Page 364 of 471 FirstFirst ... 264314354360361362363364365366367368374414464 ... LastLast
Results 3,631 to 3,640 of 4709

Thread: SAIGON THUỞ ẤY ...

  1. #3631
    Member Ba Búa's Avatar
    Join Date
    07-10-2010
    Posts
    1,828
    Tigon:

    Anh Ba Bảy Búa thân mến
    Muốn bàn chuyện Bầu Cử ,qua bên đề mục election 2016 cái đi anh Ba . Chốn này là đất bình yên , please !
    (Đừng có xúi tui về VN chứ ? Mà thiếu chứ đâu có thừa ? )

    Đang thưởng thức truyện hay của Bác Trần Trường , làm mất hứng à !
    Chời ơi . Bà Tigon nầy chưa làm chánh trị mà cũng lắc léo vu oan cho tôi gớm nhỉ???
    Ai muốn làm mất hứng của bà ??bằng cách mang chuyện liên quan đến tranh cử vào đây làm chi ; thứ nhất là lạc tựa đề ,ai không hiểu chứ .
    Nhưng mà ngặt một nỗi là có ai đó nhét câu nầy vào post của Tigon đây .Câu in đậm đó.

    Tigon:
    Một số than hữu FB của tôi , nghe quảng cáo những truyện của Bác Trần Trường post hay quá , họ chỉ nhau vô VL xem . Nhưng tối hôm qua , họ bảo chưa kịp xem thì vội dội ra >>>Thì ra Vietland theo cánh Clinton , người phụ nữ đầy tham vọng , đam mê quyền lực
    Hãy truy ra ai đó đi . Rồi trách tui chưa muộn nhá . Hi hi ,ui chà .

  2. #3632
    Cái mông Thiên Lan
    Khách

    Sân bơi Tân Sơn Nhất

    Ông Ba Búa còn ở SG không, tin này trong Anh Ba Sàm là Tân sơn Nhút ngập nước tới lưng quần . Hổng biết đúng không


    https://anhbasam.wordpress.com/2016/...-tan-son-nhat/

  3. #3633
    Member Ba Búa's Avatar
    Join Date
    07-10-2010
    Posts
    1,828
    Quote Originally Posted by Cái mông Thiên Lan View Post
    Ông Ba Búa còn ở SG không, tin này trong Anh Ba Sàm là Tân sơn Nhút ngập nước tới lưng quần . Hổng biết đúng không


    https://anhbasam.wordpress.com/2016/...-tan-son-nhat/
    Tưởng gì chứ Saigon ,khi mưa to là ngập lụt rồi , có hình là đúng đó chứ có ai mà tạo hình ra vu khống làm chi .Tôi nghĩ ông ta nói thực chứ không Ba Sàm vụ nầy đâu nghe . Tôi mà có ở Saigon cũng không dám bơi ra xem để chứng thực đâu .Hổng biết lội mà .
    Còn tôi ở đâu tôi còn không biết nữa . Vì có nhiều tên lý luận cho rằng tôi ở bên VN thì tôi cũng OK .Có khi nằm mơ thấy mình ở bên Mỹ cũng đúng thôi .
    Tóm lại Saigon sau cơn mưa to bị ngập là thực tế . Trình độ và khả năng của mấy anh BA đối phó vụ nầy nó khó hơn chống Mỹ Tây nhiều lắm ..Nghe đồn đến năm 2050 Saigon sẽ hết tình trạng nầy .Phải chi Bác ta ,mà nằm trong nầy , thì mấy ảnh sẽ lo gấp hơn vì sợ để lâu Bác ....ngộp .

    Thôi ráng chờ xem sao .Mà hổng chừng đúng à nghe; vì bà con ở hải ngoại cứ đồn râm ran Vn sẽ nhập vô Tàu năm 2020, nếu vậy thì Tàu nó dư sức chống ngập ngay chứ cần gì năm 2050 lận . .Hy vọng đại vậy đi nghe .

  4. #3634
    Tran Truong
    Khách
    Thèm

    Tụi bây biết không ? Bây giờ tao đi làm bằng xe đạp. Tụi bây đừng cười. Tao không giỡn đâu. Hồi xưa, hồi trước 1975, trong bọn mấy đứa tụi mình, tao là thằng tếu nhứt. Tao hay kể chuyện tiếu lâm, hay bịa chuyện này chuyện nọ để chọc cười, để phá phách cho vui với nhau. Nên tụi bây thường nói: “Coi chừng ! Nó nói cái gì mình phải xin keo coi có đúng không, rồi hãy tin”.
    Hồi đó, khác. Bây giờ, khác. Tụi bây đi hết rồi, chỉ còn mình tao kẹt lại. Nói thiệt hay nói dóc đều không còn ý nghĩa gì nữa, cũng không còn giá trị gì nữa đối với tao. Bởi vì không còn ai để giỡn, không còn lòng dạ đâu để giỡn, và cái cười của tao đã vượt biên đâu mất từ lâu …

    Điều ngộ nghĩnh là, bây giờ, bất cứ chuyện gì tao kể ra chắc chắn tụi bây đều không tin ráo ! Bởi vì tụi bây đã di tản trước ngày 30 tháng tư 1975, không thấy không biết những gì đã xảy ra ở trong nước, làm sao mà tin ?
    Vả lại “những gì đã xảy ra” đã không xảy ra theo quy luật thông thường . Tất cả đều bị xáo trộn, đảo lộn một cách nghịch lý đến nỗi tao là người sống trong đó mà lắm khi tao phải tự hỏi: “Làm sao có thể như vậy được ?”. Vậy mà nó đã “như vậy được” tụi bây à ! Khó tin nhưng có thật ! Cho nên, những gì tao viết ở đây cho tụi bây hoàn toàn là những chuyện có thật mà … khó tin đó .

    Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, tao cứ phải nghe ra rả nói láo nói dóc, cứ phải luôn luôn nói láo nói dóc … Nào là “Đã vượt chỉ tiêu 150%” (Chỉ tiêu là con số đã được ấn định trước cho mức sản xuất, không biết là bao nhiêu, nhưng thấy tháng nào cũng vượt, năm nào cũng vượt, ngành nào cũng vượt – tao phải … dịch những chữ mới rõ ràng ra như vậy cho tụi bây hiểu, bởi vì bây giờ mình không còn nói giống như hồi trước nữa).

    Nào là “Đã hồ hởi phấn khởi đi làm nghĩa vụ” nghĩa là đi làm cái nghĩa vụ gì đó một cách … khoái trá sôi động bởi vì biết chắc rằng không đi cũng không được . Nào là “Hoàn toàn nhất trí” ( Bây giờ không nói nhứt nữa, mà nói nhất . Nghe … cách mạng hơn ), nghĩa là “đồng ý hoàn toàn”, cho nó rồi, kẻo không thì … kẹt lắm . Mọi người đều “nhất trí” hết mà mình không “nhất trí” thì nó … lòi ra coi không giống ai.

    Thành ra “nhất trí” cũng có nghĩa là “phải làm như mọi người”. Tụi bây hiểu chưa ? Nào là “Làm việc rất là năng nổ”. Tao nghĩ chắc khỏi cần dịch. Tụi bây cứ nghe “nó… lốp bốp” là đoán ra cái nghĩa của nó rồi. Đại khái là làm việc giống như có cờ phất trống khua, có loa trên loa dưới ồn ào, còn lè phè suốt buổi hút thuốc uống trà là chuyện khác … vân vân và vân vân … Kể không hết !

    Sau bao năm dài sống trong môi trường như kể trên , “cái thèm” rất lớn của tao là được sống thật , nói thật . Cho nên, viết cho tụi bây giống như tao được … giải phóng. Vậy những gì tao kể ra đây, tụi bây khỏi phải xin keo !

    Bây giờ, tao đi làm bằng xe đạp . Vẫn làm ở sở cũ . (Còn được làm việc ở sở cũ là may đó nghen. Nhiều người bị đổi đi nơi khác xa hơn và thường thì ở một ngành nghề không dính dấp gì với phần chuyên môn của mình hết . Cách mạng mà !). Cái xe hơi con cóc , tao đã cho nó lên nằm trên bốn gộc cây để bán lần bán hồi bốn bánh xe, cái bình điện, cái đề-ma-rơ …
    Hầu như tháng nào tao cũng phải bán một món gì trong nhà, bởi vì lương của tao cộng với những gì vợ tao và hai con gái lớn kiếm được hằng tháng … không đủ sống . Tình trạng đó bắt đầu từ sau hai “trận” Nhà Nước đổi tiền.

    Đạp xe riết rồi cũng quen . Khoảng cách trên mười cây số từ nhà đến sở, tao coi như “pha”. Chỉ bực mình là xe đạp của tao hay sút sên khi nó “nhảy” ổ gà. Mà đường sá bây giờ, ổ gà ở đâu nó … lòi ra nhiều quá. (Người ta nói Mỹ rút đi, để lại toàn là đồ giả không – tao nghe sao chép vậy !). Cho nên, ở nhiều đoạn đường, tao lái xe tránh ổ gà giống như người say rượu ! Vậy mà có hôm vẫn cứ sút sên vì “nhảy” ổ gà, cho nên, vào tới sở hai tay tao thường lấm lem dầu, đất, mà áo quần thì ướt đẫm mồ hôi.

    Bây giờ, tao làm việc “thông tầm”, nghĩa là làm suốt tới chiều rồi về sớm không có về nhà ăn cơm nghỉ trưa như hồi trước . Vì vậy, mỗi sáng tao mang theo một lon ghi-gô cơm với vài miếng cá mặn để ăn tại bàn viết buổi trưa. Chiều về sớm, tao có bổn phận nấu cơm làm đồ ăn – những món tầm thường như hột vịt luộc hột vịt chiên … vv ... – bởi vì giờ đó vợ con tao còn kẹt ở tổ may thêu tuốt trong Gò Vấp . Ờ … bây giờ tụi nó cũng đạp xe đi làm xa như tao và cũng đi hằng ngày như tao . Đổi đời mà …. !!!

    Mỗi sáng đi làm, lúc nào tao cũng đem theo cái giỏ đi chợ treo tòn ten ở ghi-đông, giống như đi chợ chớ không giống đi làm ! Bởi vì trong sở thường hay … bất thần bán cho nhân viên (gọi là “phân phối” chớ không gọi là “bán”, nghe có vẻ như được … cho , nhưng mình phải trả tiền !) cá, rau cải… vv. Tuy không nhiều và không được lựa chọn vì phải … bắt thăm trúng lô nào lấy lô đó, nhưng rẻ hơn ngoài chợ thành ra cũng đỡ.

    Cho nên, đi làm việc mà ngày nào cũng nhóng nhóng hỏi thăm “coi bữa nay có phân phối gì không ?” và chiều về đến nhà, thằng con tao – thằng út đó, tụi bây nhớ không ? bây giờ nó lớn đại rồi – chạy ra mở cổng lúc nào cũng hỏi: “Bữa nay có mua được gì không ba ?”. Và hôm nào thấy trong giỏ có đồ gì để ăn là mắt nó sáng rỡ . Tội nghiệp, sống trong sự thiếu thốn triền miên, có đứa nhỏ nào, có người lớn nào mà không nghĩ đến miếng ăn ?

    Bây giờ, tao hút thuốc lá vấn tay. Tao tự vấn lấy. Không phải tao muốn lập dị mà vì tao không đủ tiền mua loại thuốc điếu kỹ nghệ thông thường (Ờ ! Nghèo đến nước đó. Tụi bây có tin không ? ) Mới đầu, tao vấn thuốc rê Gò Vấp . Nó nặng muốn … tét phổi ! Về sau, tao bắt chước thiên hạ mua thuốc lá Lạng Sơn đã xắt sẵn – nghe nói là giống thuốc Virginia, mấy ông ngoài Bắc bảo thế ! – đem trộn với thuốc Gò Vấp, hút thấy được .

    Vậy là mỗi khi muốn hút, tao cứ tà tà xé một miếng giấy quyến, tà tà rứt một miếng thuốc kéo cho dài dài ra khi để lên lòng giấy, rồi đặt hết tâm tư vào mấy ngón tay (của cả hai bàn tay đang chụm đầu lại nâng nhẹ giấy và thuốc !) để ém, lận, cuốn, xe … cho điếu thuốc được tròn đều trước khi đưa lên lưỡi liếm . Xem thật “ung dung nhàn hạ”. Giống như một nghi thức.

    Và tao có quyền tà tà vấn thuốc như vậy bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào : trong khi làm việc, trong các buổi hội họp học tập, và cả ngay trước mặt ông xếp của tao nữa (Bây giờ gọi là “thủ trưởng”, nôm na là “cái đầu đứng đầu”. Còn cái đầu có cái gì trong đó hay không lại là chuyện khác).
    Cho nên, hút thuốc vấn – đối với tao – giống như là một cách thoát tục, cái “tục” quá … tục mà tao đang sống bây giờ . Tuy nhiên, sao tao vẫn nghe thèm điếu thuốc ba số năm là loại thuốc mà mấy chục năm tao đã hút ! Làm như mùi vị của nó còn nằm ở đâu trong máu trong xương . Nhiều đêm trở giấc, tao nghe thèm ray rứt, thèm chảy nước mắt !

    Chiều hôm qua, trên đường về nhà, đạp xe tới chợ Tân Định thì trời bỗng đổ mưa . Tao tấp vô đụt mưa dưới mái hiên tiệm nước nằm ở góc đường dọc hông chợ (tao quên tên) và đường Hai Bà Trưng . Lúc đó, cỡ gần năm giờ (đồng hồ tay, tao đã bán từ lâu, nên từ lâu, tao chỉ … đoán giờ thôi !). Trong tiệm thấy lai rai có người ăn uống.

    Tao đã đứng sát vào vách vậy mà gió cũng tạt mưa vào ướt hết phía dưới chân. Một lát, tao nghe lạnh chân. Rồi tao nghe đói. Cái đói đến một cách đột ngột, giống như nó chui từ dưới chân chui lên. Hồi nãy đạp xe trên đường, tao có thấy đói đâu, mặc dù buổi trưa tao chỉ ăn có một lon ghi-gô cơm với ít mắm ruốc – dĩ nhiên là tao có uống thật nhiều trà, thứ này, loại thường thôi, trong sở ( bây giờ gọi là “cơ quan”) có chị nhân viên tối ngày cứ châm đầy bình cho mình uống “líp” – Vậy mà bây giờ tao lại thấy đói !!

    Có lẽ tại vì lỗ mũi tao nghe mùi hủ tiếu, mùi mì. Ờ… tụi bây không biết chớ từ lâu rồi – tao không nhớ là bao nhiêu lâu, nhưng chắc là lâu lắm – tao chưa được ăn mì. Bây giờ đứng đây, bên đường ngang hông chợ Tân Định, phía trên gió, vậy mà vẫn “đánh hơi” rõ mồn một mùi nước lèo của xe mì nằm bên đường Hai Bà Trưng, phía dưới gió, rõ như hơi của nước lèo đang bốc lên ngay trước mũi ! Tao nuốt nước miếng.

    Thèm quá ! Tao thèm ăn ngay một tô mì ! Thọc tay vào túi quần, tao đụng hai tờ giấy bạc . Móc ra xem thì ra là hai đồng. Tao chỉ có ngần đó thôi ! Nhưng hai đồng, đủ để ăn một tô mì rồi ! Thì ăn … đại một tô cho nó đã ! Tao dợm bước vào tiệm nước bỗng nhớ lại vợ tao hồi sáng khi trao cho tao hai đồng đó, có dặn : “Chiều, anh ghé chợ Cây Quéo mua 6 cái hột vịt và nửa giỏ rau . Về, anh bắc nồi cơm bỏ vô luộc trước . Chừng mẹ con em về, em làm nước mắm rồi dầm cho nhà ăn ”

    Hình ảnh cả nhà tao 7 đứa quây quần bên “nửa giỏ rau và 6 cái hột vịt” và hình ảnh tao một mình ngồi ăn tô mì … làm tao khựng lại . Tô mì mà tao muốn ăn, thèm ăn, là cả một bữa ăn của gia đình ! Tao không thể đổi được . Thà là tao nhịn thèm . Thà là tao chịu đói để về ăn chung với vợ con. Ăn thứ gì cũng được, ít nhiều gì cũng được, dở ngon gì cũng được . Miễn là ăn chung với tụi nó . Để thấy rằng cuộc đời tao bây giờ chỉ còn lại có tụi nó là quí thôi ! Tao nghe thương vợ thương con vô cùng. Và tao cũng nghe thương thân tao vô cùng … !!!

    Tao đứng yên nhìn ra mưa bỗng nghe hai má của mình ướt ướt . Tao đưa tay lên vuốt mặt mà nghĩ rằng mình vuốt nước mưa trên má …

    (Trên đây là lá thư viết lỡ dở, của ai viết cho ai tôi không biết . Thư viết trên giấy tập học trò, chữ nhỏ li ti, nhưng đẹp và rõ nét . Tình cờ, tôi nhìn thấy nó trong xấp giấy gói hàng của bà bán xôi đầu ngõ Ngô Tùng Châu, vì tò mò nên tôi xin.Về nhà, đọc thư mà lòng nghe rưng rức.

    Rồi thắc mắc tại sao người viết không gởi đi, để nó phải ra nằm chung với giấy vụn gói hàng ? Một phần vì vậy mà tôi đã mang nó theo khi tôi vượt biên, để bây giờ tôi chép lại gởi đăng đây đó với hy vọng có người đọc và nhận ra thằng bạn còn kẹt lại mà viết cho ông ta ít hàng, đại khái : «X. ơi ! Tao nè ! Tao đã đọc được thư mầy … » Chỉ bao nhiêu đó thôi, tôi cũng thấy mãn nguyện).

  5. #3635
    Tran Truong
    Khách
    Hôm qua chúng ta " thả hồn " vào trong cái " thèm " . Thèm đủ thứ , thèm được SỐNG THẬT , NÓI THẬT ... thèm cả đến tô hủ tíu ven đường ! Hôm nay mời các vị thửơng thức hương vị đồng nội miền Nam ... cho " giải tỏa " cơn thèm .

    Mắm miền Nam



    Hôm nay ngồi viết lại câu chuyện mắm , lòng tôi cảm thấy tràn đầy kỷ niệm, thương nhớ vu vơ. Những ai ở tuổi đời ngoài 60, đã từng sống ở các vùng nông thôn miền Nam, nhất là các bạn quê ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang thì làm sao mà quên được các mùi mắm ? ít nhiều đã từng nếm qua hương vị các loại mắm khác nhau ?

    …Tôi nhớ thuở xa xưa, mỗi năm đến kỳ bãi trường về nhà ở đồng quê, tôi thường lợi dụng thời gian rảnh rỗi quý báu này để đi câu cá, săn chim, bẫy chuột đồng v.v… khi được nhiều cá thì làm mắm, làm khô, rộng cá vào ao bên hè để dành. Ngoài sự đam mê, tôi còn cho đó là một thú tiêu khiển rất lý thú … của tuổi thơ (vì tuổi dại khờ, nên tôi không nghĩ rằng mình làm như vậy là phạm tội sát sanh quá nhiều) lại còn im lặng trước sự phản đối tiêu cực về phia gia đình.

    Cả nhà liệt tôi vào hạng con hư, không tương lai, vì sự gắn bó quá tha thiết với đồng quê ruộng rẫy, nhưng bù lại được bà con hàng xóm, láng giềng, gồm mọi thành phần trong làng xã, nhất là các cô thôn nữ với nét đẹp mộc mạc trữ tình, ngây thơ, ngọt ngào, thuờng đón tôi trên đường về để chia lại vài ba con cá … ai nấy đều yêu mến, bênh vực tôi, khiến lòng tôi rất cảm động và ghi ân … rồi đến ngày tựu trường, tôi lại phải khăn gói ra đi lên tỉnh học ; nhớ buổi tiễn đưa ở bến tàu Cà Mau-MỹTho sao mà buồn vậy ?

    Họ coi tôi như là người hàng xóm dễ thương, nguời anh, hay sẽ là người bạn đời trong tương lai … ? nhưng tất cả đều tan tác theo dòng thời gian nghiệt ngã thế sự thăng trầm …. tôi không còn cơ hội nào để được gặp lại họ … buồn quá !



    Đi câu, đôi khi lội bộ, khi thì bằng xuồng ba lá, có lúc cỡi trâu .. từ xóm này qua làng nọ, có lúc nhằm những buổi trưa hè, lội bộ qua độ năm mười nhà, thì đã có hơn phân nửa số nhà đã đến giờ cơm trưa, thoang thoảng mùi mắm kho, mắm chưng, mắm sống v.v… khiến tôi phải dừng chân lại theo lời mời của các chủ nhân để chia xớt cùng họ bữa cơm trưa với mắm thật đậm đà, rồi mới tiếp tục cuộc hành trình …
    Ôi ! cái hạnh phúc quá đơn giản, bé nhỏ, mà nay hồi tưởng lại, mình cảm thấy như nó quá xa tầm tay, tựa như một giấc mơ !!!

    Cách đây mấy năm, tôi có trở về thăm lại làng xưa, đường phố cũ, nhất là muốn thăm lại các cô bạn gái để biết số phận của họ hiện tại như thế nào ? sau những cuộc thương hải tang điền ; còn ở quê nhà hay đã theo chồng con phiêu bạt nơi xứ lạ quê người, hoặc đã sống đời viễn xứ như tôi ; còn trên cõi thế vô thường phù du và đau khổ này hay đã ra đi về lòng đất Mẹ ?

    … Ở liền hai ngày đêm, tôi chỉ may mắn gặp được một người duy nhất, đã từng quen biết với mình vào thời xa xưa … lòng ngậm ngùi xúc động trước cảnh « bể dâu », nên qua sáng ngày thứ ba, tôi ngồi xuồng gắn máy về Bạc Liêu, quá giang xe đò về SàiGòn, để rồi từ thủ đô yêu quý của quê hương đáp máy bay trở lại Paris với nỗi buồn mênh mang !!!


    ( Còn tiếp )

  6. #3636
    Tran Truong
    Khách

    Mắm miền Nam ( Tiếp theo và hết )

    Vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng chua nước mặn … từ ngã Bảy chạy dài theo kinh Phụng Hiệp-Quảng Lộ cho đến tận mủi Cà Mau, nơi làng quê nhà nào cũng có chứa mắm ít nhiều : Mắm lóc, mắm sặt , mắm rô, mắm trê v.v… Bất cứ chợ tỉnh, chợ huyện hay chợ làng, chợ lớn, chợ nhỏ, đều có bán mắm quanh năm. Người phụ nữ thôn quê miền Nam, hầu như mười người thì có đến tám, chín người biết làm mắm.

    Bởi thật ra làm mắm rất đơn giản. Cá làm sạch vảy, rửa sạch, trộn đều với muối hột màu xám xám, trộn thính và một vài gia vị khác, rồi sắp cá vào lu hoặc khạp, ém gài cho chặt chẽ, rồi đậy kín lại. Sáu tháng sau con cá muối trở thành con cá mắm, và có thể ăn được rồi. Nhưng muốn làm cho ngon, cho không trở, là một nghệ thuật bài bản rất công phu.

    Phần đông người xa xứ, những ai sinh trưởng ở vùng đồng bằng sông Cửu, hay ở tận miệt Cà Mau Bạc Liêu xa xôi, dù người làng quê hay dân ở chợ, hể nghe nhắc đến món mắm: mắm kho, mắm sống, mắm « và » rau, là đã cảm thấy nhớ và thèm cái mùi thơm, cái hương vị quyến rũ, rồi bụng lại thấy đói và nội tâm lại hiện ra không biết bao nhiêu là hình ảnh, kỷ niệm của một thời nào đó, khiến cho lòng bồi hồi xúc động …

    Mắm có tự bao giờ, và từ đâu sinh ra món mắm? đến nay vẫn chưa có lời giải thích . Mắm có thể là sản phẩm của ông bà ta ngày xưa, trong những năm tháng nhọc nhằn mở đất khai hoang miền Nam, vùng đất rộng người thưa, đến mùa nước, tôm cá đàn đàn lũ lũ, ăn không hết, nên phải nghĩ ra phương cách để dành, làm khô, ủ mắm dự trữ cho những năm trái mùa thất bát.

    Đến bữa ăn, nồi cơm bốc hơi nghi ngút, trên mâm đã có sẵn bông súng, cọng măng non, bông điên điển, rau dừa, rau nhút v.v…để dầm vào tô mắm kho với con lóc, con rô, con sặt, vài trái ớt hiểm đỏ ói, trong khi ngoài trời mưa rơi rả rích. Có nhiều cơn mưa kéo dài đến mấy ngày đêm. Bữa ăn tuy đơn sơ đạm bạc, nhưng ngon đến nỗi bụng đã no mà miệng còn thấy đói. Có phải vì thế mà câu ca dao của người xưa vẫn còn nghe da diết trong lòng, mỗi lần về quê xứ mắm :

    Con cá làm ra con mắm

    Vợ chồng nghèo thương lắm mình ơi ….



    Ăn mắm có nhiều cách, đơn giản có, cầu kỳ cũng có. Ở làng quê đồng bái thường là mắm kho chấm bông súng, bông điên điển, bông lục bình, rau nhút, rau dừa, rau mác, cọng năng non, cây chuối non xắt trộn với rau thơm.... Có thứ cho vào loại chén riêng biệt của mỗi người để và rau. Các vùng như Long An, Mỹ Tho kho mắm và rau có thêm thịt ba rọi xắt lát mỏng, khứa cá lóc, giờ chót lại còn nêm thêm nước cốt dừa cho béo.

    Riêng món mắm sống, cắn ăn như mắm trèm, mắm sặc,mắm rô, mắm trê v.v… hay xé ra từng miếng nhỏ, bỏ xương, kèm theo rau thơm, húng cây, húng lũi, giấp cá, tía tô, lá quế, đọt xoài, đọt tầm ruột, đọt mận, còn thêm các rau dại mọc theo bờ ruộng, xung quanh bờ ao, hè nhà … Rồi còn nào là chuối sống, khế chua, dưa leo, ớt, tỏi, hành v.v.. hơn nữa, nếu có một ít bánh tráng, vài lát thịt ba rọi với ít ly đế thì còn gì sung sướng cho bằng.

    Dân nhậu coi món mắm sống là mồi dễ bắt nhất . Trưa bụng đói, lục nồi cơm nguội, bốc một nắm, kẹp một con mắm sặt ăn vào là cảm thấy ngon lạ lùng. Cơm nguội, mắm sống, là ký ức, là kỷ niệm của lớp trẻ đồng quê miền Nam như tôi thuở xưa. Còn mắm chiên, mắm chưng, lại có hương vị khác. Cắt đôi con mắm lóc cho vào chảo mỡ đã phi tỏi, rồi vớt ra dĩa, rưới thêm tí mỡ lên con mắm, cho vào nồi chưng cách thủy.

    Miếng mắm đỏ hồng, cho vào miệng cảm nhận được đủ mùi vị thơm , bùi, béo . Còn mắm « chưng » với thịt bằm trộn với trứng vịt hoặc trứng gà thì có rất nhiều chất đạm, dể tiêu hóa, thích hợp với mọi khẩu vị, có thể kèm theo rau thơm, dưa chuột, chẳng kém món ăn nào !



    Mắm ngày nay không còn là một món ăn chỉ thông dụng với bạn nghèo . Mắm đã lên ngôi và sáng giá . Nơi thành thị, món mắm đã được nâng lên thành một nghệ thuật ẩm thực, cả đối với một số đông kiều bào, ăn mắm: nhớ nhà, nhớ nước . Nhiều tiệm cơm, nhà hàng, món mắm đã trở thành một đặc sản, chế biến cách thức nấu thành nhiều món như: lẩu mắm, bún mắm, mắm tép chua với thịt ba rọi và rau sống v.v..

    Mắm, món ăn độc đáo của vùng quê Nam Việt, đặc điểm của những con người đi tiên phong trong việc mở mang bờ cõi phía Nam cho nước ViệtNam thành hình chữ « S » ngày hôm nay: tính trước, liệu sau, ăn bữa trước, lo bữa sau, không dễ bằng lòng với thực tại . « Mắm », nét sống tuyệt vời của miền Nam, cũng gần như món « fromage » của Pháp Quốc.

    Ở quê miền Nam Việt Nam, các vùng đồng bằng sông Cửu Long, vào những ngày kề cận Tết, các nhà nông, đến đêm thường hay xả nước ra các mương hoặc kinh lạch bao xung quanh ruộng, đồng thời đặt vó bằng lưới mùng để hứng tép . Thôi thì vô số tép nhỏ, tép lớn, theo dòng nước tuôn ra đầy lưới . Tép nhỏ dùng để làm mắm ruốc, còn tép bạc lớn hơn thì để dành làm mắm tép chua.

    Ở vùng biển thì có mắm « ba khía » , mắm cá cơm, mắm nghêu v.v… Mỗi thứ, mỗi loại đều có hương vị riêng biệt đầy quyến rủ của nó . Có những món ăn, cần phải nêm thêm vào chút ít nước mắm cá cơm, mắm nghêu hay mắm hào thì mới đúng hương vị, thơm và ngon hơn. Nói đến mắm thì không thể quên món mắm « thái » đặc biệt ở vùng Châu Đốc và vài vùng khác ở miền Nam.

    Mắm được làm với thịt nạc cá lóc đã được rút sạch xương với sự pha chế rất công phu. Sau khi trở thành con mắm, giở hũ ra, nhìn những miếng mắm đỏ trong, lẫn lộn với những sợi đu đủ, những miếng dưa chuột, lát tỏi, thì đã thấy bắt thèm, thèm cái mùi vị thơm ngon lạ lùng của món mắm này. Còn món mắm ruột thì gần giống như là món mắm thái ?



    Thuở thiếu thời, tác giả học ở thành phố Mỹ Tho. Mỗi năm đến kỳ bãi trường về quê, được gia đình khuyến khích: tự làm cá, ướp mắm vào hũ, để đến kỳ hè sau về nhà, chiết mắm ra, đem so sánh thành quả với những nhà làm mắm chuyên nghiệp, xem mình đã đạt đến đâu; một kỷ niệm êm đềm của thời xa xưa, mà giờ đây, sống nới đất khách quê người, mỗi lần nhớ lại câu chuyện này thì lòng không tránh khỏi bứt rứt ai hoài và bồi hồi thương nhớ quê nhà


    Trọng Lễ Âu Dương

  7. #3637
    Tran Truong
    Khách
    Hương rừng Cà Mau]


    Năm 56, một truyện ngắn gởi báo Tiếng Dội được ông Trần Tấn Quốc, chủ báo, nồng nhiệt đón nhận. “Xin giới thiệu cùng quý độc giả thân mến : tân truyện Đường về Đồng Tháp của Đoàn Hùng Việt”. Đoàn Hùng Việt là bút hiệu của ba tôi.

    Từ đó, ba tôi viết cho nhiều báo khác … kể cả các tuần báo như: Nhân Loại, Bông Lúa.

    Lúc ấy, Sơn Nam mỗi tuần một truyện ngắn trên Nhân Loại như: Hương rừng Cà Mau, Tình nghĩa giáo khoa thư, Hát bội giữa rừng, Mùa "len" trâu … mà sau này gom lại thành tuyển tập“Hương rừng Cà Mau’ do nhà Phù Sa của Ngọc Linh phát hành năm 62.



    Cái tình văn nghệ của phụ thân tôi và Sơn Nam từ độ ấy.

    Bác Sơn Nam hơn ba tôi hai tuổi nhưng hai người gọi nhau là anh. Ba tôi gọi anh Sơn Nam còn bác Sơn Nam gọi ba tôi là anh Việt.

    Ngoài Sơn Nam ra ba còn có các bạn văn khác như: Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Kiên Giang Hà Huy Hà, An Khê, Dương Hà …

    Nhà văn Ngọc Linh chuyên viết truyện dài với tựa rất thơ như: “Buổi chiều lá rụng … Mưa trong bình minh” gởi tặng ba hình một người đẹp với dòng chữ: “Thân tặng anh Đoàn Hùng Việt và ký tên. Hình người đẹp đó là Kiều Chinh đang là diễn viên điện ảnh .

    Nhà văn Ngọc Linh ăn mặc bảnh bao, chải chuốt, quần áo láng cóong , đầu bi- ăng- tin bóng lưỡng, chạy Vespa. Còn Sơn Nam tóc dựng đứng, mặt như lưỡi cày, môi dầy, răng hơi hô, mắt kèm nhèm dưới đôi kính cận . Áo trắng, xắn tay, bỏ vô thùng đàng hoàng nhưng mang dép lè phè … đi bộ .

    Nhưng cả hai đều tài hoa và đào hoa … như nhau .

    Cho nên Sơn Nam đặt tên con gái là: Đào Thúy Hằng và Đào Thuý Nga thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên ...

    Hằng là tên trong giấy tờ, còn tên ở nhà là Mỹ Linh. Nga là Ngọc Ánh . Thúy Hằng là tên Thẫm Thuý Hằng; còn Thúy Nga là tên ca sĩ, vợ Hoàng Thi Thơ.

    Sau này Sơn Nam có thêm một người con gái nữa là Đào Thúy Liễu, tên ngoài là Trinh .

    “Lúc đó, Sơn Nam có người bạn viết báo tên Đoàn Hùng Việt, làm việc ở Bưu điện Mỹ Tho. Sát vách nhà chú Việt có căn nhà bỏ trống nên chú đề nghị Sơn Nam đưa vợ con về thuê ở .” Lời của Mỹ Linh .

    Tôi là láng giềng, sát vách với con văn hào được hai năm, thường ra ruộng mò cua, bắt ốc hay chạy qua nhà nghe say mê bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ .

    Năm 59, ba tôi đổi đi Bưu Điện Cái Bè, tôi xa Mỹ Tho, không còn đi bắt ốc, hái rau với Mỹ Linh và Ngọc Ánh ngoài ruộng nữa. Không còn qua nhà nghe bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ hay ngồi trước cửa nhà nhìn xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, súp lê, chạy xịt khói nữa …

    Bưu Điện Cái bè, làng Đông Hòa Hiệp, là biệt thự rộng minh mông, chánh phủ mướn của ông Hội đồng Đôn. Không điện, không nước. Không điện thì đèn măng sông. Nước thì nước sông, gạo chợ ..

    Sơn Nam một, hai tháng mới về thăm vợ con một lần ở Mỹ Tho, rồi nhơn tiện ghé Cái Bè ở chơi với ba tôi năm, bảy bữa ..

    Nói là ghé chơi chứ thực là ông về để viết .

    Sáng hai ông ăn sáng với hột gà ốp-la, muối tiêu … bánh mì bán dạo, nóng dòn. Uống cà phê phin kiểu Pháp . Bột cà phê bỏ vô phin, rót chút nước lạnh cho cà phê nở ra rồi rót nước thiệt sôi vào. Cà phê đen rất đậm, ít đường. Buổi sáng hương cà phê thơm ngát … Tôi hưởng nước nhì …

    Cả hai đều ghiền thuốc lá và ghiền nặng . Ba hút ngày một gói Melia vàng, hai chục điếu, Sơn Nam cũng không chịu thua, một gói Bastos.

    Tới giờ ba tôi đi làm việc, chỉ cần mở cửa là tới văn phòng, thì Sơn Nam rút vô phòng, lấy sổ đầy chi chít những chữ ra xem … rồi viết … Trưa ăn cơm chung, chiều uống chút đỉnh rượu, rồi ngủ .

    Má tôi lo nấu ăn, đãi bạn văn của chồng mà không một tiếng than van. Tụi nhỏ được ăn ngon hơn một chút … thường là canh chua cá lóc với cá sặc rằn kho tộ .

    Sau đó là Rạch Giá và Sài Gòn, những nơi ba tôi đổi đi, ông đều có đến thăm.

    Năm bảy lăm, mất nước, ba tôi bị bắt đi cãi tạo hết sáu tháng, dù suốt đời chỉ làm Bưu Đìện, liếm tem, cò, phát thơ chứ “làm cái chó gì đâu” mà có nợ máu với nhân dân … vậy mà cũng bị ở tù .

    Ba tôi tù về lại Sài Gòn, đường Lý Thái Tổ kiếm sống bằng nghề đánh máy mướn. Người ta làm đơn xin thăm nuôi chồng, con ở tù vì đủ mọi lý do .. mà lúc đó ai mà hỏng ở tù … mới là lạ.

    Bây giờ, quê người, viết bài nầy bằng computer, khỏ nhẹ nhàng lên “keyboard” là chữ hiện lên, tôi lại nhớ và thương ba tôi nhiều hơn nữa. Thương những ngón tay cong vòng vì phải gõ lọc cọc suốt ngày trên cái máy đánh chữ "Olympia" cổ lỗ sỉ để kiếm gạo nuôi một bầy con, thân gà trống … vì má tôi đã mất lâu rồi …

    Có lần, khoảng năm 80, từ Cần Thơ đi gạo lậu về Sài Gòn, ghé thăm ba, tôi lại được dịp gặp Sơn Nam.

    Sáu giờ chiều, dẹp bàn máy, hai ông già, bạn văn, dắt nhau ra Ngã bảy ăn cơm bụi.

    Bây giờ không còn canh chua cá lóc, cá sặt rằn kho khô hay cá lóc nướng trui, uống rượu “con cọp” nữa rồi ! Mà là một khúc hũ qua hầm trong canh toàn quốc, uống rượu bọt đường …

    Tôi cứ tưởng Sơn Nam ở tù hồi Việt Nam Cộng Hoà, giờ còn được tiếp tục cầm bút thì chắc ổng phải làm quan … ngon rồi chớ … dè đâu cũng vậy ... thì sao nhờ vả được hởi trời !

    Tôi hỏi ba tôi hay là bác Sơn Nam giấu, vì sợ cha con mình mượn tiền, chứ con đọc báo thấy bài của ổng nghe “mùi cách mạng” lắm mà ba ?

    “Hỏng có đâu con, bác Sơn Nam nói mấy thằng biên tập nó chen vô, hỏng cho, nó hỏng đăng, đói.”

    “Người viết phải giao thiệp với chủ báo để biết họ cần gì, đặng mình viết mà không sợ phải “lạc đề”, nếu bài “lạc đề” thì dù có hay mấy họ cũng ném sọt rác. Khi đưa bài báo đến tòa soạn báo, họ muốn biên tập, xử lý ra sao cũng mặc kệ, miễn là họ ... trả tiền sòng phẳng . Những gì họ biên tập, cắt xén thì khi in thành sách, ta cứ việc “phục hồi” lại nếu thích”.

    (Lời Sơn Nam)

    Cái tình văn nghệ giữa ba tôi và Sơn Nam dể chừng hơn bốn chục năm nhưng thời gian có hề gì. Cái tình nghĩa giáo khoa thư giữa thầy phái viên báo Chim Trời và độc giả Tư Có của cái xứ Cà Bây Ngọp, chỉ một đêm … Hai ông ăn cá lóc nướng trui, uống rượu "ông cọp" … rồi sau đó cùng chui vô mùng … nói chuyện : “QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ ”

    Cái tình văn nghệ giữa các ông với nhau là một chút “Hương Rừng Cà Mau” thoang thoảng nhưng lại thơm tới ngàn sau .

    Đoàn xuân Thu

  8. #3638
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Quote Originally Posted by Ba Búa View Post
    .... .Hổng biết lội mà .
    Còn tôi ở đâu tôi còn không biết nữa . Vì có nhiều tên lý luận cho rằng tôi ở bên VN thì tôi cũng OK .Có khi nằm mơ thấy mình ở bên Mỹ cũng đúng thôi .
    .
    Ba Búa chỉ biết bay thôi , làm gì mà biết lội ?
    Ba Búa cầm tinh phiêu diêu , làm gì biết mình ở đâu ?
    Uả , mà sao mình lại không sợ 3 cái búa , dám vuốt râu hùm vậy kìa ?

  9. #3639
    Member
    Join Date
    11-09-2010
    Posts
    17
    Chèng đét ơi sao chú Trần Trường quên món mắm dà rau . Nếu có dịp tôi xin đải các bạn , nhất là phụ nữ như cô Tigon , món này ăn xong không bao giờ quên .

    Nấu món này rất dễ :

    Mắm lóc bỏ da , bỏ xương xây nhuyễn , bỏ vào nồi mà trước đó đã phi vàng xã ớt bầm nhuyễn , trộn đều rồi đổ nước vào , nước sanh sánh , khi nước vừa sôi ,

    để vào thịt ba rọi xắt mỏng đồng thời với trái thơm cũng bầm mỏng , sau đó bỏ tiếp cá bông lau khứa và tôm thẻ to , khi mọi thứ vừa chín thì để cà tím thái bằng hai ngón tay cái ,

    ba phút sau ,bắt khỏi lửa . Khi ăn , mỗi người có một cái tô trong đó đủ thứ rau , để mắm vào vắt chanh trộn đều , còn cá thì để riêng , sợ nó nát , ăn với cơm hoặc bún .

    Quê tôi còn có mắm tôm chua và mắm tôm chà , hai loại mắm này , gia đình tôi ai cũng biết làm .

    Vào tháng năm , thì quê tôi cũng có mắm cồng lột .

    Từ khi rời khỏi VN cho đến bây giờ tôi chưa về , không biết bây giờ quê tôi ra sao ?

  10. #3640
    Member Ba Búa's Avatar
    Join Date
    07-10-2010
    Posts
    1,828
    Quote Originally Posted by Tigon View Post
    Ba Búa chỉ biết bay thôi , làm gì mà biết lội ?
    Ba Búa cầm tinh phiêu diêu , làm gì biết mình ở đâu ?
    Uả , mà sao mình lại không sợ 3 cái búa , dám vuốt râu hùm vậy kìa ?
    Thưa có 3 mục ,xin phép nói :
    1)Mợ Tigon nầy hôm nọ vu oan cho tôi rồi, hôm nay lại chửi xéo nữa đây phỏng ?? Ý nói tôi là ...chim cu nên chỉ biết bay chứ không lội được phải không ??
    Tại thấy tôi khờ khờ và hiền ; cho dù tới 3 cái búa mà chỉ nhấp nhấp thôi chứ chưa xáng thẳng tay nên chưa ngán hả.? Ờ cứ nhổ râu hùm đi . Chờ đó rồi biết ..

    2)Bà chị Lê Thi kể món ăn mắm và rau . Chữ Và theo tôi có nghĩa là với , một nghĩa nữa là lua ,và vô miệng . Nên viết là Và ,không biết đúng không ?Nhưng xin góp ý thêm :
    --Dường như bây giờ người ta xài mắm sặc bỏ vào nấu rục xương rồi lược ra lấy nước thôi , khỏi phải xay như mắm lóc .Mà nước cũng ngọt lắm .
    Ở VN thì có cá bông lau ,chứ ở bên Âu Mỹ có không ?? Nghe nói catfish mà họ gọi là bông lau ,hoặc bên VN đem cá tra, cá vồ ra mà cũng nói đại là bông lau đó . Người rành ăn thì thấy khác biệt ngay . Nầy nhé cá bông lau luôn ở dưới ức nó có mỡ màu trắng và rất nhiều ; khác với cá tra là mỡ màu ngà .Thịt bông lau thì mềm và ngọt hơn nhiều .

    Về tô rau ;nếu bà chị là Bắc kỳ thì đừng quên kinh giới và rau muống chẻ truyền thống nhà mình nhé, Còn xin chị cho tôi món giá sống và tía tô thêm vào tô rau cuả tên Nam kỳ quốc giùm nghe. Vậy nó mới đúng điệu !
    Xin lỗi chị Lê Thi tôi xía vào một tí nị vì nó là món khoái khẩu .Và cho nó thêm đậm đà thôi . Không ý nào khác .

    3)Đọc bài viết của tác giả Đoàn xuân Thu do ông Trần Truong post .
    Thấy nhà văn SơnNam là tôi không ưa và hơi nực nực rồi . Làm tôi nhớ đến hai ông có thể gọi là học giả mà thân Cộng , sau 75 mới biết . Đó là ông Vương hồng Sển và ông Nguyễn hiến Lê .
    Mọt ông gốc Nam ,một gốc Bắc .Mấy ông là dân hiểu biết rộng, sống trong miền Nam tự do mà còn thiên Cộng ,ưa Cộng , nên không trách gì dân giả .Nghĩ lại mà buồn ....

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 26-03-2012, 08:51 PM
  2. Replies: 50
    Last Post: 27-02-2012, 04:26 PM
  3. Ở đâu không có Madison, ở đó có Little Saigon.
    By NguyễnQuân in forum Tin Cộng Đồng
    Replies: 10
    Last Post: 15-08-2011, 04:43 AM
  4. Ở ĐÂY CÓ ĐẤU TRANH LÀ Ở ĐÂY CÓ BỊ BẮT
    By hatka in forum Giao Lưu - Giải Trí
    Replies: 0
    Last Post: 02-04-2011, 04:48 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 12-03-2011, 08:05 PM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •