Page 1 of 9 12345 ... LastLast
Results 1 to 10 of 84

Thread: CÁI GIÁ CUẢ TỰ DO : NHỮNG CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU

  1. #1
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674

    CÁI GIÁ CUẢ TỰ DO : NHỮNG CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU

    CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU



    Nói về cuộc sống ở Mỹ của những người Việt Tỵ Nạn mà không nhắc đến những cuộc hành trình gian nguy của họ để rời nơi cố hương thì quả là một thiếu sót? Riêng với tôi, chuyến vượt biên đẫm máu tôi đã từng trải qua sẽ còn mãi ám ảnh tôi cho đến hết những ngày tháng còn lại của mình.

    Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân xuống tàu để mong rời khỏi quê hương đầy hận thù ! Đó là những ngày cuối năm, sau khi được người thân ở Mỹ gửi về cho ít tiền viện trợ, má tôi đã lo cho tôi đi vượt biên... Người ta dặn má tôi về nói tôi hãy chờ, khi họ cho người xuống kêu là đi ngay. Ngày ngày, tôi vẫn đi rừng đốn cây như thường lệ trong khi chờ đợi những thay đổi quan trọng sắp đến cho mình.

    Đúng như tôi đã lường trước, khi đứa em trai út vào rừng báo cho tôi biết chuyến đi lúc trời đã tối hẳn rồi, đám thợ rừng chúng tôi vừa dựng được cái sàn gỗ mới cưa xong để chuẩn bị làm chỗ ngủ. Tôi vội vàng vừa đi vừa chạy về nhà với đủ thứ âu lo hồi hộp. Sáng sớm hôm sau, tôi đón chuyến xe đò đầu tiên chạy về Saigon, để rồi từ đó đón xe đi Bà Rịa.

    Nhớ lời dặn, để tránh sự theo dõi của du kích và công an, tôi đã thận trọng xuống xe ở cách địa điểm "tập kết" của chuyến đi chừng một cây số để đi bộ đến đó. Đêm đầu tiên tôi ngủ trong nhà bà chị cùng đi trong chuyến vượt biên đó, rồi đêm sau tôi được chuyển tới địa điểm ẩn náu khác mà dân ở đó gọi là "nơi nhốt gà". Phía trước nơi này cũng chỉ là một mái nhà tranh bình thường như mọi ngôi nhà khác, nhưng phía sau có một gian nhà tranh khác được dựng tường kín đáo hơn.

    Đi theo người dẫn đường vào bên trong, tôi thấy đã có hơn 50 người khác đang chờ đợi chuyến đi như tôi. Đến đây, tôi bắt đầu sống giữa những tiếng thì thầm, những lời bàn luận; cùng những hy vọng và âu lo do từ những bàn luận của họ. Ngày hôm sau, tôi có dịp làm quen và chia sẻ những quá khứ điêu linh cùng những kinh nghiệm vượt biên và tù đày của họ.

    Chúng tôi được chủ nhà cho ăn trưa và ăn tối tại chỗ. Ngay sau bữa tối, họ dắt từng tốp đi ra ngõ sau vườn rồi băng qua những đám ruộng hoang cỏ mọc lộn xọn để đến "bãi"! Trời tối đen như mực nên chúng tôi phải đi sát vào nhau cho khỏi bị lạc và để cho đỡ sợ. Không phải chúng tôi sợ bóng tối mà là sợ những bất trắc bị VC phát giác trên đường đi ra bãi.

    Vì là dân rừng, tôi đã giúp nhiều người vượt qua các khe suối, những vũng lầy; và dần dần tôi vượt qua hầu hết đoàn người để nhập vào toán dẫn đầu. Khi người ta đi chậm dần và đứng lại, tôi nhìn thấy đám người vượt biên đến "tập kết" ở bãi đông như cái sân nhà thờ vào ngày lễ chủ nhật, lúc đó tôi có thể thấy lập lờ chiếc tàu vượt biên của chúng tôi đang chập chờn dưới bóng đêm ở ngay con lạch trước mặt.

    Thành tàu khá cao nên nhiều người không tự leo lên nổi; tuy nhiên khi tới phiên tôi, chỉ cần vươn hai tay đu lên thành tàu và búng mạnh hai chân một cái là cả thân hình tôi đã hoàn toàn ở trên boong tàu rồi. Vừa lên tới đó, tôi đã bị người ta lùa ngay xuống hầm tàu.

    Cửa hầm tàu là một lỗ vuông tối om nằm ở phía gần mũi tàu, chỉ vừa một người chui xuống. Đúng ra đó chỉ là cái ham đựng cá. Bên ngoài dù trời tối nhưng tôi còn có thể nhìn thấy những người gần mình; trái lại sau khi bị dồn xuống hầm cá, hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, ngoại trừ cái ô vuông ở miệng hầm. Tôi không thể biết cái hình dáng hay kích thước phía trong của nó như thế nào, mà chỉ cảm giác được chỗ ngồi bằng 2 tay của mình thôi! Họ lùa người xuống sau dồn người xuống trước tiến sâu hơn nữa vào phía cuối hầm tàu, vừa đi vừa mò mẫm. Tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ, lỡ tàu chìm thì làm sao mình thoát ra ngoài được đây? Vì thế tôi chùn bước không dám tiến sâu vào hướng tối đó, mà nép người sang một bên ở gần ô vuông cửa hầm, nhường chỗ cho những người xuống sau theo nhau mà bước sâu vào phía trong. Không nhìn thấy gì nữa; nhưng qua cảm giác với những tiếng nói và tiếng động sột soạt, tôi biết là người ta đang lũ lượt nhảy xuống! Những âm thanh đó kéo dài chừng gần một tiếng, có lẽ mọi người đã được dồn hết vào "chiếc quan tài" trôi nổi đó rồi thì có giọng ra lệnh cho tàu nổ máy chạy. Khi tàu vừa chạy, lại có giọng nói lớn "bây giờ anh em nào công giáo, mình đọc kinh đi"; và tàu vẫn cứ đều đều chạy.

    Tiếng kinh râm ran hòa nhịp với tiếng máy tàu làm tâm hồn tôi cảm thấy yên ổn hơn một chút. Nhưng chợt có giọng nói khác trên tàu ra lệnh "Tất cả im lặng. Gần đến trạm công an!" 1 Tiếng máy lúc đó cũng trở lên nhẹ nhàng hơn, làm như nó đang thận trọng trước những hiểm nguy đang rình chờ...

    Còn tiếp...
    Last edited by Tigon; 12-11-2011 at 07:41 AM.

  2. #2
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Có tiếng trẻ thơ khóc trong tàu làm mọi người lo lắng; một vài tiếng người thì thầm phản đối. Có tiếng nói "bóp mũi nó lại không cho nó khóc nữa!" Rồi bỗng có tiếng ra lệnh "cho máy dzọt lẹ lên, chạy hết ga đi!"

    Trong khoảnh khắc sau đó, tôi nghe tiếng súng nổ; thế là rồi. Tôi phải ngồi nghiến răng, ghì mạnh hai tay vào ván tàu đã nghe tiếng súng! Tàu đang chạy hết tốc lực, có lúc tiếng súng xa dần để nhường chỗ cho những hy vọng trở lại... Tiếng súng nghe xa, nhưng vẫn tiếp tục nổ. Căng thẳng! Chúng tôi đặt hy vọng vào người tài công đang điều khiển chiếc tàu, và dồn những hy vọng khác vào động cơ tàu để mong đẩy chiếc tàu vọt nhanh hơn cho mau thoát khỏi chốn nguy nan!

    Những giây phút căng thẳng này là những khoảnh khắc tranh chấp giữa sống và chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa may mắn và ngục tù; giữa đấu tranh chịu đựng và những chọn lựa ! Đây chính là giai đoạn khó nhất mà chúng tôi phải trải qua để tìm được tự do Hàng trăm người trên tàu, nhưng không ai dám nói chuyện và cựa quậy; mọi người đều tập trung một ý nghĩ mong sao chiếc tàu lướt nhanh hơn và êm hơn để thắng lươt những giờ phút nguy kịch đó !

    Đột nhiên, có những tiếng súng nổ chát chúa gần bên tàu. Tôi cảm thấy chiếc tàu bẻ cua sang tay trái và chạy sượt vào mé bờ. Có nhiều tiếng kêu trời ơi cứu tôi! Chiếc tàu chỉ lệch sang một bên nhưng chưa chìm, nó gượng lại thăng bằng và tiếp tục chạy giữa tiếng súng nổ liên hồi. Trong bóng tối, tôi nghiến răng ghì mạnh tay vào ván tàu để nỗi lo sợ của mình không buột ra khỏi miệng, như một số người khác. Có tiếng nói trong tàu bảo tài công ngừng lại, nhưng có tiếng nói khác ra lệnh cứ tiếp tục chạy.

    Đạn đã bắn xuyên nhiều vào trong tàu, nhiều tiếng rên la bên trong nhưng lúc đó tôi chỉ chú ý lắng nghe tiếng đạn bay xeo xéo sượt vào thành tàu! Rồi tôi nghe tiếng chiếc tàu khác gạt vào mũi tàu tôi làm nó bị lệch hướng đâm xập vào bờ! Con tàu chênh vênh một lần nữa tưởng như muốn bị lật úp; Nhiều người giành nhau chui ra cái lỗ ô vuông cửa hầm tàu ngay phía gần đầu tôi. Có khi hai ba người giành nhau chui ra một lúc làm cho những người muốn thoát ra mất thì giờ hơn. Nhìn qua ô vuông đó, tôi thấy những ánh đèn pha sáng chói bên ngoài.

    Tôi không giành chui ra với họ là vì còn nuối tiếc chiếc tàu. Đến khi trống trải không còn ai dám chui ra nữa thì tôi lại lo sợ, tại sao mình lại ngồi trong đó để cho tàu chìm mà chờ chết ; và tôi liền quyết định chui lên!

    Vừa chui lên, tôi đã bị chói mất bởi ánh đèn pha từ phía chiếc tàu VC; Sau này vào tù thì tôi mới biết được rằng đó chính là chiếc tàu của những người tù chung với tôi, họ bị bắt trong chuyến vượt biên trước chúng tôi. Công an VC đứng dàn hàng ngang trên boong tàu đó, họ đang nhắm bắn từng người đang bơi dưới con lạch nhỏ như những thợ săn nhắm bắn những chiếc gáo dừa đang trôi lềnh bềnh dưới nước!

    Vừa chui từ dưới hầm cá lên khỏi cái lỗ ô vuông, tôi giơ hai tay lên đầu hàng. Một tên công an nó hỏi tôi hai, ba câu; sau đó chúng chú ý nhắm bắn những "chiếc gáo dừa" kia, nên đột nhiên tôi quyết định nhảy trở lại xuống hầm tàu! Sáng hôm sau, ngay chỗ cửa hầm tàu là xác chết của một đứa cháu họ của tôi, nó bị bắn bể thái dương và rớt trở lại xuống dưới!

    Sau khi hoàn toàn làm chủ tình hình, không còn ai dám nhảy xuống nước bỏ trốn nữa, công an VC vẫn để những đèn pha chỉa vào chung quanh chiếc tàu và cho phép một số chúng tôi leo lên boong nằm đợi lệnh. Nằm trên boong và dưới ánh neon pha, tôi nhìn thấy xác chết của người thợ máy chiếc tàu chúng tôi nổi lềnh bềnh cạnh đó. Suốt đêm, lẫn trong tiếng vi vu của gió biển là những tiếng rên la não nề của những người bị thương nằm dưới hầm tàu.

    Đến sáng thì những người ba con của tôi đi kiểm điểm người thân trên tàu, thấy mất một số, có thể họ đã nhảy xuống nước bơi và trốn được rồi. Nhưng lại có người không biết bơi mà tìm mãi vẫn không thấy họ; Có người cho biết ở cái sàn phía sau máy tàu có ba, bốn người bị bắn chết nằm chồng lên nhau. Tôi vội vã ra đó kiểm chứng kỹ xem có người thân nào của tôi không.

    Lần này tôi mới chú ý nhìn mặt những xác chết, ....đúng rồi, nó chết rồi! Nó bị bắn vỡ một góc đầu ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, dựa lên xác của một thanh niên khác cũng bị trúng đạn ngay tai.

    Còn một xác chết nữa ngay cạnh đó bị bắn trong tư thế quỳ chổng mông lên trời trông như một trái núi, đầu cúi khom xuống sát sàn gỗ, có lẽ để núp đạn; nhưng tôi cũng thấy một đường máu khô trên sàn tàu chảy ra từ phía đầu của nạn nhân.

    Cả ba xác đó đều mở trợn trừng mắt... nhìn tôi? Thế là đã có hai người thân của tôi chết trong chuyến đi này! Còn hai xác khác bên trong tàu là một ông già bị đạn bắn nát ngực, và xác đứa bé khóc lúc tàu chạy gần trạm công an. Không biết nó bị người ta xô lấn hay bị bóp mũi cho chết lúc nó đang khóc!

    Còn tiếp...

  3. #3
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Mãi tới chừng 10 giờ sáng hôm sau, công an mới đem một chiếc tàu khác đến chở những người bị thương đi. Có người trong tàu đứng ra quyên tiền và vàng để đút cho công an. Sau khi mang số vàng bạc sang nộp cho công an, mọi người đều hy vọng chờ đợi; nhưng chờ hoài cũng chẳng có gì.

    Mãi tới lúc chiều tối, có chiếc tàu công an khác chạy tới, bọn chúng lùa tất cả mọi người lên tàu này chở vào nhà tù. Một số người là thân nhân của những nạn nhân bị chết, bọn công an "cho" ở lại để dọn xác những người chết xuống bãi, người ta hy vọng sẽ được thả .

    Tôi ở trong nhóm khoảng 10 thanh niên được ở lại đó, đến chiều gần tối mới có một tên công an cấp lớn hơn đến giải quyết với chúng tôi. Đầu tiên hắn hăm dọa chúng tôi, dí họng súng K54 vào đầu từng người để khám xét. Ông chú họ của tôi bị hắn hăm dọa dữ quá đã phải chắp tay lạy hắn! Sau đó hắn ra lệnh chúng tôi phải khiêng các xác người chết trên tàu xuống.

    Hắn ra lệnh và bắt chúng tôi phải làm thật nhanh. Tôi rất sợ xác chết và sợ máu nên đi sau cùng và phải đứng dưới nước để đỡ những xác chết được chuyền xuống. Lúc này chiếc tàu không còn người nữa nên nó nổi rất cao, tôi phải giơ thẳng hai tay lên mới đỡ tới những xác chết chuyền trên boong xuống. Thấy tôi nhút nhát, tên công an VC để ngón tay trỏ vào cò súng và dí mạnh họng súng K54 vào gáy tôi bắt phải làm việc cho nhanh.

    Khi những xác chết được lần lượt chuyền xuống, máu và óc của những nạn nhân đó đã chảy đầy xuống đầu, mặt và toàn thân tôi. Lúc đó tôi quên cả cảm giác với máu và óc vì cái cảm giác lạnh và cứng của họng súng K54 sau gáy nó chi phối hết nỗi sợ hãi của mình, không may tên VC đó lỡ tay thì trong khoảnh khắc cái mạng của tôi cũng sẽ tương tự như các nạn nhân kia thôi!

    Sau khi làm xong việc chuyển xác, tên công an bắt chúng tôi rửa sạch những vết máu trên tàu. Rồi hắn đưa chúng tôi lên tàu nhỏ của hắn cho đồng bọn chở về bãi Lam Sơn ở gần Bà Rịa. Vì tên công an VC này sợ chúng tôi chạy trốn nên đã bắt chúng tôi di chuyển bằng cách bò từ đó qua xóm nhà dân, qua chợ Lam Sơn ra tới đường lộ. Hắn dồn chúng tôi lên một xe lam chở về nhập chung với nhóm người bị giải đi trước tại trạm Gò Dầu.

    Từ đây, sau khi VC lột hết vàng bạc của mọi người, chúng dùng xe công an chở thẳng chúng tôi vào trại giam B5 ở Biên Hòa.

    Giữa đêm hàng trăm người chúng tôi đã bị nhét chung vào một chiếc phòng chỉ bằng phòng ngủ master room của một gia đình ở Mỹ. Tôi đã phải ngồi khít giữa khối người chen chúc và ngủ thiếp đi vì mệt mỏi và tuyệt vọng.

    Sáng hôm sau tới giờ làm việc bọn công an VC lại bắt đầu một màn điều tra, khám xét nữa. Chúng hỏi cung, làm hồ sơ lý lịch, rồi từng người chúng tôi phải cởi hết quần áo đưa cho chúng khám xét. Rồi lần lượt mỗi người phải đi ngang chiếc bàn và hả miệng ra cho tên công an VC kiểm kê mấy chiếc răng vàng hoặc “khâu” vàng nào giấu trong miệng?

    Phòng bên cạnh là một công an khác chuyên "điều trị" lỗ đít. Từng người phải đến đó, chổng đít lên gần mặt nó và banh lớn lỗ đít ra cho nó kiếm vàng bên trong chỗ đó!

    Sau đủ thứ thủ tục kỳ dị ấy, mọi đồ đạc đều bị cướp hết. Mọi người được đưa vào một khu vực có tường dầy cao và hàng rào kẽm gai phía trên, cùng những chòi canh trên cao ở bốn góc. Vào trong khu này tôi nghe thấy tiếng rì rào như những đàn ong đang bay. Đến khi được đưa lại gần các căn phòng phát ra những âm thanh đó thì mới biết đó là nơi cư trú mới của tôi. Từng phòng nhìn vào tối om, có cánh cửa sắt và hàng chấn song sắt lớn. Nhìn mãi tôi mới nhận ra một số người ở trần, mặc xà lỏn và đầu trọc lóc đang đứng gần song sắt nhìn chúng tôi, trông họ ốm nhom như lũ khỉ.

    Khoảng 5 phút sau, tên quản giáo đến mở khóa đưa chúng tôi vào nơi cư trú mới, nhập bọn với "lũ khỉ" bên trong!

    Vì quá tối nên phải đứng chớp mắt một lúc tôi mới nhìn rõ hết được căn phòng. Cả một xã hội mới, chẳng bao lâu chính tôi cũng trở nên y hệt "lũ khỉ" đó; nhưng sau một thời gian tôi cảm thấy cái xã hội trong đó còn có tình nghĩa hơn xã hội bên ngoài ma tôi đã sống!

    Còn tiếp...

  4. #4
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674

    Nhiều năm đã qua. Sau cùng, tôi cũng đã tới được xứ sở tự do, nhưng mãi mãi, chuyến vượt biên đẫm máu ấy còn ám ảnh tôi.

    Như đã nói, nhiều vị có nói là phải quên quá khứ. Riêng tôi, quá khứ của tôi tuy không đẹp nhưng tôi không có gì mặc cảm với những gì tôi đã kinh qua.

    Nó là những bài học quý giá cho chính tôi về con người và nhất là về xã hội nơi cố hương tôi đã từng sống.

    Quá khứ đó cũng là những kinh nghiệm xương máu, mồ hôi và nước mắt; và bằng chính mạng sống của những nạn nhân đã cùng cảnh ngộ như chúng tôi khi còn ở đó.

    Những hy sinh của họ đã xúc động lương tâm thế giới để chúng ta được cơ hội đến đây tỵ nạn và xây dựng cuộc sống mới hôm nay... Cuộc sống của chúng ta hôm nay, há chẳng phải được xây dựng trên nền tảng quá khứ thương đau đó sao?



    MAI PHÚC

    http://saigontimesusa.com/bai/thuyen...endammau.shtml

  5. #5
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674

    CÁI GIÁ CUẢ TỰ DO : Còn nhớ hay quên ?

    ( Nếu bạn đã quên , loạt bài này sẽ nhắc bạn nhớ )



    Sáng sớm, trời vẫn còn mưa nặng hột. Suốt một đêm dài qua, Ti thức tỉnh mấy lần trong hôn mê và bàng hoàng.

    Niềm kinh sợ như vẫn còn lẩn quẩn đâu đây, gần lắm, thật gần gũi như bao người đang nằm lăn lóc chung quanh sàn tàu. Tiếng máy tàu vẫn đang nổ rồn rã chen lẫn tiếng gào thét ầm ĩ của đại dương chợt làm Ti ấm áp hơn trong lòng.

    Nhưng dù sao đi nữa, Ti vẫn không chịu được cái lạnh cắt xé da thịt đang luôn phiên tấn công từng đợt nơi làn da sần sùi trắng mốc vì nước biển bao phủ của Ti.

    Mưa lớn quá! Chiếc áo trên người Ti đã ướt đẫm liên tục bởi nước sông, nước biển và rồi nước mưa đang nhăn nhúm bao phủ cơ thể. Lạnh quá! Ti cởi phăng áo ra, hy vọng cơn lạnh giá phần nào sẽ buông tha?

    Trên tàu, bầu không khí nặng nề vẫn còn đang giăng mắc. Phần lớn mọi người đều nằm ngang dọc, xen kẽ, chồng chất bên nhau. Dăm ba người có vẻ tỉnh táo hơn đang ngồi dựa lưng vào thành tàu thật yên lặng như đang mông lung suy nghĩ một điều gì đó.

    Ti vươn người lên nhìn ra đại dương bao la. Vẫn chưa có gì khác lạ ngoài trời nước mênh mông. Dăm ba con cá lạ hoắc đang búng nhảy, nhào lộn sát sạt thành tàu.

    Một con vật có hình dáng giống hệt một con rùa, vàng chóe, to gần bằng một cái mâm ăn cơm chợt trồi lên rồi lặn xuống, biến mất trên làn nước xanh đặc.

    Trời mưa suốt đêm qua cộng thêm sương mù bao phủ khá dày khiến tầm nhìn xa đã bị hạn chế rất nhiều. Mưa vẫn còn nặng hạt.

    Bỗng dưng, Ti ngồi xuống, quay mặt vào thành tàu ói ra đầy nước vàng. Miệng Ti đắng nghét. Dựa lưng vào thành tàu, Ti nhìn em mình, cu Bi, đang nằm lăn lóc gần đó, quần áo dơ dáy, mặt mũi hốc hác và xám xịt.

    Tàu Ti đã đi được hơn hai ngày rồi. Từ cửa Rạch Sỏi, tàu vượt qua trạm kiểm soát nơi cửa biển trong im lặng, hồi hộp và đầy lo lắng.

    Mới chạy thêm được khoảng nữa tiếng, tàu đâm xéo ngay vào cồn cát: một thứ trở ngại ngang xương, bất ngờ và chết người mà chỉ có dân hành nghề quen thuộc ở địa phương này lâu năm mới biết. Rõ khỉ!

    Từ xa xa, ngọn đèn hải đăng buông ra những luồng sáng lạnh lùng, lấp lánh. Cực chẳng đã, mọi thanh niên trên tàu đều phải nhảy xuống nước đẩy. Mười lăm phút cực nhọc dần trôi qua, tài công xả hết ga phóng chạy về hướng Nam.

    Riêng đoạn đường tiến ra hải phận lại càng gay go hơn nữa. Khoảng xế trưa hôm thứ nhất, tàu Ti bị hai chiếc quốc doanh rượt đuổi.

    Chẳng hiểu cớ sự ra sao, cùng một lúc, hai chấm đen chợt xuất hiện mỗi lúc càng rõ nét ngay đằng sau của tàu. Có lẽ số của sáu mươi mấy người trên tàu chưa sa vào cung tù tội cho nên khi tài công bẻ chếch sang hướng khác, tự dưng hai chấm đen biến mất sau đó khoảng nữa tiếng đồng hồ.

    Đêm đầu tiên của cuộc hải trình đã tới, mặc dù trời tối om và tàu Ti lại không có một chút ánh sáng nào, một đốm đèn sáng lòe bỗng dưng xuất hiện ngay phía phải đằng trước của mũi tàu. Đốm sáng to dần, to dần.

    Chẳng hiểu rõ là tại tàu Ti vô tình đi lạc vào hướng tiến tới của đốm sáng đó, hay là thằng lái tàu quốc doanh nghe được tiếng máy lạ chung quanh, khi tài công của bọn Ti hạ bớt tiếng nổ của máy, khoảng mười lăm phút sau, đốm sáng kia mờ dần, rồi mất hẳn.

    Ngày thứ hai đã trôi qua, và ngày thứ ba đã tới, tàu đang tiến ngang qua vịnh Thái Lan trong mưa bão.

    Mưa đã bớt hơn. Vài giọt mưa lất phất bay bay đọng lại trên đầu trên cổ của Ti không đủ để làm Ti ướt thêm được nữa, nhưng cái lạnh thì vẫn còn y nguyên như cũ. Có tiếng cu Bi đòi nước uống. Ti cúi người xuống nâng đầu cu Bi dậy.

    - Cu Bi mệt quá hả? Ngồi dậy đi anh lấy nước cho.

    Mặc cho Ti nói gì thì nói, cu Bi vẫn nằm dài ra như hết hơi, môi thì thào:

    - Em mệt lắm anh Ti ơi!

    Ti ngồi hẳn xuống, bế đầu cu Bi đặt trong lòng mình, một tay mò tìm lon nước để trong giỏ.

    - Cu Bi ngồi dậy đi. Cu Bi nằm hoài đau nặng cho coi. Dậy đi rồi anh cho nước uống.

    Nghe anh nói, cu Bi cố gắng chống hai tay ngồi dậy. Nhưng tất cả sức lực trong mảnh hình hài lên mười bốn đó đã tan hết theo ba ngày cực khổ nổi trôi trên biển. Cu Bi lại buông người nằm nguyên vị trí cũ.

    - Cu mệt lắm anh Ti ơi!

    Còn tiếp ...
    Last edited by Tigon; 11-11-2011 at 01:27 AM.

  6. #6
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674

    Ti xót xa thật nhiều trong lòng khi nghe cu Bi thều thào mấp máy đôi môi nhắc lại câu nói cũ.

    - Vậy thôi cu Bi nằm yên đi, anh đổ nước cho cu Bi uống.

    Tự dưng Ti giận mình thật nhiều. Khi rời nhà, má đã trao Ti hai gói xách tay, gói đầy đủ thực phẩm khô và nước uống.

    Khi xuống tới bãi, Ti nhào theo đám đông ùa lên tàu lớn. Một tay bế cu Bi lên vai, tay còn lại nắm cả hai xách tay. Sau khi xô đẩy, chen lấn một hồi, Ti khám phá ra bàn tay còn lại chỉ còn nắm được một xách tay nhỏ, cái xách tay lớn kia văng đâu mất tiêu rồi.

    Chỉ mới ngày đầu tiên trên biển, dù Ti đã cố gắng tằn tiện, thực phẩm khô cũng chỉ còn lại chút xíu. Ngày thứ hai Ti nhịn ăn, để phần còn lại nhỏ nhoi đó cho cu Bi. Sang ngày thứ ba. Cả hai anh em cùng nhịn như nhau.

    Cu Bi uống xong hớp nước, mắt lại nhắm chặt lại. Cái đầu nho nhỏ vẫn để y nguyên trong lòng của Ti.

    Ti lại nhìn quanh nơi những khuôn mặt bơ phờ, ngơ ngác, đượm nhiều nét đâm chiêu, xanh xám và mệt nhọc. Sang ngày thứ ba rồi, những nét mệt mỏi lại càng thêm dịp đong đầy. Tất cả vẫn im lặng nhìn nhau.

    Chẳng còn ai lăng xăng chuyện trò như ngày thứ nhất. Mất tiêu luôn cả những điệu bộ hồi hộp, lo ngại khi bị rượt đuổi trong vùng biển của Việt Nam. Ngay cả những tên nhô con khóc nheo nhéo tại bãi đổ quân cũng đã im bặt.

    Mọi hoạt động chỉ còn rơi rớt trên cabine: nơi tài công và vài người thân cận ngồi chăm sóc cổ máy. Ti lại nhìn xuống mặt cu Bi. Ti chợt khám phá ngay cạnh đó nằm bề bệt, im lìm một người thanh niên.

    - anh chàng này Ti đã thấy mặt tại một căn phòng ở khách sạn Long Xuyên. Từ lúc khởi hành cho tới giờ phút này, Ti nhìn thấy hắn ngồi dậy vài lần chỉ để xin nước uống; xong xuôi đâu đó, hắn lại dài người ra trong im lặng. Cặp mắt lười biếng vẫn cứ nhắm thật chặt. Khuôn mặt của hắn đã đổi hẳn từ xanh xám sang màu vàng bệnh hoạn từ lúc nào không hay.

    Ti hơi rùng mình khi nhớ tới những xác chết vàng nhạt nằm ngang ngửa vắt lên người Ti mới ngày nào trong một chuyến đi lần trước. Đúng rồi! Cũng cái màu vàng héo hắt này.

    Ti giật giật tay anh chàng vài cái. Hắn từ từ mở hé cặp mắt nhưng vẫn im lặng, lười biếng đến độ chẳng thèm thắc mắc cái hành động bất thường vừa rồi của Ti.

    - Có hai tàu lớn đang đuổi mình kìa !

    Còn tiếp...

  7. #7
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Trong bầu không khí im lặng hoàn toàn của cả tàu, tiếng thét lớn của ai đó đang vang vang.

    Mọi người dù đang nằm dã dượi hay ngồi dựa ngang ngửa vào thành tàu đều đứng dậy nhìn ra xa xa theo hướng tay chỉ của tài công trên cabine. Ti cũng có mặt trong đám đông đó. Mặc dù đã mệt mỏi lắm rồi, Ti vẫn cố gắng đứng dậy.

    Trong cặp mắt lờ đờ, Ti cũng nhận ra được về phía tay phải của tàu, đang có một chấm đen. Chênh chếch về hướng phải, có thêm một chấm đen khác cùng một hình dạng và độ xa như chấm đen trước. Cả hai chấm đen đó càng lúc càng to dần.

    - Chết cha ! Tàu Thái Lan.

    - Sao anh biết tàu Thái Lan. Xa tít thế kia thì đố ai biết nó là tàu gì !

    Có hai người đang tranh cãi nhau về xuất xứ của hai chấm đen. Ti ngước nhìn, chờ đợi câu trả lời của người thanh niên vừa bị một ông trung niên vặn hỏi.

    - Ông sao mà nhiều chuyện quá. Thì tôi cũng đoán vậy thôi. Tôi đã thấy hình dạng thằng Thái Lan đen trắng ra sao đâu, nói chi tới tàu bè của tụi nó. Nhưng tàu mình đang ở trong vịnh Thái Lan thì làm gì còn tàu quốc doanh nào dám lai vãng nơi đây. Còn tàu vớt hả? Tôi chưa bao giờ nghe vụ đó xảy ra trong vùng này hết. Mấy chuyện đó hay xảy ra mạn cửa biển Vũng Tàu lận. Mà làm gì xuất hiện hai chiếc cùng lúc thế kia !


    Nghe ý kiến chừng hơi hợp lý, một vài cô gái dần dần lộ vẻ lo sợ ra mặt. Vài người ru rú lại với nhau nơi góc có thùng phi nước, chuyền tay những vốc dầu nhớt chẳng biết đã được thủ sẵn từ bao giờ. họ trét vào mặt, vào tay, vào chân, ngực, cổ, đủ hết. Vài cô, hình như đi độc thân, bắt đầu loang lổ nước mắt ngắn dài thật dễ dàng và nhanh chóng.

    Khi những người kịch sĩ bất đắc dĩ đã trang điểm xong xuôi thì cũng là lúc hai chiếc tàu Thái lan được nhận diện rõ nét. Trong cơn tháo chạy, tàu Ti bất kể sóng biển vẫn đang dâng cao trước mặt như những ngọn núi nhỏ nhấp nhô, phóng tới ào ào.

    Vì là ghe sông, không có mũi nhọn chém sóng như loại chuyên đi biển, tàu bị sóng đập thật dồn dập. Nước biển văn tung tóe lên ướt cả một lòng khoang chật hẹp. Giữa những đợt sóng, dâng cao quá đầu mũi, tàu vẫn xả hết tốc lực chạy trốn.

    Ầm ... ầm ... tàu chúi lên hụp xuống theo nhịp loạn cuồng của sóng biển. Đại dương và trời đất bao la hình như cũng không được hài lòng cho lắm hành động chạy trốn cuống cuồng của đám người; mưa gió chợt ào ào nỗi lên thật bất ngờ cùng một nhịp vươn cao lên hơn nữa thật điên loạn của sóng biển.

    Một vùng biển bao la chỉ trong phút chốc đã được bao phủ thật nặng nề những làn mây xám đen nghịt, sấm chớp giăng giăng khắp bốn hướng. Gió ào ào nổi lên quay cuồng, nhào lộn chung quanh con tàu nhỏ bé. Chưa chưa hết! Một ngọn sóng hùng vĩ cao lớn từ xa xa đang vươn mình lao tới.

    - Bẻ xiên góc trái.

    Còn tiếp...

  8. #8
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Tiếng hét rùng rợn nổi lên như muốn thêm nhịp điệu tang thương phụ họa.

    - Tát nước, bà con ơi !

    - Tát nước, bà con ơi !

    Ngọn sóng quỷ ma đó đã chụp gọn phần dưới của con tàu khốn khổ. Nước ngập tràn nơi nơi. Tiếng hét tát nước của ai đó vẫn liên tiếp nổi lên. Lạy Chúa ! Trận hồng thủy kinh khủng xa xưa trong kinh thánh với cường độ phá hủy chắc cũng chỉ cỡ này hoặc hơn một chút mà thôi. Nhanh tay lên bà con ơi ! Chậm một chút nữa là chết chắc, chết hết ! Tát nước, bà con ơi! Tiếng la hét, tiếng chửi rủa tiếng khóc lóc hòa hợp với cơn giận của trời nước cũng không làm cho con tàu đang bị săn đuổi nao núng.

    Tàu vẫn chạy, chạy như bay, chạy như phóng. Hình như mặt nước không còn được dịp tiếp xúc với đáy gỗ của tàu nữa rồi. Thoang thoảng tiếng rạn nứt của con tàu chợt xuất hiện, rên rỉ to nhỏ đâu đây.

    Giông bão càng to, hai tàu lạ càng lúc càng lúc càng xuất hiện rõ ràng hơn qua tầm nhìn mù mờ của mọi người trên tàu. Khoảng cách dần dần thâu ngắn lại.

    Ti chán nản, quăng can dầu không đã được xử dụng để hòa nhịp tát nước xuống sàn tàu.

    Kể cũng lạ, mọi người đang bề bệt như thế kia, tưởng có ruồi xuất hiện bâu má cũng không thèm đuổi. Thế mà khi tiếng hét tát nước nổi lên sau đợt chụp phủ đầu của một lượn sóng to bằng căn nhà lầu, ai nấy đều đứng dậy tát nước, tát như điên, tát hùng hục. Chẳng còn ai tị nạnh đau, yếu, mệt, xỉu; cũng chẳng có ai kêu ca trai, gái, bà già, lão ông. Tất cả với những phương tiện có sẵn trong tầm tay đều lănxả vào một động tác : tát, tát và tát nước.

    Ti buông tia nhìn mệt mỏi về phía hai chiếc tàu lạ. Khoảng cách giữa hai đối thủ không cân bằng sức lực đang dần thâu ngắn lại. Nhưng tài công của tàu Ti vẫn đang cố gắng vùng vẫy trong tuyệt vọng.

    Ti để rơi tia nhìn của mình vào góc tàu: nơi có những người đàn bà, con gái đang cuống cuồng bôi thêm dầu, trét thêm mỡ vào những vị trí đã bị nước mưa, nước biển phụ nhau tẩy trần loang lổ.

    Khoảng mười giờ hơn, khi mặt trời dần tung tăng vén mây đen xuất hiện xê xế đỉnh đầu. Khi những tia nắng sáng óng ánh, lung linh bắt đầu xiên xiên chiếu tung xuống đại dương bao la, lấp lánh ánh bạc, sưởi ấm và hong khô cho những người đã gần chết rét vì lạnh, chết sình thối vì gần chìm tàu, thì cũng là lúc hai chiếc tàu Thái đã cận sát lắm rồi.

    Đứng đông nghẹt và lố nhố trên hai tàu, bọn người da đen đen, tóc quăn xoắn tít đó chỉ trỏ đám người trên tàu Ti. Một vài thằng hét to, cái thứ âm thanh nghe riu ríu y như là chim kêu.

    Hai ba thằng khác nhảy cỡn lên như mừng rỡ, một thằng giơ ra cái thau, chắc có cơm, về phía đám người bị săn đuổi. Hình như ông tài công của tụi Ti có máu liều, thay vì thuyên giảm hoặc dừng lại hẳn, ông ta vẫn giữ nguyên vận tốc của con tàu.

    Đám người xa lạ kia cũng đã đoán được ý định của cái lũ thân lừa ưa nặng này, cả hai chiếc tàu cồng kềnh cùng tăng thêm tốc độ, chạy lướt song song qua mặt tàu tỵ nạn. Cả hai chiếc chợt dừng lại ngay trước mặt của chiếc tàu nhỏ bé.

    Thôi, đành đầu hàng vậy !

    Còn tiếp...

  9. #9
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Tàu Ti tắt máy ngay lập tức trong tiếng khóc dấm dứt của vài người nào đó. Vài tiếng đọc kinh cùng phụ họa theo. Có thêm những tiếng lao sao trong cabine.

    - Nhảy xuống dưới tụi bay. Mình cứ ngồi lì đây. Lát nữa chúng nó lên, chúng đánh dập mặt.

    - Nhảy xuống.

    Hai ba người trên cabine nhảy xuống; họ ngồi lẫn lộn trong khoang tàu với đám đàn bà con nít đang nín khe. Im lặng hoàn toàn trong giờ phút này. Không, vẫn có tiếng thút thít của một vài cô gái nào đó. Ti xốc cu Bi ngồi sát vào lòng. Tiếng cu Bi chợt khẽ thì thào:

    -Cái gì vậy anh Ti ?

    -Cướp !

    Y như trong cine: dây thừng từ trên tàu cướp được quăng ngay cột neo của tàu Ti thật chính xác.

    Một chiếc từ từ cặp sát lại. Những Tấm thân trùng trục, bóng lộn ào ào nhảy qua. Hai ba thằng tóc quăn, nước da cháy đen vừa nắm dây thừng vừa bay qua tàu Ti với những tiếng hét hò và âm thanh của một con ác điểu, tay đứa nào cũng cầm Cả trời và Ti cũng như mọi người chung quanh đều đã hiểu rõ lá gan của anh chàng này.

    Sau cái hất tung của thằng cướp, mái tóc dài óng ngang vai đã rơi rụng tung tóe. Một cô gái hiện nguyên hình với nước da trắng xanh và cặp mắt thất thần.


    Theo phản xạ tự nhiên, cô gái giơ hai bàn tay lên, ôm chặt lấy mặt mình, khóc thút thít. Trong khi đó, cái thằng người xứ Thái - một nước nổi tiếng của châu Á với những mái chùa cong vút xuất hiện lền khênh khắp quốc gia - vẫn còn đang đứng cười, cười to, cười hô hố, và sau cùng nó hét lên. Những động tác đó đã "mồi chài", lôi kéo thêm được sự chú ý của cả chục thằng người Thái khác. Một thằng, rồi hai thằng, bốn đứa, sau cùng là cả chục. Đứa nắm áo, đứa lôi chân, đứa xô đẩy. Cô gái kia khóc lóc và kêu la ầm ĩ, cuối cùng cô ta chửi.

    - Trời ơi ! Buông tao ra ! Đồ khốn nạn ! Buông tao ra !

    Mặc cho la hét, dãy dụa, chửi bới, những thằng cướp vẫn đưa cô gái lên cabine.

    Đám thanh niên nhìn nhau, ái ngại. Cái nhìn chịu đựng, chịu thua trước hoàn cảnh khá trớ trêu mà đứa nào cũng từng nghe nói trước khi chân được đặt lên con thuyền.

    Một rừng dao búa vẫn vây chung quanh. Một con dao dài, nhọn hoắc và sáng choang. Có đứa thủ cây búa nặng chình chịch, nhịp nhịp lắc lư. Vài thằng khác cầm mỏ lết loại lớn. Tiếng la, tiếng hét vang vang một góc trời.

    Ti nhìn theo một thằng với vẻ dữ dằn nhất bọn, tóc tai quăn xoắn xít dài tới cặp vú to lệ khệ trước ngực. Nó cầm một con dao dài khoảng nữa thước, đạp lên người này dẫm lên người khác. Luôn tay, nó gõ con dao dài khủng khiếp đó xuống be sườn sắt của tàu nghe chát chúa.

    Còn tiếp...

  10. #10
    Member Tigon's Avatar
    Join Date
    13-08-2010
    Posts
    22,674
    Hai miếng phên che nắng mưa cũng đã được hất tung xuống biển để lộ ra hoàn toàn tấm thân trần trụi của toàn thể con tàu tỵ nạn khốn khổ. Lại thêm nhiều tiếng la hét vang lên xen lẫn với tiếng hú mừng vui của loài chó sói săn mồi tru về đêm khi những tấm thân đầy dầu mỡ của các cô gái đã bị phơi bày dưới ánh nắng lung linh. Một vài cô gái đang thi nhau tế sống tụi quỷ biển luôn tay. Trong khi đó, từ chiếc tàu còn lại, bọn cướp vẫn liên tục phóng xuống ào ào chiếc ghe nhỏ bé.

    Lâu lâu tàu Ti bị sóng biển dâng lên đập mạnh vào be sườn sắt của hai chiếc tàu cướp. Rắc ... rắc ... Nghe tiếng vỡ của ghe mình, trong lòng đám hành khách khốn nạn kia lại có thêm dịp rỉ rả một chút xíu nhỏ nhoi đau xót cho hoàn cảnh chung hiện tại. Chắc chỉ còn phép lạ mới cứu được đám người.

    Mọi người đang trông chờ phép lạ !

    Phép lạ dầu sao đi nữa cũng chưa xảy ra. Trong khi thằng cướp dữ dằn nhất bọn vẫn đang luôn miệng gào thét.

    Hai "giống" người được phân chia rõ rệt chiến tuyến ngay lập tức trên tàu: thanh niên ngồi góc đầu tàu, đám còn lại ngồi phía cabine, bao gồm cả những cô gái giờ đây đã biến thành những đống dầu mỡ biết đi đứng.

    Thay phiên nhau, hết thằng cướp này sang thằng cướp khác bóc lột đám thanh niên thật tận tình. Áo dài tay, ngắn tay, áo chemise, áo pull được cởi ra hết. Quần dài, quần tây, quần blue jean cởi ra luôn.

    Trong khi một đám đứng ngồi lô nhô lục lọi, khám xét đống quần áo bầy hầy, đám cướp còn lại tiến về phía thanh niên. Một thằng đến gần Ti, tay trái giơ ra táng thật mạnh lên mặt Ti. Nó hét lên, tay kia giựt bay cỗ tràng hạt má đã đeo cho Ti trước khi anh em rời khỏi nhà.

    Ti đang chờ đợi thêm những hình phạt kế tiếp sau cái tát điểm tâm đó thì thằng cướp đã xoay sang người ngồi bên cạnh Ti. Anh chàng này vẫn còn gan lì với cái áo màu xanh trên người phủ dài cả chiếc quần short trắng ; bạo hơn nữa, anh chàng vẫn còn lùm xùm một cái mũ lưỡi trai bao phủ trên đầu. Chỉ trong tích tắc, cái mũ trên đầu đã bị hất tung xuống sàn.

    Cabine giờ này đã trống người. Những thằng người Thái lấy được đâu đó cái chiếu rách, phủ ngang cửa. Lại thêm vài cô gái nữa đang tiếp tục bị lôi kéo lên cửa cabine. Tiếng van xin rối rít, tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng trì kéo của các cô gái xen lẫn tiếng kêu ríu rít, của những con ác điểu vẫn tiếp tục vang vang xen kẽ tiếng rạn nứt của tàu Ti sau mỗi lần va chạm vào tàu cướp.

    Một cô gái còn trẻ lắm, đang hét thật to trong khi hai thằng cướp, đứa nắm chặt tay, đứa kia ôm ghì đôi chân cô gái lại, hai thằng khác đang bê dần cô ta vào cabine.

    - Cứu con với má ơi! Con chết mất!

    - Tha cho tôi đi các ông ơi!

    Bà mẹ cô gái vẫn ngồi yên từ lúc bọn cướp kéo cô ta rời khỏi vòng tay của bà, nhưng khi nghe con ghào thét từng khúc nấc nghẹn như vậy, không chịu đựng hêm được nữa, bà ta nhào ngang qua đám người ngồi lẫn lộn chung quanh, đôi tay chỉ kịp nắm lấy gấu quần phất phơ của cô con gái.

    Một ánh thép lóe lên, con dao bóng loáng đi một đường thật ngọt nơi bàn tay đang níu kéo. Máu chảy chan hòa trên đôi tay của từ mẫu; đôi cánh của gà mẹ đang giao chiến cùng bày ác điểu, cố gắng trong tuyệt vọng, bà ta đang cố gắng trì kéo lại phần thân thể đã từng được mang nặng đẻ đau và cưu mang trong bao nhiêu năm trường.

    Nhưng muộn rồi ! Đầu lưỡi dao đã được phóng tới ngay yết hầu của bà mẹ khốn khổ. Ư ! Bà ta chỉ kịp phát ra một tiếng kêu khô khan, nghe thật rỗng. Dòng máu tươi lại chan hòa vung vãi khắp thân thể người từ mẫu.

    Cuối cùng, một thân người nặng nề đổ xuống, mặt úp xuống sàn tàu.

    Còn tiếp...

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Replies: 8
    Last Post: 14-11-2011, 05:53 AM
  2. Replies: 0
    Last Post: 18-03-2011, 06:40 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 02-03-2011, 12:43 AM
  4. KHI NHỮNG SỰ THẬT ĐƯỢC PHƠI BÀY!
    By Kiêm Ái in forum Tin Việt Nam
    Replies: 34
    Last Post: 27-10-2010, 01:56 AM
  5. Replies: 0
    Last Post: 17-10-2010, 06:17 PM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •