Trở Về Bến Tự Do 8
Cuộc Hành Trình Ý Nghĩa
TVNguyễn
Một năm trước đây, VĂN KHỐ THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ( VKTNVN , www.vktnvn.com) vẫn còn là một tổ chức mới mẻ đối với tôi. Qua sự tìm hiểu trên Internet, tôi đươc̣ biết đây là một tổ chức bất vụ lợi, được sáng lập bởi ông Trần Đông, một cư dân ở Melbourne, Úc Châu. Mục đích cuả hội là thu thập tất cả các di tích, tin tức về thuyền nhân từ cuối thập niên 70, đến đầu thập niên 90, và hồ sơ hóa những dữ kiện để lưu giữ trong một văn khố có tầm cỡ quốc tế, còn gọi là Archive of Vietnamese Boat People. Trong đời, tôi chưa bao giờ tâm đắc câu nói " hữu duyên thì tự nhiên thành " như lần này. Chỉ qua một vài email trao đổi rất đơn giản với ông sáng lập viên VKTNVN, cuối tháng 3-2010, vợ chồng tôi đã có mặt trong phái đoàn " Hành Trình Về Bến Tự Do Lần Thứ 8 ", trở về thăm lại các trại tỵ nạn Kuku và Galang, đi hành hương tảo mộ, và tìm di tích thuyền nhân, do chính ông Trần Đông hướng dẫn.
Trước khi đi vào chi tiết chuyến đi, thiết tưởng cũng nên nói sơ qua về địa dư nước Nam Dương và vị trí cuả các trại tạm cư này. Quần đảo Anambas với cả ngàn hòn đảo lớn nhỏ, nằm về phía đông bắc Singapore, đã là địa điểm gần nhất mà các ghe vượt biển từ miền Nam VN có thể tới được, ngoài Mã Lai và Thái Lan. Do đó, rải rác khắp vùng đảo này đều có thể có dấu vết các trại tỵ nạn và thuyền nhân VN, mà sau hơn một phần tư thế kỷ, không gì minh chứng hơn là ký ức cuả "cựu thuyền nhân" và những nấm mồ hoang tại các nơi này.
Khởi hành từ điểm hẹn là Singapore, đoàn chúng tôi đã xuống phà để qua Nam Dương, ghé thị trấn đầu tiên là Tanjung Pinang. Nơi đây, đoàn đã nhập chung với phái đoàn vừa trở về từ Malaysia, nâng̀ tổng sô thành viên lên đến 24 người. Từ đây, chúng tôi sẽ chính thức bắt đầu cuộc hành trình đến quần đảo Anambas, trong đó có “đảo Kuku” từng là nơi trú chân cuả hàng chục ngàn thuyền nhân.
Đoàn người chúng tôi là những "cựu thuyền nhân" đến từ Mỹ, Pháp, Úc, Thụy Điển, Canada. Ngoài ra còn có sự tham gia cuả một vài " cựu phi nhân", là thành phần đã rời VN an toàn bằng máy bay, vì những lý do khác, nhưng cùng chung điểm hẹn thì âu cũng là một cái "duyên tao ngộ" vậy. Chúng tôi dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng đã nhanh chóng kết thân bằng tình đồng hương và đồng hành rất vui vẻ. Thành viên lớn tuổi nhất đến từ Úc, 71 tuổi, và thành viên trẻ nhất là 10 tuổi, cũng là cư dân Úc.
Sau một đêm nghỉ chân tại Pinang, chúng tôi được đưa ra phi trường để bay tới đảo Matak mất một giờ bay. Từ sân bay, một chiếc bus đã vận chuyển chúng tôi và hành lý đến bến tầu để xuống tầu tốc hành đi Terempa trong hai giờ đường biển. Từ đây trở đi, phương tiện di chuyển trong quần đảo hoàn toàn là tầu tốc hành và ghe máy dầu.
Dù biết trước nơi mình sẽ đến, nhưng từ khi ngồi vào tầu, lòng tôi cũng bắt đầu khác lạ. Nửa rất hào hứng vì cảnh đẹp hải đảo, nửa như có một cái gì nghèn nghẹn trong tâm tư. Cũng trời này, biển này, những hải đảo này, hơn 25 năm trước, tôi đã nhìn thấy lần đầu tiên với một tâm trạng vô cùng hoang mang và hoảng sợ sau những ngày đói khát lênh đênh trên biển. Tôi phải cố trấn tĩnh để xua đi cảm giác nặng nề ngày cũ.
Nước mắt tự tuôn rơi….lặng lẽ….
Tầu cứ lướt đi như đẩy tôi trở về quá khứ. Tôi biết tôi phải sẵn sàng nhìn lại chốn cũ, rồi thì những cảm nhận sắp tới sẽ chữa lành và chiến thắng cái ấn tượng đen tối ngày nào vẫn còn để lại trong tiềm thức cuả tôi.
Và tầu cặp bến Terempa. Qua gần một ngày di chuyển bằng máy bay, xe bus và tầu đò, ai cũng có vẻ thấm mệt, cộng thêm một chút say sóng và cái nắng chói chan trên đầu, đoàn người cũng bớt phần "tưng bừng về trong sương gió". Bữa ăn chiều và …cái giường ngủ là niềm ước mơ sau cùng.
Nói vậy nhưng không phải vậy. Sự mệt mỏi xin đi chơi chỗ khác. Terempa đây rồi! Cái địa danh vẫn còn như in trong trí nhớ cuả nhiều thuyền nhânVN. Đặc biệt đây cũng là nơi đặt bước chân tự do đầu tiên cuả vài thành viên trong chuyến đi này. Bỏ vội hành ly,́ mọi người đều túa ra khỏi nhà trọ. Nhóm thì đi để "trinh sát" hàng quán, nhóm thì cố tìm kiếm vết tích năm xưa. Những chữ "đây nè", "kia kìa", "hình như", "có phải" thỉnh thoảng lại được thốt lên. Máy chụp hình và quay phim cũng bắt đầu làm việc ….cật lực dưới những bàn tay không biết mỏi.
Không để phí thời gian, trong khi chờ bưã chiều, trưởng đoàn và người "tour guide" Indo đã hướng dẫn chúng tôi đi thăm một ngôi chùa Phật giáo rất hiếm hoi trong vùng đảo mà quốc giáo là đạo Hồi. Mọi người không bỏ lỡ dịp để thắp những nén nhang từ tấm lòng người Việt xa xứ, cầu siêu thóat cho những vong hồn đồng hương còn vương vất nơi đây và cầu xin bình an cho đoàn người "trở về bến cũ".
Sau bữa ăn tối với toàn đặc sản Indo nấu với ...ớt, bọn chúng tôi lại hăm hở đi thăm phố phường, và ghé vào ngồi quán cà phê nhà sàn trên biển đến tối mịt mới trở về nhà trọ.
Sáng hôm sau, vợ chồng tôi đã dậy rất sớm và thả bộ quanh đảo, ngắm bình minh trên biển. Terempa cũng chính là nơi ghe cuả chồng tôi đã cặp bến 27 năm về trước, nên từ chiều qua anh rất bồi hồi xúc cảm. Với máy trên tay, chúng tôi đã chụp và quay lại những hình ảnh trông "quen quen" cũng như "lạ hoắc" cuả nơi đây, như muốn gom hết quang cảnh chung quanh, mà tôi biết nó sẽ vô cùng quý gía đối với chúng tôi sau này.
Bất chợt hai chúng tôi nhìn thấy một chiếc thuyền thúng trên bãi, mà thuyền thúng thì chỉ có ở miền Trung Việt Nam. Và kìa, xa bờ là một chiếc ghe đánh cá mang số "BĐ....", ghe VN! Thì ra vậy, chiều qua , chúng tôi có nghe loáng thóang là có ghe đánh cá từ VN bị bắt tại Terempa, có lẽ là chiếc ghe này đây. Để xác định cho sự võ đoán, lững thững từ bờ đi lên là một thanh niên gầy guộc, trông cũng rất Việt Nam. Gần đó là một người lính Indo đang quan sát. Nhờ người tour guide xin phép, chúng tôi được tiếp xúc với người thanh niên ấy trong vài phút. Và đúng vậy, anh ta là đồng bào cuả chúng tôi. Mới vài câu hỏi thăm, mắt anh ta đã đỏ hoe, tôi cũng không cầm được xúc động. Tôi xúc động là vì ở một nơi rất xa với VN, một nơi "hóc bà tó" này đây, vậy mà cũng có bóng dáng người Việt Nam lưu lạc chốn này, trong thân phận tù đầy. Qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi, tôi được biết chiếc ghe đánh cá gồm chín người cuả anh đã vi phạm hải phận Nam Dương và bị bắt giữ đã hơn một tháng nay. Chủ tầu và tài công cùng năm bạn chài khác bị giam giữ trong tù, họ chỉ cho phép hai người ở lại giữ ghe và cơm nước cho nhau ăn. Chính quyền sở tại cũng đã cho họ liên lạc về gia đình một lần rồi. Còn thì phía "nhà nước ta" vẫn chưa thấy tăm hơi?. Đây mới chính là những "khúc ruột .... rối rắm ngàn dặm" đang hết sức trông đợi sự can thiệp cuả nhà nước VN. Ruột nào cũng là ruột.... thịt cả, xin hãy nhớ đến họ, thay vì cứ...bám vào “ruột thừa” để ... phá đám? Chúng tôi chỉ biết móc vội một ít tiền có trong túi gởi tặng anh và nói lời an ủi.
Mười giờ sáng hôm đó, đoàn chúng tôi xuống tầu đi đến thị xã Letung, thuộc đảo Jemaja. Phải mất hơn một giờ rưỡi đường biển, tầu cặp bến Letung. Tại cầu tầu, công ty du lịch trong vùng và chính quyền địa phương đã dành cho đoàn chúng tôi một sự tiếp đón rất thân thiện với vòng hoa chào mừng và nhã nhạc dân tộc vang lừng. Đây là một dấu hiệu tốt cho chúng ta nếu cộng đồng VN hải ngoại còn mong muốn trở về chốn xưa với bất kỳ nhu cầu cá nhân hay lợi ích chung. Ngành du lịch cuả quốc gia này chỉ tập trung bên vùng biển cực Nam, như Bali, Java, còn phía Đông Bắc hầu như còn rất hoang sơ, mặc dù phong cảnh cũng rất tuyệt vời. Khi chính quyền sở tại biết được nhu cầu và mục đích vô vụ lợi cuả chúng ta, họ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện tốt cho những chuyến hành trình trong tương lai.
Theo lịch trình, đoàn chúng tôi sẽ đến Kuku trong ngày, và tối sẽ trở lại Letung ngủ đêm, nên chúng tôi phải tạm từ giã Letung và hướng tầu về Kuku. Đã phải mất một thời gian khá lâu, VKTNVN mới xác định được vị trí đích thực cuả trại Kuku, bởi vì Kuku là tên gọi một bãi biển trên ̉đảo Jemaja, chứ không phải "đảo Kuku" như ta vẫn lầm tưởng. Trong chuyến trở về tháng Tư, 2009 là chuyến trở về Kuku lần đầu tiên cuả VKTNVN, và đã tìm được một số mộ phần thuyền nhân. Lần này, chúng tôi sẽ có dịp viếng thăm một nghĩa trang thứ hai trên đảo, mà dân địa phương quanh vùng đã tìm thấy và cho biết.
Kuku đã hoàn toàn không còn dấu vết gì cuả trại tỵ nạn năm xưa!
Cây to và cỏ lau, sậy mọc kín ra đến bờ nước, cầu tầu cũng mất dấu, còn trơ lại đúng một chiếc cọc!
Được biết sau khi trại chính thức đóng cửa vào khoảng đầu những năm 90, chính quyền Indo đã tổng vệ sinh bằng cách cho đốt sạch các vết tích còn lại tại nơi đây.
Từ trên tầu nhẩy xuống bãi, tôi định vị trí để tìm cái "lăng bác", nơi bãi đá bên tay phải với những tảng đá chồng lên nhau rất đẹp, là nơi dành làm “cầu tiêu” trên đảo. Tôi vẫn ước muốn tìm lại cái tảng đá lớn thoai thoải trên đường tới "lăng" mà tôi đã thường hay ngồi một mình, nhìn ra biển rộng mà lòng buồn mênh mang vì biết rằng từ đây, mình đã thật sự xa quê hương. Dù lòng thương nhớ quê hương vẫn đầy ắp theo tháng năm, nhưng đã 26 năm qua, tôi vẫn không thấy một sự thôi thúc trở về Việt Nam? Còn gì nữa? Vui gì đây? Ích lợi cho ai? Xin hẹn một ngày trở lại, ngày "Việt Nam Tự Do".
Sau những phút ngỡ ngàng, chúng tôi theo chân trưởng đoàn và tour guide người Indo băng rừng vào khu nghĩa trang. Bàn chân nối tiếp bàn chân đạp lên cỏ sậy, tay vẹt cây rừng mà đi. Vừa leo cầu "khỉ" vừa ca bài "ai đang đi, trên cầu ... cây, té xuống đây ướt cái quần jean tây...". Ướt thì lại lóp ngóp bò lên đi tiếp! Vượt qua một đoạn dốc cao và trơn trượt, chúng tôi đã đến nơi.
Ôi tang thương! Ôi hiu hắt!
Mộ phần cái còn, cái xụp lở, cái gần như mất dấu, nằm rải rác quanh một cuộc đất cao, bao bọc bởi những cây cao ngất cuả rừng rậm. Lòng mọi người như chùng xuống, xót xa. Những dòng nước mắt thương cảm lặng lẽ rơi. Cũng giữa núi rừng này, hơn hai mươi năm trước, bao nhiêu nước mắt Việt Nam đã nhỏ xuống?
Nhang, tiền vàng bạc được đốt lên, chúng tôi chung lời cầu nguyện siêu thoát cho những người xấu số. Chút khói hương và những tấm lòng Việt Nam đã đến nơi đây, xin chia xẻ tấm tình đồng hương cho những người bạn đồng hành đã vĩnh viễn nằm lại tại hoang đảo này. Cái giá đắt nhất cuả Tự Do là đây, những sinh mạng mà đồng bào tôi đã trả.
Lần theo một lối đi cũng với cây rừng rậm rạp lâu năm không người qua lại, chúng tôi đến một khu nghĩa địa thứ hai. Khu này cũng không khác gì hơn. Một ít bia mộ còn rõ nét chữ Tầu, năm chết đa số là 79- 80. Đó là thời điểm cơ cực nhất cuả người tỵ nạn trên những đảo hoang này. Nhân số trên đảo đã có lúc lên đến mười ngàn người, nên số tử vong vì sốt rét và dic̣h tả rất cao. Ông trưởng đoàn đã cẩn thận chụp lại đầy đủ hiǹh ảnh cuả nghĩa trang để sẽ trở thành tài liệu trong VKTNVN. Sau đó, những bó nhang được đốt và chia ra để chúng tôi đi cắm trên từng nấm mộ, an ủi những linh hồn bị bỏ quên đã lâu.
Chúng tôi rời Kuku khi mặt trời bắt đầu chếch bóng.
Chấm dứt phần I
Bookmarks