Page 348 of 471 FirstFirst ... 248298338344345346347348349350351352358398448 ... LastLast
Results 3,471 to 3,480 of 4709

Thread: SAIGON THUỞ ẤY ...

  1. #3471
    Tran Truong
    Khách
    SàiGòn thưở ấy,vài ngày qua ... đã không còn trong danh sách mỗi ngày . Tôi tôn trọng ý kiến cụ NMQ . Chờ đợi mọi ý kiến đóng góp , cũng như di dời . Người SàiGòn còn , thì SàiGòn vẫn xuất hiện mỗi ngày , mỗi giờ trên diễn đàn VL dưới mọi hình thức , mọi bài viết , mọi đóng góp .

    Văn hoá đi liền với con người . Con người gắn liền với lịch sử . Trong khi chờ đợi ý kiến cũng như dời đổi , nếu có , tôi xin tiếp tục đi vào , góp phần vào SàiGòn thưở ấy , bằng tâm tình của người Sàigòn một thưở , văn chương là những gì trân quí , là những ước vọng , là những tình cảm chân thật của con người ... Bài với cái tên bình dị , mộc mạc :

    Con Mén


    Trong khai sanh nó tên là Loan. Ở nhà gọi nó là con Mén, vì hồi sanh nó ra nó chỉ cân được có hai kí lô tư.
    Bà nội nó bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười văng cốt trầu : "Đụ họ nó ! Thứ gì mà như con chí mén !" Từ đó, gọi nó là con Mén luôn.

    Nó bú sữa mẹ, nhưng vì nhà nghèo nên má nó không đủ sữa, dặm thêm cho nó bằng nước cháo, cho nên nó không mụ mẫm như phần đông các trẻ nít khác. Nó cứ đèo đèo, lớn chậm và ốm tong ốm teo.

    Bà nội nó cưng nó lắm. Bởi vì ba má nó chỉ sanh có con trai, một dọc ba đứa, phá phách đánh lộn tối ngày.
    Bà nội nó thèm có một đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo hơn. Bà thường nói : "Có đứa cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ trầu".

    Một ước mơ rất tầm thường nói lên nét bình dị mộc mạc của tâm hồn các bà mẹ quê.
    Giống như mái nhà tranh chỉ cần có bụi chuối sau hè, có ao bèo trước ngõ… Giống như con rạch nhỏ, chỉ cần đều đặn có nước lớn nước ròng…

    Con Mén có thân hình ốm o xấu xí nhưng lại có đôi mắt sáng, linh động, với cái miệng nhỏ chu-chu cũng dễ thương.
    Bà nội nó nói : "Cái ngữ này lớn lên rồi phải biết. Nó hỗn dàng trời !". Nói như vậy chớ bà ưa nhìn nó ngủ sau khi bú, nhả vú ra rồi mà miệng vẫn còn nút nút.

    Quê con Mén ở miệt Hậu giang một làng nhỏ nằm xa tỉnh lỵ , xẻ đôi bởi một con kinh đào. Vùng này chưa có đường xe chạy, nhưng có nhiều sông rạch nên thiên hạ đi lại bằng ghe to xuồng nhỏ.
    Hoặc đi bộ dọc theo bờ nước hay băng ngang đồng vào mùa ruộng khô. Xa xa, có những chiếc cầu gỗ bắc ngang kinh rạch, nối xóm này qua xóm nọ.

    Cầu gỗ cao lêu-nghêu, chân dài cắm sâu vào lòng nước như sợ nước lên làm ướt thân cầu. Người ta qua lại không cần lan can.

    Xóm con Mén tên là xóm Cầu Ngang, một cái tên nghe rất thật thà, làm như trên đời này còn có những cái cầu dọc vậy !
    Xóm nhỏ đó cũng có chợ nhà lồng lợp tôn đơn-sơ. Vây quanh chợ là quán cà phê, tiệm chạp-phô, tạp hóa, hàng vải… và một tiệm sách, gọi là tiệm sách nhưng chỉ chuyên cho thuê tiểu thuyết, truyện tàu.

    Con Mén sanh ra ở đó. Khi nó biết đi biết chạy, bà nội nó lúc nào cũng kè một bên, sợ nó té sông.
    Vậy mà chẳng mấy lâu sau, nó biết lội hồi nào bà nó cũng không hay, nó học lội với ai bà nó cũng không biết.

    Mãi đến một hôm, trời nóng bức, con Mén nhảy ùm xuống kinh làm bà nội nó la làng chói-lói. Đến khi nhìn lại thấy nó lội như rái, bà mừng chảy nước mắt.

    Lòng bà vui lắm nhưng bà cũng chưởi đổng : "Mồ tổ cha mày !" Từ đó, con Mén đi đâu một mình bà cũng yên tâm. Bà nói : "Nó giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ".

    Lớn lên một chút, con Mén lúc nào cũng ở trần, đi chân đất, chỉ mặc có cái quần xà-lỏn ka ki .
    Nó vẫn ốm tong ốm teo, nhưng không thấy nó bịnh bao giờ. Nó chơi với lũ trẻ hàng xóm, chơi trò con trai như con trai.

    Vậy mà bà nội nó vẫn ưa nó hơn là ba thằng anh của nó, bởi vì đêm nào nó cũng chui vào ngủ với bà.
    Bà thích vuốt tóc cho nó ngủ và thích nghe mùi thơm hơi thở của con Mén, như ngày xưa, hồi còn trẻ, bà thích nghe mùi thơm của lúa chín, gió ruộng đưa thoang thoảng vào nhà về đêm…

    Má con Mén mua đầu chợ bán cuối chợ. Kiếm đủ nuôi mấy miệng ăn. Nghèo nhưng không đói.
    Ba nó trốn lính một dạo, nhưng rồi cũng bị bắt. Đi quân dịch, làm binh nhì, rồi đi luôn không biết chừng nào giải-ngũ !

    Ba nó đóng ở đâu miệt Sài-Gòn. Lâu lâu về phép, ở nhà được vài hôm.
    Những hôm đó, con Mén khoái lắm, bởi vì ba nó cũng cưng nó như bà nội nó vậy.

    Sáng nào, ba nó cũng cõng nó ra tiệm cà-phê. Nó ngồi trên ghế đẩu cạnh ba nó, đôi mắt chỉ cao hơn mặt bàn một chút.
    Người lớn hay vò đầu nó, làm rối bồng mái tóc bom-bê. Lúc nào nó cũng được ba nó gọi riêng cho một tách sữa nhỏ.

    Sợ sữa nóng, ba nó thường sớt ra dĩa cho mau nguội. Nó kê miệng vào thành dĩa, hớp từng hớp nhỏ.
    Hai bên mép, sữa đóng thành hai đường trắng hếu, nhưng mắt nó ngời lên sung sướng. Những lúc đó, con Mén đong đưa hai chân như người ta đuổi ruồi…

    Rồi một hôm, Việt Cộng về xóm Cầu Ngang, bắn phá tơi bời suốt một đêm, sáng bữa sau rút đi mất.
    Thiên hạ bắt đầu bàn tán. Trời vừa sụp tối đã đóng cửa cài then. Đêm đêm nằm ngủ phập phồng. Sáng ra nhìn nhau lơ-láo.
    Nét thanh bình xóm nhỏ làng quê mất dạng lần lần. Người ta bắt đầu tản cư…

    Ba nó về, đưa mẹ con nó lên Sài-Gòn . Bà nội nó ở lại . Bà nói : "Tao già rồi, đi đâu chi ? Tụi bây lo cho sắp nhỏ đi, đừng lo cho tao".
    Bà nói cứng như vậy chớ lòng bà đau như dao cắt. Bà biết : bầy vịt nhỏ và mấy gốc mận gốc xoài không giúp được bà thường xuyên lên thăm bầy cháu.

    Nhứt là con Mén, rứt nó đi y như là cắt đi một núm ruột của bà.
    Hôm đó, bà nội con Mén ăn trầu nhiều hơn mọi ngày, hết miếng này là têm ngay miếng nọ, mắt nhìn mãi bờ kinh, không nói.

    Đến khi đưa bầy cháu xuống ghe, bà ôm con Mén vào lòng, hôn nó mà bà khóc ngất.
    Bà dúi vào tay nó tờ giấy năm chục đồng xếp nhỏ, nói trong nước mắt : "Nội cho con lên trển mua bánh ăn".

    Nó nghe nồng lên mùi cốt trầu, mùi bà nội nó, cái mùi mà nó đã quen thở đêm đêm khi gối đầu lên tay bà để đi vào giấc ngủ .
    Nó ôm bà mà khóc như mưa…

    Ghe đã đi xa, ghe máy nên đi nhanh hơn ghe chèo.
    Bà nội con Mén còn đứng ở bờ kinh, mắt rõi theo ghe mà nghe như người bà bị tê dại . Kinh đào dài tun hút .

    Ghe đã mất dạng từ lâu mà bà vẫn nhìn mãi về phía đầu kinh. Tuốt ở đầu kinh , xa lắm , có một lằn dài gạch ngang, người ta gọi là chân trời…

  2. #3472
    Quản Giáo
    Khách

    Sàigon trong cuộc bể dâu

    Theo cá nhân tôi thì các bài viết nào không nhắc tới cái "Sàigòn thuở ấy dễ thương" thì ta nên mang về 1 thớt của riêng ta để khỏi mang tiếng ăn ké .

    Vả lại nhiều khi cái ăn ké này mà lại làm cho cái tiệc văn xôm tụ khi nó sắp tàn, mà ít ai để ý , nhưng vẫn mang tiếng là ăn ké .

    Mấy bài về "Sếu Tầu" cũng hấp dẫn và chờ theo dõi, vì "Sếu Tầu" hay vì SG thuở ấy , riêng tôi thì vì muốn nhìn cái xã hội đảo điên của thời kắt mệnh , vậy thì bạn Trần Truong ráng tạo ra 1 cái topic, rồi khuân về đó hàng chục mảnh đời trong cái "Đêm trước cách mạng" hay "Sàigòn trong cuộc đổi đời " .

    Anh em cũng sẽ khuân về ăn có với bạn vài chục mản đời khác, chứ tiệc sắp tàn, mà bạn vác chai SO tuy có ngon, nhưng tiệc vẫn cua/ chủ nhà . Bạn TT hỏi ý thì tui ra ý như vậy .

    Bạn muốn tôi mở thớt này rồi khuân dùm bạn mấy "thư mục" đó về đây không .?

  3. #3473
    Tran Truong
    Khách
    Quote Originally Posted by Quản Giáo View Post
    Theo cá nhân tôi thì các bài viết nào không nhắc tới cái "Sàigòn thuở ấy dễ thương" thì ta nên mang về 1 thớt của riêng ta để khỏi mang tiếng ăn ké .

    Vả lại nhiều khi cái ăn ké này mà lại làm cho cái tiệc văn xôm tụ khi nó sắp tàn, mà ít ai để ý , nhưng vẫn mang tiếng là ăn ké .

    Mấy bài về "Sếu Tầu" cũng hấp dẫn và chờ theo dõi, vì "Sếu Tầu" hay vì SG thuở ấy , riêng tôi thì vì muốn nhìn cái xã hội đảo điên của thời kắt mệnh , vậy thì bạn Trần Truong ráng tạo ra 1 cái topic, rồi khuân về đó hàng chục mảnh đời trong cái "Đêm trước cách mạng" hay "Sàigòn trong cuộc đổi đời " .

    Anh em cũng sẽ khuân về ăn có với bạn vài chục mản đời khác, chứ tiệc sắp tàn, mà bạn vác chai SO tuy có ngon, nhưng tiệc vẫn cua/ chủ nhà . Bạn TT hỏi ý thì tui ra ý như vậy .

    Bạn muốn tôi mở thớt này rồi khuân dùm bạn mấy "thư mục" đó về đây không .?
    Chờ hoài không thấy ý kiến ý cò , cũng chẳng thấy di dời . Mà lòng thì không muốn SàiGòn thưở ấy chìm vào quên lãng , nói cách khác là biến khỏi diễn đàn . Tôi chỉ muốn thread này sống mãi , mà chị Tigôn cũng bận bịu ... và cũng viết quá đủ . Coi như cạn đề tài nên tôi muốn vực lại thôi . Đúng ra phải xin phép chị trước .

    Tôi thì không ngại gì , đóng góp trong việc chống cộng trừ gian , đó là nghĩa vụ . Còn coi là post ké hoặc làm loãng ....vv .... tôi không đặt thành vấn đề . Chả ai mang theo được gì khi nhắm mắt . Tất cả chỉ là tài sản kế thừa cho con cháu . Vài hàng phúc đáp để anh rõ . Thân .

  4. #3474
    Quản Giáo
    Khách
    Quote Originally Posted by Tran Truong View Post
    Chờ hoài không thấy ý kiến ý cò , cũng chẳng thấy di dời . Mà lòng thì không muốn SàiGòn thưở ấy chìm vào quên lãng , nói cách khác là biến khỏi diễn đàn . Tôi chỉ muốn thread này sống mãi , mà chị Tigôn cũng bận bịu ... và cũng viết quá đủ . Coi như cạn đề tài nên tôi muốn vực lại thôi . Đúng ra phải xin phép chị trước .

    Tôi thì không ngại gì , đóng góp trong việc chống cộng trừ gian , đó là nghĩa vụ . Còn coi là post ké hoặc làm loãng ....vv .... tôi không đặt thành vấn đề . Chả ai mang theo được gì khi nhắm mắt . Tất cả chỉ là tài sản kế thừa cho con cháu . Vài hàng phúc đáp để anh rõ . Thân .
    Vâng Sàigòn thuở ấy nó thơ mộng, nó trong cái đầu đời mới lớn của tôi . Đi học thì 1 đồng mua được 1 khúc bánh mì, xin chú bán hàng 1 chút đồ chua . 2 đồng mới có bánh mì nhân thịt . Đi học về qua những hàng cây trứng cá trên đường Lê văn Duyệt khu gần chợ ông Tạ, trông những quả trứng cá mà thèm, vì trước đó tôi đã phải mua 5 cắc mà chỉ an được có nửa trái ...Sài gòn mến thương êm đềm cho đến ngày mà cộng nô mang bu kích về ven đô .

    Vì yêu Saigòn thuở ấy, tôi do dự không muốn mang về hình ảnh của trẻ đánh giầy cho bộ binh Mỹ, không muốn mấy em du kích mặc áo bà ba lấp ló săn tin trong mấy quán bar . Mấy em đĩ Mẽo thoat thai từ các ổ nằm vùng săn tin . Những đứa đã huỷ hoại cái Sàigòn thuở ấy .

    Không muốn cái Saigòn thuở ấy tàn lụi, mà cũng không muốn đem chiến tranh về vùng an bình của chị Tigon, thôi thì tuỳ chủ nhà !!!

  5. #3475
    Tran Truong
    Khách
    Quote Originally Posted by Quản Giáo View Post
    Vâng Sàigòn thuở ấy nó thơ mộng, nó trong cái đầu đời mới lớn của tôi . Đi học thì 1 đồng mua được 1 khúc bánh mì, xin chú bán hàng 1 chút đồ chua . 2 đồng mới có bánh mì nhân thịt . Đi học về qua những hàng cây trứng cá trên đường Lê văn Duyệt khu gần chợ ông Tạ, trông những quả trứng cá mà thèm, vì trước đó tôi đã phải mua 5 cắc mà chỉ an được có nửa trái ...Sài gòn mến thương êm đềm cho đến ngày mà cộng nô mang bu kích về ven đô .

    Vì yêu Saigòn thuở ấy, tôi do dự không muốn mang về hình ảnh của trẻ đánh giầy cho bộ binh Mỹ, không muốn mấy em du kích mặc áo bà ba lấp ló săn tin trong mấy quán bar . Mấy em đĩ Mẽo thoat thai từ các ổ nằm vùng săn tin . Những đứa đã huỷ hoại cái Sàigòn thuở ấy .

    Không muốn cái Saigòn thuở ấy tàn lụi, mà cũng không muốn đem chiến tranh về vùng an bình của chị Tigon, thôi thì tuỳ chủ nhà !!!
    Hì Hì ... chỗ tôi rẻ hơn . Năm cắc là có khúc bánh mì , chan nước cá , thêm đồ chua !!! Trứng cá thì hà rầm , có dạo đồn ầm , ăn trứng cá nhiều , hột dính ruột ... chết ! Tôi là tên chẳng những ăn thế cơm , mà đôi khi còn ngủ trên cây trứng cá .

    Những chữ in đậm , chỉ là những nét chấm phá của bức tranh Sàigòn . Còn bảo họ đã hủy hoại cái SàiGòn thưở ấy ... thì cũng tội cho họ . Đúng ra họ có góp phần nhỏ. Họ chỉ là phương tiện cho bọn dấu mặt ẩn tên . Họ bị lợi dụng bởi những tên điều khiển họ từ xa . Những tên mang danh Trí Thức ... mà tôi gọi là TRÍ THỨC BƯNG BÔ . Bọn chúng mới chính danh thủ phạm !!! Lúc này chúng lền khên trong nước ... hải ngoại cũng không thiếu !!!

  6. #3476
    Member Nguyễn Mạnh Quốc's Avatar
    Join Date
    25-03-2011
    Posts
    4,374

    Saigon thuoẻ ấy ;.. còn đâu thuở ấy..??

    ngyaf 21 tháng 08 - 2016... trời lại mưa dai .. mưa Ngâu.. tháng bảy cô hồn... mưa Ngâu.. tháng bảy cô hồn..

    Gởi đến các Bạn đọc...
    Sau khi đọc những ý kiến về thư mục " Sàigon thuở ấy...".. sau những bài được vị khách Tran Trương đưa vô thư mục. nmq đã có đôi lời đề nghị, và ngày hôm nay cũng đã được một số khách đọc cho ý kiến về việc di chuyễn những bài gõ mà khách Tran Trương gõ kèm vô thư mục Saigon thuở ấy..".. Xin cảm ơn các đóng góp của tất cả Bạn đọc..

    Cảm nhận sau khi đọc các ý kiến đóng góp, nmq tự cảm thấy rằng, tuy chống Cộng là nhiệm vụ chung cua người Việt Tỵ nạn Cộng sản, nhưng giờ này..;
    những ;... " lão ô bách tuế đâu bằng phượng hoàng sơ sinh "...,
    ... cho nên việc rời bỏ bàn phím quay về với ấm cúng gia đình riêng tư của tuổi già lại là một điều ; lương tri tự vấn, an phận đời thường.. nên tránh ra.. để cho lớp tuổi đương thời vừa thông minh.. vừa tài giỏi.. lèo lái công việc cam go này.

    Thật vậy.. các cụ ngày xưa có nói một câu cũng đáng nhớ ;.. có đứt tay mới hay thuốc..!!

    nmq già lắm rồi.trí óc suy sup, kém minh mẫn... mọi sự đều trông nhờ cháu con..nay đã cảm thấy vô dụng. Quý Bạn đọc thường xuyên trên Diễn đàn Vietland dư sức, đóng góp cho Diễn đàn.. và giữ cho Vietland trường tồn.
    nmq xin phép dừng gõ. ./.
    Kính chào.
    nmq và gia đình

  7. #3477
    Member Ba Búa's Avatar
    Join Date
    07-10-2010
    Posts
    1,828
    Xin thưa cùng ông Anh Nguyễn mạnh Quốc .
    Kẻ hèn đọc đôi lời trần tình của Ông Anh cảm thấy lòng cũng hơi man mác buồn đấy ạ .
    Thôi thì ông anh còn khoẻ mạnh ngày nào cứ chung vui với em cháu ngày ấy là tuyệt rồi ông anh à .Tiệc còn sớm chưa tàn ,cớ chi cáo lão sớm vậy hở ông anh ??

    Tôi chưa có rảnh nên chưa đọc bài viết quá dài của ông Trần Trương nên chưa hiểu gì trong đó .
    Nhưng tôi nghĩ dù văn hay hoặc dở , có lạc đề hay không ;cũng chẳng hại gì cho cái thread nầy, trừ khi họ cố tình quậy phá .

    Trong một vườn hoa có đủ loại thì vui mắt hơn chứ ông anh .Còn các bạn trẻ muốn tìm hiểu thì họ dư sức gạn đục khơi trong mà anh .Lo gì .

    Ông anh cứ tưởng tượng đi dạo ngắm hoa mà cứ thấy toàn hoa vạn thọ mà không có loại khác thì cũng đâu có hấp dẩn phải không ??Phải thêm kỳ hoa dị thảo mới vui mắt chứ .

    Đó chính là cái hấp dẩn và trường tồn của VL đấy . Văn và ý của tên võ biền bạt mạng Ba Búa chỉ đến mức vậy thôi . Mong Ông Anh nghĩ lại .

  8. #3478
    Tran Truong
    Khách

    Con Mén _ tiếp theo

    Ba con Mén hốt hụi vay nợ mua một căn nhà nhỏ vách ván lợp tôn ở xóm Bộng, bên kia sông Khánh Hội.
    Gọi là xóm Bộng bởi vì ở đó có cái ống cống thật to để nước ruộng vào ra khi nước lớn nước ròng.

    Dân nghèo tứ xứ tản cư về đây, ngày một nhiều, nhà nho nhỏ cất dọc cất ngang, mọc lên như nấm. Cứ có chỗ trống là cất chen vào.
    Ngoài mặt lộ hết đất, họ cất tràn ra ruộng. Nhà này tựa vào nhà kia như sợ ngã, sát nhau đến độ không còn chỗ để làm đường đi !

    Muốn vào xóm, có đoạn đi trên bờ đê _ gọi là đê nhưng là bờ ruộng cũ bây giờ người ta bồi rộng ra thêm một chút _ có đoạn đi trên mấy tấm ván gập gềnh bắc ngang đường nước, có đoạn phải bước hẳn vào nhà người ta để đi qua.

    Nhà lụp-xụp thấp lè-tè nên cứ phải cúi lom-khom, có khi bước cạnh vợ chồng người ta đang nằm ngủ trong nhà, dưới đất !

    Mái nhà con Mén thuộc vào hạng cũng khá cao trong xóm. Ba nó phải đưa tay thẳng lên mới đụng.
    Nhà nó được lót gạch bông phần nền đất, còn nửa phần sau là đóng cừ lót ván.

    Ông chủ cũ nói với ba con Mén : "Làm tới đó tôi hết tiền . Thôi thì tạm một khúc nhà sàn, chừng nào cậu muốn, cậu đắp nền thêm"

    Rồi ông đứng trên sàn nhún-nhún : "Ván còn tốt, còn chịu được năm ba mùa lận". Năm ba mùa đây có nghĩa là năm ba mùa nước ngập.

    Những hôm mưa nhiều, nước không chảy kịp ra sông, nước lên lé-đé mặt sàn. Có nơi nước tràn vào nhà, ngập mấy hôm mới rút.
    Những hôm đó, người ta treo hết đồ lên nóc, treo vài cái võng để ngủ tòn ten giữa vời…

    Nhà con Mén không có đồ đạc gì nhiều : một vài cái rương chất trong một góc, một cái tủ nhỏ kê sát vào vách, quần áo máng trên mấy cây đinh đóng trên vách đối diện, bếp dầu hôi sóng chén dồn vào một góc phía sau.

    Cái gì cũng tấn vào vách vào góc để chừa khoảng trống giữa nhà dùng làm chỗ ăn chỗ ngủ. Phía sau nhà là sàn nước lộ thiên.
    Nước chứa trong hai thùng phi nhà binh màu cứt ngựa mà ba con Mén xin từ đơn vị đem về. Tắm rửa giặt giũ ở đó, và về đêm, phóng uế cũng ở đó luôn.

    Khu này không có điện nước. Cho nên nhà nào cũng có vài cây đèn dầu hôi và đôi ba thùng phi.
    Mỗi ngày, có xe xi-tẹt đến bán nước_ người ta gọi là "đổi nước" _ Họ kéo ống cao-su nhỏ bằng cườm tay, chắp nối thật nhiều khúc mới đủ dài để vào sâu trong xóm.

    Tiếng máy bơm của họ kêu thật lớn, xành xạch xành xạch điếc tai. Nhưng cũng nhờ nó mà người trong xóm biết là xi-tẹt nước đến rồi !
    Xi-tẹt nước chỉ "làm ăn" trong mùa nắng thôi…

    Về đây, con Mén ngủ với ba nó, ngủ trên võng . Má nó và ba thằng con trai ngủ dưới gạch.
    Đêm đầu, con Mén không chịu ngủ, cứ đòi về bà nội. Nó ngồi bẹp dưới đất, khóc ư-ử. Lâu lâu gọi một cách thảm não : "Bà nội ơi !"

    Tiếng "ơi" của nó kéo dài ra, làm má nó cũng nhớ nhà nhớ đất, nước mắt chảy quanh.
    Ba nó thổi tắt đèn, vói tay ôm nó vào lòng, nằm trên võng đong đưa dỗ : "Nín đi con, nín. Ngủ với ba cũng giống như ngủ với bà nội chớ gì. Rồi mai mốt bà nội con lên ở với con nghen"

    Tiếng "nghen" bỗng nghẹn ngang nơi cổ, ba nó kềm lắm mới khỏi phải nấc lên. Tuy nhiên, trong bóng đêm, nước mắt cũng âm thầm chảy dài trên má…

    Mỗi ngày, ba con Mén đi làm trong đơn vị, sáng đi chiều về, đi bằng xe buýt. Má nó chưa quen nước quen cái nên ở nhà vá áo nấu cơm. Anh em tụi nó lân la làm quen lũ nhỏ trong xóm.

    Dù ở giữa lòng thành phố, trò chơi của tụi nó vẫn mộc-mạc thô-sơ như thuở còn dưới ruộng : bắn bi, búng dây thun, lấy nút khoén làm mề-đai hay in cát giả làm bánh.

    Ít lâu sau, má con Mén được người hàng xóm giới thiệu vào làm phu trong nhà máy ve chai bên kia sông.

    Mới đầu còn bỡ ngỡ, làm sai làm trật. Chiều nào về, má nó cũng buồn thiu, ra ngồi trên sàn nước, nhìn khoảng trời mở ngỏ trên cao, lâu lâu thở dài.

    Nhưng lần hồi má nó cũng quen tay, thêm tánh siêng-năng cần-cù, nên mấy thầy giám thị cũng thương tình nâng đỡ. Nhờ vậy má nó mới vững lòng tin ở ngày mai.

    Ngày mai, đối với ba má con Mén, thật là giản dị : "Chừng yên, mình về dưới bà nội tụi nhỏ, lãnh mấy công ruộng mà làm cũng dư sống"
    Cái hình ảnh của ngày mai đó, người tản cư nào cũng nghĩ giống như nhau : yên rồi về quê làm lại cuộc đời.

    Họ đã rời làng bỏ xóm ra đi, đi để còn sống mà trở về, nhưng họ vẫn mang theo trong lòng gốc dừa , cây cau chậu kiểng.
    Họ không bám được đất, nhưng họ không để mất được gốc. Chính tình cảm quê hương sâu đậm đó đã giúp họ can-đảm nhận chịu cuộc sống tạm bợ ngày hôm nay.

    Ngày qua ngày, họ mớm niềm tin bằng hy vọng . Và ngày qua ngày họ nuôi hy vọng bằng niềm tin !
    Cứ lẩn-quẩn loanh-quanh như vậy cho đến một ngày nào đó _ chưa phải là cái ngày mai chờ đợi _ người già tắt thở với niềm tin và trẻ con lớn lên không biết phải hy vọng ở cái gì…

    Chỉ còn thế hệ của ba má con Mén là lây lất sống trong lòng đô thị , ví mình như cây chùm gởi , còn biết thế nào là niềm đau quê hương nhưng vẫn mỏi mòn chờ đợi : "Ngày mai… Ngày mai, rồi trời sẽ lại sáng"

    Mấy anh con Mén đều được đi học, chỉ có nó là chưa. Có lẽ tại vì nó gầy còm nhỏ thó nên ba má nó quên tuổi thật của nó đi , cứ nghĩ : "Sang năm là đến phiên con Mén"
    Nhưng rồi nó vẫn còi-còi như vậy hoài, có lẽ còn lâu mới đi học !

    Buổi sáng, ăn cháo xong là cả nhà đi hết . Con Mén ở lại coi nhà . Tiếng là coi nhà chớ lúc nào cũng thấy nó la-cà ở hàng xóm, làm bánh giả, búng dây thun.

    Nó búng dây thun giỏi nhứt xóm. Đã khéo tay lại biết tính toán nên ngày nào nó cũng ăn của trẻ con cùng lứa rất nhiều dây thun .
    Về nhà, nó cho vào túi ni-lông cất kỹ, bởi vì vòng dây thun là "tiền" của tụi nhỏ.

    Năm vòng thun "mua" được cái nút khoén lô-canh (la-ve, nước ngọt) mười vòng thun một nút khoén ngoại quốc (các loại chai nhập cảng) và phải tới hai chục vòng thun mới có được lon cô-ca không, thật hấp dẫn với nền đỏ tươi in chữ trắng…

    Vòng thun có giá trị như vậy cho nên đứa nào cũng ráng kiếm cho thật nhiều. Rồi cũng giấu kỹ. Rồi cũng đếm tới đếm lui, y như người lớn đếm tiền thật.

  9. #3479
    Tran Truong
    Khách

    Con Mén _ tiếp theo

    Một buổi mai, con Mén mang bọc dây thun ra đầu ngõ tìm bạn. Ở đây, có một quán cà-phê hủ tiếu và vài hàng quà bánh điểm tâm.

    Một bà già bán xôi thấy bọc ni-lông dây thun con Mén nhét toòng teng ở lưng quần, bèn hỏi :"Dây thun đâu nhiều vậy cháu ?"
    Nó trả lời là dây thun của nó. Bà ta cười hiền hòa : "Vậy hà. Chớ cháu có bán dây thun hôn, bà mua cho. Để cột mấy bọc xôi ý mà"

    Ở đây, mấy người đi làm sớm không có thì giờ ăn sáng, ghé qua mua gói xôi mang theo để lúc nào tiện thì mở ra ăn.
    Xôi vẫn được gói bằng lá chuối, nhưng sau đó được cho vào bọc ni-long có sợi thun thắt lại. Vừa sạch vừa gọn.

    Nghe hỏi, con Mén phân vân. Tới tuổi này, nó chưa biết đi mua một cái gì bằng tiền thiệt hết. Huống chi nói đến chuyện bán !
    Nó chỉ biết giả mua giả bán nút khoén, hộp lon, trong thế giới trẻ con nhiều tưởng tượng của nó thôi.

    Tiền thiệt thì nó chỉ biết có tờ giấy năm chục đồng mà bà nội nó cho nó hồi đó. Nó đưa má nó cất rồi nó quên luôn tới giờ.
    Thật ra, nó chỉ biết tờ giấy đó là tiền nhưng chẳng biết giá trị là bao nhiêu và cũng không biết dùng tiền đó để làm gì. Bởi vì, trong xã hội trẻ con của nó, chỉ có dây thun là có giá !

    Thấy nó đứng ngớ ra mà miệng cười mỉm mỉm, bà bán xôi hiểu ngay, nên đề nghị : "Như vầy nghen , cháu cho bà túi dây thun, bà cho cháu cục xôi bự này nè".

    Nó nhìn theo tay bà chỉ : mèng ơi ! cục xôi bằng "bắp đùi" nằm trong lá chuối xanh láng mướt, ló ra hai đầu vàng hực có mấy miếng dừa lòi ra trắng hếu.
    Nó nuốt nước miếng, gật đầu. Vậy là lần đầu tiên con Mén biết thế nào là buôn bán trong xã hội của người lớn .

    Từ đó, nó thường đem túi ni-lông dây thun ra ngõ "mua" xôi. Bà bán xôi thương nó lắm, bởi vì lần nào nó mở hàng bà cũng đều bán đắt.

    Nhiều hôm vắng nó bà cũng nhớ. Những hôm đó, con Mén "hết tiền". Nhưng thèm xôi, có khi nó cũng mò ra đầu ngõ, đứng xa xa nhìn thau xôi của bà lão.
    Thau xôi được phủ kín lá chuối, nhưng trong tưởng tượng nó cũng thấy được màu xôi vàng hực !

    Thấy tội nghiệp, một hôm bà bán xôi gọi nó lại, đưa nó tờ giấy bạc : "Nè ! Lấy tiền này mua xôi mở hàng cho bà đi cháu".
    Nó làm theo như cái máy. Bà bán xôi cảm động, kéo nó ngồi xuống cạnh bà. Nó ăn xôi, mắt ngời lên sung sướng.

    Nó ốm nhom nhưng gương mặt nó thật kháu khỉnh. Mái tóc bom-bê cắt ngắn làm cho cổ nó dài ra. Bà vuốt tóc nó, nghĩ : "Con nhà ai mà dễ thương quá !"

    Được bàn tay khẳng khiu của bà già vuốt tóc, bỗng nhiên con Mén nghe nhơ-nhớ một cái gì.
    Một cái gì không rõ lắm nhưng là một cái gì thật quen thuộc. Hình như là một cảm giác êm êm, khoái khoái, một cảm giác mà từ lâu , rất lâu , nó không nghe thấy nữa .

    Nó mang máng nhớ một cái gì xa thật xa, một hình ảnh, một cái tên, một người… Nó ngừng nhai, miếng xôi trong miệng đội phồng một bên má. Nó nhìn lên mặt bà bán xôi : má hóp, trán nhăn, tóc lưa thưa bạc.

    Đúng lúc đó, từ tiềm thức của nó bật lên hình ảnh của bà nội nó.
    Chỉ trong có một giây mà nó nhớ lại hết : từ bàn tay vuốt tóc, từ cánh tay gối đầu, từ mùi cốt trầu hăng-hăng mà nó ghiền thở đêm đêm để ngủ.

    Nó nghe nghẹn ở ngực. Nó nghe như muốn khóc. Môi dưới nó trề ra. Miệng nó méo xệch. Nó buông cục xôi, đứng lên chạy ù vào ngõ.

    Vừa chạy, vừa kêu từng tiếng thật rã-rời : "Bà…nội…ơi… !" Tiếng "ơi " của nó kéo dài ra trong xóm, nức nở như một đường cày trên mặt ruộng…

    Việt Cộng về chiếm hết mấy làng, trong đó có xóm Cầu Ngang của con Mén. Ít lâu sau, có tin bà nội nó chết.
    Ba má nó không dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền, phần vì sợ Việt Cộng . Ba nó lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một chén gạo và hai cây đèn cầy.

    Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo, xong, ba má nó vừa lạy vừa khóc. Lần đầu tiên con Mén thấy ba nó khóc.
    Không biết gì, nhưng sao nó cũng muốn khóc theo. Mấy thằng anh nó ngồi xếp bằng một hàng, im thin thít.

    Sau đó, ba nó ôm nó vào lòng, ngồi nhìn khói nhang và hoa đèn lâu thật lâu. Nó hết nhìn cái rương lại nhìn mặt ba nó.Tự nhiên nó thấy thương ba nó vô cùng.

    Mãi sau này con Mén mới biết cái rương đó là bàn thờ bà nội nó.

  10. #3480
    Tran Truong
    Khách

    Con Mén _ tiếp theo

    Bây giờ, con Mén cũng được đi học. Bây giờ, ba nó cũng sắm được chiếc xe đạp để đi làm. Má nó thì vẫn đi đò ngang để qua nhà máy ve chai.
    Mấy anh nó, vì trường cũ hết lớp phải qua trường khác xa hơn, vẫn đi bộ.

    Má nó đã lên cấp thợ, nhờ vậy mà trong nhà thấy dễ thở hơn, sắm thêm một số đồ đạc và má nó có đeo một sợi dây chuyền…
    Chớ ba nó thì vẫn còn lẹt-đẹt ở cấp binh nhì, loại binh nhì dùng sai vặt trong văn phòng, đơn vị.

    Nhờ đi học, con Mén mới biết nó tên thật là Loan. Hôm đưa nó vào trường, ba nó dặn : " Khi nào cô giáo điểm danh, kêu Lê-thị-Loan thì con hô lớn lên có mặt. Nghe con ! "

    Nó ngạc nhiên : "Ủa ? Con tên là Mén mà !" Ba nó phải giải nghĩa rằng Loan là tên trong còn Mén là tên ngoài, ra đường mình lấy tên ngoài chớ vào trường là phải lấy tên trong vân vân…

    Đối với nó, ngoài trong gì lộn xộn quá. Nó chỉ biết rằng tên Loan nghe thật dễ thương nhưng lạ hoắc, còn Mén thì thật là quen tai.
    Tuy nhiên, có cái tên dễ thương, nó cũng nghe lòng phơi-phới.

    Nhờ đi học, con Mén hết ở trần, hết đi chân đất, nhưng tóc vẫn hớt bom-bê cao. Nó đội nón vải có bo như tai bèo, mặc áo trắng tay phùng quần dài đen, chân mang dép Nhựt.

    Bây giờ, thật sự nó mới có nét con gái ! Ba nó nhìn nó trìu mến : "Mẹ họ ! Con gái của ba coi cũng đặng ớn !" Rồi ba nó hôn nó đầy mặt.
    Nó rút cổ lại vì nhột, cười khúc-khích. Tình thương đâu đó bỗng trào dâng miên man. Giống như nước triều lên ôm xóm Bộng, âm-thầm nhưng thật là chan-chứa.

    Con Mén càng lớn, ba nó càng cưng nó nhiều. Bởi vì nó thông minh, học giỏi. Và bởi vì nó mang nhiều nét của bà nội nó.
    Ba nó thường nhìn nó, nói : "Thứ gì mà giống bà nội như in !" Điều mà ba nó không để ý là con Mén còn giống bà nội nó ở chỗ hay chửi đổng "Mồ tổ cha nó !" mỗi khi nó bực mình chuyện gì.
    Có lẽ tại vì nó chửi lầm-bầm nên ba nó không nghe.

    Mấy anh con Mén đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều. Thành ra lúc nào trong nhà cũng có đứa học ê a, đứa nằm sấp xuống gạch nắn-nót làm bài.

    Hầu hết tụi nhỏ trong xóm đều học chung một trường, nên đi và về cùng một lúc, đứa trước đứa sau đi thành một hàng dài.
    Đến khi tụi nó học bài cũng nghe uềnh-oang như tiếng ễnh-ương vào mùa nước nổi.

    Trưa, con Mén cuốc bộ đi học. Chiều ba nó đi làm về, đạp xe ghé ngang trường rước nó. Những lúc đó nó thấy hãnh-diện vô-cùng.
    Ngồi trên bọt-ba-ga, cặp táp đeo lủng lẳng ở cổ, hai bàn tay nhỏ nắm lấy dây nịt của ba nó để giữ thăng-bằng, nó nói chuyện huyên-thuyên, hỏi ba nó đủ thứ.

    Ba nó lúc nào cũng có câu trả lời, cũng góp vào câu chuyện rất hào hứng chớ không phải ậm-à ậm-ừ. Cho nên, đối với nó, trên đời này chỉ có ba nó là nhứt !

    Vậy mà thời gian sau này, ba nó bị cấm-trại liên-miên. Nó đành đi học một mình và về một mình.
    Tối, nó ngủ một mình ên trên võng. Bây giờ nó lớn, nên không gào khóc như thuở nó mới xa bà nội nó. Nó biết xấu hổ, nên úp mặt vào chiếc áo nhà binh của ba nó âm thầm khóc rấm-rứt.
    Rồi một lúc nó cũng ngủ thiếp đi, ôm chiếc áo như ôm lưng ba nó vậy.

    Việt Cộng tràn về chiếm hết miền Nam. Mấy ngày cuối cùng của tháng tư 75 thật là kinh hoàng. Thiên hạ rần-rần, nhốn-nha nhốn-nháo.
    Ba con Mén chạy bộ về đến nhà, mồ hôi mồ kê, mặt xanh như tàu lá, chỉ mặc có cái quần đùi.

    Ba nó hổn-hển nói với má nó : "Mẹ họ ! Trong khi lộn-xộn, thằng nào nó đớp cha nó chiếc xe đạp của anh, làm anh chạy bộ về muốn tắt thở ".
    Má nó lo lắng : "Còn quần áo của anh đâu ?" Ba nó nhăn nhó : "Cởi liệng cha nó rồi. Mặc để Việt Cộng nó bắn thấy tiên tổ à !".

    Rồi ba nó phun nước miếng cái phụt như phun một cái gì thật đắng. Má nó vội đưa cho ly nước, ba nó cầm lấy, uống ừng-ực như người bị mắc xương, mắt lồi ra căm phẫn.

    Không biết Việt Cộng ra sao, nhưng thấy ba nó tả-tơi như vậy con Mén cũng phát tức. Nó lầm-bầm chưởi đổng : "Mồ tổ cha nó !"

    Ít lâu sau, con Mén đã biết Việt Cộng là gì.
    Nó cũng bắt chước người lớn, gọi trổng là "họ", chớ không hiểu rằng tiếng "họ" mà người lớn dùng có ý nghĩa mỉa-mai cay đắng, bởi vì bây giờ mới thấy giữa "họ" và "mình" có quá nhiều dị-biệt.

    "Họ" bây giờ tên là "cách-mạng". Ba con Mén bây giờ bị "họ" gọi là "ngụy quân".
    Má con Mén bây giờ lúc nào cũng tự xưng là "vợ ngụy" mặc dù thuộc thành phần công nhân lao động .

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 5 users browsing this thread. (0 members and 5 guests)

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 26-03-2012, 08:51 PM
  2. Replies: 50
    Last Post: 27-02-2012, 04:26 PM
  3. Ở đâu không có Madison, ở đó có Little Saigon.
    By NguyễnQuân in forum Tin Cộng Đồng
    Replies: 10
    Last Post: 15-08-2011, 04:43 AM
  4. Ở ĐÂY CÓ ĐẤU TRANH LÀ Ở ĐÂY CÓ BỊ BẮT
    By hatka in forum Giao Lưu - Giải Trí
    Replies: 0
    Last Post: 02-04-2011, 04:48 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 12-03-2011, 08:05 PM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •