Results 1 to 2 of 2

Thread: MỘT CHUYẾN ĐI VỀ TRẠI TỴ NẠN

  1. #1
    Member
    Join Date
    15-10-2010
    Posts
    1,590

    MỘT CHUYẾN ĐI VỀ TRẠI TỴ NẠN

    Trở Về Bến Tự Do 8
    Cuộc Hành Trình Ý Nghĩa
    TVNguyễn


    Một năm trước đây, VĂN KHỐ THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ( VKTNVN , www.vktnvn.com) vẫn còn là một tổ chức mới mẻ đối với tôi. Qua sự tìm hiểu trên Internet, tôi đươc̣ biết đây là một tổ chức bất vụ lợi, được sáng lập bởi ông Trần Đông, một cư dân ở Melbourne, Úc Châu. Mục đích cuả hội là thu thập tất cả các di tích, tin tức về thuyền nhân từ cuối thập niên 70, đến đầu thập niên 90, và hồ sơ hóa những dữ kiện để lưu giữ trong một văn khố có tầm cỡ quốc tế, còn gọi là Archive of Vietnamese Boat People. Trong đời, tôi chưa bao giờ tâm đắc câu nói " hữu duyên thì tự nhiên thành " như lần này. Chỉ qua một vài email trao đổi rất đơn giản với ông sáng lập viên VKTNVN, cuối tháng 3-2010, vợ chồng tôi đã có mặt trong phái đoàn " Hành Trình Về Bến Tự Do Lần Thứ 8 ", trở về thăm lại các trại tỵ nạn Kuku và Galang, đi hành hương tảo mộ, và tìm di tích thuyền nhân, do chính ông Trần Đông hướng dẫn.

    Trước khi đi vào chi tiết chuyến đi, thiết tưởng cũng nên nói sơ qua về địa dư nước Nam Dương và vị trí cuả các trại tạm cư này. Quần đảo Anambas với cả ngàn hòn đảo lớn nhỏ, nằm về phía đông bắc Singapore, đã là địa điểm gần nhất mà các ghe vượt biển từ miền Nam VN có thể tới được, ngoài Mã Lai và Thái Lan. Do đó, rải rác khắp vùng đảo này đều có thể có dấu vết các trại tỵ nạn và thuyền nhân VN, mà sau hơn một phần tư thế kỷ, không gì minh chứng hơn là ký ức cuả "cựu thuyền nhân" và những nấm mồ hoang tại các nơi này.

    Khởi hành từ điểm hẹn là Singapore, đoàn chúng tôi đã xuống phà để qua Nam Dương, ghé thị trấn đầu tiên là Tanjung Pinang. Nơi đây, đoàn đã nhập chung với phái đoàn vừa trở về từ Malaysia, nâng̀ tổng sô thành viên lên đến 24 người. Từ đây, chúng tôi sẽ chính thức bắt đầu cuộc hành trình đến quần đảo Anambas, trong đó có “đảo Kuku” từng là nơi trú chân cuả hàng chục ngàn thuyền nhân.

    Đoàn người chúng tôi là những "cựu thuyền nhân" đến từ Mỹ, Pháp, Úc, Thụy Điển, Canada. Ngoài ra còn có sự tham gia cuả một vài " cựu phi nhân", là thành phần đã rời VN an toàn bằng máy bay, vì những lý do khác, nhưng cùng chung điểm hẹn thì âu cũng là một cái "duyên tao ngộ" vậy. Chúng tôi dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng đã nhanh chóng kết thân bằng tình đồng hương và đồng hành rất vui vẻ. Thành viên lớn tuổi nhất đến từ Úc, 71 tuổi, và thành viên trẻ nhất là 10 tuổi, cũng là cư dân Úc.

    Sau một đêm nghỉ chân tại Pinang, chúng tôi được đưa ra phi trường để bay tới đảo Matak mất một giờ bay. Từ sân bay, một chiếc bus đã vận chuyển chúng tôi và hành lý đến bến tầu để xuống tầu tốc hành đi Terempa trong hai giờ đường biển. Từ đây trở đi, phương tiện di chuyển trong quần đảo hoàn toàn là tầu tốc hành và ghe máy dầu.

    Dù biết trước nơi mình sẽ đến, nhưng từ khi ngồi vào tầu, lòng tôi cũng bắt đầu khác lạ. Nửa rất hào hứng vì cảnh đẹp hải đảo, nửa như có một cái gì nghèn nghẹn trong tâm tư. Cũng trời này, biển này, những hải đảo này, hơn 25 năm trước, tôi đã nhìn thấy lần đầu tiên với một tâm trạng vô cùng hoang mang và hoảng sợ sau những ngày đói khát lênh đênh trên biển. Tôi phải cố trấn tĩnh để xua đi cảm giác nặng nề ngày cũ.

    Nước mắt tự tuôn rơi….lặng lẽ….

    Tầu cứ lướt đi như đẩy tôi trở về quá khứ. Tôi biết tôi phải sẵn sàng nhìn lại chốn cũ, rồi thì những cảm nhận sắp tới sẽ chữa lành và chiến thắng cái ấn tượng đen tối ngày nào vẫn còn để lại trong tiềm thức cuả tôi.

    Và tầu cặp bến Terempa. Qua gần một ngày di chuyển bằng máy bay, xe bus và tầu đò, ai cũng có vẻ thấm mệt, cộng thêm một chút say sóng và cái nắng chói chan trên đầu, đoàn người cũng bớt phần "tưng bừng về trong sương gió". Bữa ăn chiều và …cái giường ngủ là niềm ước mơ sau cùng.

    Nói vậy nhưng không phải vậy. Sự mệt mỏi xin đi chơi chỗ khác. Terempa đây rồi! Cái địa danh vẫn còn như in trong trí nhớ cuả nhiều thuyền nhânVN. Đặc biệt đây cũng là nơi đặt bước chân tự do đầu tiên cuả vài thành viên trong chuyến đi này. Bỏ vội hành ly,́ mọi người đều túa ra khỏi nhà trọ. Nhóm thì đi để "trinh sát" hàng quán, nhóm thì cố tìm kiếm vết tích năm xưa. Những chữ "đây nè", "kia kìa", "hình như", "có phải" thỉnh thoảng lại được thốt lên. Máy chụp hình và quay phim cũng bắt đầu làm việc ….cật lực dưới những bàn tay không biết mỏi.

    Không để phí thời gian, trong khi chờ bưã chiều, trưởng đoàn và người "tour guide" Indo đã hướng dẫn chúng tôi đi thăm một ngôi chùa Phật giáo rất hiếm hoi trong vùng đảo mà quốc giáo là đạo Hồi. Mọi người không bỏ lỡ dịp để thắp những nén nhang từ tấm lòng người Việt xa xứ, cầu siêu thóat cho những vong hồn đồng hương còn vương vất nơi đây và cầu xin bình an cho đoàn người "trở về bến cũ".


    Sau bữa ăn tối với toàn đặc sản Indo nấu với ...ớt, bọn chúng tôi lại hăm hở đi thăm phố phường, và ghé vào ngồi quán cà phê nhà sàn trên biển đến tối mịt mới trở về nhà trọ.

    Sáng hôm sau, vợ chồng tôi đã dậy rất sớm và thả bộ quanh đảo, ngắm bình minh trên biển. Terempa cũng chính là nơi ghe cuả chồng tôi đã cặp bến 27 năm về trước, nên từ chiều qua anh rất bồi hồi xúc cảm. Với máy trên tay, chúng tôi đã chụp và quay lại những hình ảnh trông "quen quen" cũng như "lạ hoắc" cuả nơi đây, như muốn gom hết quang cảnh chung quanh, mà tôi biết nó sẽ vô cùng quý gía đối với chúng tôi sau này.

    Bất chợt hai chúng tôi nhìn thấy một chiếc thuyền thúng trên bãi, mà thuyền thúng thì chỉ có ở miền Trung Việt Nam. Và kìa, xa bờ là một chiếc ghe đánh cá mang số "BĐ....", ghe VN! Thì ra vậy, chiều qua , chúng tôi có nghe loáng thóang là có ghe đánh cá từ VN bị bắt tại Terempa, có lẽ là chiếc ghe này đây. Để xác định cho sự võ đoán, lững thững từ bờ đi lên là một thanh niên gầy guộc, trông cũng rất Việt Nam. Gần đó là một người lính Indo đang quan sát. Nhờ người tour guide xin phép, chúng tôi được tiếp xúc với người thanh niên ấy trong vài phút. Và đúng vậy, anh ta là đồng bào cuả chúng tôi. Mới vài câu hỏi thăm, mắt anh ta đã đỏ hoe, tôi cũng không cầm được xúc động. Tôi xúc động là vì ở một nơi rất xa với VN, một nơi "hóc bà tó" này đây, vậy mà cũng có bóng dáng người Việt Nam lưu lạc chốn này, trong thân phận tù đầy. Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi, tôi được biết chiếc ghe đánh cá gồm chín người cuả anh đã vi phạm hải phận Nam Dương và bị bắt giữ đã hơn một tháng nay. Chủ tầu và tài công cùng năm bạn chài khác bị giam giữ trong tù, họ chỉ cho phép hai người ở lại giữ ghe và cơm nước cho nhau ăn. Chính quyền sở tại cũng đã cho họ liên lạc về gia đình một lần rồi. Còn thì phía "nhà nước ta" vẫn chưa thấy tăm hơi?. Đây mới chính là những "khúc ruột .... rối rắm ngàn dặm" đang hết sức trông đợi sự can thiệp cuả nhà nước VN. Ruột nào cũng là ruột.... thịt cả, xin hãy nhớ đến họ, thay vì cứ...bám vào “ruột thừa” để ... phá đám? Chúng tôi chỉ biết móc vội một ít tiền có trong túi gởi tặng anh và nói lời an ủi.

    Mười giờ sáng hôm đó, đoàn chúng tôi xuống tầu đi đến thị xã Letung, thuộc đảo Jemaja. Phải mất hơn một giờ rưỡi đường biển, tầu cặp bến Letung. Tại cầu tầu, công ty du lịch trong vùng và chính quyền địa phương đã dành cho đoàn chúng tôi một sự tiếp đón rất thân thiện với vòng hoa chào mừng và nhã nhạc dân tộc vang lừng. Đây là một dấu hiệu tốt cho chúng ta nếu cộng đồng VN hải ngoại còn mong muốn trở về chốn xưa với bất kỳ nhu cầu cá nhân hay lợi ích chung. Ngành du lịch cuả quốc gia này chỉ tập trung bên vùng biển cực Nam, như Bali, Java, còn phía Đông Bắc hầu như còn rất hoang sơ, mặc dù phong cảnh cũng rất tuyệt vời. Khi chính quyền sở tại biết được nhu cầu và mục đích vô vụ lợi cuả chúng ta, họ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện tốt cho những chuyến hành trình trong tương lai.

    Theo lịch trình, đoàn chúng tôi sẽ đến Kuku trong ngày, và tối sẽ trở lại Letung ngủ đêm, nên chúng tôi phải tạm từ giã Letung và hướng tầu về Kuku. Đã phải mất một thời gian khá lâu, VKTNVN mới xác định được vị trí đích thực cuả trại Kuku, bởi vì Kuku là tên gọi một bãi biển trên ̉đảo Jemaja, chứ không phải "đảo Kuku" như ta vẫn lầm tưởng. Trong chuyến trở về tháng Tư, 2009 là chuyến trở về Kuku lần đầu tiên cuả VKTNVN, và đã tìm được một số mộ phần thuyền nhân. Lần này, chúng tôi sẽ có dịp viếng thăm một nghĩa trang thứ hai trên đảo, mà dân địa phương quanh vùng đã tìm thấy và cho biết.

    Kuku đã hoàn toàn không còn dấu vết gì cuả trại tỵ nạn năm xưa!
    Cây to và cỏ lau, sậy mọc kín ra đến bờ nước, cầu tầu cũng mất dấu, còn trơ lại đúng một chiếc cọc!

    Được biết sau khi trại chính thức đóng cửa vào khoảng đầu những năm 90, chính quyền Indo đã tổng vệ sinh bằng cách cho đốt sạch các vết tích còn lại tại nơi đây.

    Từ trên tầu nhẩy xuống bãi, tôi định vị trí để tìm cái "lăng bác", nơi bãi đá bên tay phải với những tảng đá chồng lên nhau rất đẹp, là nơi dành làm “cầu tiêu” trên đảo. Tôi vẫn ước muốn tìm lại cái tảng đá lớn thoai thoải trên đường tới "lăng" mà tôi đã thường hay ngồi một mình, nhìn ra biển rộng mà lòng buồn mênh mang vì biết rằng từ đây, mình đã thật sự xa quê hương. Dù lòng thương nhớ quê hương vẫn đầy ắp theo tháng năm, nhưng đã 26 năm qua, tôi vẫn không thấy một sự thôi thúc trở về Việt Nam? Còn gì nữa? Vui gì đây? Ích lợi cho ai? Xin hẹn một ngày trở lại, ngày "Việt Nam Tự Do".

    Sau những phút ngỡ ngàng, chúng tôi theo chân trưởng đoàn và tour guide người Indo băng rừng vào khu nghĩa trang. Bàn chân nối tiếp bàn chân đạp lên cỏ sậy, tay vẹt cây rừng mà đi. Vừa leo cầu "khỉ" vừa ca bài "ai đang đi, trên cầu ... cây, té xuống đây ướt cái quần jean tây...". Ướt thì lại lóp ngóp bò lên đi tiếp! Vượt qua một đoạn dốc cao và trơn trượt, chúng tôi đã đến nơi.

    Ôi tang thương! Ôi hiu hắt!

    Mộ phần cái còn, cái xụp lở, cái gần như mất dấu, nằm rải rác quanh một cuộc đất cao, bao bọc bởi những cây cao ngất cuả rừng rậm. Lòng mọi người như chùng xuống, xót xa. Những dòng nước mắt thương cảm lặng lẽ rơi. Cũng giữa núi rừng này, hơn hai mươi năm trước, bao nhiêu nước mắt Việt Nam đã nhỏ xuống?

    Nhang, tiền vàng bạc được đốt lên, chúng tôi chung lời cầu nguyện siêu thoát cho những người xấu số. Chút khói hương và những tấm lòng Việt Nam đã đến nơi đây, xin chia xẻ tấm tình đồng hương cho những người bạn đồng hành đã vĩnh viễn nằm lại tại hoang đảo này. Cái giá đắt nhất cuả Tự Do là đây, những sinh mạng mà đồng bào tôi đã trả.

    Lần theo một lối đi cũng với cây rừng rậm rạp lâu năm không người qua lại, chúng tôi đến một khu nghĩa địa thứ hai. Khu này cũng không khác gì hơn. Một ít bia mộ còn rõ nét chữ Tầu, năm chết đa số là 79- 80. Đó là thời điểm cơ cực nhất cuả người tỵ nạn trên những đảo hoang này. Nhân số trên đảo đã có lúc lên đến mười ngàn người, nên số tử vong vì sốt rét và dic̣h tả rất cao. Ông trưởng đoàn đã cẩn thận chụp lại đầy đủ hiǹh ảnh cuả nghĩa trang để sẽ trở thành tài liệu trong VKTNVN. Sau đó, những bó nhang được đốt và chia ra để chúng tôi đi cắm trên từng nấm mộ, an ủi những linh hồn bị bỏ quên đã lâu.

    Chúng tôi rời Kuku khi mặt trời bắt đầu chếch bóng.

    Chấm dứt phần I

  2. #2
    Member
    Join Date
    15-10-2010
    Posts
    1,590

    MỘT CHUYẾN ĐI VỀ TRẠI TỴ NẠN (Phần II)

    Trên đường về, để làm lắng nỗi xúc động, tầu đã cặp vào bãi Kuku 2 để chúng tôi tắm... thử nước biển xứ Nam Dương. Bãi biển thật đẹp và trong lành làm sao. Nước xanh biếc, đổi mầu từ đậm đến turquoise, dải cát vàng mịn màng chạy viền theo hàng dừa xanh, đong đưa trong nắng chiều. Thiên nhiên ơi, sao vẫn vô tình và ngạo nghễ? Nếu nước kia, trời kia, núi kia biết nói, hỏi chăng có còn nhớ những dấu chân người Việt nam đã từng lưu lạc chốn này? Hôm nay đây, cũng những bước chân ngày cũ, xin một lần trở lại để gởi lời biết ơn đến đất trời xứ người, đã dung chứa từng đoàn người lưu vong chúng tôi ngày ấy, và là nơi gởi nắm xương tàn cuả hàng ngàn đồng bào tôi đến mãi ngàn sau.

    Buổi tối trước hiên nhà trọ trên làng chài Letung, họp mặt quây quần với các bạn đồng hành, tôi cất tiếng hát bài Làng Tôi trong nỗi nghẹn ngào hơn bao giờ hết....

    Chương trình ngày thứ 5 cuả chuyến đi là sẽ đến hai địa điểm khác trong vùng là Air Raya và đảo Keramut.

    Lần này, có lẽ ông trưởng đoàn muốn cho mọi người .... hâm lại cái cảm giác vượt biên năm xưa, nên đoàn chúng tôi lục tục kéo xuống một chiếc ghe đánh cá nhỏ "y chang" như chiếc ghe tôi đã từng... “nhắm mắt đưa chân” dạo ấy. Tuy cùng với mọi người nói cười vui vẻ, nhưng khi ngồi trong sạp khoang tầu, lòng tôi lại gợn lên những cảm giác xa xưa...

    Thoáng chốc, bãi Air Raya đã hiện ra trước mắt. Nơi đây, tạo hoá cũng đã dành lại chủ quyền!

    Đâu đây lại thoáng lên trong ánh mắt vài người chúng tôi những tia nhìn hụt hẫng lẫn chút ngậm ngùi. Theo lời các thành viên đã từng sống tại trại AirRaya đi trong đoàn thì vào lúc cao điểm của phong trào vượt biên, đã có đến mười ngàn người chen chúc sống tại đây. Thế nhưng chứng tích duy nhất còn lại chỉ là những nấm mộ hoang nằm sâu trong núi mà thôi. Trước khi vào khu nghĩa địa, các thành viên trong đoàn đã thành tâm bầy biện một số lễ vật cúng vong ngay trên bãi Air Raya để cầu siêu và cúng trời đất trong toàn vùng quần đảo. Nghĩa địa tại Air Raya mới được người dân ph́át hiện gần đây, cũng do sự yêu cầu cuả VKTNVN dưới hình thức trả công tính trên mỗi mộ tìm đươc̣. Khu này có gần 20 mộ, và dĩ nhiên cũng rất hoang tàn, tang thương. Con số mộ còn rất nhiều trên đảo, nhưng cây rừng đã mọc kín và che mất dấu từ bao năm qua. Nguyện cầu những nén nhang chúng tôi đốt lên và cắm xuống cho người nằm lại sẽ nguôi đi phần nào nỗi bất hạnh cuả đồng bào tôi. Xin cho được nhẹ nhàng siêu thóat.

    Tại đảo Keramut, chúng tôi tới một xóm biển có lẽ là nghèo nhất trong những xóm làng đã đi qua. Nhà sàn chạy quanh co, xập xệ, rất ít nhà gạch xây. Đoàn chúng tôi có người đã chuẩn bị kẹo và quần áo cũ còn tốt để cho các em nhỏ trong làng. Nơi đây, chúng tôi cũng đã được hướng dẫn đến chỗ có mộ thuyền nhân VN. Đó thật sự là hai nấm mộ hoang, không bia mộ, không tên tuổi. Được biết là hai xác người Việt vô thừa nhận này đã trôi vào bờ và chủ nhà cạnh đó đã tự nguyện chôn cất tử tế, giữ gìn cho đến ngày nay. Tuy vậy, hai nấm mộ nằm cách nhau một khoảng xa, được đánh dấu bằng vài hòn đá mà thôi, không biết được chôn cất năm nào. Những hòn đá này cũng đã lún khá xâu, gần như bằng ngang với mặt đất, phủ đầy lá dừa khô và cỏ dại. Nếu người chôn không nói thì chả ai biết đó là mộ phần. Giờ đây cho dù chỉ còn là hai ...bãi đất không tên, không tuổi đã bị bỏ quên bao năm qua, nhưng hôm nay chúng tôi đã biết và tới được nơi này, xin đốt nén nhang sưởi ấm linh hồn bơ vơ cuả quý vị. Tên cuả quý vị sẽ là 'thuyền nhân VN, yên nghỉ tại Karamut' trong VKTNVN, hôm nay và mãi mãi.

    Trở về Letung, tối hôm đó, đoàn chúng tôi được mời tham dự một buổi lễ truyền thống hàng năm cuả dân vùng hải đảo. Lễ này thường được tổ chức vào rất khuya, như một buổi cầu siêu cho tất cả những người đã chết trong toàn vùng quần đảo. Khi nghe ban nhạc - là những nhạc công có tuổi tác trong làng - đánh lên những nhịp trống và cất cao tiếng hát, người nghe dù không hiểu nhưng cũng nhận biết được một nguồn năng lực kỳ bí trong âm điệu gọi hồn thoát lên, như tỏa ra khắp hải đảo. Những em vũ công tuy rất nhỏ, nhưng rất điêu luyện trong điệu múa dân tộc với áo quần thật đẹp mắt mà tôi ít có dịp nhìn thấy.

    Khi buổi lễ kết thúc, như đã chuẩn bị, đoàn chúng tôi gởi tặng một số tiền - được đóng góp trước đó - cho câu lạc bộ thiếu niên trong làng, để mua thêm vật dụng thể thao cho trẻ em như banh da, vợt vũ cầu, v.v. ... . Số tiền không lớn lao gì lắm, nhưng cũng là một nghĩa cử "đền ơn đáp nghĩa" cuả chúng ta đối với những người "chủ nhà tốt bụng" năm xưa. Dù sao thì "vật thực" vẫn hơn những lời cám ơn suông.

    Sang đến ngày thứ sáu thì cuộc hành trình đã đi hơn một nửa. Sáng đó, trước khi rời Letung, chúng tôi không quên đi viếng một số mộ thuyền nhân tại đây. Những mộ này được chôn trên một ngọn đồi thuộc nghĩa địa cuả người Hoa sống lâu đời trên đảo. Đếm được 9 hay 10 mộ có tên , ngày sinh và tử. Có thể phân biệt đươc̣ ngay với mộ phần người bản xứ bằng những gò đất không còn nguyên khổ dạng, trừ vài mộ mới được người nhà "trùng tu" với xi măng mới và hàng chữ sơn đỏ - nhưng lại ghi chú lầm là "cải táng"-. Nhóm mộ này, theo tin tức thu thập và lời tường thuật cuả một nhân chứng có mặt trong đoàn, đa số là cuả những thuyền nhân tại Air Raya đã bỏ mạng trong một tai nạn đắm ghe, khi họ đi qua Letung để mua thuốc men và vật dụng cần thiết. Sự kiện được minh chứng với hơn nửa số mộ có cùng ngày "tử", vài cái còn lại thì khác đi vài ngày, có thể do xác được vớt trước hay sau mà thôi. Chúng tôi cũng chỉ còn biết gởi lại những nén nhang cho người không may mắn, và ghi chép thêm địa điểm này vào VKTNVN, như một lời nhắn nhủ rằng từ đây, họ sẽ không bị bỏ quên nữa. Ôi thân phận thuyền nhân ngày ấy, dù đã đặt được bước chân đến ngưỡng cưả tự do, nhưng nỗi chết vẫn không rời!

    Gần hai tiếng ngồi trên tầu về lại Terempa, tôi lại có dịp ngắm nhìn quang cảnh hải đảo Nam Dương. Thời tiết mùa này rất tốt, mặt biển êm lặng như mặt hồ, trùng hợp với thời gian ghe cuả tôi đến đây 26 năm trước. Cũng là nắng đó, mây kia, núi nọ, mà giờ đây tôi mới bắt đầu cảm nhận được cái đáng yêu cuả thiên nhiên chung quanh, rất hiền hòa, thoát tục. Cảm giác thanh thản giữa trời đất hôm nay đã bắt đầu lớn dần, đang thế chỗ cho những ấn tượng hãi hùng ngày xưa, ngày mà chiếc ghe cuả tôi lầm lũi tiến vào vùng đất xa lạ này, đi tìm sự sống.

    Rất chu đáo, hai người trưởng đoàn đã xắp đặt chương trình có những ngày nghỉ ngơi để thành viên có dịp vui với... nắng gió và nước biển tại vùng quần đảo nên thơ này. Khéo tay... nướng nắng thì bảo đảm sẽ có một nước da mầu "đồng non" như anh Vọi để đem về Bắc Mỹ làm chiến tích khoe phố phường trong vài tuần. Nhưng thường thì ai cũng hơi ...quá tay, nên gần thành "đồng đen" hết lượt! Hai thắng cảnh nổi tiếng trong vùng là thác nước bảy tầng Tempurun và bãi biển Water of God mà chúng tôi có cơ hội... nhúng mình cả hai thứ nước "mặn" và "ngọt" trong một ngày, thật rất đáng công đáng cuả.

    Đi đến đâu thì đều có thức ăn bằng hải sản địa phương cung cấp đầy đủ tới đó. Thậm chí vừa ăn cá tươi nướng mà vừa tắm biển mới thấy thật là gần gũi với thời “tiền sử”, ăn xong còn xương cá lại thả ra biển...nuôi cá khác, một lúc mà tiện tới hai ba việc! Đặc biệt là luôn được uống nước dừa tươi mới chặt, thiếu một điều là chỉ trái nào ...chặt trái nấy, vì cây dừa cao quá, không cách gì lựa được trái mình muốn. Quả là "bõ những lúc cơ cực".

    Dù "vui xuân" nhưng đoàn chúng tôi vẫn "không quên nhiệm vụ". Chiều cùng ngày, sau khi về lại Terempa, chúng tôi đã dùng phương tiện xe ôm trong làng để lên một ngọn đồi khá cao, nơi có hai ngôi mộ người VN tại đây. Đây cũng là một trường hợp xác trôi vào bờ, được vớt và chôn bởi người địa phương, nên cũng chỉ là hai nấm đất trơ trọi với đá viền quanh, không bia mộ. Có thêm một chi tiết là họ đã được chôn trên phần đất cuả một vị mục sư trong vùng này, do chính ông ta cho chôn cất. Dù mộ không được xây đắp hay gắn bia cẩn thận, nhưng vì nằm trên đồi cao, nên chưa bị xụp lở, và dễ dàng nhận biết. Điểm rất đáng nói là hai mộ này đều nhìn ra cửa biển về hướng Bắc, nơi có quê hương Việt Nam.

    Ngày nào còn bước chân người Việt tới nơi đây, quý vị sẽ lại được thăm viếng. Nguyện cầu cho ai đó đươc̣ siêu thoát theo khói nhang đốt lên hôm nay.

    Ngày thứ tám, chúng tôi tạm biệt Terempa. Sáng hôm ấy, trước khi khởi hành, đoàn chúng tôi đã may mắn gặp lại hai người dân chài Việt Nam. Mọi người rất thương cảm cho hoàn cảnh họ, đã an ủi và tặng thêm một số tiền giúp đỡ họ phần nào trong lúc khốn khó. Cho đến lúc gặp lại chúng tôi, các ngư dân này vẫn chưa có đươc̣ một sự liên lạc nào từ sứ quán Việt Nam tại Nam Dương. Không biết rồi số phận họ sẽ ra sao? Những "khúc ruột ...thừa ngàn dặm" này cũng đành bùi ngùi chia tay những "khúc ruột ....rối" kia và lên đường với lời cầu chúc cho họ sớm đươc̣ trở về với gia đình.

    Tầu lại đưa đoàn người về phi trường Matak, mất một giờ bay tới Pinang như lúc đi, rồi lại đổi tầu để đi đảo Batam. Ngày hôm sau sẽ theo lộ trình di chuyển bằng bus từ thị trấn Batam về hướng nam xuống đảo Galang.

    Về đến Batam thì chúng tôi đã thực sự trở về với "thế giới văn minh" quen thuộc. Thành phố rất mới mẻ so với Tanjung Pinang, rất phồn thịnh và còn đang ra sức phát triển để bắt kịp Singapore. Chúng tôi nghỉ ba đêm tại một khách sạn ba sao rưỡi - so với những khách sạn "không trăng sao" tại các đảo nhỏ, nhưng cũng chưa phải ở khách sạn "ngàn sao" bao giờ - , và điểm thu hút các bà các cô nhất là nó đối diện với một cái shopping center to đùng. Có thế chứ! Buổi tối đầu tiên, các tay "anh chị cà phê" sáng mắt lên khi thấy bảng hiệu "Godiva Coffee" trong shopping, nhưng hơi tiếc là cà phê nóng chỉ còn ngon một nửa khi uống ở xứ ....quá nóng.

    Hai ngày cuối cuả chuyến đi là để thăm viếng trại Galang.

    Sau một giờ đường xe, qua sáu chiếc cầu thì chuyến bus của chúng tôi đã tới trại Galang, điểm dừng chân cuả tất cả những ai là thuyền nhân tại Nam dương. Xe vào tới trại rồi mà chúng tôi vẫn không biết. "Galang I đây sao?", "Đường ra cầu tầu đây à?", "Ban đại diện ở chỗ nào?", "Barrack đâu hết rồi?". Câu hỏi vọng lại ... cũng câu hỏ̉i mà thôi.

    Galang I hoàn tòan đã thở thành một vùng rừng rậm hoang vu. Hình ảnh quen thuộc duy nhất còn lại là con đường tráng nhựa và những ống dẫn nước dọc lề đường từ Galang I vào Galang II. Xe chạy gần ra cầu tầu thì mọi người đều không còn đủ kiên nhẫn ngồi trong xe nữa. Dù ngoài trời nắng đổ lửa, nóng và ẩm ướt, nhưng ai nấy như muốn hối hả xuống xe, hối hả đi tìm, tưởng chừng như bọn chúng tôi đang cố gắng đuổi bắt chút kỷ niệm, dấu vết nào đó còn sót lại đâu đây.

    Tôi đứng tại cầu tầu hôm nay mà hồi tưởng bộ dạng “nhếch nhác” của mình khi được chuyển trại từ Kuku sang Galang ngày nào... Như còn nghe vang trong không gian đâu đây tiếng nói cười xôn xao cuả đám đông chờ đón người mới tới... Và tôi nhớ cơn mưa như thác lũ ngày tôi rời đảo đi định cư, cũng tại cầu tầu này! Đã quá xa rồi, một phần tư thế kỷ! Như một sự tái diễn cuả lịch sử khi tôi liên tưởng đến lời kể cuả mẹ tôi khi xưa, lúc những chiếc “tầu há mồm” đưa người di cư cặp bến Sàigòn hơn nửa thế kỷ trước. Vì sao dân tộc Việt Nam lại phải “cha truyền con nối” cái số kiếp điêu linh thế này?

    Ngày ấy, đến vạn ngàn lần tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở lại chốn này. Trở lại để làm gì? Câu trả lời dường như đang rõ dần sau mỗi chặng đường tôi trở vê.

    Trên ngọn đồi cao, ngôi chùa Quan Âm do người tỵ nạn dựng đầu tiên tại Galang I, sau khi trại đóng cưả, đã được tu bổ và được trụ trì bởi một hòa thượng người Đài Loan. Chùa ngày nay rất rộng và khang trang, thu hút một số khách thập phương từ những nơi khá xa, vì được tiếng là linh thiêng. Sau khi thăm chùa và lễ bàn thờ Phật, chúng tôi lên xe vào Galng II.

    Tại Galang II, một số công sở cũ như nhà thương, Youth Center, World Relief Center, nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, chùa Kỳ Viên đã được chính quyền điạ phương duy trì như là một khu di tích du lịch trong vùng này. Toàn cảnh Galang hôm nay có phần đẹp đẽ như một điạ điểm du lic̣h với những “di tích” nằm ẩn hiện giưã phong cảnh thiên nhiên cuả núi rừng. Nhưng với những thuyền nhân đã từng sống tại nơi đây thì quanh cảnh hôm nay thật là ảm đạm, so với cảnh sinh hoạt tấp nập năm xưa của trại. Hai dẫy barracks duy nhất còn xót lại cũng đã xiêu vẹo, đổ nát, cây cỏ mọc kín lối vào.

    Giờ nghỉ trưa, đoàn chúng tôi đã dùng bữa “dã chiến” ngay tại khuôn viên nhà thờ. Mây đen bỗng từ cuối rừng kéo tới, báo hiệu một cơn mưa, "mưa Galang" ngày nào! Những giọt thật nặng hạt, đến và đi, vừa đủ ướt đất và ướt cả lòng người trở về.


    Galang III là tên gọi mà trại viên năm xưa đã đặt cho khu nghĩa trang cuả trại. Tại đây, đoàn chúng tôi đã cử hành một lễ cầu nguyện và viếng mộ. Ông trưởng đoàn hướng dẫn mọi người cùng đọc ba lần kinh Kính mừng, và một đọan kinh cầu siêu trong nghi thức đơn giản, nhưng rất xúc động. Từng bó nhang lớn và giấy tiền vàng bạc đã được cẩn thận mang theo trong suốt cuộc hành trình lại được đốt lên. Chúng tôi chia nhau đi cắm từng nén nhang cho 503 ngôi mộ, nằm kín một sườn đồi, không bỏ sót mộ nào. Mộ phần tại đây hầu hết đều có tên tuổi, ngày sinh và tử, đầy đủ hơn so với những nơi chúng tôi đã đi qua. Tuy vậy, dấu vết tàn phá cuả thời gian càng làm tăng thêm vẻ thê lương cuả khu nghiã trang bị bỏ quên này. Dù những người nằm xuống nơi đây không đơn lẻ, nhưng cảnh hoang phế tại đây lại đưa tôi đến sự cảm thương cho những ai có người thân yêu phải bỏ lại chốn này, nơi đất khách quê người, mà chưa một lần được trở lại viếng thăm!

    Một điều thật thất vọng là khi đến nơi dựng tấm bia "Tưởng niệm thuyền nhân" quá cố thì hoàn toàn đã không còn một dấu tích gì hết, ngay cả nền móng làm chân tấm bia! Được biết nhà cầm quyền Việt Nam đã áp lực chính quyền Indonesia để đập bỏ tấm bia này chỉ vài tháng sau khi được cộng đồng người Việt hải ngoại và VKTNVN dựng lên năm 2005. Người chết có làm gì đươc̣ mà họ cũng không tha? Vậy thì những người sống? Những "khúc ruột ngàn dặm" của họ? "Khúc" nào đến lúc "thừa thãi" thì có lẽ cũng sẽ bị "cắt bỏ" không thương tiếc.

    Xe lại tiếp tuc̣ đưa chúng tôi đến thăm viếng Miếu Ba Cô, nằm dưới gốc cây da rất lớn. Được biết ba ngôi miếu này đã do đồng bào trên đảo lập nên, để tưởng nhớ ba cô gái đã tự ải tại chính nơi đây, khi đã quá đỗi tuyệt vọng vì bị từ chối đi định cư. Miếu đã được một thành viên trong đoàn tự nguyện sơn sửa lại trước đó, trông sáng suả và ấm áp hơn giưã nơi hoang vắng này. Cầu mong một ngày nào chính người thân cuả các cô có thể đến viếng thăm, hy vọng sẽ làm vơi đi niềm oan khiên và linh hồn mau được siêu thoát. Nhân chứng kể rằng đã thấy “Ba Cô” hiện về ngay giử̃a ban ngày, khi anh ta đang sơn lại những ngôi miếu ấy.

    Ngày kế đó, một việc làm khác rất có ý nghĩa đã được đoàn chúng tôi, với sự điều hành cuảVKTNVN, đã thực hiện đươc̣ trong chuyến đi này. Đó là chúng tôi đã đóng góp cùng với cộng đồng VN tại Úc một số tiền đủ mua được hai máy phát điện với công xuất 5kw để tặng cho hai trường tiểu và trung hoc đệ nhất cấp̣ tại Galang. Đây cũng là một trong những mục đích cuả cuộc "Hành Trình Trở Về Bến Tự Do" mà VKTNVN chủ trương.

    Đối với những thuyền nhân tỵ nạn cộng sản, người dân tại đất nước tạm dung cuả chúng ta khi xưa xứng đáng đươc̣ nhớ đến và trả ơn. Trong thời kỳ mở cưả trại tỵ nạn, Indonesia là xứ sở đã tỏ ra rất rộng lượng và tử tế đối với thuyền nhân hơn cả. Dĩ nhiên không tránh khỏi những trường hợp xấu, nhưng có tính cách cá nhân hơn là một chính sách chung.

    Nhìn chung thì Nam Dương vẫn là một nước có phần chậm phát triển. Những vùng chúng tôi đi qua, mức sống người dân chỉ ở mức tối thiểu, không hơn gì dân nghèo Việt Nam, nhưng họ còn may mắn là có tự do! Việc "Ân Đền" chúng ta làm ngày hôm nay không có gì là quá đáng. Vả lại, chúng ta còn gởi hàng ngàn ngôi mộ cuả đồng bào VN tại đất nước họ, mong rằng việc làm tốt cuả chúng ta sẽ khuyến khićh họ tích cực duy trì và bảo tồn những dấu tích kia thoát khỏi những bàn tay chuyên đi "đập phá". Còn như những nỗi "oan khiên" vì ai mà dân tộc Việt Nam lại phải có những trang sử bi thương ngút trời về THUYỀN NHÂN trong gần xuốt hai thập niên? Dầu "oán" kia chúng ta không muốn nhớ, nhưng "ân" nọ thì không thể quên.

    Câu “Tạm biệt Galang” hôm nay đã thay thế lời “Vĩnh biệt” khi xưa.

    Có về chốn cũ, thăm lại vùng đất mà chúng tôi đã nương náu sau chuyến hải trình hãi hùng, và nhìn thấy tận mắt những nấm mồ hoang nằm hiu quạnh hơn một phần tư thế kỷ này, tôi mới thấy mình có đủ can đảm nhìn lại quá khứ đau thương cuả những ngày tháng ấy, và tìm lại đươc̣ niềm tự hào cuả một thuyền nhân. Nó giúp tôi chấp nhận những gian khổ mình đã trải qua với một sự bình thản và hài lòng hơn với hiện tại, bởi vì dầu cho gì gì đi nữa, tôi đã và đang ở đây, bây giờ. Nhưng những người bạn đồng hành năm xưa kia, những người không may mắn đã nằm lại mãi mãi nơi đảo xa kia, đã không bao giờ thực sự bước chân vào vùng trời tự do như chúng ta ngày hôm nay. HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ BẾN TỰ DO lần này của tôi như là một đoạn đường nối kết trọn vẹn một vòng tròn dở dang hơn 25 năm, hoàn tất một "chapter" trong cuộc đời "người tỵ nạn".

    Đoàn chúng tôi chia tay nhau tại Singapore trong niềm vui và nỗi bịn rịn như chia tay những người bạn cũ, dù chỉ biết nhau không quá mươi ngày. Xin gởi một lời cảm ơn đến các bạn đồng hành trong chuyến "Trở về bến Tự Do 2010", chúng ta vẫn còn rất nhiều những "Người Việt đáng yêu" như các bạn.

    Tháng Tư Đen thứ 35, 2010.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Chuyện đọc cuối tuần
    By longquan in forum Tin Việt Nam
    Replies: 0
    Last Post: 08-01-2012, 11:22 PM
  2. Lại chuyện CĐNV/BCA !
    By longquan in forum Tin Cộng Đồng
    Replies: 3
    Last Post: 25-12-2011, 10:11 AM
  3. Câu chuyện cuối tuần
    By longquan in forum Tin Việt Nam
    Replies: 0
    Last Post: 17-12-2011, 11:29 PM
  4. Chuyện hai người con gái VN
    By Tiếng Xưa in forum Tin Việt Nam
    Replies: 3
    Last Post: 25-03-2011, 10:35 AM
  5. Replies: 1
    Last Post: 21-01-2011, 08:53 PM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •