó có liên quan tới quốc trượng Đàm Can, cùng quý phi. Khai-quốc vương xin cho Khu-mật viện thụ lý, ngài gạt đi. Để đền bù, ngài phong cho con gái đầu lòng của vương là Mỹ-Linh tước công chúa Bình-dương. Với ngụ ý, sẽ truyền ngôi cho vương.
    Hơn hai năm qua Bình-dương theo chú ra ngoài hoạt động, đã làm được nhiều điều kinh thiên động địa. Vương hy vọng tràn trề, cái ngôi vua kia. Nay thình lình Mỹ-Linh cứu được vương phi ra từ chốn giam cầm của Hồng-thiết giáo.
    Tuy Khai-quốc vương hết sức che chở. Nhưng một mai đây đem Đàm Can, Đàm Toái-Trạng, Đàm quý phi ra xử, chắc chắc chúng sẽ xưng ra việc dùng vương phi làm cây thuốc. Bấy giờ cái ngôi vua không hy vọng gì, mà đến cái tước vị Khai-thiên vương cũng mất.
    Vương đang mơ mơ màng màng, thì bị cái cán kiếm gẫy của Hoàng Liên ném trúng chân. Vương nhăn mặt tỏ vẻ đau đớn.
    Đông-Sơn lão nhân biết, chưởng của mình không thể đánh gẫy được kiếm của mụ. Chẳng qua, mụ dùng nội lực tự trấn gẫy kiếm của mình mà thôi. Lão lui lại, chắp tay:
    - Đa tạ sư thái nhẹ tay.
    Đối với Hoàng Liên, lão nói câu đó là thực tình. Nhưng đối với quần hùng, có nghĩa, mụ bị gẫy kiếm, mụ bị thua rồi.
    Mỹ-Linh chợt nghe thấy tiếng Khai-quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói:
    - Cùng Tự-Mai, Tôn-Đản lên đài gây sự với bọn Tống. Nhớ để Tự-Mai chủ động. Cháu đấu với Đông-Sơn lão nhân dưới danh nghĩa đệ tử phái Mê-linh.
    Mỹ-Linh kéo hai ông mãnh lại gần, để cùng bàn kế hoạch.
    Trên đài Triệu Thành hớn hở đứng lên nói:
    - Như đã ước hẹn, chúng ta đấu ba cuộc. Bên Thiên-triều thắng hai. Coi như thắng. Vậy bên Giao-chỉ có gì khiếu nại không?
    Thấp thoáng, y thấy ba người tung lên đài. Y nhận ra được Tự-Mai với Tôn Đản. Người thứ ba là Mỹ-Linh, đã giả trang. Y không nhận ra. Y chửi thầm:
    - Suốt một năm qua, ta bị hai thằng ôn vật này phá rối hoài. Hôm nay đừng hòng ta nhịn chúng nữa.
    Mỹ-Linh tiến đến băng bó vết thương ở chân cho phụ vương. Dù nàng đã cải trang, nhưng Khai-thiên vương cũng nhận ra con gái. Vương để con gái băng chân cho mình.
    Trong khi đó Tôn Đản cười ha hả:
    - Đại-Việt có mười hai môn phái, bốn đại bang. Vừa rồi Hồng-thiết giáo đấu với Tống, chứ có phải võ lâm Đại-Việt đâu. Tôi không phục!
    Tự-Mai chỉ vào mụ Hoàng Liên:
    - Mụ này nguyên xuất thân phái Mê-linh, nhưng đã bỏ phái này đầu Hồng-thiết giáo. Mụ là tình nhân của tên Đỗ Xích-Thập. Cả hai phản Hồng-thiết giáo, nhận sắc phong Tống triều. Vì vậy vừa rồi mụ giả thua, trấn động gẫy kiếm, nhường cho Tống thắng.
    Đỗ Xích-Thập ngồi trên ghế của tôn sư phái Tản-viên. Y cười nhạt:
    - Này chú bé. Chú phải chứng minh rõ ràng ta làm gian tế của Tống. Bằng không chú là con của chưởng môn phái Đông-a. Chứ dù chú là chưởng môn phái này, ta cũng lấy tính mạng chú.
    Tự-Mai nhăn mặt, méo mồm trêu Xích-Thập:
    - Này Đỗ trưởng lão. Nếu Đỗ trưởng lão vẫn giữ địa vị cao nhân phái Tản-viên, đời nào tôi dám đụng đến! Ngay dù trưởng lão vẫn trung thành với Nhật-Hồ giáo chủ, tôi càng không nên đụng vào. Nhưng Đỗ trưởng lão âm mưu dâng giang sơn của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng cho Tống, vì vậy tôi không cần lễ phép với trưởng lão nữa.
    Nhật-Hồ lão nhân đã biết truyện Xích-Thập, Hoàng Liên nhận sắc phong của triều Tống. Lão lại được tin hai tên này theo Lê Ba, giam lão. Nay lão được ra, chúng âm mưu tranh quyền với lão. Lão muốn trừ hai tên này, để tỉa bớt vây cánh Lê Ba. Nhưng lão chưa có chứng cớ. Bây giờ nghe Tự-Mai tố cáo, lão hỏi:
    - Tiểu huynh đệ. Người căn cứ vào đâu, mà tố cáo hai đệ tử của lão phu làm gian tế cho Tống?
    Tôn Đản móc trong túi ra một tập giấy, trao cho Nhật-Hồ lão nhân:
    - Đây, xin tiên sinh thử coi xem có phải bút tích của mụ Hoàng Liên với Đỗ Xích-Thập không?
    Nhật-Hồ lão nhân tiếp tập giấy coi. Hai tờ đầu gồm thư của Đỗ Xích-Thập viết cho Triệu Thành, tường trình về những việc y đã chuẩn bị cướp ngôi phái Tản-viên. Sau đó đem phái Tản-viên ép vua Lý thoái vị. Hai tờ kế tiếp của Hoàng Liên tường trình rõ ràng kế hoạch khống chế phái Mê-linh, rồi dùng phái này ép vua Lý thoái vị. Sau này quân Tống sang, cả hai phái nguyện làm nội ứng.
    Nhật-Hồ lão nhân đưa mắt hỏi Hoàng Liên, Xích-Thập:
    - Các người còn chối được nữa không?
    Triệu Thành kinh hoàng. Vì những thư tín đó, y trao cho Minh-Thiên cất cẩn thận, mà không biết bằng cách nào Khu-mật viện lấy được, rồi sai hai tên ôn con ra phá thối. Y hướng vào Trần Tự-An:
    - Côi-Sơn đại hiệp. Phải chăng quý công tử lên đây với tư cách đại diện cho phái Đông-a?
    Tự-Mai ỷ được bố cưng chiều. Nó cười lớn:
    - Triệu vương gia. Vương gia hỏi câu đó, tỏ ra không hiểu gì Đại-việt chúng tôi. Tôi lên đây không nhân danh Bố, cũng chẳng nhân danh phái Đông-a. Tôi nhân danh tôi. Vì tôi là con dân Đại-Việt, có toàn quyền bảo vệ quốc thể nước tôi.
    Cả quảng trường cười ầm lên vỗ tay liên tiếp. Vô tình đội nhạc Hồng-thiết giáo cùng đội nhạc phái Sài-sơn đồng nhất loạt cử bài Động-đình ca. Đâu đó, pháo thăng thiên bắn lên trời nổ ầm ầm, toả ra muôn ngàn thứ hoa đẹp vô cùng.

  8. #128
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669

    Thuận Thiên Di Sử--Hồi Kết Thứ 30 : Đại Việt Hoàng Đế

    Thuận Thiên Di Sử--



    Hồi Kết Thứ 30 :

    Đại Việt Hoàng Đế




    Triệu Thành hơi run run trước khí thế đó. Y bảo Tự-Mai:

    - Chú bé liệu xuống đài đi. Bằng không dù ta có khoan thứ cho chú. Nhưng bộ hạ ta họ không để chú yên đâu. Ở đây toàn truyện người lớn, truyện quốc gia đại sự. Chú còn con nít, chú không phải quan quân. Chú không có quyền bàn việc nước. Đi chỗ khác chơi!

    Tự-Mai méo miệng trêu Triệu Thành:

    - Ôi! Không ngờ một ông Bình-nam vương nhà Tống mà lý luận như thế thì dốt quá. Để ta dạy cho ông một bài học về lịch sử Đại-việt ta. Nước ta từ mấy nghìn năm trước, có một đức thánh ra đời, cỡi ngựa đánh giặc Ân. Vị thánh ấy đại danh Phù-đổng Thiên-vương. Cho nên từ đó đến nay, con dân Đại-việt bẩy tuổi trở đi đều có quyền bàn quốc sự. Hiểu chưa!!!

    Chợt nó thấy Dương Ẩn ngồi trên đài. Nó biết Dương Ẩn vốn chống Trung-quốc. Nó muốn gây chia rẽ giữa y với Triệu Thành, nó hướng vào y:

    - Dương đạo sư. Có phải sáng tổ của quý phái là Thiên-vương, mới bẩy tuổi đã đánh tan giặc Ân không?

    Dương Ẩn gật đầu:

    - Đúng thế. Từ khi Thiên-vương đánh giặc đến giờ, thiếu niên Việt đến tuổi lên mười đã được bàn việc làng, việc nước. Ý người Việt nghĩ rằng Thiên-vương bẩy tuổi, đánh giặc, vì ngài vốn người nhà trời. Thiếu niên Việt thuộc loại con cháu ngài, phải kém một chút, mười tuổi được coi như người lớn. Chú em! Chú đã mười lăm rồi, ắt hẳn chú đã bàn việc nước đến năm năm là ít.

    Tự-Mai để tay lên mũi trêu Triệu Thành:

    - Ông Bình-nam vương nhà Tống. Ông đã nghe vị tôn sư phái Sài-Sơn nói chưa?

    Nếu người khác, Triệu Thành đã tát cho Tự-Mai mấy cái, đuổi xuống đài. Nhưng vì Tự-Mai là con của chưởng môn phái Đông-a, thành ra y giận tím gan, mà phải im lặng.

    Tự-Mai tiếp:

    - Còn ông bảo phải quan, quân, mới có quyền lên đây phải không?

    Triệu Thành gật đầu:

    - Đúng thế!

    Tự-Mai móc trong túi ra cái thẻ bài chĩa vào mặt Triệu Thành:

    - Ông coi xem cái gì đây?

    Triệu Thành cầm lấy coi, đó là cái thẻ bài chứng nhận Tự-Mai làm một tên lính hiệu thủy quân. Y cười ha hả:

    - Tưởng quý tử Thiên-trường đại hiệp làm vương, làm tướng gì, hoá ra một tên lính hiệu.

    Tự-Mai hứ một tiếng:

    - Tự nước tôi nhân tài nhiều quá, thành ra tôi chỉ đáng làm tên tiểu hiệu là đã quá rồi. Thế nhưng tên tiểu hiệu này kiến thức hơn quan thái úy nhà Tống đấy nhé!

    Đội trống Hồng-thiết giáo với phái Sài-sơn lại thúc liên hồi.

    Triệu Thành giận cành hông. Thấy mưu cơ bại lộ. Y nói với Nhật-Hồ lão nhân:

    - Tiên sinh đừng nghe hai tên ôn con này. Chúng làm việc cho Khu-mật viện. Khu-mật viện sai người giả bút tích viết thư hại quý trưởng lão đấy.

    Nhật-Hồ lão nhân cười nhạt:

    - Chứng cớ rành rành ra thế này, chối làm sao được? Triệu vương gia. Trong chuyến đi này của vương gia có mục đích chuẩn bị xâm lăng Đại-việt chúng tôi. Vương gia không chối được đâu. Bút tích, cùng lối hành văn của hai tên đệ tử họ Đỗ, Hoàng tôi đã quen rồi. Giả thế nào được.

    Đặng Đại-Khê từ dưới đài bước lên hướng vào anh hùng vái ba vái:

    - Tôi Đặng Đại-Khê. Nhân danh chưởng môn phái Tản-viên, tôi trục xuất tiền bối Đỗ Xích-Thập khỏi địa vị tôn sư. Vì tiền bối làm gian tế cho ngoại bang.

    Sư thái Tịnh-Tuệ hướng vào Hoàng Liên:

    - Sư thúc. Bản phái biết bao đời lấy việc giữ nước làm lẽ chính của võ đạo. Sư thúc làm gian tế cho ngoại bang. Sư thúc không thể làm tôn sư bản phái được.

    Hoàng Liên thét lên:

    - Tịnh-Tuệ! Đúng rồi, sư phụ mi nhận vàng ngọc của Lý Công-Uẩn, hại thái sư phụ. Cho nên nay mi thấy tờ thư giả của Khu-mật viện, gây sự với ta. Từ xưa đến giờ, bản phái lấy võ công định chưởng môn. Mi hãy lấy kiếm ra, cùng ta hơn thua.

    Từ lúc đến lễ đài, Minh-Không thiền sư không nói một câu nào. Bây giờ ông mới lên tiếng:

    - Hai vị sư thái! Việc tranh chấp của phái Mê-linh xin để lúc khác. Đây là chỗ tôn nghiêm, không nên đem việc nhà ra bàn, để người ngoài đàm tiếu.

    Lời nói của một vị quốc sư vừa từ bi, vừa uy nghiêm, khiến Hoàng Liên nín lặng. Mụ đưa mắt nhìn sư thái Tịnh-Tuệ như muốn ăn tươi, nuốt sống.

    Trong khi ấy Tự-Mai nghe tiếng Khai-quốc vương:

    - Sư đệ. Em gây sự cho Mỹ-Linh đánh nhau với tên Đông-Sơn lão nhân kia đi.

    Tự-Mai nói với Triệu Thành:

    - Này Bình-nam vương gia. Vừa rồi giữa Đại-tống với Hồng-thiết giáo giao tranh hai trận. Trận đầu coi như hòa. Vì ngũ trưởng lão vị lừa. Trận thứ nhì, giữa Tống đấu với Tống, rồi bầy trò hề tự trấn động gẫy kiếm giả thua. Như vậy không kể.

    Nó hướng vào sư thái Tịnh-Tuệ:

    - Sư thái! Khi mụ Hoàng Liên không còn tư cách của tôn sư phái Mê-linh. Mụ đâu có phải đại biểu cho võ lâm Đại-việt. Có đúng thế không?

    Tịnh-Tuệ đáp:

    - Đúng thế. Đó là trận đấu giữa Tống với Tống.

    Triệu Thành giận căm gan. Y hỏi:

    - Nếu sư thái nói thế cũng được. Nào ai không phục kiếm pháp Hoa-sơn cứ lên đây tỷ thí.

    Y vừa dứt câu này, năm người nhảy lên đài một lúc. Tự-Mai nhìn ra có sư thúc Trần Kiệt, đại sư Sùng-Minh chùa Sơn-tĩnh, Hàn Ngọc-Quế phái Thiên-tượng, đạo sư Nùng-Sơn tử phái Tản-viên, Lê Đức bang Hồng-thiết giáo.

    Triệu Thành tự chửi thầm:

    - Mình đáng chết thực. Tự nhiên đưa ra lời thách thức, có khác gì chọc tay vào tổ ong.

    Tuy vậy tính hung hăng, kiêu hãnh khiến y không chùn bước:

    - Được! Không biết trong năm vị. Vị nào ra tay trước? Hay nếu năm vị muốn, Đông-Sơn lão gia có thể lĩnh giáo cả năm vị cũng không sao.

    Tự-Mai chắp tay hướng vào năm vị cao thủ:

    - Năm vị thuộc tiền bối võ lâm, lớn vai hơn bọn tiểu bối tại hạ nhiều. Đối với Đông-Sơn lão nhân, năm vị không nên ra tay. Nếu năm vị ra tay, có khác gì dùng dao mổ trâu mà mổ gà. Xin năm vị để cháu vinh danh thánh Gióng một chút.

    Năm tôn sư mỉm cười, khoan thai bước xuống đài.

  9. #129
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Nó thấy Mỹ-Linh băng chân cho Khai-thiên vương rồi, chỉ mặt lão Đông-Sơn lão nhân:
    - Lão già kia. Lão đấu với mụ Hoàng Liên nhà lão. Cớ sao lão lại vô phép với Khai-thiên vương? Tại sao lão lại đánh lén vương gia?
    Đông-Sơn lão nhân giận Tự-Mai phá vỡ kế hoạch của mình. Lão vung tay tát nó một cái.Thấy Đông-Sơn lão nhân đánh Tự-Mai, Trần Kiệt định vung tay đỡ cho nó. Nhưng ông thấy lão chỉ vận có ba thành công lực, Tự-Mai đủ sức chống đỡ. Ông đứng nhìn.
    Tự-Mai thấy kình lực của lão đổ ụp vào đầu mình, nó không dám coi thường, vội vận Vô-ngã tướng Thiền-công phát một chiêu Đông-a chưởng pháp đỡ. Bộp một tiếng. Chưởng của Đông-Sơn lão nhân bị mất tích. Lão kinh hoảng đưa mắt nhìn đối thủ. Trong đầu lão tự hỏi:
    - Thằng nhỏ láu cá này mới mười lăm, mười sáu tuổi là cùng, mà công lực đã đến trình độ có thể hoá giải công lực của ta được ư? Ta thử lại một lần nữa xem.
    Nói rồi lão phát nhẹ một chưởng. Lần này lão đã vận đến năm thành công lực. Tự-Mai thấy lão không có ác ý. Nó không đỡ chưởng của lão, mà tấn công vào hạ bàn lão bằng chiêu Đông hải lưu phong. Đông-Sơn lão nhân tuyệt không ngờ Tự-Mai lại dám tấn công mình. Lão bật tay xuống, đỡ chưởng của nó. Binh một tiếng, Tự-Mai bật lui liền ba bước. Trong khi cánh tay Đông-Sơn lão nhân cảm thấy tê buốt, kình lực bị mất tăm, mất tích.
    Lần này, không nhân nhượng nữa, lão vận đến bẩy thành công lực đánh ụp lên đầu Tự-Mai. Kình lực làm nó muốn ngộp thở. Ỷ có bố với sư thúc ở cạnh. Nó xuất chiêu Phong quá sơn đầu hai tay đẩy về trước. Bình một tiếng, người nó bay bổng lên cao, rơi xuống cạnh Đoàn Huy. Huy biết Tự-Mai là em Thanh-Mai, người xả thân cứu mạng ông. Ông khẽ phất tay một cái. Tự-Mai bay trở lại, rơi xuống cạnh Mỹ-Linh. Nó chỉ mặt Đông-Sơn lão nhân:
    - Ỷ lớn ăn hiếp nhỏ, không biết nhục.
    Nó thấy Mỹ-Linh cầm cái chuôi kiếm gẫy, trong đầu nó nảy ra một cách gây sự với bọn Tống. Nó cầm lấy chuôi kiếm dơ ra hỏi:
    - Đứa nào tung chuôi kiếm đánh trộm Khai-Thiên vương? Nếu là hảo hán, nhận đi.
    Triệu Thành chỉ Hoàng Liên:
    - Chuôi kiếm của vị sư thái kia ném vào Đông-Sơn lão nhân. Lão nhân đẩy ra, trúng vào y.
    Tự-Mai bảo Mỹ-Linh:
    - Bà chị, mau ra bắt y phải quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương.
    Mỹ-Linh nhận được lệnh chú phải gây sự với Đông-Sơn lão nhân, nhưng vốn tính hiền hậu, nàng tìm không ra cớ. Bây giờ nghe Tự-Mai nói, nàng mới tỉnh ngộ, chỉ tay vào mặt Đông-Sơn lão nhân:
    - Tên thôn phu kia. Mi ở rừng núi Hoa-Sơn, không biết lễ nghi gì cả. Mi đánh trộm một vị thái tử của Đại-Việt, thực một hành vi hết sức vô lễ. Mi có mau lại quỳ gối tạ tội không?
    Triệu Thành cười khanh khách, vì Mỹ-Linh đã cải trang thành một cô gái quần áo giống như đệ tử phái Mê-linh. Dáng người nàng đã ẻo lả, mà lại lên đài bắt lỗi một đại kiếm khách như Đông-Sơn lão nhân thực quá hài hước. Y nói:
    - Tiểu cô nương! Gã Lý Đức-Chính này có bị thương hay chết, không liên quan gì đến cô nương. Cô nương lên đây làm gì? Chỗ gươm đao vô tình này, tai bay vạ gió khó tránh được.
    Dù đã cải trang, Mỹ-Linh quên mất rằng mình không còn là công chúa nữa. Nàng cười nhạt:
    - Triệu vương gia! Ta lên đây có hai mục đích. Thứ nhất bắt lão kia phải quỳ gối tạ tội với Khai-thiên vương. Thứ nhì ta không phục kiếm pháp của lão.
    Triệu Thành cười nhạt:
    - Lý Đức-Chính thân làm thái tử, tước phong Khai-thiên vương, mà võ công không đủ để đỡ cái chuôi kiếm văng vào người, còn hy vọng gì lên kế vị làm vua. Giao-chỉ đến ngày tàn tạ rồi vậy.
    Mỹ-Linh xua tay:
    - Triệu vương gia. Vương gia nói như vậy e sai rồi. Thứ nhất Khai-thiên vương bị đánh trộm, nên lão nhà quê kia mới thành công. Thứ nhì phàm làm vua, cần lấy đức trị thiên hạ, chứ đâu cần võ công cao? Ta hỏi vương gia nhé: Vua Văn đời Thương. Vua Cao-tổ nhà Hán đâu có biết võ công? Ngay Thiên-thánh hoàng đế bên qúy quốc e không biết quá hai cái múa?
    Quay lại Đông-Sơn lão nhân, nàng quát:
    - Lão già kia! Mi có lại quỳ gối tạ tội không?
    Đông-Sơn lão nhân cười nhạt:
    - Ta không quỳ, hẳn nương giết ta chăng?
    Mỹ-Linh trả lời chắc như đinh đóng cột:
    - Đúng thế!
    Đông-Sơn lão nhân cười rung động cả quảng trường lên.
    Triệu Thành nói:
    - Này cô nương. Nếu cô nương đỡ được của lão nhân mười chiêu kiếm, ta xin quỳ gối lạy tạ gã Lý Đức-Chính. Sau đó xin rời khỏi nơi này.
    Tự-Mai vận khí vào đơn điền nói lớn:
    - Xin anh hùng thiên hạ nghe đây. Bình-nam vương nhà Đại-Tống nói rằng, nếu như bà chị bé xíu này của tôi đỡ được mười chiêu kiếm của Đông-Sơn lão nhân, Triệu vương gia xin quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương, rồi rời khỏi đây. Phàm đánh cuộc phải có ăn có thua. Tôi cũng đánh cuộc, nếu bà chị tôi không đỡ được mười chiêu của Đông-Sơn lão nhân, tôi cũng xin theo hầu Triệu vương gia cả đời.
    Quần hùng thấy con trai của chưởng môn phái Đông-a dám đánh cuộc to lớn như vậy, đều im lặng, lo lắng cho nó.
    Mỹ-Linh tiến ra giữa đài, khoanh tay chờ đợi. Nữ đệ tử phái Mê-linh đều mặc áo xanh, quần đen, lưng thắt khăn vàng, cổ choàng khăn hồng. Mỹ-Linh mặc quần áo trắng quen rồi, nay nàng mặc quần áo xanh, lại hoá trang, thành ra không ai nhận được nàng, trừ phụ vương, thúc phụ với Tôn Đản, Tự-Mai.
    Minh-Thiên thấy một cô gái dám ngang nhiên thách một đại kiếm khách như Đông-Sơn lão nhân đấu, ắt phải có biệt tài gì. Ông nhắc nhỏ:
    - Lão nhân, phải cẩn thận.
    Đông-Sơn lão nhân ra vẻ kẻ cả, lão nói:
    - Tiểu cô nương ra chiêu trước đi.
    Tay trái Mỹ-Linh bắt kiếm quyết. Tay phải nàng rút kiếm. Ánh thép lóe lên, thanh kiếm đã đưa sát vào ngực Đông-Sơn lão nhân. Đông-Sơn lão nhân tuyệt không ngờ trên đời lại có thứ kiếm thần tốc đến như vậy. Lão lộn người ra sau tránh. Mỹ-Linh di chuyển thân hình theo, thanh kiếm vẫn dí sát cổ lão. Lão kinh hoàng lộn liền ba vòng, nhưng thanh kiếm của Mỹ-Linh thủy chung vẫn dí sát cổ . Lão hét be be, vọt người lên cao. Xoẹt một tiếng, áo lão bị kiếm chọc thủng ở bên hông.
    Mặt mũi lão tái mét. Mỹ-Linh lui lại hai bước, tra kiếm vào vỏ đánh cách một cái. Nàng nói như dạy dỗ kẻ dưới:
    - Ta tha cho lão, vì vừa rồi lão chưa rút kiếm ra.
    Khi Mỹ-Linh ra chiêu, Đông-Sơn lão nhân lui. Hai người cử động mau quá, chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, ánh thép. Mọi người kinh hoàng đến nín thở. Bây giờ họ mới kịp vỗ tay hoan hô Mỹ-Linh.
    Đông-Sơn lão nhân sợ quá, đến đờ người ra. Tay lão rút kiếm, mà còn run run.
    Khi Mỹ-Linh ra chiêu, tất cả đệ tử phái Mê-kinh đều nhận ra những chiêu nàng đánh. Đó là những chiêu rất bình thường. Nhưng có điều nàng ra chiêu thần tốc quá mà thôi. Sư thái Tịnh-Tuệ nhìn kỹ xem Mỹ-Linh tên gì, mà tuyệt bà không nhận ra. Bà nghĩ:
    - Xem chừng thiếu nữ này là đệ tử đời thứ ba đây. Đệ tử đời thứ ba nhiều quá, ta làm sao nhớ hết. Không biết bằng cách nào mà nó luyện được bản lĩnh ảo diệu đến như thế? Hay một cao nhân phái khác cho đệ tử nhập bản phái hôm nay để cứu viện?
    Nghĩ như vậy, nhưng bà thấy không phải. Vì rõ ràng kiếm pháp Mỹ-Linh đánh là Long-biên kiếm pháp.
    Mỹ-Linh hỏi Đông-Sơn lão nhân:
    - Người chuẩn bị chưa?
    Đông-Sơn lão nhân cho rằng vừa rồi Mỹ-Linh ra chiêu trước, chiếm được tiên cơ. Lần này lão không để cho nàng đắc thế kiểu đó nữa. Lão rút kiếm nhằm đỉnh đầu nàng bổ xuống một chiêu như sét đánh. Mỹ-Linh không đỡ, nàng lao đầu về trước, rồi chĩa kiếm vào ngực y. Đông-Sơn lão nhân đã kinh nghiệm, lão vọt người lên cao. Mỹ-Linh cũng vọt lên như pháo thăng thiên. Ở trên cao, hai người chiết với nhau hơn mười chiêu.
    Rơi xuống đài, Mỹ-Linh đánh liền một lúc mười tám chiêu. Mỗi chiêu biến làm ba mươi sáu chiêu khác. Ánh kiếm bạc bao phủ khắp người Đông-Sơn lão nhân. Lão vừa đỡ, vừa lui, vừa hò hét. Trong khi Mỹ-Linh phiêu phiêu, hốt hốt như tiên nga múa vũ Nghê-thường.
    Tuy kiếm pháp Long-biên mau thực, nhưng Hoa-sơn kiếm pháp cũng không kém. Hai người như hai trái cầu bạc bao phủ lấy nhau. Không ai có thể phân biệt Mỹ-Linh với Đông-Sơn lão nhân nữa.
    Minh-Thiên nhìn những chiêu kiếm Mỹ-Linh đánh ra, ông nghĩ:
    - Ta thường nghe võ lâm đồn rằng Giao-chỉ có pho Long-biên kiếm pháp, khắc chế tất cả kiếm pháp Trung-nguyên. Ta không tin. Nay mới biết nghe không bằng thấy. Nếu ta là Đông-Sơn lão nhân, cũng đến chịu chết, chứ không biết phản công ra sao.
    Về phía Tịnh-Huyền, bà nghĩ thầm:
    - Hôm trước gặp Mỹ-Linh, ta thấy nó có nhiều duyên may, lại giầu tâm đạo. Ta truyền tâm pháp cùng thuật ngữ luyện Long-biên kiếm pháp cho nó. Không biết sau đó, nó tìm ở đâu ra được kiếm phổ cùng nội công để luyện, mà nay đến trình độ này?
    Trong khi đó Đông-Sơn lão nhân đánh liền ba chưởng cực kỳ hùng hậu. Mỹ-Linh biết công lực mình thấp, nàng vọt người ra xa, rồi quay tròn người như con chong chóng. Quả cầu bạc cũng quay theo. Khi quả cầu của nàng gặp quả cầu của Đông-Sơn lão nhân, chỉ thấy một ánh thép vọt lên cao. Mọi người nhìn xem, đó là một thanh kiếm bay lên.
    Không biết thanh kiếm của ai.
    Cử toạ nhìn xuống, thấy Mỹ-Linh khoanh tay đứng ở mép đài, tư thái khoan hòa, miệng mỉm cười. Còn Đông-Sơn lão nhân tay phải ôm cổ tay trái, máu ra xối xả.
    Mỹ-Linh cất tiếng trong như sương mai, ngọt như cam thảo:
    - Lão tiên sinh! Xin lão tiên sinh băng tay lại đi. Để máu ra nhiều quá e hại đấy.
    Có bóng hồng bay vọt lên đài. Đó là một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp. Nàng mặc quần lụa trắng, áo hồng, dây lưng vàng, cổ choàng khăn cũng mầu vàng. Tự-Mai, Tôn Đản nhận ra Lê Thiếu-Mai, con gái Hồng-Sơn đại phu. Thiếu-Mai lấy thuốc rịt vết thương, dùng vải băng cổ tay cho Đông-Sơn lão nhân. Động tác của nàng thành thạo, mau vô cùng. Băng xong, nàng nói:
    - Lão tiên sinh! Vết thương nhẹ thôi. Tiên sinh vẫn có thể tái đấu được.
    Đông-Sơn lão nhân cũng nhận ra nàng. Lão chắp tay:
    - Đa tạ cô nương.
    Tự-Mai bước ra hỏi Triệu Thành:
    - Thế nào Triệu vương gia? Đông-Sơn lão nhân thua rồi. Vương gia mau đến quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương đi chứ?
    Đông-Sơn lão nhân cầm kiếm lên nói với Mỹ-Linh:
    - Cô nương! Vừa rồi cô nương dùng tà thuật, chứ không phải dùng kiếm pháp. Lão phu không phục. Xin cô nương thử diễn lại cho lão phu xem được không?
    Cử toạ đều có ý nghĩ như Đông-Sơn lão nhân. Mỹ-Linh chưa quyết định, thì nghe tiếng Lăng-không của sư thái Tịnh-Tuệ:
    - Chiêu này rất khó, con có diễn lại chúng cũng không bắt chước được đâu. Cứ diễn đi.
    Mỹ-Linh mỉm cười, nàng nhảy ra xa, người quay tròn rất chậm. Mỗi vòng quay nàng đánh ra ba mươi sáu chiêu. Mỗi chiêu đều có sát thủ kinh người. Chiêu cuối cùng thì kiếm đâm vào giữa ngực Đông-Sơn lão nhân. Lão lùi lại tránh, thanh kiếm Mỹ-Linh co như con rắn, rồi bất thình lình vươn cổ mổ sang trái, trúng cườm tay lão nhân.
    Biểu diễn xong nàng nghe tiếng Trần Kiệt nói vọng vào tai bằng lăng-không truyền ngữ:
    - Cho lão đấu lại, vì lão chưa hiển lộ hết tuyệt kỹ Hoa-sơn kiếm pháp. Đợi khi lão đánh hết chiêu cuối cùng, rồi thắng lão cũng vừa.
    Mỹ-Linh nghe vậy, nàng nói với Đông-Sơn:
    - Nếu lão nhân không phục, ta đấu lại.
    Nắng tháng tám chói chang, y phục Mỹ-Linh bay phất phới trên không đẹp vô cùng. Nàng nghe tiếng Khai-quốc vương nói:
    - Không nên tấn công nhiều, phải cẩn thận, đừng để hai kiếm chạm nhau.
    Mỹ-Linh khoan thai khi công khi thủ. Tay phải xử dụng kiếm, tay trái bắt kiếm quyết. Cứ mỗi lần nàng tấn công, Đông-Sơn lão nhân lại luống cuống. Mỹ-Linh thấy kiếm pháp của y cao minh hơn Đinh Hiền của Hồng-thiết giáo nhiều. Càng đánh kiếm của lão càng chậm lại, kiếm khí phát ra mạnh đến vỡ núi, tan thành. Mỗi chiêu lão đưa ra, kiếm khí kêu lên vo vo, mũi kiếm rung động. Nhiều khi kiếm của Mỹ-Linh chạm phải làn kiếm khí, khiến tay nàng muốn tê liệt. Nhưng nhờ có Vô-ngã tướng thiền công hộ thể, nên chân khí của lão bị nàng hút mất.
    Khi được lệnh Đỗ Xích-Thập bảo phải thua Đông-Sơn lão nhân, mụ Hoàng Liên hơi ấm ức trong lòng. Bây gìơ nhìn Đông-Sơn lão nhân đấu với Mỹ-Linh, mụ phải tự nhận mình còn thua lão xa. Mụ than thầm:
    - Cũng may mình với lão cùng là thần tử nhà Tống, chứ nếu mình đối địch với lão e bỏ mạng. Kiếm khí của lão mạnh thế kia mình bì sao kịp.
    Về phía phái Mê-linh, sư thái Tịnh-Tuệ thấy tất cả các chiêu Mỹ-Linh đánh ra đều không có gì mới lạ. Những chiêu đó, bọn đệ tử đời thứ nhì đều biết hết. Có điều chiêu nọ nối liền chiêu kia liên miên bất tuyệt, tạo thành một bức thành đồng kiên cố quanh nàng. Hai nữa, nàng xử dụng mau quá, thành ra đối thủ chưa kịp phản ứng, chiêu khác đã tới.
    Trước đây, nghe sư phụ, cùng các bậc tiền bối nói rằng Mê-linh kiếm pháp chính do kiếm pháp Long-biên thời vua An-dương lưu truyền. Vạn-Tín hầu nhờ pho kiếm này mà thắng khắp anh hùng Trung-nguyên. Đời Lĩnh-nam, tể tướng Nguyễn Phương-Dung, công chúa Phật-Nguyệt làm rung động triều Hán với pho tuyệt kỹ này. Đệ tử phái Mê-linh cho rằng đó chẳng qua huyền thoại. Không ngờ bây giờ thấy Mỹ-Linh xử dụng, họ mới tin là thực.
    Đông-Sơn lão nhân đánh rất chậm chạp, mỗi chiêu kiếm khí tuôn ra mạnh vô cùng. Trong khi Mỹ-Linh hư hư, thực thực, khiến lão cứ phải nhảy nhót tránh né.
    Tịnh-Tuệ thấy lúc đầu Mỹ-Linh xuất thủ còn gượng gạo. Càng về sau càng thuần thục. Là đại tôn sư võ học, bà biết ngay rằng Mỹ-Linh mới học Mê-linh kiếm pháp, có lẽ lần đầu tiên gặp đối thủ có bản lĩnh tinh diệu như vậy, cho nên nàng mới phải dở hết bản lĩnh chân thực ra.
    Sau sáu trăm chiêu, Đông-Sơn lão nhân đã xử dụng hết Hoa-sơn kiếm pháp. Mỹ-Linh hiểu được nguyên tắc kiếm thuật của y. Cho nên mỗi chiêu y đánh ra, nàng đều đoán trước. Tuy vậy, vì công lực y quá cao thâm, nàng không thể nào đưa kiếm xuyên vào người, đả thương lão. Trong khi đó, công lực nàng cạn dần.

  10. #130
    Member
    Join Date
    27-09-2011
    Location
    Hà Nội -Việt Nam
    Posts
    1,669
    Các đại tôn sư võ học đều nhận thấy mối nguy cho Mỹ-Linh. Khi Mỹ-Linh lên đài. Minh-Không thiền sư chỉ liếc qua, ngài đã biết nàng luyện nội công Tiêu-Sơn. Hôm trước nghe sư đệ Huệ-Sinh kể rằng mới thu nhận công chúa Bình-dương làm đệ tử. Thiền sư biết ngay là cô gái này. Ngài nghĩ:
    - Có lẽ phải giúp công chúa Bình-dương thắng lão Đông-Sơn.
    Nghĩ vậy ngài nói với sư thái Tịnh-Tuệ:
    - Bạch sư thái! Dễ thường Ngọ rồi. Sư thái làm trưởng ban tổ chức. Xin sư thái tụng cho oan hồn tử sĩ thời Lĩnh-nam đoạn đầu kinh Lăng-già, để họ siêu thoát.
    Trong Phật giáo, giữa những người luyện thiền công với nhau, khi luyện lâu rồi, đi đến cái gọi là nhân ngã tương thông. Hai bên chỉ nhìn nhau, hoặc nghe nhau nói một câu, họ hiểu nhau liền. Sư thái Tịnh-Tuệ với thiền sư Minh-Không cũng thế. Sư thái biết quốc sư muốn bà tụng kinh Lăng-già, để giúp Mỹ-Linh. Nhưng bà hơi ngạc nhiên. Vì kinh Lăng-già có mục đích bỏ ác tính, đi đến chân không. Nội công âm nhu phái Long-biên vốn thuộc sắc tính đi đến giết người trong chớp mắt. Mỹ-Linh mới luyện nội công này, vì vậy không đủ thâm hậu thắng Đông-Sơn lão nhân. Nay nếu bà đọc kinh Lăng-già lên ắt sức mạnh của nội công âm nhu trong người Mỹ-Linh ắt giảm. Như vậy chẳng hóa ra hại nàng ư?
    Một tia sáng loé lên:
    - Phải rồi, Mỹ-Linh đã luyện Vô-ngã tướng công. Nếu đọc kinh Lăng-già lên, sắc tướng của Vạn-tín hầu biến đi, công lực Mỹ-Linh mới mạnh được.
    Bà định tâm, nhập thiền thực nhanh, đưa mắt nhìn Bồ-tát Minh-Không. Giữa tâm hai người nở ra như bông sen. Bà hiểu ngay:
    - Minh-Không thực đã thành đại Bồ-tát. Thì ra ngài đâu có nói với mình! Mà nói với con ma Hoàng Liên. Mình chẳng cần tụng, mang tiếng.
    Trong khi bà đang suy nghĩ, cũng đúng lúc mụ Hoàng Liên suy nghĩ như ma chướng của mụ. Mụ nghĩ thầm:
    - Chi bằng ta tụng kinh Lăng-già lên cho con nha đầu kia thua lão Đông-Sơn. Nếu ai có trách cứ, ta đổ cho lão Minh-Không.
    Nghĩ rồi mụ tụng liền:
    Sắc thảy và tâm không,
    Sắc thảy nuôi lớn tâm,
    Thân thọ dụng an lập.
    Tàng thức hiện chúng sinh,
    Tâm, ý cùng với thức,
    Tự tính pháp có năm,
    Vô ngã hai thứ tịnh.
    Diễn rộng nói thế này:
    Dài, ngắn, có, không, thảy,
    Lần lượt lẫn nhau sinh.
    Mỹ-Linh đang chiết chiêu, tự nhiên nghe bốn câu kinh kia lọt vào tai. Kinh Lăng-già nàng đã tụng hàng trăm, hàng ngàn lượt, đến độ nàng thuộc làu. Thành ra khi Hoàng Liên tụng, bao nhiêu sắc tướng, cùng sát thủ của nội công âm nhu Vạn-Tín hầu từ từ giảm xuống. Kiếm chiêu của nàng chậm lại dần. Nhưng mỗi khi kiếm của nàng chạm vào kiếm khí của Đông-Sơn lão nhân, nàng không thấy tê dại nữa. Trái lại nàng thấy chân khí của lão theo kiếm truyền vào người nàng.
    Mụ Hoàng Liên không biết rõ tình thế. Mụ thấy kiếm của Mỹ-Linh chậm lại. Mụ cho rằng việc mình làm có kết quả. Mụ tụng tiếp:
    Bởi không nên thành có,
    Do có nên thành không,
    Vi trần việc phân biệt,
    Chẳng khởi vọng tưởng sắc.
    Tâm lượng chỗ an tập,
    Ác kiến chẳng là ưa,
    Phi cảnh giới giác tưởng,
    Thanh văn cũng như thế.
    Chỗ nói của cứu thế,
    Cảnh giới của tự giác.
    Đến đây, trong tâm Mỹ-Linh hoàn toàn trống rỗng. Nội công âm nhu Vạn-Tín hầu như nước về nguồn rót vào đơn điền. Trong khi đó Vô-ngã tướng thiền công toả khắp thân nàng. Tay nàng nặng chĩu, kiếm chiêu càng chậm hơn. Nhưng kình lực toả ra cực rộng. Giữa kình lực của nàng với kình lực của lão đẩy vào nhau, thành ra hai người đứng cách xa nhau đến hai trượng mà chiết chiêu. Áp lực của hai người làm bàn thờ rung rinh.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. TÒA ÁN XÉT XỬ THEO LUẬT RỪNG !
    By Hải âu in forum Tin Việt Nam
    Replies: 1
    Last Post: 12-12-2011, 07:55 PM
  2. NGỤY VĂN THÀ: VÁN BÀI LẬT NGỬA
    By hatka in forum Tin Việt Nam
    Replies: 2
    Last Post: 31-07-2011, 07:24 AM
  3. Replies: 3
    Last Post: 26-04-2011, 06:44 AM
  4. ĐỪNG BÔI BÁC CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM
    By chinhnghia in forum Tin Cộng Đồng
    Replies: 48
    Last Post: 10-01-2011, 12:07 PM
  5. PHẬT NGỌC HOÀ BÌNH - PHẬT TỬ BẤT BÌNH.
    By Hoang Le in forum Tin Cộng Đồng
    Replies: 7
    Last Post: 18-10-2010, 02:40 AM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •