Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 19 of 19

Thread: Hồi Ký Miền Nam Quê Hương Tôi- Võ LongTriều

  1. #11
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Ðặt bung

    Cái bung làm bằng tre, đương thành giỏ hình bầu dục, lớn nhỏ tùy ý, thông thường bề dài sáu tấc, ngang ba tấc, cao năm tấc. Bên phía mặt bầu dục, người ta chừa một lỗ hình chữ nhựt ba tấc cao, bảy phân ngang, rồi đặt vào đó một cái hom tréo thật lỏng lẻo để cá chui vô dễ dàng mà ra không được.
    Nắp bung làm bằng cây có cửa, lỗ nhỏ chừng năm phân vuông, mở ra gài lại được để bỏ mồi vào bung khi cần.
    Người ta đặt bung gần cuối mùa lúa, khi lúa trổ đòng đòng nghĩa là có bông búp trong thân cây.
    Thời gian đó cá trong ruộng cũng lớn, đặt bung là phương tiện đặc biệt dùng để bắt cá trê.
    Có hai loại cá trê sống trong ruộng: Trê lét da trắng, trê vàng da vàng với ít nhiều đốm bông.
    Cá trê lét ăn tạp mồi hôi thúi, cá trê vàng kén ăn hơn.
    Bắt cá bằng cách đặt bung có phần cực khổ hơn cắm câu hay đặt lờ, đặt lợp, đặt nò.
    Trước hết phải dang nắng cả ngày để bắt cua đồng, dọc theo mé ruộng, đôi khi bị cua kẹp bầm tay rướm máu vì mình còn nhỏ chưa có kinh nghiệm.
    Ðã vậy còn phải bắt khá nhiều đem về bằm nhỏ bỏ vào hũ để ủ cho nó sình lên thúi dậy.
    Nếu là mồi đặt cá trê vàng thì không nên để sình thúi quá lâu và phải thêm một vài tai vị nghiền nát hay ngũ vị hương càng tốt.
    Trước khi sử dụng phải đổ vào đó thật nhiều dầu dừa để khi bỏ mồi vào bung lớp màng màng của dầu dừa tỏa ra đem mùi hôi thúi nhử cá ở xa.
    Quảy bung và mồi thúi đi xa cũng có phần khó chịu. Trước khi đi tới chỗ nào ước đoán có cá, chúng tôi phải hỏi thăm người quen trong làng, ruộng nào sâu có cá nhiều?
    -Tới nơi chúng tôi đã chọn, lội xuống moi đất đặt cái bung sát mé bờ, ngập nước chừa năm phân gần sát nắp.
    Sau đó be bùn chung quanh thật kỹ, vuốt thật láng, nhứt là cái miệng hom phải tô bùn cho trơn tru giống như hang cá vô ra vậy.
    Ðặt xong cái bung chờ cho nước lắng bùn đục, trong trẻo lại bình thường, chúng tôi mới mở nắp bỏ hai muỗng mồi ngồi chờ cá vô. Ðầu hôm từ lúc chạng vạng tối chúng tôi phải bỏ mồi liên tục khoảng mười lăm phút một lần.
    Thoạt đầu cá mới vô chừng vài ba con thì chưa nghe chúng giẫy, đến khi có vài chục con thì giẫy dụa lạch chạch, róc rách liên hồi.
    Cá càng nhiều càng nghe tiếng giẫy lớn, những tiếng cá giẫy trong bung cộng thêm màng màng hôi thúi tỏa ra ngoài là một cách gọi đàn, cá bu vào khu có mùi hôi tưởng chừng như trong hang có mồi nên đồng bọn mới giành nhau tranh ăn dữ dội.
    Sự thật cá càng quậy càng giẫy thì mồi càng văng ra cá bên ngoài càng muốn chui vô.
    Chúng tôi ngồi rình thấy cá tụ chung quanh ăn móng, quậy tới quậy lui, lội qua lội lại, dợn nước đục ngừ, rồi cũng chui vào bung hết. Sự hồi hộp và hứng thú ngồi nhìn cá từ xa lai rai hay từng bầy gắp rút chui vào bung của mình cho tôi một cảm giác sung sướng lạ kỳ
    .Mặc dù phải thức khuya châm mồi, muỗi cắn đập mãi vẫn còn nhưng sự ham mê bắt tôi ngồi đó có khi đến gần sáng.
    Ðêm nào không có hoặc ít cá thì anh em chúng tôi chui vô nóp nằm bàn tán, tiếc rẻ công lao mình dành cho bao nhiêu khổ cực mà chỉ bắt được hơn chục con cá.
    Một vài khi chúng tôi thức đêm không thấy có chút mệt mỏi vì cá nhiều, hàng trăm con nằm sắp nằm sắp lớp, hai đứa phải gồng tay giở bung lên khỏi bờ, cá đầy hơn nữa bung.
    Chúng tôi khệ nệ khiêng về vui vẻ. Cả nhà bàn tán hai ba ngày chưa thôi. Chúng tôi đi khoe cùng làng, mấy chú mấy bác không ngớt lời khen ngợi và có ông còn bảo:
    -Tao sẽ bắt chước tụi bây tới đó kiếm vài con cá cho mấy đứa nhỏ nó ăn.
    Bác Ba Tàn kể công:-Tao chỉ chỗ thì nhứt định phải có cá, nếu không thì chỉ cho tụi bây làm gì?
    Bác khoác lác như vậy chớ nhiều lần bác chỉ chỗ tụi tôi đi cắm câu, sáng chỉ mang về hai ba con cá lóc nhỏ.
    Cái thú vui ở miền quê khi lặn lội đi câu cá hay bắt chim thật là thú vị, đầy cảm hứng, hồi hộp, khoan khoái khó tả mà người ở tỉnh thành không thể biết được.
    Tình nghĩa đậm đà, giản dị, thấm thía của bà con láng giềng miền Nam quê hương tôi cũng là điều khó thấy ở vùng đô thị.
    Bây giờ tuổi đã quá thất thập, sống qua nhiều nơi, nhiều xứ, vào những thời điểm khác nhau, nhớ lại những kỷ niệm xa xưa lòng vẫn thấy cảm hứng, bồi hồi, bồng bột không kém lúc thiếu
    thời.
    Mùa nắng bắt đầu, tôi đi xôm lươnt,hời tiết đồng bằng sông Cửu Long có hai mùa: nắng và mưa. Ðồng ruộng khô dần, bùn sệt cứng, bước chân đi không lún.
    Những con lươn còn sống sót rút sâu xuống hang. Ðêm đêm chúng nhoi đầu thò mỏ ra hứng sương.
    Do đó, người đi xôm lươn ban ngày nhìn kỹ mặt đất thấy chỗ nào có một lỗ nhỏ trơn lu, hay lợn cợn dính vài hột bùn còn ướt do lươn ngậm đất lấp lỗ thông hơi thì biết liền bên dưới có lươn.
    Tôi học xôm lươn, nghéo ếch là do bác Ba Ninh chỉ cách và mách dạy kinh nghiệm.
    Bác Ba là người giúp việc cho gia đình tôi từ lúc bác còn nhỏ cho đến khi bác lớn khôn.
    Ông nội tôi cưới vợ cho bác và cấp cho vợ chồng bác 2 công dòng, gần đất thánh gia đình có lăng mộ của ông cố tôi.
    Vợ chồng bác ba Ninh trồng khoai, tỉa bắp, nuôi heo, nuôi gà để sinh sống.
    Mỗi khi nhà tôi có cúng giỗ, đám tiệc hay ngày Tết thì cả nhà bác tự nguyện đến dọn dẹp nhà cửa, chưng bông, phụ lo việc bếp núc. Cũng có khi cần người lao lực ba tôi chỉ hú một tiếng là có mặt bác ngay, cùng với một người bạn trang lứa của bác cũng sống bằng sự giúp đỡ của ông nội tôi
    Bác Ba là dân nhậu nên biết nấu những món ăn ngon như: lươn rút xương, lươn um dừa, lươn xào lăn, ếch bầm xào khô, cháo ếch đậu xanh, lá cách xào nhái, chim chuột, quay chảo.
    Tôi thường dự những buổi nhậu của Bác Ba Ninh và bạn bè bác, những món tôi thích ăn nhứt là lươn xào lăn, ếch bầm xúc bánh tráng và chim mỏ nhát quay chảo.
    Thiên hạ đồn rằng thịt lươn có tính cường dương, lúc nhỏ tôi ăn thường nhưng không biết nó có dương tính hay không?
    Tôi thuộc loại “phá mồi”Ô nghĩa là chỉ biết ăn mà không biết nhậu. Bác ba luôn luôn nhắc mời tôi: “Ăn đi con”, mặc dù chỉ có một con lươn hay vài con ếch không đầy một dĩa mà tôi chĩa gần hết phân nữa.
    Người ta có thể bắt lươn bằng cách đặt ống trúm. Họ lấy một ống tre dài hai mắt, đầu cuối có mắt tre bít lại, phần trên chẻ ra thành nhiều cộng banh lớn ra, đương với nan tre vuốt mỏng chừa lỗ vuông nhỏ, đầu trên đậy bằng một cái hom, con lươn chun vô được mà không thể chui ra.
    Trong cái bộng tre đương đó người ta bỏ mồi thúi, thường là ruột gà, rắn chết sình chặt từng khúc ngắn. Ðem ống trúm ghim xuống bùn trong mương hay rạch, vài ngày sau lấy lên có thể bắt được lươn.
    Mình lươn có nhớt rất trơn, nhớt là một phương tiện tự vệ, mỗi khi bị nắm bắt, tự nhiên mình lươn tiết ra một chất nhớt trơn tru để thoát nạn.
    Cho nên kỹ thuật bắt lươn không phải là mò trúng nó dưới bùn rồi nắm chặt. Nắm trọn mình con lươn trong tay mười lần nó vuột ra hết tám, chín lần. Người bắt lươn mỗi khi mò trúng nó thì quấu hai ngón tay trỏ và giữa, siết chặt vào ba ngón còn lại, làm cho xương sống nó công sức luồn vuột của nó bị giảm thiểu tối đa
    . Mò bắt lươn trong mương, trong đìa tát cạn tôi có làm qua. Còn đặt ống trúm thì chưa bao giờ tôi thử.
    Lúc tôi còn nhỏ thấy họ chân lấm tay bùn thì tội nghiệp. Thấy họ vui chơi hưởng lạc với bạn bè qua ly rượu chén trà, tôi tiếc giùm cho họ.
    Tại sao họ không tận sức lao động tạo thêm điều kiện cho gia đình mình vươn lên.
    Bây giờ tuổi đời quá thất thập, vinh nhục, sang giàu có nếm đủ thì tôi lại tiếc rẻ sao mình không được ông trời ban phát cho một nếp sống giản dị an nhàn như vậy? Phải chăng là vì tôi đứng núi nầy trông núi nọ?
    Thật ra, sống trong xã hội nào cũng vậy, nhà quê, tỉnh thành, xứ tân tiến hay nghèo chậm tiến, nơi nào cũng có những người ham danh, tham lợi, bon chen ganh ghét, đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Nơi nào cũng có người tốt, kẻ xấu.
    Nhưng thông thường, đa số người dân quê chất phác thật thà, lòng dạ cởi mở trọng nghĩa, khinh tiền, nhứt là người miền Nam .
    Vì là dân nhậu nên thường đi kiếm mồi trong thiên nhiên bằng cách đào chuột, đuổi chim, nghéo ếch, xôm lươn, câu rê...
    Tôi thường theo bác trong mọi sinh hoạt thích thú đó mỗi khi bãi trường về quê.

  2. #12
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Cây xôm lươn làm bằng thanh sắt nhỏ dài độ một thước.
    Ðầu trên tra cứng vào cán cây tròn bằng cổ tay dài một tấc, vừa đủ để nắm chặt xôm sâu.
    Ðầu dưới cây xôm chẻ làm đôi, nông rộng ra độ một phân, giũa nhọn, chặt ngạnh để lươn dính vào không tuột ra được.Buổi sáng đi sớm, lươn còn luồn trong bùn cạn, xôm dễ trúng.
    Càng về trưa lươn càng lặn sâu tránh nóng, người xôm phải nhấn lút cây chĩa, có khi cũng không trúng nó.
    Mỗi lần tìm được lỗ hơi thì cứ đâm thẳng cây xôm xuống bùn, đâm chung quanh một vùng chừng một thước vuông. Nếu may mắn trúng vào lưng nó thì cây xôm động đậy ngay, tay cầm cây xôm cứ vặn tròn nhiều vòng cuốn tròn con lươn lại làm cho nó khó vùng vẫy để thoát thân. Và cứ thế mà từ từ kéo nó lên gỡ ra bỏ vào đục.
    Cái đục là một thứ giỏ tròn đan bằng tre, miệng ống cao có nắp đậy, có giây mang.
    Những ai lười không mang đục theo thì chỉ cần một sợi giây lát xỏ vào mang xuyên qua miệng con lươn, xách theo chờ cơ hội xỏ thêm nhiều con khác nếu trúng mối.
    Ngày nào đi về tay không thì khỏi mất công mang đục lè kè. Không mang theo đục cũng có cái lợi là đi dọc đường, người quen hỏi đi đâu mình nói đi xôm lươn, dù là trên đường về nhà tay không, tránh khỏi bị người ta yêu cầu dở đục cho xem thử có nhiều hay ít.
    Sự tò mò của dân quê trong làng nó có một thứ thâm tình khó nói. Họ ngưỡng mộ nếu thấy mình xôm được nhiều lươn, họ tội nghiệp nếu thấy cái đục trống rỗng!
    Còn người chủ đục thì sượng sùng mắc cỡ, hoặc khi có nhiều thì phải biếu xén hàng xóm láng giềng.
    Người nào ích kỷ chỉ xôm vài con đủ ăn, đủ nhậu ngày đó thôi. Còn những con lươn ngoài đồng thì “rộng đó” chờ ngày khác.
    Làng tôi có ba người nổi tiếng là tay nghề xôm lươn nghéo ếch. Bác Ba Ninh, Dượng Ba Thình và Chú Sáu Lưu, cả ba đều là dân nhậu lai rai, sống ngày qua ngày một cách thoải mái. Họ cuốc dòng trồng khoai, cày ruộng gặt lúa theo mùa.
    Ðuổi chim nghéo ếch đào chuột theo lúc. Tôi thường dự những buổi nhậu của Bác Ba Ninh và bạn bè bác, những món tôi thích ăn nhứt là lươn xào lăn, ếch bầm xúc bánh tráng và chim mỏ nhát quay chảo. Thiên hạ đồn rằng thịt lươn có tính cường dương, lúc nhỏ tôi ăn thường nhưng không biết nó có dương tính hay không?
    Tôi thuộc loại “phá mồi”Ô nghĩa là chỉ biết ăn mà không biết nhậu. Bác ba luôn luôn nhắc mời tôi: “Ăn đi con”, mặc dù chỉ có một con lươn hay vài con ếch không đầy một dĩa mà tôi chĩa gần hết phân nữa.
    Các bác vui thấy tôi ưa thích món nầy hay món khác còn mấy ổng thì chỉ cần vài trái me non, me giốt hay khế chua, nhâm nhi uống hết xị rượu nầy đến xị khác, có khi tôi ăn no nê về nhà mà trưa chiều trở lại còn thấy đám nhậu sần sì người tỉnh, người say.
    Người ta có thể bắt lươn bằng cách đặt ống trúm. Họ lấy một ống tre dài hai mắt, đầu cuối có mắt tre bít lại, phần trên chẻ ra thành nhiều cộng banh lớn ra, đương với nan tre vuốt mỏng chừa lỗ vuông nhỏ, đầu trên đậy bằng một cái hom, con lươn chun vô được mà không thể chui ra.
    Trong cái bộng tre đương đó người ta bỏ mồi thúi, thường là ruột gà, rắn chết sình chặt từng khúc ngắn. Ðem ống trúm ghim xuống bùn trong mương hay rạch, vài ngày sau lấy lên có thể bắt được lươn.
    Mình lươn có nhớt rất trơn, nhớt là một phương tiện tự vệ, mỗi khi bị nắm bắt, tự nhiên mình lươn tiết ra một chất nhớt trơn tru để thoát nạn.
    Có những buổi trưa xôm lươn về, trời nắng chang chang, mấy thằng chăn trâu đồng tuổi với tôi ngồi chễm chệ trên lưng con trâu đang cúi sát đầu, mài miệng nó trên đám cỏ cùng còn sót ở các bờ đê. Mùi nắng khét, bùn tanh, pha mùi rơm rạ là đặc hương của đầu mùa nắng.
    Chiều tối, người ta đốt rơm tưới thêm nước với mục đích tạo thật nhiều khói để un cho muỗi bớt cắn trâu trong chuồng.
    Mùi khói đó đối với tôi có một hương thơm đặc biệt. Tất cả mùi thơm của lúa chín, của bông cau, của mạ non, mùi bùn, mùi khói là những đặc thù của ruộng vườn quê tôi.
    Nó làm tôi nhớ lại cái định nghĩa cụm từ “lòng yêu nước” do Thiếu Tướng cố Tổng Thống Charles de Gaulle, người hùng đã cứu nước Pháp hai lần, viết trong quyển hồi ký “L'appel du 18 Juin” của ông. Khi ông tự hỏi lòng yêu nước là gì?
    Thì ông cũng tự trả lời: Phải chăng là mùi thơm của đồng quê, lúa mì, cây cỏ, nó khiến cho con người cảm nhận bổn phận phải bảo vệ mùi hương đó cho xứ Pháp tồn tại dù phải hy sinh tính mạng của mình.
    Tôi nghĩ ông Charles de Gaulle có lý. Yêu nước, thương quê hương là như vậy. Nhớ nhà là cái gì?
    -Phải chăng là nhớ đồng quê, làng xã của mình, hay là đường phố với hàng cây bóng mát, với nhà lầu, cao ốc, xe cộ đầy đường đối với người ở tỉnh thành.
    Nhớ như bài hát nhớ Saigon của nhạc sĩ Nam Lộc: Saigon ơi ta đã mất người trong cuộc đời.
    Có những buổi chiều mặt trời sắp lặn, từng đoàn năm ba con trâu lớn nhỏ, với người mục đồng nón lá trật sau lưng, đầu trần, ngâm nga một vài câu vọng cổ buồn.
    Hay xa xa có tiếng vi vu của anh chăn trâu nào đó, biết thổi sáo, giọng thăng trầm thật ảo não trong cảnh chiều tà.
    Hay là có ai đó ngồi trên lưng trâu hút gió lẩn biến trong màu tím sậm dần của hoàng hôn.
    Thật là thơ mộng, tiếc rằng lớn lên tôi không còn cơ hội thưởng thức được những cảnh trời chiều đẹp buồn như vậy. Nếu không, biết đâu tôi cũng đã thành thi sĩ vô danh.

    Võ Long Triều-5/2009

  3. #13
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Bắt ổ chim

    Kỷ niệm ở đồng quê, sự đam mê của tuổi trẻ thật đơn sơ giản dị. Những thế hệ con em sinh ra ở thành thị không chung đụng với thiên nhiên, khó biết loài chim sinh trưởng như thế nào?
    Nếu có đứa nào ham muốn nuôi chim thì cha mẹ cho tiền mua thú sắm lòng.
    Chim biết hót, chim biết nói chúng lại tự hỏi làm sao chim nói được tiếng người?
    Tôi đã từng bắt khá nhiều ổ chim, đã từng nuôi cưởng biết nói, dồng dộc đeo theo mình, cu đất cu ngói lớn khôn bay mất, chim sẻ khó dạy, chim sắc dễ nuôi.
    Nhưng có hai loại chim tôi nuôi thành công và mãi ham mê cho đến khi lớn lên có gia đình, thành danh mà vẫn tìm mọi cách kiếm cho bằng được loại chim mình đã từng nâng niêu khi còn thơ ấu. Ðó là dồng dộc nghệ và cưởng.
    Những thứ chim như cu đất cu ngói dễ nuôi nhưng bị gia đình rầy vì nuôi chim con phải nhai gạo rồi ngậm mỏ nó vào miệng mình, chúng xóc nuốt như chim mẹ ngậm mỏ chim con mà súng mồi. Hai loài chim này rất ngu, nuôi lớn nhớ rừng bay mất.
    Chim sẻ đầy sân đầy nhà lớn lên chúng nghe tiếng đồng loại nhập bọn bỏ mình, gọi mấy nó cũng không về.
    Có lần tôi đi câu thấy bầy le le con, tôi rượt bắt được ba con đem về nuôi chung với bầy vịt lớn lên nó sinh sống như vịt trong nhà, đi ăn rồi về cho dù có le le rừng đeo theo rủ rê cũng không dụ được. Có lẽ nó đã quen thân tiếng vịt nên không hiểu được tiếng chim đồng loại của nó.
    Cũng giống như báo chí đưa tin có một cô gái người Miên lạc trong rừng lúc còn bé. Cha mẹ tìm được nó quên hết tiếng người.
    Chim cưởng làm ổ trên các ngọn cây cao chót vót, thường là cây keo có gai.
    Cưởng làm ổ bằng cành khô lá rụng, cũng có khi bằng rác rến, lông chim lông gà vải vụn, bất cứ thứ gì chúng có thể làm thành một ổ to che nắng che mưa và bên trong mềm êm để chim con sống thoải mái.
    Ổ cưởng có lỗ chui vô chui ra gọi là cái vòi. Khi nào cưởng con lớn thì cái vòi được lót dài thêm, đề phòng cưởng con bị té chết vì giông gió ngọn cây chuyển động mạnh.
    Muốn bắt cưởng con vừa lớn để nuôi thì phải canh chừng khi thấy cái vòi ổ dài ra chừng hai tất là phải chấp cây thật cao thọt cho rớt nguyên ổ nếu không chim con có thể té chết. Vòi ổ cưởng dài trên ba tấc là cưởng con biết bay chọt rớt ổ cũng không bắt được con nào.
    Nuôi cưởng con từ lúc nhỏ thật công phu, mỗi ngày bắt cào cào châu chấu cho nó ăn không đủ phải cho ăn thêm cơm.
    Nhưng nếu ăn nhiều cơm sẽ khó tiêu, do đó phải cho cưởng ăn ớt thật nhiều. Mỗi ngày nó nuốt ít nhứt năm ba trái ớt hiểm.
    Cưởng lớn lên phải lột lưỡi và để nó sống gần nơi có tiếng nói của người.
    Người ta hay treo lồng cưởng gần bếp hoặc thả cưởng đi tự do nhưng thỉnh thoảng phải cho nó ăn nơi nào mình muốn nó quanh quẩn nơi đó.
    Lột lưỡi là bắt cưởng nắm trong tay trái, tay phải vạch mỏ, kéo lưỡi nó ra, bên dưới lưỡi cưởng có một vãi trắng, lấy móng tay khều nhẹ từ từ, vãi trắng đó tróc ra, nắm kéo thật nhẹ không cho đứt chót lưỡi, nếu đứt chót thì hết nói luôn phải nuôi con khác.
    Cưởng lớn chừng một năm hoặc hơn tùy con, sẽ biết nói theo những gì mình dạy nó từng tiếng.
    Nuôi lâu nó hiểu được tiếng người và nói theo thói quen kêu “ba ơi có khách”, “đi đâu đó”, “cậu sáu đâu rồi”, “ăn cơm” vân vân. Trong nhà có một con chim biết nói là một kỳ công, một sự hãnh diện, một niềm vui giải trí khi mình đối thoại với nó hết câu này đến câu khác toàn những gì nó thuộc lòng.
    Chim dồng dộc nghệ long vàng bông đen, mỏ vàng, loài chim này có giác quan khôn lanh, sống theo bầy, nó chỉ đóng ổ nơi nào có loại ong bần đầy vẩy, ngọn dừa, ngọn cây bần, chỗ nào có ong là có ổ dồng dộc.
    Không ai có thể trèo lên cây đó bắt ổ của nó. Muốn bắt chim phải dùng cây sào cao có lưỡi hái giựt đứt cuống thì mới bắt được ổ. Tuy nhiên phải luôn đề phòng ong đánh sưng mặt.

    Loài chim này có biệt tài kiến trúc rất khéo mà tôi chưa từng thấy loài chim nào làm ổ khéo léo và chắc chắn như vậy. Chim cu làm ổ sơ sài bằng mấy cành khô nhỏ gác xuyên qua xuyên lại, đứng ở dưới nhìn lên thấy hai trứng của nó trắng phau.
    Còn chim dồng dộc chúng bay đi tước từng giây lát nhỏ dài, đem về đương thành một cuống to bằng ngón tay đình liền với cành cây chạy dài xuống độ ba tấc rồi bung phình ra như một cái chén lớn tròn bầu thụng xuống, trên miệng chén đó có một vòi thòng xuống, vòi ngắn khi chim mới đẻ, nở chim con càng lớn vòi càng thòng dài ra.
    Ổ chim đương thật kỹ, tay người xé không rách, hình thù giống như một cái chén lớn treo lòng thòng có cái vòi dài hay ngắn tùy theo. Ðó là ổ chim mái.
    Còn ổ chim trống thì đơn sơ như nửa cái chén úp mặt xuống có dây đương ngang để chim trống đậu ngủ ban đêm.
    Lớn lên tôi thường bày vẽ cho con tôi thưởng thức những thú vui gần với thiên nhiên trong đó có việc bắt ổ chim đem về nhà treo như một thứ vật trang trí trưng bài hoang dã đẹp mắt.
    Thằng nhỏ có nuôi một con chim con thật khôn, lớn lên nó đi đâu chim theo đậu trên vai thỉnh thoảng kêu the thé rỉa cổ áo, mổ tóc, nó hay bay dẫn đường thật dễ thương.
    Bây giờ tuổi già nhớ lại, điểm từng việc đã làm, từng hành động đã qua, tôi bồi hồi, ngồi im tưởng tượng.
    Ước gì trời cho tôi nhỏ lại sống một thời gian ngắn, ôi! biết bao nhiêu vui sướng, tôi hình dung cõi tiên, cảnh phật, thiên đàng chắc cũng chừng ấy vui mừng lạc thú đơn giản như vậy.

    VõLong Triều /6.2009

  4. #14
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Trong khi chờ t/g Võ Long Triều viết tiếp , xin đọc những bài viết của t/g Hương Quê cũng chung đề tài rất thú vị !

    CÁ TRẠCH LẤU VÀ GỎI SẦU ĐÂU

    Ở vùng Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường, sát biên giới Việt-Miên, có rất nhiều cá trạch, có nơi gọi là cá chạch, loại cá có nhiều nhớt, rất trơn, khó bắt.
    Cá trạch thường được mọi người gọi ghép với một loài thủy tộc khác là lươn, có danh từ ghép lươn trạch hay trạch lươn. Nghĩa bóng chỉ những chuyện làm "trớt quớt", vuốt đuôi, ba xạo nên có từ vuốt đuôi lươn.
    Thân hình cá trạch thon dài, dẹp mà gần như tròn. Kỳ lưng có gai như cá rô, nhưng gai thưa ngắn, nhỏ.
    Cá trạch lớn nặng gần một ký lô. Đánh vẩy cá trạch rất khó, vẩy nhỏ và dính sát vào da, chứ không phải như cá rô, cá lóc, hay các loại cá trắng cũng cùng vẩy nhỏ.
    Khi cho dao vào, hình như vẩy giương lên nên rất dễ đánh, còn cá trạch thì vẩy nằm dính sát vào da.
    Nếu để cá trạch khô, ráo hoặc cá chết vài tiếng đồng hồ đánh vẩy càng khó nữa.
    Tại sao dùng động từ đánh vẩy mà không dùng động từ cào, cạo vẩy. Đánh vẩy có nghĩa là dùng dao khơi, tốc vẩy lên theo chiều ngược của vẩy cá.
    Còn cạo, cào là động tác làm theo chiều xuôi, như cạo gió chẳng hạn, nếu bệnh nhân mà bị cạo gió theo chiều ngược lại, da chắc phải bị rách, chảy máu.
    Trong tất cả các loài cá nước ngọt, cá trạch dai nhứt, có thể nói là cá ngon, quý, hiếm nhứt.
    Ở nhà quê hay ngay thủ đô Sài Gòn, người ta thường có món cá trạch kho nghệ, loại cá trạch nhỏ xíu, nhỏ như cá kèo.
    Cá trạch kho nghệ ăn với cơm khô mà lại là cơm gạo nàng tây hoặc nàng thơm, nàng hương chợ Đào của tỉnh Tân An thì phải biết, ăn quên thôi.
    Thân hình cá trạch có đốm mờ, không phải có bông như loại cá bông. Đốm nhỏ và đều khắp, màu xam xám nhờn nhợt, bụng màu vàng lợt hoặc vàng đậm.
    Theo kinh nghiệm, bụng cá trạch màu vàng đậm thường mập và ngon hơn. Cá trạch có giống nhỏ con, có loại lớn con mà cá trạch lấu là loại cá trạch lớn nhứt.
    Tại sao gọi là cá trạch lấu?
    Để hai con cá trạch cùng cỡ nằm cạnh nhau, người ta mới dễ phân biệt con nào là cá trạch lấu.
    Mình cá trạch lấu tròn, mập hơn, đầu cũng nhỏ hơn, mỏ nhọn quắc, da bụng màu vàng đậm và đặc biệt những đốm trên mình cá trạch lấu lại rõ nổi hơn cá trạch khác.
    Người sành điệu mới phân biệt được cá nào là cá trạch lấu, con nào là cá trạch thường, mà cá trạch phải còn nguyên con, chưa làm, đánh vẫy gì cả, còn làm sạch rồi lại khó phân biệt.
    Nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao ông bà mình kho cá trạch thì phải kho với nghệ, không có nghệ củ, bột nghệ thì kho với lá nghệ ăn mới ngon, hấp dẫn.
    Chúng ta đã biết nghệ là vị thuốc. Hồi xưa, mấy bà sau khi lâm bồn thường dùng nghệ xoa tay chân mặt mày, nhiều khi cả thân mình nữa để được chắc da, chắc thịt. Những vết thương muốn tránh thành sẹo, người ta cũng thoa nghệ.
    Nghệ bột còn được uống để trị bệnh loét bao tử. Còn nghệ dùng trong việc kho cá trạch, không hiểu có tác dụng gì, mà sao ăn quen món này, thấy ngon thơm hơn kho cá trạch không có nghệ.
    Màu vàng của nghệ và mùi vị của nó tạo sự kích thích hấp dẫn tuyến dịch vị chăng ?
    Ở Sài Gòn đi học, nhiều khi Ngọc nhớ món cá trạch kho nghệ, ăn để nhớ quê hương, nhớ chỗ chôn nhau cắt rốn nhà quê của mình. Cũng may, bà chủ nhà gốc là dân quê ở miệt Mộc Hóa, Kiến Tường thường ăn cá trạch kho nghệ.
    Có lần bà chủ nhà quên mua nghệ, cá trạch kho với cà ri, Ngọc ăn cũng thấy ngon, nhưng mùi vị của nghệ thoang thoảng hình như dễ thương hơn, còn cà ri nặng mùi, hăng hắc và cay hơn.
    Cá trạch kho nghệ, phải có ớt nữa nhưng cái vị cay của cà ri không đủ thay thế ớt được.
    Cá trạch làm được nhiều món ăn, nhứt là cá trạch lấu vừa lớn, vừa dai nên có thể nấu cà ri ăn với bún.
    Món nướng, cá trạch nướng lửa than, mỡ chảy xuống nghe xèo xèo, mùi thơm dậy lên, nước bọt trong miệng tự nhiên ứa ra làm cho chúng ta cầm lòng không đậu.
    Cá trạch nướng, ngoài cách ăn như các loại cá nướng khác, có rau, dưa thật nhiều và cũng ăn với nước mắm me tỏi ớt.
    Ăn cách khác, cá trạch nướng còn nóng hổi để vào dĩa xối vào chừng nửa chén dấm, đường, tỏi ớt, ngâm độ vài phút rồi bắt đầu chén, nhậu với đế nếp hoặc ở thành phố có loại rượu cỏ-nhác đưa cay thì thôi hết biết.
    Món cá trạch nướng có chế dấm đường, ăn với nước mắm pha chế cách gì cũng được, nước mắm chanh, giấm không cần phải nước mắm me chính hiệu.
    Món cá trạch lấu nướng độc đáo, ngon hết sẩy là trộn với sầu đâu. Quý vị nên nhớ là chỉ trộn với sầu đâu, chứ trộn với các thứ linh tinh khác thì không hấp dẫn, ngon tuyệt vời đâu.
    Ăn và cách thức làm món ăn là cả một nghệ thuật, một triết lý sống của con người.
    Vua chúa, hàng quý tộc, giàu sang, người có quyền chức, họ có những món ăn ngon cầu kỳ.
    Những người bình dân, thôn dã, quê mùa, họ cũng có những món ăn độc đáo, đặc sản dù tầm thường ít tốn kém nhưng lại hợp khẩu vị, ngon tuyệt vời. Đó là những món ăn nhớ đời mà hàng quý tộc chưa có dịp biết qua.
    Cách đây bốn năm, 1995, Ngọc quen được anh Tư Xén, người gốc Hồng Ngự, Kiến Phong. Trước thời đệ nhứt Cộng Hòa, Hồng Ngự thuộc tỉnh Châu Đốc, nơi đây cũng tiếp giáp với đất Miên nên cá tôm cũng có nhiều vô kể.
    Anh Tư Xén có tiệm Furniture ở trên đường Stockton, thủ phủ Sacramento, anh mời Ngọc nhậu nhưng bí mật không tiết lộ là có món ăn gì, anh ta nói :
    - Ậy, anh bạn già ơi đừng vội biết trước, chỉ có bọn mình ở nhà quê mà lại ở vùng nhà quê gần đất Miên mới thường thưởng thức món đặc sản này.
    - Anh Tư Xén bí mật dữ a, Ngọc phụ họa.
    Một buổi chiều hè, cái nóng của Sacramento chưa tới hồi cao điểm nên cũng dễ chịu.
    Gió nhè nhẹ như mơn trớn trên làn da, thấy sảng khoái, Ngọc phì phà một điếu ba số, ngồi ở sau hè chờ Tư Xén đi mua thêm đồ bổi để tẩm liệm những món ăn độc đáo của quê hương miền Tây. Chiều nay có trận đánh lớn, dân nhà binh về già thường dùng từ những trận đánh lớn để ám chỉ tiệc nhậu lớn, tiệc nhậu có nhiều món ăn, và nhiều người tham dự.
    Ngồi hút thuốc, nhìn trời hiu quạnh nhưng không có rừng đêm giá lạnh như Út Trà Ôn ca sáu câu vọng cổ, Ngọc nhìn quan sát cây cảnh, vườn rau răm, rắp cá, lá chua, hẹ, sả, húng cây, húng lủi đang mơn mởn xanh tươi.
    Trông thấy rau xanh tốt là bắt thèm, liên tưởng đến món chuột đồng, cá lóc nướng trui, rùa rang muối, lươn um, rắn hổ xé phay, cá hấp, tả pín lù, vân vân và vân vân.
    Bao nhiêu món ăn đặc sản của quê hương như cuồn cuộn trong tâm thức, trong dạ dày.
    Ngọc đang miên man hồi tưởng thì bỗng một con rùa đã thoát ra khỏi bọc ny-lông đang đường tẩu thoát. Vật dưỡng nhơn mà lị, làm sao thoát được.
    Ngọc bắt lại. Rùa cũng là loài vật giúp con người có những món ăn ngon, khoái khẩu làm tăng sức khỏe nhưng nhiều người cũng mua rùa về làm vật phóng sanh để tích đức vào những ngày sóc vọng rằm hay mồng một.
    Bọn nhậu mà có rùa rang muối hay áp chảo, khìa, nướng, nấu cà ri hoặc xào lăn thì chỉ có nước, bia phải tính bằng thùng, hoặc rượu co-nhắc, đế, nếp than tính bằng lít, nhậu quên thôi.
    Chưa tàn điếu thuốc, Năm Khởi đờn cò tới để lo phụ với Tư Xén làm mồi cho trận đánh lớn chiều nay.
    Năm Khởi bà con cô cậu với Tư Xén cũng ở Hồng Ngự, vai anh của Tư Xén, một tay đờn cò của dân HO, anh vừa qua đời năm 1997.
    Năm Khởi kiểm điểm lại binh mã thì thấy mất một con rùa, vì buổi sáng hai anh em Năm Khởi, Tư Xén mua ở chợ AA đến bốn con, kể cả con vừa bắt lại.
    - Anh Mười, anh Năm đến sớm dữ nghen, Tư Xén nói, tôi quên vài món nên phải bổ sung quân số.
    Mặt trận chiều nay ác liệt lắm, phải không Tư Xén ?
    Ngọc vừa hỏi, vừa rót nước trà cùng Năm Khởi uống, trò chuyện, kể lại kỷ niệm của quê hương, xứ nhà quê của mình.
    Tư Xén tiếp :
    - Chiều nay có bá quan văn võ tham chiến, lại có đờn ca cổ nhạc nữa.

  5. #15
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Hấp dẫn dữ à, Ngọc nói. Hèn chi hồi nãy anh Năm Khởi khệ nệ mang đàn, ampli vào. Tôi tưởng trận đánh sơ sơ, ai dè đâu, hứa hẹn đầy ác liệt.
    Chiều hôm đó, Tư Xén làm tổng tư lệnh chiến trường, chỉ huy tổng quát và chịu trách nhiệm mặt trận làm gỏi sầu đâu với cá trạch lấu.
    Năm Khởi thì cầm quân tấn kích vào việc nhóm lửa ở ngoài trời, đốt củi lấy than lo món cá lóc nướng trui.
    Còn Ngọc thì có ám số chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm về mặt trận rùa rang muối.
    Ba người bạn già vừa làm món nhậu riêng của mình, vừa uống nước trà, hút thuốc, kể chuyện đồng quê như pháo nổ.
    Quê hương là chùm khế ngọt, làm sao quên được quê hương, dù quê hương của chúng tôi chỉ có sáu tháng mùa khô và hết sáu tháng mùa nước ngập lêu bêu.
    Tư Xén quả thật làm cho Ngọc bất ngờ mà thích thú. Đây là lần đầu tiên ở Hoa Kỳ, mà có thể đến gần ba mươi năm, Ngọc chưa có dịp ăn lại món cá trạch lấu trộn với bông, lá sầu đâu.
    Sầu đâu là một loại cây cũng to, lá nhỏ, nhỏ hơn lá sầu đông. Chúng ta nhớ phân biệt hai loại thảo mộc là sầu đâu và sầu đông. Sầu đâu hình như ở Việt Nam mình ít trồng rất hiếm, Ngọc ở miền Tây mà cũng ít có dịp thấy, chỉ thấy ở bên đất Miên lúc hồi còn bé và ở núi Sam khi đi dạy học.
    Cây sầu đông có nơi còn gọi là cây xoan. Một bản tân nhạc của một nhạc sĩ: "Hoa soan bên thềm cũ."
    Trong tù cải tạo ở ngoài Bắc, anh em nào cũng có nuôi lãi trong người, nhứt là lãi đũa, có người đi cầu, lãi đũa ra từng nùi, con nào con nấy to như chiếc đũa.
    Vỏ và lá sầu đông, đắng vô cùng, có nhiều chất độc làm chết người. Nhưng người tù dùng lá sầu đông trải dưới sàn lót để trừ rệp, còn vỏ sầu đông thì nấu lấy nước uống để xổ lãi.
    Rất hiệu nghiệm, uống nước vỏ sầu đông thì lãi ngủm cù đèo hoặc ngất ngư được tống xuất ra ngoài. Và người uống cũng suýt đi tàu suốt vì chất độc tấn công cả lãi lẫn người.
    Nếu mình uống nhiều, quá liều lượng thì chắc chắn không còn con lãi nào vì người uống đã tiêu diêu miền lạc cảnh.
    Người ta trồng sầu đông để lấy gỗ vì gỗ sầu đông nhẹ mà chắc, mọt mối không ăn vì có chất độc, đắng.
    Hơn nữa cây sầu đông rất thẳng đứng nên người ta thường dùng làm cột nhà.
    Cây sầu đâu, Ngọc nhớ mang máng có hình dáng cũng lớn, thường trổ bông vào mùa nước giựt, tháng mười, tháng mười một âm lịch.
    Lá non và bông sầu đâu làm gỏi thì độc đáo vô cùng.
    Khổ qua (mướp đắng), rau đắng cũng đắng tương tự, sầu đâu có phần đắng hơn nhưng cái hậu của nó ngọt thanh. Ăn gỏi sầu đâu, nhiều người cho rằng đắng quá, không thích.
    Dân nhậu mà ăn gỏi sầu đâu vào miệng, ngậm lại, để đó đừng nuốt vội, quí vị sẽ nhận thấy chất đắng mà ngọt ngào của sầu đâu chạy đến đâu chúng ta đều có cảm nhận đến đó.
    Cuộc chiến chiều hôm đó qui tụ nhiều anh hào, bác sĩ Tâm mang đến một chai XO, những thùng Heineken, Red Dog, Budweiser, vài chai Cỏ-nhác bốn chữ.
    Có đến hơn một chục mạng ngồi quanh một bàn dài với ba món ăn chủ lực: gỏi sầu đâu với cá trạch lấu, rùa rang muối, cá lóc nướng trui, cùng vài món phụ linh tinh khác.
    Trận chiến vừa mở màn đã bắt đầu gay cấn, món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn vì chính bợm nhậu làm, chế biến thì ngon phải biết. Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, rượu vào thì lời ra, nhưng những lời trong tiệc nhậu hôm đó chỉ gợi nhắc lại kỷ niệm quê hương ở Rạch Giá, Kiến Phong, Cà Mau, Châu Đốc... thật là tứ hải giai huynh đệ, anh em gặp trên đất khách với những món ăn độc đáo của quê hương.
    Tình nào nói cho hết, cuộc vui rộn rã. Sau đó là màn ca những bản vắn, vọng cổ ngọt ngào cũng của quê hương miền Tây nữa. Anh em gặp nhau trong tình bạn, say trong tình người.
    Chúng tôi thật hạnh phúc được ăn những món đặc sản của quê hương do chính tay người bản xứ thực hiện, chế biến. Cuộc chiến kéo dài đến khuya.
    Dư vị của buổi nhậu hôm ấy, mãi đến nay vẫn còn ghi đậm trong tâm thức Ngọc, một con người luôn hướng về quê hương và luôn tự hào gốc nhà quê của mình.
    Ở Mỹ làm sao có được món gỏi sầu đâu với cá trạch lấu? Nơi nào có chợ Miên (Khờ-me, Cambodia), chứ không phải sắc dân Miên của xứ Lào, là có sầu đâu.
    Thủ Phủ Sacramento có chợ Miên ở góc đường 47 và Stockton, còn ở thành phố Stockton có nhiều người Miên nên có nhiều chợ, các chợ đều có bán sầu đâu đông lạnh, mà trên bọc ny-lông chúng ta thường thấy hai chữ SAU-DAU.
    Như vậy, sầu đâu là tiếng nói trại của người Việt từ tiếng Khờ-me mà ra.
    Sầu đâu được đông lạnh, một bọc có nhiều chùm vừa có lá, vừa có bông, giá chỉ 99 cent đủ làm món gỏi sầu đâu cho hai người ăn. Sầu đâu, trong bọc đông lạnh do Thái Lan sản xuất có tên gọi là Frozen Boiled MARGOSA Leaves, giá bán lẻ tại Sacramento là $1.39/1 gói nặng 133g.
    Một gói sầu đâu có 140 calories với Vitamin A 35%, Vitamin C 15%, và chất sắt 60%. Trong một gói sầu đâu chứa 29g chất carbohydrate chiếm 10%, Dietary Fiber 21g chiếm 84%, Sodium 1% và Protein 7g.
    Cá trạch lấu, cá trê, cá lóc, lươn, đủ các loại cá nước ngọt ở Biển Hồ kể cả ở Việt Nam vùng Châu Đốc, miền Tây, đều có bán tại chợ Miên.
    Cái dở nhứt là tất cả các loại thủy sản này ở Mỹ đều đông lạnh. Cá mà đông lạnh thì mất hết 50% cái ngon của nó. Một con cá trạch lấu lớn cũng trên dưới năm Mỹ kim phải tẩm liệm chừng hai gói sầu đâu.
    Muốn trộn gỏi sầu đâu ngon, ngoài cá trạch lấu nướng, có thể cho thêm vài lát thịt ba rọi hoặc tránh có mỡ nhiều, chúng ta có thể thay thế bằng thịt heo nạc luộc, trộn thêm cho có thêm hương vị. Nếu sầu đâu ít mà cá thịt nhiều thì người ta bầm dưa leo độn thêm.
    Cách trộn sầu đâu - cá nướng chín thơm. Sầu đâu đông lạnh làm rả nước đá, rửa sạch rồi trụng vào nước sôi, lấy ra liền, lặt hết lá và bông, xắt nhỏ, cho vào tô hoặc dĩa có cá trạch lấu nướng rỉa lấy ra hết xương. Tất cả trộn đều, nêm với nước mắm me, thêm một chút đường cát, xắt ớt đỏ rải lên mặt. Gỏi sầu đâu phải ăn với nước mắm me mới đúng điệu.
    Cá trạch lấu tìm mua nhiều khi cũng khó, hơn nữa không có cá tươi mà lại là cá đông lạnh, đắt tiền, không dai, không ngon như món cá trạch lấu trộn với sầu đâu ở quê nhà.
    Dân nhậu cũng cải biến món gỏi sầu đâu với tôm khô cùng với thịt luộc cũng rất hấp dẫn lại dễ tìm và dễ làm, chỉ cần có sầu đâu là có được một món nhậu của quê hương.
    Người ta còn trộn gỏi sầu đâu với cá trê, cá lóc nướng hay bất cứ loại cá nướng nào cũng đều ngon.
    Món gỏi sầu đâu còn trộn với khô cá sặc bổi, khô cá lóc, cá trèn... đều là món nhậu hấp dẫn. Tóm lại, muốn có gỏi sầu đâu, hai món không thiếu được là lá sầu đâu và me chín, còn cá khô, thịt heo, tôm khô hay cá tươi đều rất dễ tìm ở các chợ Tàu, Việt Nam, chợ Mỹ...
    Bất cứ món ăn nào cũng đều có món chấm riêng của nó. Gỏi sầu đâu với cá trạch lấu ngon tuyệt mà thiếu món nước mắm me thì cũng làm mất hứng thú của dân nhậu.
    Ăn hột vịt lộn hay gà xé phay mà thiếu rau răm, ăn gần như lạt nhách, vô duyên.
    Ăn cá trê nướng, cá trê chiên, hay ăn thịt vịt luộc, nước mắm phải là nước mắm gừng lại có thêm ớt thật cay mới là người ăn sành điệu.
    Gỏi sầu đâu cũng vậy, sầu đâu trộn với cá trạch lấu, người ta mới thưởng thức được đến mức ngon tuyệt đỉnh của nó và phải ăn với nước mắm me chín nữa mới đủ bộ.
    Dân biết nhậu thì mới có thể làm món nhậu tuyệt cú mèo, có phải vậy không nè?

    Hương quê

  6. #16
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    MÓN ĂN ĐẶC SẢN : VE SẦU, ĐUÔNG CHÀ LÀ

    Ngoài những món ăn rắn, rùa, lươn, ếch, chim, chuột, cá, tôm... hầu như mọi người đều biết qua.
    Còn có những món ăn mà ít người biết, và cũng ít vùng có nữa như món ve sầu.
    Ai có dịp đi qua nhiều vùng, bốn quân khu của VNCH và nhất là ở miền Tây, miền Đông nhưng chỉ một dịa danh gắn liền món ve sầu nổi tiếng.
    Đó là Giồng Ông Tố thuộc xã Bình Trưng (Thủ Đức), trên đường từ xa lộ Biên Hòa đi xuống Cát Lái.
    Ve sầu non cùng một loại như những con nhộng trong nghề nuôi tằm dệt lụa mà ở miền Nam, quận Tân Châu thuộc tỉnh Châu Đốc là nơi nuôi tằm dệt lụa số một.
    Những mặt hàng Mỹ A, Cẩm Tự láng mướt nổi tiếng nhứt ở miền Nam cũng được dệt tại đây. Còn ở miền Bắc thì có lụa Hà Đông, cũng là nơi nuôi tằm dệt lụa tốt nhất.
    Con nhộng của nghề nuôi tằm ăn cũng rất ngon, béo ngậy, thân hình của nó tương đối lớn hơn con ve sầu con rất nhiều.
    Ve sầu non, khi "rang" rồi nom như một hột nếp còn nguyên chưa tróc vỏ.
    Người ta nói rang nhưng thật sự gọi là chiên đúng hơn vì động tự rang thường là không dùng mỡ, còn đàng nầy, rang ve non lại có mỡ hoặc bơ. Con ve non chín màu mỡ bóng láng vừa hấp dẫn cũng vừa tăng thêm độ béo ngậy. Dân bợm nhậu hay vẽ vời, sáng chế, tìm tòi những món ăn càng quý hiếm, càng độc đáo lại càng mê thích nhậu bắt hơn.
    Bắt ve sầu là cả một vấn đề chịu cực chịu khó. Con ve non nhỏ xíu, một người lặn lội tìm bắt với những ngọn đuốc, ngọn đèn lồng hay đèn khí đá, đèn măng-sông, một buổi tối, được chừng một lon sữa bò kể là thành công.
    Muốn bắt ve non, thời gian rất ngắn ngủi, chỉ một hai tuần mà thôi. Cuối tháng ba hoặc đầu tháng tư hay giữa tháng tư âm lịch, thế nào cũng có một cơn mưa đầu mùa.
    Người dân ở Giồng Ông Tố và vùng phụ cận dọc theo hai bên đường đi Cát Lái, đó cũng là lằn chia ra hai xã, một bên là xã Bình Trưng, một bên là xã Thạnh Mỹ Lợi -- chắc chắn là có hai xã trong khu vực nầy, nhưng tên xã có thể nhớ sai, nhiều người chuẩn bị đi bắt ve non.
    Ở vùng này có nhiều bụi tre gai cũng như ở Củ Chi, không biết dân Củ Chi có mê và bắt ve non như ở vùng Giồng Ông Tố này không?
    Có năm, trận mưa đầu mùa lớn làm "ướt" đất, nghĩa là có đám mưa khá lớn, nước ngấm sâu xuống đất.
    Đó là thời gian lý tưởng trứng ve sầu nở, sau một vài ngày, từ dưới đất trong những bụi tre gai, chúng từ từ bò lên bám vào gốc tre, người ta đi bắt ve non vào lúc này.
    Đi bắt ve non thường bị gai đâm, kiến "cắn", rách quần, rách áo, thế mà người ta vẫn thích đi bắt ve non làm món nhậu, hay đem ra chợ Thủ Đức bán rất có giá.

    Tùy theo thời tiết của trời đất, có năm bắt ve non được nhiều, có năm bắt được ít.
    Thời tiết cũng thường đi theo đúng qui trình nhưng có khi thay đổi, đột biến.
    Trận mưa đầu mùa thường là mưa nhỏ, có khi nước không thấm sâu xuống đất, có khi vừa đủ ướt trên mặt đất, chỉ có một số ít trứng ve sầu nở.
    Trời lại ngưng mưa một thời gian dài chừng năm bảy ngày, đó là cơ hội tốt nhứt cho những người đi bắt ve non.
    Mưa liên tục, ve sầu nở rộ và đất ướt át lại lạnh lẽo nữa, đi bắt ve non rất cực khổ và thời gian lượm bắt ve non lại quá ngắn ngủi.
    Như vậy, chỉ có vài đám mưa đầu mùa, trứng ve sầu sẽ nở hết, vài ngày sau chúng có đủ lông cánh bay đi.
    Khi còn là ve non, mới ăn được, còn khi nó già, nghĩa là bắt đầu có lông cánh không ai bắt làm gì nữa.
    Ve non nhiều, giá cả thị trường tiêu thụ của mấy ông bợm nhậu được hạ, mặc tình mà nhâm nhi nhậu cho "quắt cần câu". Còn gặp năm có ít ve non, người ta bắt chẹt bán ve non đếm từng con, chặt đẹp mấy ông bợm nhậu, đành chịu thôi.
    Một năm nhậu món ve non rang trong khoảng thời gian hai tuần. Không thưởng thức được món ve non rang thì phải đợi đến một năm sau mới có dịp thưởng thức món nhậu độc đáo khó khăn này.Nói thêm cho rõ, cơn mưa đầu tiên đủ ướt mặt đất, một số trứng ve sầu nở.
    , Sau đó vài ngày không có mưa nữa, người ta lượm bắt ve non sạch sành sanh, một đám mưa khác lại đến, trứng ve sầu khác tiếp tục nở, người ta lại đi bắt.
    Nên nhớ là bắt ve non lúc trời vừa "sụp tối", trời còn sáng, nhứt là còn nắng, ve non không bò lên gốc tre.
    Trời tối, người ta đốt đuốc, đèn khí đá hoặc đèn măng-sông đi lượm bắt ve non.
    Nếu bắt trễ quá, chỉ sau khi tối trời chừng hai tiếng đồng hồ, ve non bò được lên cao, người ta không thể với bắt tới, đành để nó lớn.Đi bắt ve non là một sự tranh thủ thời gian, phải đúng lúc mới bắt được nhiều ve non.

    Những đám mưa đầu mùa không dồn dập, cách năm ba ngày có một cơn mưa, trứng ve sầu lần lượt nở, người ta có đủ thì giờ để đi bắt, nhưng cũng chỉ bắt được tối đa chừng bốn đợt mưa như vậy. Thường đến cơn mưa thứ ba, gần như tất cả trứng ve sầu nở hết và mùa lượm bắt ve non cũng chấm dứt.
    Dân nhậu đành hẹn lại năm sau nhậu tiếp món ve non rang này. Có năm, mưa đầu mùa dồn dập liên tiếp ba bốn đám, trứng ve sầu nở rộ, mùa bắt ve non cũng thật ngắn ngủi, kéo dài không quá một tuần.
    Đến mùa ve non, nhà lồng chợ Thủ Đức hay ở chợ Nhỏ, chợ Cát Lái, Giồng Ông Tố có bày bán món đặc sản ve non nầy.
    Việt kiều hồi hộp có dịp về Sài Gòn vào lúc có những cơn mưa đầu mùa, thử đến Thủ Đức, Giồng Ông Tố coi xem còn có bán ve non, mua về rang nhậu thử sẽ mê tơi quý vị ạ! Quý vị đừng cho hai ba con vào miệng cùng một lúc, vừa phí của trời, vừa nhiều, quý vị không thưởng thức hết cái tinh túy, cái ngon ngây ngất của món ve non có một không hai ở cái cõi đời ô trọc này. Quý vị chỉ cắn nhẹ thôi sẽ có cảm giác như răng của mình vừa chạm vào một cái gì mềm mềm thanh thoát. Khoái cảm lẻn vào tâm não của mình hồi nào mình không biết.
    Nghệ thuật ăn là một triết lý sống sinh động, ăn vội mất ngon. Thưởng thức món ve non rang mỡ thì phải biết, nó vừa quý hiếm, vừa nhỏ xíu hấp dẫn lại ngon tuyệt vời.
    Chớ có dại nuốt vội, cứ để món ăn độc chiêu này dần dần tan biến trong nước bọt và lặng lẽ từ từ đi vào dạ dày.
    Đến lúc đó quý vị ực một hớp rượu nồng và "khà" lớn tiếng một chút, thần kinh của mình chạy nghe rần rần, tâm trí lung linh như mình vừa thoát tục để lên bồng lai tiên cảnh. Nhậu món ve non rang bơ mà lại uống "la de", dở ẹc.
    Người sành điệu, món đặc sản nầy phải nhậu với rượu mạnh co-nhác bốn chữ V.S.O.P. hoặc hai chữ X.O.
    Kẹt lắm, yếu địa, nhậu với rượu đế, mà phải đế đậu nành hay đế nếp, chớ đế gạo rất dở.
    Đế nếp hay đế đậu nành phải được cất ở vùng Cai Lậy (Định Tường), nổi tiếng.
    Dân bợm nhậu, sành điệu, ăn uống rất cầu kỳ mà lại phải có tri âm, tri kỷ đối ẩm nữa, như cụ Nguyễn Khuyến từng nói :
    Rượu ngon không có bạn hiền
    Không mua không phải không tiền không mua

    Uống rượu mà chỉ ngồi uống một mình chỉ trừ mấy ông thất tình hay buồn chuyện gì dữ lắm.
    Tất cả dân nhậu đều có bạn bè lòng... dòng ve chai, nếu không cuộc nhậu sẽ lạt nhách. Dân nhậu là giới có nhiều bạn bè nhứt, còn dân cờ bạc thường là giới cô độc nhứt chỉ muốn sát phạt ăn thua đủ, gian tham ngay cả bạn bè thân thiết.
    Đó là hai thế giới đối nghịch nhau. Ghiền vào giới nào sâu đậm cũng chỉ làm khổ mình, hại sức khỏe và làm liên lụy đến người khác.
    Trong dòng họ các con sâu còn non như ve sầu, đuông dừa, đuông chà là, nhộng tằm.
    Món ăn đặc sắc nhộng tằm, ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam đâu đâu cũng biết thưởng thức món nhộng rang, hoặc làm gỏi với đu đủ chín mỏ vịt.
    Đuông dừa ở đâu có trồng dừa là nơi đó biết ăn đuông. Những con sâu khoét đục "củ hủ" dừa làm cho cây dừa cằn cỗi, chết lần mòn. Người ta đốn cây dừa đó đi và những con đuông sống trong đó cũng không thoát khỏi những người trồng dừa dùng làm món nhậu khoái khẩu.
    Còn món đuông chà là, một loại cây như cây dừa nước mọc ở ven kinh, sông, rạch của vùng nước lợ, hoặc vùng nước mặn thấp. Những con sâu nhỏ chui rúc vào thân cây chà là, sinh sôi trong môi trường đó, nó cũng chỉ là những con nhộng, những con sâu non chưa có đủ lông, cánh bay ra ngoài.
    Muốn ăn đuông chà là, người ta phải chặt cây chà là, róc bỏ hết lá bó thành từng bó mang về nhà để nguyên vậy bán cho thiên hạ. Ai mua đem về sẽ chẻ ra bắt từng con đuông trong thân cây chà là. Một cách bán đuông chà là khác, người ta bán đuông đang ngo ngoe vừa mới chẻ cây chà là ra, để dân nhậu mua đem về làm món nhậu liền.
    Còn đuông ở trong cây chà là để từng bó sau hè dự trữ, chừng nào muốn ăn cứ chẻ thân chà là ra bắt đuông đủ bữa nhậu là thôi. Nếu để lâu quá, đuông lớn có đủ lông cánh chúng sẽ khoét thủng lớp vỏ cây, chui ra ngòai đi mất.
    Nhiều người còn nhớ, thời nội các chiến tranh của tướng râu kẽm tàu bay, năm 65-66, Nguyễn Cao Kỳ thích mấy món ăn địa phương ở miền Tây như đuông chà là mà có nhiều nhứt ở vùng Bãi Xào thuộc quận Mỹ Xuyên (Ba Xuyên).
    Không biết mấy ông lãnh đạo và cấp chỉ huy cao cấp thời bấy giờ có chơi đá gà ăn tiền như đám thường dân không ?
    Ở miền Tây thường cung cấp gà nòi thuộc loại chiến nhứt để ông tướng nhà mình đá cho vui giải trí
    Món ăn thì có đuông chà là mà ở Sài Gòn làm gì có nhiều. Và món dưa hấu ruột vàng vào dịp Tết ở vùng "Xầy Cá Nả" của tỉnh Ba Xuyên, ông tướng nhà mình cũng mê lắm.
    Đuông chà là còn sống, rửa sạch để ráo nước đem chiên với bơ mà người ta thường nói rang thay động từ chiên, rang đuông lại có bơ, mới ngon.
    Có dân nhậu, trước khi rang đuông cho chúng tắm nước mắm nhĩ. Con đuông còn sống, ngo ngoe cho vào một cái dĩa có ít nước mắm trong đó, chúng bò lúc nhúc một chập ngất ngư, nằm ngay đơ, người ta mới đem đi rang với bơ ngon "Brờ ten" của Pháp.
    Đuông cũng ăn từng con, ít khi ăn hai ba con một lúc. Thứ nhứt nó cũng là một đặc sản quý hiếm, chỉ có một số vài vùng có mà thôi. Con đuông nhỏ hơn con nhộng của tằm, thưởng thức món này cũng nên ăn từng con, chớ không phải như người ta ăn nhộng, nhiều khi ăn một miếng đầy miệng luôn.
    Nhộng vừa nhiều vừa rẻ, đến mùa, bán từng thúng lớn tràn lan. Ở chợ Châu Đốc, Tân Châu, chợ Long Xuyên, đến mùa nhộng, hàng chục người bán trong những cái thúng lớn tính bằng lon.
    Đuông chà là nổi tiếng vừa ngon vừa có nhiều nhứt ở Bãi Xàu (Ba Xuyên = Sóc Trăng), ở Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre cũng có, nhưng ít được đem bán xa tận Sài Gòn như đuông Bãi Xàu. Gần Sài Gòn như vùng Cát Lái, Nhà Bè, Biên Hòa, Bến Lức, cũng có đuông chà là nhưng rất hiếm, dân nhậu chỉ tìm tòi đủ nhậu làm gì có nhiều đem đi bán.
    Mùa ăn đuông cũng rất ngắn, khi chúng lớn, cắn vỏ chà là đi mất.
    Ngoài những món ăn độc chiêu kể trên, còn có những món ăn khác cũng quý hiếm như khu vực sân bắn của trường Bộ Binh Thủ Đức nằm ở xã Long Thạnh Mỹ, có dòng tu nổi tiếng khổ hạnh "Phước Sơn", trong khu vực nầy có một loài chuột,mà người dân địa phương gọi là chuột cống nhum, lớn hơn chuột cống ở thành thị lông đen điểm bạc hoặc vàng rất mướt cũng là món ăn quý, đặc sản, giá rất mắc và cũng khó mua.
    Dân nhậu miền này rất hảo món ăn chuột cống nhum nầy và cũng chỉ vùng nầy mới có.
    Người ta thường nói, đàn bà hay ăn vặt, ăn quà, thật là oan, cánh đàn ông mới hay ăn vặt nhứt, món gì nhậu được là ăn, dế, sâu, bọ, chim, chuột gì cũng không tha.
    Các bà có bạ đâu ăn đấy như mấy ông liền ông đâu ?
    Đừng nói oan mấy bà tội nghiệp.

    Hương quê

  7. #17
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    BẮT CÁ CHỐT

    Cá chốt là một loài cá có rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Xin lỗi bà con ở miệt Bạc Liêu, mà người Triều Châu gọi là xứ Bồ Líu.
    Có một câu, ca dao, phương ngôn cũng không phải, mà là câu nói chọc ghẹo, phá chơi cho vui vậy thôi, đó là câu:

    Bạc Liêu là xứ quê mùa
    Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu (Triều Châu)

    Khi ở Sài Gòn đi học, nghe hai chữ quê mùa, nhiều sinh viên gốc Bạc Liêu cũng đổ quạu, cự ngay, xứ tôi là xứ quê mùa, còn xứ của anh của chị ở Châu Đốc, Cà Mau, không quê mùa à ?
    Các bạn trẻ đổi lại câu sáu chữ ở trên thành: "Bạc Liêu là xứ ruộng mùa", hoặc "Bạc Liêu là xứ vui đùa" hay đổi thành "Bạc Liêu nước chảy lờ đờ" có vẻ đúng âm vận thơ lục bát hơn, nhưng câu tám, trong hai câu lục bát này :
    "Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu" thì mọi người đều thừa nhận sự mô tả dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu lại là đúng hoàn toàn trăm phần trăm ở xứ Bồ Líu này.
    Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
    Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu

    Cá chốt sao mà nhiều thế, câu tám chữ đúng quá cỡ thợ mộc,-dân Bồ Líu Về văn hóa, xứ Bạc Liêu với ông Sáu Lầu cha đẻ của Vọng Cổ Hoài Lang, tiền thân của Cải Lương sau nầy.
    Nếu so sánh Bạc Liêu với Châu Đốc về mặt có nhiều cá chốt thì Bạc Liêu chắc chắn là thua xa
    . Bạc Liêu có nhiều vùng nước mặn và nước lợ vì ở ven biển.
    Còn Châu Đốc nơi nào cũng nước ngọt quanh năm. Phải nói Bạc Liêu có rất nhiều người Tàu mà đa số là người Triều Châu.
    Triều Châu chỉ là một huyện của tỉnh Quảng Đông bao la, có tiếng nói riêng.
    Người Triều Châu, tiếng nói khác một trăm phần trăm với người nói tiếng Quảng, Hẹ, Hải Nam, Phước Kiến... và tiếng quan thoại Bắc Kinh còn gọi là tiếng phổ thông.
    Tỉnh Bạc Liêu có ba giống dân hòa hợp chung sống đó là người Việt, người Tiều và người Miên (Khờ Me, Cam Bốt). Con cái lai gọi là "đầu gà đít vịt", nhiều thiếu nữ xứ Bồ Líu mặn mà, đẹp, hấp dẫn.

    Xứ Bạc Liêu quả có nhiều cá chốt mà có một cách bắt cá chốt độc đáo nhứt lại ở xứ Châu Đốc, có thể nói không nơi nào có cách bắt cá chốt này.
    Bắt cá chốt có hàng chục cách nhưng bắt cá chốt chỉ sử dụng ba ngón tay, nắm râu mới là lạ.
    Trước hết phải có một chiếc xuồng ba lá, cho nước vào khoang mũi để mép xuồng thấp xuống "lé đé" mặt nước, nghĩa là cách mặt nước chừng vài phân.
    Mép xuồng càng gần nước càng tốt miễn xuồng không bị chìm là lý tưởng nhứt.
    Tại sao phải để mép xuồng quá sát mặt nước, lý do giản dị là bắt cá chốt chỉ có ba ngón tay: cái, trỏ và giữa mà lại nắm râu, không phải một con cá chốt mà nhiều khi có đến hai ba con dính cùng một lúc lại phải đưa nhanh vào xuồng.
    Nếu mép xuồng cách xa mặt nước, cá chốt có thể bị rớt lại xuống nước.
    Râu cá chốt trơn dễ vuột ra khỏi ba ngón tay nắm không được chặt, lại cần tốc độ nhanh cho cá chốt vào xuồng.
    Nếu chậm có thể bị ngạnh cá chốt đâm vào tay và cũng dễ để cá rơi rớt xuống nước.
    Người bắt cá chốt cũng thường là phụ nữ vì tính kiên nhẫn chịu đựng được lâu hơn đàn ông. Trẻ nhỏ cũng bắt cá chốt rất tài. Hơn nữa công việc này rất nhẹ nhàng và cũng dễ nên đàn ông thường ít làm.Mồi bắt cá chốt là cá nướng mà những con cá nướng đó thường là cá chết hoặc cá ăn không ngon như cá éc, một loài cá vẩy, kỳ vi có một màu đen lợt, ăn có vị hơi hôi hoặc cá ngựa, một loại cá thịt bở lại nhiều xương.
    Hai loài cá này lớn hơn cá linh nhiều, dùng làm mồi nhử cá chốt được lâu
    .Vì vậy người ta lựa những con cá này đem nướng chín vàng thơm phức để làm mồi nhử cá chốt
    .Mỗi người ngồi trên một xuồng riêng biệt, cách nhau năm mười thước nếu có hai người cùng bắt cá chốt.
    Con cá nướng nằm gọn trong lòng bàn tay, bóp nhẹ vào cá để thịt và mỡ cá loang ra, cá chốt bắt mùi bu tới càng ngày càng nhiều, râu nhô lên khỏi mặt nước tua tủa lắc qua lắc lại rất vui mắt.
    Người ta không nhả mồi nhiều, nếu mồi nhiều quá cá ăn no lại lặn đi mất.Một con cá nướng làm mồi để bắt cá chốt cũng dùng được nửa tiếng hoặc hơn.
    Một lần bắt cá chốt chỉ tốn chừng hai con cá nướng là đủ
    . Người ta ngồi thật yên, chỉ sử dụng một tay mà chủ yếu chỉ có ba ngón tay cái, trỏ và giữa làm việc cật lực thoăn thoắt.
    Khi nắm được râu cá chốt, có khi đến hai ba con lận, đưa nhanh vào xuồng.
    Không còn cãi vào đâu được.
    Bạc Liêu là một tỉnh giàu có, nổi tiếng về nhiều phương diện, nào ruộng lúa, tôm cá và đặc biệt là trái nhãn Vĩnh Châu, như là một lọai nhãn nổi tiếng ở tỉnh Hưng Yên Bắc Việt, ngon thơm ngọt thanh.
    Cái đặc biệt và quan trọng nhứt mà nhiều dân xứ khác biết đến Bạc Liêu là Công Tử Bạc Liêu, Bạch Công Tử, Hắc Công Tử nổi tiếng trong những thập niên 30, 40.
    Cá chốt không kịp giẫy giụa, giẫy giụa nhiều thế nào cá cũng rơi lại xuống nước, làm sao mà nắm chặt được râu cá chốt.
    Bắt cá chốt bằng cách này, không ai ngồi lâu quá được. Ngồi phải thật yên, không nhúc nhích nhiều làm xuồng nghiêng lắc cá chốt sẽ sợ lặn đi.
    Một tay làm việc liên tục với tốc độ nhanh cả tiếng đồng hồ không ngơi nghỉ một giây phút nào tay cũng sẽ rũ riệt
    . Hơn nữa bắt được cá chốt nhiều đã mệt, còn phải làm cá và lại ban đêm nữa, có nhiều muỗi, mất nhiều thời giờ. Vì những lý do đó, người ta thường bắt cá chốt chừng một thùng thiếc thì tạm nghỉ để ngày hôm sau bắt tiếp.
    Bắt cá chốt thường lúc trời mát hoặc chạng vạng tối là lý tưởng nhứt.
    Cùng họ hàng với cá chốt có cá lăn, một loại cá lớn ngon, nhứt là nấu canh măng chua thêm gia vị sả phi vàng, ăn ngon hết ý.
    Làm cá chốt bằng cách dùng dao chấn từ kỳ trên, kỳ này rất nhọn và dùng dao cắt đến hai ngạnh to dính với đầu, móc hết ruột ra. Cá rửa sạch đem muối để làm mắm.
    Cá chốt nhỏ con người ta làm mắm. Món mắm cá chốt ăn rất ngon, một con mắm vừa một miếng ăn.
    Mắm cá chốt thường dùng để ăn sống, nghĩa là không kho như mắm cá linh, cá sặc.
    Ở nhà quê, người ta thường ăn mắm sống với cơm.
    Ăn mắm sống nên có nhiều rau lại thêm có chuối chát, khế, khóm và có thêm ớt nữa ăn mới ngon.
    Ở quê Bà Bài vào mùa có nhiều khoai lang, mùa bắp, người ta thường nấu khoai lang hoặc bắp trái nấu chín ăn với mắm cá chốt, ngon tuyệt, ăn no bụng mới thôi.
    Khoai mì nấu chín, người ta lại không ăn với mắm cá chốt mà ăn với đường thốt nốt.
    Ngoài ra mắm cá chốt còn ăn với ổi chua rất bắt, cũng là một món nhậu bình dân.
    Món ăn ngon nhứt của cá chốt, ngoài làm mắm ra, cá chốt làm sạch rửa kỹ, cá chốt có nhiều nhớt, loại cá không vẫy như cá trê, kho khô rắc nhiều tiêu hoặc kho tộ thật sắc nước ăn với cơm nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, ngon quá xá là ngon.
    Cá chốt kho lạt hoặc kho còn nhiều nước ăn không ngon, có thể nói là dở ẹc.
    Cá chốt cũng được làm món cá chiên tươi hoặc chiên muối.
    Bắt cá chốt bằng cách nắm râu rất độc đáo kéo dài cũng gần cả tháng giữa tháng chín đến giữa tháng mười, mùa nước xuống nước giựt, cá chốt nhiều và lớn bằng ngón tay.
    Bắt cá chốt bằng cách này vào lúc chạng vạng tối, mới được nhiều cá mà lại phải thức với ngọn đèn dầu cá linh sáng lù mù, lại ngồi chịu đựng cho muỗi đốt.
    Dù cổ, lưng mỏi đau cũng phải làm cho hết số cá chốt mới bắt được, lại còn rửa đem đi muối để làm mắm và lựa cá lớn kho khô kho quẹt để sáng sớm ăn mà ra đồng làm lụng.
    Cá chốt làm mắm để đuôi, không cắt bỏ, không có đủ thì giờ để cắt đuôi.Những loại cá nhỏ như cá chốt, cá linh, cá sặc, cá trèn nhỏ, người ta làm mắm để nguyên đuôi.
    Còn những loại cá lớn như cá lóc, cá bông, cá trê khi làm mắm mới cắt bỏ đuôi và kỳ vi.

  8. #18
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362
    Một cách bắt cá chốt khác, mấy ông thích làm việc nầy. Khoét một cái hố ở ven bờ sông, bờ rạch, dài chừng tám tấc, miệng rộng chừng bốn tấc, phần còn lại rộng hơn có hình gần như tròn. Cái hố nầy đào để nước lớn, thủy triều lên, ngập chừng bốn tấc.
    Người ta dùng đầu, ruột cá chốt vừa làm tối hôm trước, đem nấu có rất nhi ều nước để làm mồi nhử cá chốt vào hố đào sẵn để xúc bắt.
    Múc nước mồi cùng với xương đầu cá chốt rả ra đổ vào phần rộng tròn phía trong cái hố nhử cá chốt vào ăn
    . Việc nầy cũng thực hiện vào buổi tối hoặc sáng sớm, còn lờ mờ. Nhìn thấy râu cá chốt quơ qua quơ lại trong hố ăn mồi, càng lúc càng nhiều.
    Người ta dùng một cái rổ thưa, miễn sao cá không bị lọt là được, để xúc cá.
    Dùng rổ chận miệng hố, một tay giữ rổ, một tay cầm một miếng tre, dẹp ngang chừng ba phân, dài bảy, tám tấc, khua khuấy nước để cá chạy ra miệng hố. Trong lúc đó, cái rổ chận ở miệng hố được ấn nghiêng xuống về phía ngoài để cá chạy vô rổ, người ta lấy rổ lên nhanh.
    Mỗi lần xúc rổ như thế có thể bắt được vài trăm gram hoặc nửa ký cá chốt
    . Người ta thường đào ba bốn cái hố để bắt cá chốt, hố nầy vừa nhử mồi xúc bắt xong, qua hố khác cũng làm y chang như vậy. Khi giáp vòng, trở lại nhử xúc cá ở cái hố thứ nhứt.
    Mỗi tối xúc cá chốt chỉ ba vòng cũng có hàng chục ký lô cá chốt làm mệt nghỉ.
    Mỗi hố cách khoảng chừng năm mét.Mấy bà mấy cô thì lo đi nắm râu cá chốt, cánh mấy ông đi xúc cá chốt tại những cái hố, rồi cả nhà già trẻ cùng xúm làm cá chốt đến khuya lơ khuya lắc rất cực.
    Sáng hôm sau còn ra đồng, làm việc đồng áng. Sức chịu đựng cực khổ của người dân quê xứ mình thật tuyệt diệu rất đáng bái phục.
    Ai chưa ăn mắm cá chốt, thử ăn xem vừa ngon vừa khoái khẩu, khi nào mê món mắm này cũng như các thứ mắm khác mới thấm thía câu nói của dân quê: Ăn mắm thấm về lâu, và tình nghĩa của người dân quê cũng thấm về lâu vậy đó.

    ĐÁ CÁ LIA THIA

    Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
    Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.

    Câu hát dỗ con ngủ của mấy bà mẹ ở nhà quê miền Nam nói lên sự thân thương mặn nồng của tình nghĩa vợ chồng.
    Cái hơi hướm của tình "tào khang chi thê" khó có gì thay thế được.
    Còn cá lia thia, cái chậu nước mà nó quen vùng vẫy, sống tự tại, thoải mái cũng khó mà xa cách được.
    Khi cá lia thia đổi qua chậu khác, môi trường khác, nó sẽ gặp một vấn đề gai góc phải đương đầu để sinh tồn.
    -Cá lia thia trống mã rất đẹp, thân hình nhỏ, dẹp, kỳ, vi, vẩy màu sắc rực rỡ.
    Một loại cá luôn thích chiến đấu. Cá trống rất dữ, màu sắc đẹp hơn cá mái nhiều, cũng như gà trống mà lại là gà nòi, gà đòn còn gọi là đá thì phải biết cái mã tuyệt đẹp, lại có tính gan dạ kiên cường. Đặc tính của cá lia thia cũng như đặc tính của gà nòi là luôn tranh thắng với đối phương đồng loại.
    Người ta nuôi cá lia thia trong các chậu, hũ, "quện" hay những lọ chao. Đá cá lia thia cũng là một hình thức chơi cá độ ăn tiền như đá gà đòn.
    Con cá lia thia nhỏ xíu, không được dùng trong việc kho nấu làm thức ăn như các loại cá khác, mà nó chỉ để đá cho vui mắt như đá dế, đá gà của đám trẻ nhỏ và người lớn lại đá cá lia thia ăn tiền.
    Ở nhà quê, tùy theo mùa chơi cá lia thia.
    Cá lia thia có nhiều là mùa nước lên và khi nước ngập lêu bêu nhận chìm đồng ruộng dưới làn nước phù sa cũng là lúc đá cá lia thia rầm rộ.
    Cá lia thia được nuôi bằng nước mưa trong các chậu, hũ khạp lớn có thả vài giề lục bình nhỏ hoặc bèo tai tượng, loại bèo lớn.
    Hũ, khạp nhỏ thả một ít bèo cám, bèo nhỏ để cá lia thia trú ngụ nhả bọt.
    Sau một thời gian theo dõi, chăm sóc, chúng được tuyển lựa kỹ thả vào nuôi trong lọ, “quện", keo bằng thủy tinh, chúng sẵn sàng chiến đấu.Người ta còn "ép" cá lia thia, nghĩa là lựa những con cá lia thia có thành tích chiến đấu thắng oanh liệt đối phương, hay những con trông gồ ghề, đẹp mã, cho chúng ân ái, sống chung với một nàng cá mái, loại tốt mái để sinh con nối dòng nối dõi hào hùng.
    Cặp cá nầy hưởng hạnh phúc tuyệt vời trong một cái lu hay cái khạp lớn có bèo, lục bình và thức ăn dồi dào như lăng quăng, trùn chỉ.
    Hơn nữa, tổ uyên ương của chúng được để trong những chỗ khuất, có ít ánh sáng, chúng tha hồ mà mơn trớn làm tình đều đặn.
    Nhiệm vụ của chúng là sản sinh ra thế hệ thứ hai và khi con cái chúng đủ lớn khôn tham gia trận chiến đá nhau được, đó cũng là thời điểm chấm dứt mùa đá cá lia thia.
    Khi nước cạn dần, đồng ruộng khô ráo, người ta lại chơi đá gà nối tiếp.Không biết căn cứ vào đâu mà người dân quê gọi một loại cá lia thia là cá Xiêm, thân hình, kỳ vi màu xanh thẫm, hơi đen, rất dữ
    . Có phải màu đen đen là màu da người Xiêm (Thái Lan) nên gọi là cá Xiêm chăng?
    Như vậy, cá lia thia có hai giống, thân hình và kỳ vi màu sắc hồng nhạt là gốc bản xứ, còn màu xanh đen là cá của xứ Xiêm La du nhập vào Việt Nam?
    Chúng ta đã từng nghe biết vịt Xiêm, chuối lá Xiêm, có lẽ triều đình Thái Lan khi xưa triều cống Việt Nam các thứ nầy, không lẽ Thái Lan cũng triều cống cá lia thia nữa?
    Người sành điệu, dân chơi đá cá lia thia vào loại thượng thừa chỉ nhìn thoáng qua là biết cá nào có tính chịu đựng gan lì, chiến đấu cao dù đó là cá lia thia hồng nhạt hay cá lia thia màu xanh thẫm.
    Thật tình mà nói, đa số cá Xiêm kiên cường, chịu đựng giỏi và rất lì trận mạc "oánh" nhau với đối phương.
    Vì thế, người ta thường lai giống cá Xiêm mái với cá lia thia trống có màu hồng nhạt.Thế nào là một trận đá cá lia thia ?
    Dân chơi đá cá lia thia, y như rằng họ cũng thích chơi đá gà đòn. Mùa nước ngập, không có trường gà thì có trường đá cá. Người dân quê làm việc quá cực nhọc vất vả, một nắng hai sương nhưng khi chơi, giải trí họ cũng "chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các cho người biết tay". Giờ đá cá lia thia thường sau bữa cơm trưa.
    Ở nhà quê, chín, mười giờ sáng đã ăn cơm trưa rồi, các trận đá có liền sau đó. Những người ở xa, muốn đến trường đá cá, không thể để những con cá lia thia trong hũ, trong chậu, trong quện đưa đi rất lỉnh kỉnh; chậu, hũ lớn làm sao bê, xách theo nhiều được.
    Chỉ khi nào dùng xuồng đi tới chỗ trường cá, họ mới để nguyên trong lọ nhỏ đem đi.
    Khi mang đi năm, mười con cá, người ta dùng những lá môn hoặc lá sen còn non, chưa già vì già dòn, khi túm lại dễ bị chảy nước. Túm lại những lá môn, lá sen có một ít nước trong đó cho cá lia thia vào buộc miệng lại. Cứ thế mà xách đi bao xa cũng được rất tiện lợi.
    Tuy nhiên, làm như vậy khi đến trường cá, các con lia thia nầy cũng sẽ cho vào lọ, hũ với nước mưa, đặc biệt là nước mà chúng đã quen sống trước đó.
    Một kinh nghiệm nuôi cá lia thia hoặc bất cứ một loại cá kiểng nào. Nuôi từ cá con trong kế hoạch nuôi cá để ăn hoặc kinh doanh, phải có kỹ thuật
    . Chúng quen dần với môi trường sống mới, chúng không chết khi thay đổi môi sinh.
    Chú ý câu hát trên, lia thia quen chậu, ở đây có nghĩa chính là môi trường sống của nó; nếu cá lạ nước dễ bị "shock", ngất ngư hoặc chết.
    Còn cái chậu chỉ là một vật để chứa đựng nước, cũng có ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng sự sinh tồn bằng môi trường nước. Muốn chắc ăn, khi nuôi cá kiểng, mua ở tiệm về.
    Trước khi thả vào hồ, cho cá vào cái chậu, cái thau, đã có ít nước lấy từ trong hồ, để cá quen nước dần với môi trường mới rồi mới thả cá vào hồ.
    Người chuyên nghiệp, thường dùng tỉ lệ một phần ba nước hồ với hai phần ba nước cá đang sống. Cá quen tiếp xúc với môi trường nước lạ từ từ, sau đó thêm nước hồ, khi thấy cá thật sự quen nước, người ta mới thả cá vào hồ. Như vậy cá không bị "chói" nước.
    Cá lia thia cũng vậy, khi đem cá đến trường đá người ta cũng múc một ít nước của cái quện to dùng làm trường đá đổ vào lọ đựng cá lia thia sắp lâm trận chiến. Mục đích, người ta pha nước trong quện dùng đá cá để cho chúng quen nước như người chiến sĩ quen địa thế vậy.
    -Cáp độ cá cũng như cáp độ gà. Tuy nhiên, cáp độ cá rất nhanh vì mỗi người mang theo nhiều cá. Chủ trường cá tỏ ra công bình, thường có qui định, ai cũng phải cho cá vào những lọ nhỏ, như hũ chao, cái ly nhỏ chẳng hạn, nước ít để hai bên dễ nhìn xem cáp độ.
    Nhìn từ trên miệng nhìn xuống, còn nhìn ở ngoài thành vách thủy tinh không chính xác bằng. Một trận đá cá lia thia y chang như trận đá gà. Cũng có làm danh sách, ai theo phe nào cũng được, miễn sao số tiền hai bên bằngnhau là bắt đầu trận đá. Đá cá lia thia cũng "quăng bắt" như đá gà, cũng chấp, đánh cá ròn rã suốt trận và đá chỉ một hiệp, không như đá gà chia làm nhiều hiệp, mất nhiều thì giờ.
    Con cá nào thua là con cá đó chạy lòng vòng trong chậu, con cá thắng trận cứ rượt đuổi, chừng ấy người ta mới múc hai con cá ra, cá ai nấy bắt.
    Muốn chuyển cá lia thia từ lọ hũ này sang lọ hũ khác, chủ cá dùng một cái vợt nhỏ, đường kính bằng miệng cái chung uống nước trà, dùng vải mùng may vào một cái vòng vợt có cán thường làm bằng dây kẽm nhỏ hoặc bằng mây hay cật tre già. Cái vợt cá thường có kích thước lớn nhỏ tùy theo cái miệng lọ hũ để xúc cá được nhanh chóng, dễ dàng.
    Trường đá cá chỉ bằng một cái phòng ngủ là được nhưng phải sáng sủa.
    Cái quện nước mưa tổ chản làm nơi thi đấu đặt ở giữa phòng, để trên một cái ghế cao hoặc một cái bàn nhỏ đủ để người ta ngồi "trệt" nhìn xem, theo dõi trận đá cá được. Đá cá lia thia không ồn ào và đông người như đá gà.
    Cá lia thia nhỏ xíu, nên chừng mười, hai chục người tham dự là vừa. Nhiều người quá không thể quan sát rõ ràng được, sẽ mất hứng thú. Ai có xem đá cá lia thia không thể không có cảm giác lâng lâng, thích thú theo dõi từng động tác cắn, uốn cong mình, vẫy đuôi, phùng mang tấn công đối phương như vũ bão.
    Nhứt là đám trẻ nhỏ rất mê đá cá lia thia, tha hồ mà chúng la hét, và cũng ít khi đá ăn tiền như người lớn.
    Tại trường đá cá lia thia của người lớn thường rất yên lặng, họ chỉ xì xào, bàn luận hoặc quăng bắt vừa đủ nghe.

    Mùa đá "rô"ü cá lia thia không kéo dài, chừng hai ba tháng trở lại. Ở nhà quê hoặc ở vùng nửa quê nửa tỉnh người ta mới chơi đá cá lia thia. Ở thành thị, tỉnh lỵ không tìm bắt cá lia thia dễ dàng được.
    Nơi nào có đồng ruộng, ao, đìa, rạch nhiều mới có cá lia thia để người ta đi xúc bắt. Muốn xúc bắt cá lia thia, trước nhất trẻ con hay người lớn đi tìm kiếm những chỗ nước ngập ít, "xâm xấp", những cái bọt trắng cá lia thia làm dưới những bụi cỏ.
    Hễ thấy có bọt cá trắng nổi lên chắc chắn nơi đó có cá lia thia.
    Cá lia thia không sống và làm ổ ở những nơi nước sâu hoặc chảy xiết.Chúng chỉ trú đóng ở những nơi nước cạn mà thôi.
    Chơi đá cá lia thia là thú tiêu khiển thanh lịch của người dân quê và của những đứa trẻ con thich cách chơi không ồn ào hiếu động.

    Hương quê



  9. #19
    Member
    Join Date
    14-12-2010
    Posts
    1,362

    Dưa cà mắm muối miền Tây -Trần Mộng Lâm



    Không hiểu các bạn ăn Tết Việt Nam tại hải ngoại ra sao?
    Còn bên Canada này, chúng tôi thường chú trọng đến Lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch hơn.
    Cái Tết đầu tiên của tôi ở hải ngoại là vào đầu năm 1979, đến nay cũng được 33 năm rồi, ba mươi ba năm, thời gian đủ để làm phai lạt nhiều điều, thì cái Tết cũng không tránh khỏi cái sự đào thải của thời gian, khi mà ở đây, Tết đến với chúng ta, một ngày như mọi ngày.
    Tuy nhiên dù sao chăng nữa, Việt Nam vẫn là quê hương của chúng ta, làm sao quên được. Tết vẫn là một cơ hội cho chúng ta trở về với Dĩ Vãng, Back to the Futur (?).

    Thường ở Montréal, Tết đến vào khoảng Tháng Hai, vào lúc mà thời tiết trở thành rét cóng, có khi hàn thử biểu xuống đến -30, -35 độ C.
    Trước đây, khi còn nhỏ, ngồi ở Việt Nam, tôi đọc được một bài viết của một ông văn sĩ nào đó (hình như Thạch Lam trong cuốn “Ði Tây,” nếu sai xin mọi người sửa giùm), nói rằng ở Pháp, mùa Ðông, trời lạnh đến nỗi nếu có người nào mắc tiểu thì ngay sau khi ra khỏi cơ thể, nước tiểu sẽ đông lại ngay thành một sợi dây nước đá.
    Tại Canada, tôi chưa từng thử nên không biết sự thực có như vậy hay không, nhưng phải công nhận rằng mùa Ðông ở Canada dễ sợ lắm.
    Bởi vậy mỗi khi Tết trở về, tôi lại hay vẩn vơ nghĩ đến thời gian còn sống ở trong nước. Và không hiểu vì lý do nào, tôi nghĩ đến các món mắm mà tôi đã được ăn một cách rất say sưa, ở miền Tây.
    Có lẽ vì Tết ở đây nhạt nhẽo quá nên tôi thích nói về một cái gì mặn mà hơn. Mà mặn mà thì còn gì qua mặt được “mắm”?
    Thực ra, cho đến năm 20 tuổi, tôi chưa hề biết đến món ăn dân dã này. Lớn lên tại Sài Gòn, tôi cũng đã từng ăn thịt bò bẩy món với mắm nêm rồi, nhưng những món ăn đặc biệt về mắm thì chưa bao giờ. Vào khoảng cuối năm 1968, cầm sự vụ lịnh xuống Quân Y Viện Phan Thanh Giản, tôi cũng chẳng hình dung được cái tỉnh mà tôi sắp đến sẽ như thế nào.
    Hôm ấy, Air Việt Nam đáp xuống phi trường Trà Nóc vào lúc xế chiều. Tôi bước ra khỏi phi trường, tìm phương tiện đi vào thành phố.
    Và tôi rất ngạc nhiên không thấy bóng dáng một chiếc xe tắc xi nào. Sau cùng, không có cách nào khác hơn là chất tất cả các hành lý của mình, leo lên một chiếc xe lôi, ngồi ngất ngưởng đi vào thành phố.
    Lúc đó, tôi thất vọng dễ sợ với nơi mình đến, với cái phương tiện di chuyển quái dị mà mình đang sử dụng, là cái xe lôi chưa từng thấy bao giờ.
    Tôi tin chắc rằng mình sẽ qua những năm những tháng buồn bã ở cái thành phố tuy mang danh Tây Ðô, nhưng nhỏ xíu so với Sài Gòn.

    Tôi đến Quân Y Viện vào lúc thành phố đã lên đèn. Sau khi làm thủ tục để lấy chỗ trong trại độc thân xong, tôi bước ra khỏi Quân Y Viện, tìm một chỗ để ăn uống vì bụng đã đói, mà tinh thần cũng đang suy sụp. Không quen đường lối, tôi vào đại một cái quán cơm nhỏ nằm trên đường Lý Thái Tổ, cách Quân Y Viện khoảng chừng 500 mét mà thôi.
    Vào quán, tôi thấy lèo tèo mấy cái bàn, cái ghế tầm thường, chẳng có TV hay radio gì hết; và người đàn bà chủ quán thì mặc bộ đồ bộ, như tất cả các người đàn bà ở đây.
    Bà ta hỏi tôi:
    -Trung úy muốn ăn gì?
    Tôi trả lời, không mấy thích thú:
    -Chị có cái gì ngon thì dọn cho tôi đi, đói quá, món gì cũng được.
    -Chúng tôi chỉ có món mắm kho ăn với cơm, trung úy dùng thử.
    Tôi hết hồn, không hiểu đây là món ăn gì, nhưng theo chỗ tôi hiểu thì mắm chắc phải 'thúi' lắm. Tuy nhiên, đói quá, không còn sự lưa chọn nào khác, tôi đành phải nhận lời:
    -Thôi được, chị cứ dọn cho tôi ăn đi.Và tôi đã được ăn một bữa ăn rất ngon miệng, khác hẳn những bữa mà tôi đã được ăn trước đó.
    Ðây là lễ baptême của tôi với các món mắm miền Tây.
    Không phải là văn sĩ như ông Vũ Bằng, để có thể viết nguyên một cuốn sách như ông đã viết
    “Thương nhớ mười hai” khi nhớ về các món ăn Hà Nội, tôi chỉ có thể nói một cách vắn tắt rằng bữa cơm của tôi với món mắm kho ngày hôm đó không ra khỏi trí nhớ của tôi, mãi cho đến ngày hôm nay, ngay cả sau này, khi tôi đã được ăn nhiều món ăn, của đủ các quốc gia, tại các nhà hàng nổi tiếng nhất Montréal, các nhà hàng mà mỗi bữa ăn phải trả hàng mấy trăm đô la, nhờ ở các hãng thuốc tây chứ tôi cũng không dại gì ném tiền qua cửa sổ...

    Bởi vậy cho nên cách đây chừng mấy tuần, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ Việt, bị khiếm thị, thắng giải nhất trong một cuộc thi về ẩm thực nổi tiếng nhất bên Mỹ. Mà cái món ăn giúp cô thắng giải, là món ăn mà chúng ta ăn đã mềm răng.
    Ðừng tưởng rằng người ta trao giải cho cô vì cô bị mất thị giác. Làm gì có chuyện đó khi người chấm thi là một đầu bếp lừng danh quốc tế, và kỳ thi đã được tổ chức một cách rất quy mô, được hàng triệu người theo dõi.
    Chỉ có thể kết luận rằng các người chấm giải năm 2012, cũng đã bị một “coup de foudre” với ẩm thực Miền Nam, như tôi đã từng bị vào năm 1968, với món mắm kho.

    Mà có gì đâu, chỉ là một hỗn hợp thịt ba rọi, nấu với cà dài, xả, nấu trong một nồi mắm đun trên bếp lửa, lấy ra, ăn nóng với các loại rau đồng, và đọt non như đọt bằng lăng, bông súng, bông điên điển, đọt xoài, rau mác, dưa leo, tỏi, ớt, gừng. Tài của người nấu đã đem tới cho cái hỗn hợp đó một món ăn tuyệt diệu, nói không phải là để nịnh ai.
    Cái món ăn đó, ngày nay, tại các nhà hàng, người ta gọi văn vẻ là Mắm và Rau, nhưng với tôi, nó chỉ được gọi là mắm kho, món ăn của người nghèo: “Làm cho lắm, cũng mắm với cà. Làm thấy bà, cũng cà với mắm.” Bởi thế cho nên, ăn mắm phải uống rượu đế.
    Uống bia, uống rượu chát, coi như không phải “dân chơi cầu ba cẳng.”
    Thế nhưng mắm là gì?
    Ðó là những thủy sản ướp muối mặn để có thể giữ được lâu đùng để làm đồ chấm hay chế biến các món ăn. Tùy theo loại thủy sản được dùng mà mắm có tên gọi khác nhau.
    Miền Bắc có mắm tôm, mắm tép. Trung và Nam có mắm nêm, mắm ruốc, mắm ba khía, mắm ruột...
    Phạm vi giới hạn của bài viết này không cho phép tôi nói về tất cả các loại mắm, chỉ xin đơn cử một vài loại mắm thông dụng tại Miền Tây mà thôi.
    Trước hết nói về mắm nêm. Mắm nêm được chế biến từ các con cá cơm. Có 3 loại cá cơm: cá cơm bạc, cá cơm than và cá cơm đỏ, còn gọi là cá cơm huyết.
    Hai loại cá cơm bạc và cá cơm đen không thể làm thành mắm nêm ngon được, chỉ còn con cá cơm huyết là được ưa chuộng mà thôi.
    Cần nhất cá phải tươi, đều con, lớn vừa phải.
    Khi rửa cá để làm mắm, phải rửa bằng nước biển. Các bà nội trợ phải biết lựa cá, trộn mắm, vô thẩu và gài nắp, và chờ cho cá chín. Muối để làm mắm nêm phải tinh sạch, trộn với tỷ lệ mà các bà quyết định tùy theo từng mẻ cá và kinh nghiệm.
    Thời gian chờ cho cá chín cũng đổi thay từ bẩy đến chín ngày.
    Mắm nêm có thể dùng để chấm rau luộc, nếu có ớt đỏ, tỏi, giã thêm vào thì cũng có thể làm thành một bữa ăn ngon miệng cho con nhà nghèo.

    Mắm nêm cũng có thể ăn với thịt heo luộc, thịt heo quay, với dưa giá củ kiệu, chuối chát, khế sắt mỏng, và các loại rau thơm.
    Chế biến các chén mắm nêm này làm thành đồ chấm cho các món ăn tại các nhà hàng nổi tiếng như bò bẩy món Ông Cả Cần ở Montréal hay quán Ánh Hồng thuở trước ở Sài Gòn là cả một bí quyết mà các bà mẹ chỉ truyền cho các cô con gái trong nhà mà thôi.
    Người khác không làm sao bắt chước được.
    Hồi ra Phú Quốc công tác, các bạn Hải Quân ở đây đãi tôi một bữa ăn cá biển, cuốn với bánh tráng và đủ các loại rau, chấm với mắm nêm, ngon “nhức răng.”
    Ở Huế, có món mít non nấu với tôm thịt và mắm nêm, hết sẩy.
    Nếu cứ dài dòng nói về mắm nêm, đến Tết Congo cũng không hết chuyện, nên xin tạm ngưng nói chuyện mắm nêm ở đây, khi nào huỡn, sẽ trở lại với cái, nói theo tụi Việt Cộng “đặc sản” này.

    Bây giờ xin nói về mắm “ba khía.” Tôi ăn lần đầu tiên món mắm này ở tỉnh Cà Mau, nơi tôi bị đưa xuống để gọi là “học tập cải tạo” hồi năm 1976, một năm sau khi vãn tuồng.
    Bữa đó đói và mệt quá, lại sau một năm bị giam giữ tại khám lớn Cần Thơ, thì mắm ba khía ăn với cơm nguội, dưa leo, ớt hiểm và chanh, không thấy ngon sao được. Tôi mua được món này từ một xuồng dân địa phương tạt vào bán cho bọn cải tạo thân tàn ma dại.
    Một kỷ niệm suốt đời không quên. Nhờ ơn bác, nhờ ơn đảng. Ba khía trông gần giống con cua đồng, hai càng đỏ nâu, tám cái ngoe có lấm tấm lông tơ, mai có ba gạch. Vì thế mà người ta gọi nó là con ba khía. Ba khía thường tụ tập gốc các cây mắm.
    Nếu cây mắm đó có trái mầu đen, thì các con ba khía dưới gốc nó thường có gạch mầu son, là loại ba khía ăn rất ngon. Mùa bắt ba khía vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch.
    Cà Mau là quê hương của ba khía. Hàng năm đến mùa, trời đổ mưa, đêm không trăng, ba khía hội, nghĩa là tụ tập từng bầy, từng đàn để kiếm ăn.

    Ba khía nhiều vô số kể, lúc nhúc từng chùm đen kịt bám vào rễ các cây đước, các cành mắm hai bờ rạch không chừa khoảng trống nào. Tháng Bẩy nước chảy Cà Mau. Tháng Mười ba khía hội, kéo nhau đi làm.
    U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm.
    Muỗi kêu kệ muỗi, tao ham ba khía rồi. Ba khía rửa sạch, muối theo tỷ lệ nhất định. Ðộ ba tuần, ba khía ăn được mà vẫn giữ mầu sắc như lúc còn sống.
    Ta có thể ăn mắm ba khía bằng cách tách mai những con ba khía vỏ mỏng, càng đỏ, nặng chắc, yếm dầy. Xé từng ngoe, trộn với nước cốt chanh, tỏi, ớt, đường.
    Gỡ gạch son, ăn nhởn nha, để thưởng thức vị ngọt, ngon của ba khía. Ba khía cũng có thể ăn với cơm nguội, dưa leo, ớt hiểm.
    Ba khía cũng có thể dùng làm gỏi, với đu đủ bào sợi, trộn với rau răm, tỏi, ớt, sả bầm nhuyễn, thêm vào một chút rượu trắng, chút nước chanh, ăn với cơm hay bún đều được.
    Ăn cơm mắm, thấm về lâu. Ai đã qua Cà Mau, sao tránh khỏi không một lần ăn mắm ba khía?
    Không xa Cà Mau bao nhiêu, có tỉnh Trà Vinh.
    Tỉnh này nổi tiếng với món “mắm bò hóc,” tiếng Miên gọi là Brahok. Món mắm này cũng làm từ cá, nhưng phải để cho ươn khoảng 2 ngày trước khi làm.
    Ướp cá ươn với các gia vị, cho vào hũ, khạp khỏng 2 tháng, sau đó trộn thêm thính, đem phơi hũ mắm khoảng 3 tháng nữa mới có thể ăn được.
    Mắm bò hóc có thể ăn với rau, với cơm nguội, đại khái như mắm ba khía.
    Ðiều đặc biệt là món mắm dùng để nấu món “Bún Nước Lèo” Trà Vinh, để phân biệt với “bún nước lèo” Sóc Trăng dùng “mắm sạc.” Hai tỉnh đó là kinh đô của “Bún Nước Lèo.”
    Một hôm ở Montréal, thấy có một quán ăn của người Khmer, tôi tò mò vào ăn thử. Món “mắm bò hóc” hôm đó người ta dọn cho tôi ăn không vô, tanh mắc ói.
    Không biết đầu bếp tài tử, hay vì mình không quen ăn món của dân tộc bạn, hay vì nơi đây, thịt cá ê hề, không giống như khi bị bọn VC bỏ đói như những ngày xa xưa đó.
    Ðến đây, tôi nghĩ rằng chuyện mắm muối tương cà chắc rằng đã khá đủ.
    Tôi muốn kết thúc bài viết này với một câu viết, học được từ khi còn ấu thơ, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Quê hương là chỗ đẹp hơn cả.
    Quê hương không chỉ đẹp vì phong cảnh hùng vĩ, núi cao sông rông. Quê hương không chỉ đẹp vì những giai nhân chim xa, cá lặn.
    Nhiều khi quê hương đối với chúng ta đẹp chỉ vì những sự việc rất tầm thường, một tiếng mẹ ru con, một câu hò trên sông nước, hay một tô bún bò, một nồi mắm kho.

    Tôi ra khỏi Việt Nam đã lâu, nhưng hình như Việt Nam vẫn ở đâu đó trong tâm hồn tôi, nhất là những buổi chiếu cuối năm, thời tiết lạnh cóng, hàn thử biểu xuống đến trừ 30 độ dưới số không, như lúc tôi đang ngồi viết những dòng chữ này. Hẹn bạn, khi nào huỡn, sẽ viết thêm về Miền Tây.

    Trần mộng Lâm

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Replies: 11
    Last Post: 12-06-2012, 01:13 AM
  2. Replies: 1
    Last Post: 29-05-2012, 05:32 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 22-04-2012, 06:10 AM
  4. Replies: 0
    Last Post: 29-01-2011, 12:24 PM
  5. Replies: 3
    Last Post: 16-10-2010, 12:58 AM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •