Cảnh sát ở Bắc Kinh kêu gọi người dân hãy giải tán và đi về nhà
Lãnh đạo Trung Quốc họp khẩn cấp để ra lệnh tìm cách giải tỏa những căng thẳng xã hội trước diễn biến dồn dập tại Trung Đông.
Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh nhưng cũng có nhiều dấu hiệu mất cân bằng với giá cả tăng, và hiện tượng một số cuộc xuống đường nhỏ cuối tuần đã khiến chính quyền lo ngại về mô hình 'Cách mạng Hoa Nhài'.
Hôm thứ Hai 21/2, báo Công an Trung Quốc trích lời ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang nói với các quan chức Đảng và chính quyền rằng họ "cần thích ứng với các trào lưu phát triển kinh tế và xã hội mới", nhằm "giải tỏa bất ổn ngay từ trong trứng nước".
Là người phụ trách an ninh và nội chính của hệ thống quyền lực Trung Quốc, lời ông Chu Vĩnh Khang được cho là mệnh lệnh cao nhất và là dấu hiệu cho thấy chính quyền phản ứng nhanh chóng trước tình hình Trung Đông.
Được biết, cuộc họp cao cấp tại Bắc Kinh cuối tuần là do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ra lệnh triệu tập.
Thông điệp biểu tình
Thông điệp mời gọi người dân 13 thành phố ở Trung Quốc xuống đường 'làm Cách mạng Hoa Nhài' được đăng trên miniblog
Cùng ngày, có tin rằng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc hôm 20/02 có tuần hành hòa bình sau khi người ta nhận được thông điệp lan tỏa trên mạng Internet kêu gọi 'Cách mạng Hoa Nhài'.
Thông điệp kêu gọi người dân ra đường biểu tình với các khẩu hiệu "Chúng tôi muốn có lương thực, chúng tôi muốn có công ăn việc làm, chúng tôi muốn có nhà ở, chúng tôi muốn công bằng" được truyền qua các microblog.
Tin từ Thượng Hải và Bắc Kinh cho hay có nhiều người hiếu kỳ đứng lại xem tại sao cảnh sát và báo chí lại tụ tập đông như vậy tại các địa điểm đã được hoạch định trên Internet, trong các khu vực mua sắm đông người.
Hôm thứ Hai, một số nhà vận động nhân quyền cho BBC Tiếng Trung hay qua điện thoại từ Trung Quốc rằng họ không thất vọng về việc các cuộc xuống đường chưa lớn như mong đợi.
Các tin tức nói dù có lời kêu gọi xuống đường ở 13 thành phố, tin tức chỉ nói về các cuộc tụ tập ở Bắc Kinh và Thượng Hải mà thôi.
Nhưng chính phản ứng của nhà nước, điều rất đông công an vào vây chặn, cho thấy chính quyền lo ngại về mô hình 'Cách mạng Hoa Nhài'.
Ngay từ ngày đầu tiên, khi cuộc biểu tình nổ ra ở Tunisia, chính quyền Trung Quốc đã quan sát rất kỹ và điều khiển chính sách thông tin về chủ đề này.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng nói về 'các vấn đề xã hội'
Truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin ít bình luận về các cuộc biểu tình làm lãnh đạo Tunisia và Ai Cập phải ra đi, và sau đó là biểu tình ở Bahrain và Libya.
Chỉ sau khi Tổng thống Ai Cập, ông Hosni Mubarak, từ chức, báo Đảng ở Trung Quốc mới chính thức nêu quan điểm, kêu gọi ổn định ở quốc gia Bắc Phi này.
Nhưng tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói nước ngoài không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Ai Cập.
Bài xã luận trên tờ China Daily bằng tiếng Anh viết: "Theo sau diễn biến đặc biệt này, hy vọng rằng quân đội, chính phủ và người dân Ai Cập cố gắng hết sức để giữ ổn định xã hội và khôi phục trật tự".
"Ổn định xã hội phải là yếu tố quan trọng đầu tiên. Mọi thay đổi chính trị sẽ không có ý nghĩa gì nếu như đất nước cuối cùng lại rơi vào hỗn độn."
Cần đẩy mạnh quản trị xã hội để diệt trừ xung đột ngay từ trong mầm mống
Sẽ kiểm soát được?
Dù vậy, giới quan sát truyền thông Trung Quốc cho rằng ngay từ cuối tháng 1/2011, khi biến động tại Tunisia nổ ra, công an mạng ở Trung Quốc đã kiểm duyệt nhiều từ khóa.
Ngoài tên của các nhân vật Ả Rập như Mubarak, các từ "hoa nhài", "ngọc trai" (chỉ tên Pearl Square ở Bahrain), cũng bị chặn.
Điều này cũng phản ánh một tâm lý trong chính giới Trung Quốc là dù bề ngoài tỏ ra rất tự tin, họ vẫn theo dõi các cuộc tranh luận trên mạng, và thậm chí "dễ tin vào lời đồn thổi".
Theo bà Thôi Vệ Bình, một học giả tại Bắc Kinh theo dõi tình hình thì "Sự kiểm soát của chính quyền còn rất mạnh".
Bên cạnh các chỉ số kinh tế tăng nhanh, một sự thực là căng thẳng xã hội cũng tăng lên.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói với quan chức trung ương và các tỉnh dự họp ở Bắc Kinh rằng họ phải "tìm ra cách xử lý các vấn đề xã hội".
Trong bài diễn văn hôm thứ Bảy vừa qua, ông Hồ được trích lời nói về "các vấn đề về phát triển thiếu cân bằng, thiếu điều phối tốt và không bền vững".
Bên cạnh sự thừa nhận này, ông cũng cho rằng cần "đẩy mạnh quản trị xã hội để diệt trừ xung đột ngay từ trong mầm mống".
Hiện chưa rõ các biện pháp mới chính quyền đưa ra là gì để ổn định xã hội và ngăn ngừa bất ổn.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Mẫn Hân, (Pei Minxin), một nhà phân tích chính trị tại Claremont McKenna College ở California cho Reuters hay thì Trung Quốc có thể kiểm soát mạnh mẽ toàn xã hội nhưng lại có vấn đề "kiểm soát chính các quan chức chính quyền".
Những người này có thể trở thành đối tượng cho quần chúng bức xúc trước các vấn đề kinh tế.
Tin BBC
Bookmarks