Stealth Helicopter
Bin Laden “chết” vì máy bay “tàng hình”?
Người Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng“tàng hình” trong chiến dịch bí mật đột kích tiêu diệt Bin Laden? Các mảnh vỡ còn sót lại của chiếc máy bay bị trục trặc cho thấy đây là loại máy bay lên thẳng khác hoàn toàn với các loại thông thường.
Bị trục trặc khi hạ cánh và sau đó bị cho nổ tung, nhưng chiếc máy bay trực thăng bí ẩn này đã khiến giới chuyên gia kỹ thuật quân sự choáng váng. Từ lâu, đã có nhiều đồn đoán về loại máy bay trực thăng tàng hình này. Hiện thời, người ta đã có bằng chứng đầu tiên.
Không kịp trở tay
Những người hàng xóm của Bin Laden ở Abbottabad nói với phóng viên ABC News rằng họ không hề nghe thấy tiếng động cơ cho tới khi nhìn thấy chiếc Blackhawk bay trên đầu. Đối phương không thể biết trực thăng đang tới bởi chúng bay rất nhanh ở tầm thấp và đến khi phát hiện ra tiếng động thì “đã quá muộn” không kịp trở tay.
Trong quá trình đột kích, một trong hai chiếc trực thăng Blackhawk đã quệt phải tường rào của khu nhà trong lúc hạ cánh và bị hỏng hóc. Sau khi kết thúc chiến dịch kéo dài 40 phút, nhóm biệt kích SEAL của Mỹ đã quyết định phá hủy nó bằng chất nổ, có lẽ vì lo ngại công nghệ “tàng hình” bí mật này bị “tuồn lậu” sang Trung Quốc.
Chỉ có điều, đối với máy bay trực thăng , việc áp dụng kỹ thuật tàng hình quả là một thách thức vô cùng to lớn. So với các loại máy bay có cánh khác, máy bay trực thăng có thiết kế cồng kềnh hơn và bay chậm hơn. Ngay cả khi kỹ thuật tàng hình được áp dụng trong việc thiết kế thân máy bay, người ta khó có thể giấu được “con mắt của Radar” những chiếc cánh quạt quay tít có bán kính hàng chục mét.
Từ năm 1983 đến năm 2004, các tập đoàn Boeing và Sikorsky đã đổ hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu phát triển máy bay trực thăng tàng hình RAH-66 “Comanche”, nhưng rốt cuộc đã thất bại.
Chính vì vậy mà đối với máy bay trực thăng , khái niệm “tàng hình” được mở rộng ra các khái niệm “bí mật”, “ít gây tiếng động” và “tấn công bất ngờ”. Tập đoàn McDonnell Douglas đã thành công với nguyên tắc NOTAR (No Tail Rotor – không có cánh quạt ở đuôi máy bay). Nguyên tắc này triệt tiêu được tiếng xé gió giữa cánh quạt chính và cánh quạt ở đuôi máy bay và giảm đáng kể tiếng ồn trong khi bay.
Trong cuộc đột kích vào biệt thự của Bin Laden, người Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng “tàng hình” áp dụng các kỹ thuật giảm âm tiên tiến, chưa hề được biết đến.
Rất có thể đây là phiên bản mới của loại máy bay trực thăng vũ trang Blackhawk. Loại trực thăng mới này có thể giảm thiểu tiếng ồn đến mức tối đa, đồng thời được làm bằng những vật liệu công nghệ cao tương tự với vật liệu được sử dụng để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình. Vì bay rất thấp trong bóng đêm, nên nó có thể tránh được sự phát hiện của Radar và mắt thường.
Công nghệ tàng hình đã có từ lâu
Thực ra, công nghệ tàng hình đã có từ lâu nhằm tránh để cho đối phương phát hiện xe cộ, tàu chiến, máy bay hay tàu ngầm đang tiến đến gần. Đây quả là một cuộc chiến dai dẳng giữa bên muốn phát hiện và một bên cố tình che giấu, ngụy trang bằng mọi công nghệ tiên tiến nhất.
Công cuộc nghiên cứu kỹ thuật tàng hình đã xuất hiện ngay từ khi kỹ thuật Radar ra đời trong năm 1904. Ngay từ năm 1936, người Hà Lan đã công bố các loại vật liệu hấp thụ sóng Radar (RAM).
Kỹ thuật tàng hình của người Mỹ vừa dựa trên việc sử dụng các loại vật liệu hấp thụ sóng Radar (với việc phủ nhiều lớp RAM) vừa dựa vào việc thiết kế hình khối cực kỳ thông minh để đánh lừa Radar của đối phương.
Lúc đầu, người Mỹ đã sử dụng phương pháp gây nhiễu, tạo ra nhiều mục tiêu giả đánh lừa tên lửa đánh chặn của đối phương. Đến những năm 1980, người Mỹ đã sử dụng công nghệ “làm mù mắt Radar” đối phương thông qua việc sử dụng vật liệu RAM và thiết kế hình khối. Để tránh phát ra tia hồng ngoại, người ta đã thiết kế ra những loại động cơ phản lực đặc biệt “giấu khí thải” và cũng đã rất thành công.
Bậc thầy về che đậy
Đây không phải là lần đầu tiên, một quân cụ sử dụng công nghệ tàng hình của Mỹ đột ngột xuất hiện trên chiến trường. Xét về khía cạnh này, người Mỹ quả là bậc thầy về che đậy, giấu giếm.
Ngay từ năm 1981, chiếc máy bay chiến đấu phản lực tàng hình F-117 đã bay thử nghiệm và đến năm 1983, người Mỹ đã có trong tay một phi đội F-117 “Nighthawk” sẵn sàng chiến đấu.
Thế nhưng, người Mỹ đã giấu nhẹm điều này và mãi đến năm 1988 mới chịu thừa nhận có máy bay chiến đấu tàng hình.
Tương tự, người Mỹ cũng giấu nhẹm chuyện có tàu chiến tàng hình. Mặc dù chiếc “Sea Shadows” đã được đưa vào phục vụ từ năm 1985, nhưng nó đã được giữ bí mật cho đến tận năm 1993.
Ngày nay, tàu chiến sử dụng kỹ thuật tàng hình đã trở thành một tiêu chuẩn trong các lực lượng hải quân tiên tiến. Ngoài Mỹ, Anh, Pháp, các nước khác như Na Uy, Thụy Điển cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công tàu chiến tàng hình. Thậm chí, ngay cả Singapore cũng có tàu chiến tàng hình và đó là chiếc RSS “Supreme”.
THT
Bookmarks