Results 1 to 6 of 6

Thread: Việt Nam: Những ngày đầu của vụ Bầu Kiên

  1. #1
    Member
    Join Date
    20-09-2011
    Posts
    1,523

    Việt Nam: Những ngày đầu của vụ Bầu Kiên

    Việt Nam: Những ngày đầu của vụ Bầu Kiên
    Huy Phương
    24.08.2012


    Cho đến giờ này, Bầu Kiên chỉ bị khép vào tội 'kinh doanh trái phép,' là tội danh ít nghiêm trọng

    Tin tức về vụ bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên và những hậu quả kế tiếp của vụ này có nhiều phần chắc sẽ là sự kiện gây chấn động trong những ngày tới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Sau đây là tổng hợp một số tin trong mấy ngày đầu sau khi ông Bầu Kiên bị bắt.

    VÀNG VÀ CHỨNG KHOÁN

    Giá vàng tại Việt Nam tăng mạnh sau vụ bắt giam Bầu Kiên, vì người tiêu dùng cho rằng giữ vàng an toàn hơn là giữ tiền tại các ngân hàng. Các ngân hàng cũng phải mua thêm vàng để giao cho những người ký thác bằng vàng bây giờ muốn rút ra khỏi ngân hàng. Hôm thứ Năm, giá vàng là 44 triệu 820 ngàn đồng một lượng, tăng 5,3% so với hôm thứ Hai, là ngày Bầu Kiên bị bắt.

    Chỉ số chứng khoán của Việt Nam trong vòng hai ngày sau khi ông Bầu Kiên bị tạm giam, từ thứ Ba đến thứ Năm, mất giá đến 10,5%. Hơn phân nửa cổ phiếu của 303 công ty rớt giá ít nhất là 4%.

    Ông Kevin Snowball, Giám đốc của PXP, công ty đang quản lý khoảng 100 triệu đôla đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói rằng trong khi chờ đợi mọi chuyện được rõ ràng, biết được lý đo thực sự ông Bầu Kiên bị bắt giữ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục yếu kém.

    VỀ ACB

    Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Thành Toại nói ngân hàng ông đã vay ngân hàng nhà nước 7.000 tỷ đồng để trấn an những người gửi tiền. Ông cho biết trong ngày đầu tiên sau khi ông Bầu Kiên bị bắt, số khách hàng đến rút tiền rất đông, nhưng đến hôm thứ Năm đã bình thường trở lại.

    Khách hàng nào của ACB cũng được thông báo bây giờ ông Bầu Kiên không còn giữ vai trò lãnh đạo nào trong Ngân hàng ACB nữa. Phó Tổng giám đốc Toại nói sau khi nghe giải thích, một số khách hàng đã đồng ý tiếp tục giữ tiền của họ trong ngân hàng.

    Tân Tổng giám đốc ngân hàng ACB ông Đỗ Minh Toàn không cho biết bao nhiêu tiền đã được khách hàng rút khỏi hệ thống ACB trong mấy ngày qua, nhưng ông khẳng định ngân hàng dự phòng đủ lượng tiền mặt để chi trả cho khách có nhu cầu trong những ngày tới. Ngoài lượng tiền mặt có sẵn vào khoảng 10.000 tỷ đồng, ACB còn gửi 3.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Nhà nước, và Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng cung ứng 2.000 tỷ nữa cho ACB. Về ngoại tệ, ông Toàn cho biết ACB hiện còn 120 triệu USD và không gặp khó khăn nếu khách có nhu cầu rút.

    Căn biệt thự 3 tầng của ông Bầu Kiên có hàng rào sắt chắc chắn, trông ra phía Hồ Tây, nằm trong một khu vực có nhiều gia đình giàu có. Ông Trần Trung Thành, một người sống gần đó cho biết cuối tuần thường có nhiều ôtô đắt tiền đậu trước căn biệt thự để tiệc tùng. Ông Thành nói khi thấy công an ập vào biệt thự ông Bầu Kiên, ông khá ngạc nhiên, vì từ trước tới giờ ông vẫn nghĩ một khi ông Bầu Kiên làm trong ngành ngân hàng thì chắc chắn ông ấy phải là một doanh nhân trong sáng.

    NGÂN HÀNG VÀ NỢ XẤU

    Giữa các ngân hàng với nhau, tỷ giá qua đêm tăng mạnh nhất, tính từ năm 2010 vì các ngân hàng muốn giữ tiền mặt để đề phòng khách hàng đến rút tiền ra ồ ạt. Tỷ giá qua đêm tăng 5,66%, cao nhất kể từ tháng 6, và tăng mạnh nhất, tính từ tháng 12 năm 2010.

    Ngân hàng nhà nước bơm thêm 13.000 tỉ đồng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng nhà nước sẵn sàng đảm bảo có đủ tiền mặt để trả cho các khách hàng nào muốn rút tiền.

    Ông Edwin Gutierrez là Giám đốc quỹ đầu tư chung Aberdeen có trụ sở ở London, quỹ này đang đầu tư khoảng 9 tỉ đôla vào các thị trường mới trỗi dậy, trong đó có các trái phiếu của Việt Nam. Ông Gutierrez nói lưỡi gươm Damocles đang treo trên đầu Việt Nam là ngành ngân hàng, và mọi người đều biết rằng một ngày nào đó, người ta phải đối phó với nó.

    Một trong những vấn đề của ngành ngân hàng Việt Nam là tỷ lệ nợ xấu. Bà Karolyn Seet, trợ lý Chánh văn phòng của tổ chức đánh giá Moody’s, phụ trách 6 nước Đông Nam Á, nói Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong 6 nước này. Vào cuối tháng 3, tỷ lệ nầy là 8,6%, nhưng theo các chuyên viên trong ngành, tỷ lệ này có thể là 10%, có nghĩa là các ngân hàng Việt Nam cho vay 10 người thì có thể là 1 người không thể trả nợ.

    Ông Jonathan Pincus, một nhà kinh tế của trường Harvard Kennedy ở thành phố Hồ Chí Minh nói lý do có nhiều nợ xấu vì có nhiều khoản vay đưa cho các dự án thất bại. Ông nói: quyết định cho vay tùy thuộc vào quan hệ hoặc móc ngoặc, thay vì các dự án được đánh giá là tốt.

    Tại một phiên họp Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói với Thống đốc Nguyễn Văn Bình rằng Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng giúp đỡ các ngân hàng yếu kém để tránh cho ngành ngân hàng khỏi sụp đổ.

    NHỮNG CHUYỆN LẠ XUNG QUANH VỤ BẦU KIÊN

    Chuyện lạ thứ nhất, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 21 tháng 08, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích rằng "Theo luật, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có Hội đồng Quản trị và Ban điều hành."

    Trong khi đó, ông Bầu Kiên trước đây là Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB. Hội đồng Sáng lập này là một cơ chế mà Thống đốc Bình gọi là "không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào!"

    Ngân hàng ACB đi vào hoạt động kinh doanh từ năm 1993 đến nay, coi như gần 20 năm, ngân hàng này có một cơ chế không có ghi trong luật pháp tồn tại lâu như vậy mà không xử lý, vậy thì trách nhiệm này không của riêng ai. Trên trang blog của mình, blogger Mẹ Nấm viết: Đó là trách nhiệm và là tội (chứ không còn là lỗi) của những người vận hành nền kinh tế xã hội theo "cơ chế" giống như Việt Nam.

    Chuyện lạ thứ hai, một diễn biến mà trong thực tế có liên quan đến hàng chục ngàn tỷ đồng của người dân đóng thuế như vụ Bầu Kiên mà ông này, cho đến giờ này, chỉ bị khép vào tội "kinh doanh trái phép," là tội danh ít nghiêm trọng, có mức án tù tối đa là hai năm và có thể kèm khoản tiền phạt đến 30 triệu đồng.

    Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với BBC: "Vấn đề bắt giam hay không đối với loại hình tội phạm này hầu như cũng được giảm nhẹ, trừ những trường hợp đặc biệt như có ý đồ trốn tránh, v.v... Nếu đúng chỉ có tội này, không có tội khác thì đúng ra là không có lệnh bắt giam." Thẩm quyền xét xử các vụ án kiểu này thông thường thuộc cấp quận huyện, tuy có thể đưa lên tòa cấp trên "trong các trường hợp đặc biệt," Luật sư Hải nói thêm.

    Chuyện lạ thứ ba, hoạt động của ông Bầu Kiên từ mấy tháng nay đã được nói đến trên các trang mạng không thuộc nhà nước Việt Nam. Trước khi các báo bên trong Việt Nam loan tin về Bầu Kiên bị tạm giam, nhiều người có thể biết những thông tin về Bầu Kiên qua các trang mạng như quanlambao hoặc chauxuannguyen.

    Vụ Bầu Kiên một lần nữa cho thấy các trang mạng không chính thống luôn luôn đưa tin trước các trang mạng chính thống. Nó còn cho thấy những thông tin mà trang mạng không chính thống đưa ra có nhiều phần chắc là đúng và có cơ sở. Riêng trang mạng quanlambao cho biết mấy hôm vừa qua, trang mạng của họ đã bị quá tải.

    Một bài nhận định trên trang mạng quanlambao hôm thứ Năm cảnh báo sau vụ bắt giam Bầu Kiên, có thể sẽ có kế hoạch gây hoảng loạn trong nhân dân Việt Nam, thiên hạ đua nhau đi rút tiền gửi ở ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Trước tình hình đó, đảng Cộng sản Việt Nam phải ngừng vụ án Bầu Kiên vừa mới bắt đầu.

    Một chuyên viên kinh tế ở Việt Nam cho VOA biết qua email: kịch bản xấu nhất sau vụ Bầu Kiên là niềm tin vào kinh tế Việt Nam càng ngày càng suy sụp, nếu không muốn nói là sẽ mau chóng cạn kiệt. Số người rút tiền tại các ngân hàng ngày càng đông, khiến căng thẳng thanh khoản tăng cao, dẫn tới chuyện Ngân hàng Nhà nước phải in thêm tiền để tăng thanh khoản, làm tiền đồng mất giá, ngoại quốc thiếu tin tưởng rút tiền đầu tư khỏi Việt Nam. Tâm lý lo sợ làm mọi người bớt kinh doanh và đầu tư, khiến nền kinh tế càng co cụm, GDP giảm sút, thất nghiệp tăng.

    Ông Carlyle Thayer, giáo sư người Úc chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam nói rằng vụ Bầu Kiên có thể là một đòn chính trị cao. Nó cho thấy đảng cộng sản muốn trấn an với 87 triệu dân rằng tiền bạc không thể mua được quyền lực, và đảng sẽ đối phó nghiêm túc với những hành động tài chính đáng ngờ.

    Huy Phương
    http://www.voatiengviet.com/content/...n/1495339.html

  2. #2
    Member
    Join Date
    20-09-2011
    Posts
    1,523

    Đánh án Kiên "bạc" chỉ là một phần của chuyên án chính trị bảo vệ chế độ

    Đánh án Kiên "bạc" chỉ là một phần của chuyên án chính trị bảo vệ chế độ
    Cầu Nhật Tân


    "...ai đứng sau cương lĩnh này là câu hỏi lớn nhất mà những người thực hiện Kế hoạch tạm gọi là "Bảo vệ chế độ"..."


    - Có nhiều tin kỹ thuật từ mạng lưới Tổng cục 2 quân đội cho thấy âm mưu soán Đảng, lật đổ chế độ chưa bao giờ rõ như lúc này.

    – Chuyên án bảo vệ chế độ (thực chất là một kế hoạch) mang bí số riêng, được một Tổ Công tác âm thầm thực hiện việc chuẩn bị, trinh sát, củng cố chứng cứ. Tổ Công tác, gồm những cán bộ có phẩm chất chính trị ưu tú nhất, trung kiên nhất, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cao nhất trong Quân ủy.

    – Yêu cầu cao nhất là phải bí mật vì sẽ đụng chạm đến nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Chính phủ, cùng mạng lưới của họ.


    "Nhóm lợi ích" đã thế chỗ của "Thế lực thù địch" trong báo cáo

    Lợi dụng sự yếu kém về tổ chức nhà nước, sự chậm chễ có nguyên nhân khách quan, chủ quan trong xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh dân chủ hóa, "Nhóm lợi ích" trong đó có một số cán bộ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Chính phủ, đã vơ vét tài nguyên, của cải của nhà nước và nhân dân, trở thành thế lực nguy hiểm nhất đe dọa sự sống còn của Đảng từ bên trong.

    Được cảnh báo về mối hiểm họa từ bên trong đe dọa trực tiếp sự sống còn của Đảng, đẩy đất nước đến khủng hoảng toàn diện và sâu sắc nhất kể từ 1985, trước Hội nghị Trung ương, Tổng bí thư đã làm việc nhiều lần với:
    - Tổng cục 2, khẳng định lại cơ quan tình báo quân đội là chỗ dựa của chế độ.
    - Bộ Công an, Tổng bí thư nhấn mạnh Công an là thanh kiếm bảo vệ chế độ.

    Sau Hội nghị Trung ương vừa qua, ông Trọng làm việc hẳn bên VP của Quân ủy Trung ương trong Bộ QP mà ít khi về ngồi bên Trụ sở Trung ương Đảng, trừ lúc cần.

    "Nhóm lợi ích" lũng đoạn và đã chiếm đoạt trên 50% tài sản quốc gia:

    - Lũng đoạn toàn bộ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, xương sống của kinh tế quốc gia
    - Thao túng hệ thống tài chính, ngân hàng
    - Làm rối loạn chính sách tiền tệ.
    - Chiếm đoạt và bán rẻ tài nguyên thiên nhiên.
    - Làm tê liệt nền sản xuất
    - Huy động lực lượng vũ trang "thu hồi" đất bừa bãi phục vụ lợi ích cá nhân.
    - Làm rối loạn nhiều chính sách khác về giáo dục, y tế, văn hóa.
    - Quan hệ trái phép với nhiều nhóm lợi ích nước ngoài.

    Âm mưu lớn

    "Nhóm lợi ích" đã cùng nhau mưu toan lớn nhằm phá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
    - Tiếp tục lũng đoạn các cơ quan Đảng, chính quyền.
    - Mua chuộc cán bộ chủ chốt, làm tha hóa bộ máy cảnh sát, an ninh, quân đội tại nhiều cấp.
    - Làm tê liệt các nguyên tắc tổ chức từ bên trong.
    - Làm vô hiệu hóa các cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản.
    - Biến công cụ chuyên chính thành những cỗ máy phục vụ lợi ích của các bố già.
    - Biến nền báo chí cách mạng, các cơ quan quản lý báo chí thành những người đưa tin, tuyên truyền cho "Nhóm lợi ích".
    - Những chủ trương lớn về xây dựng Đảng, dân chủ hóa chỉ được triển khai qua loa, đại khái.
    - Tiến hành các hoạt động tinh vi đặt Đảng vào thế đối đầu với nhân dân, hướng sự bất bình của nhân dân vào Đảng.
    - Mưu toan ám sát một số cán bộ cao cấp (nếu cần).

    Xây dựng cương lĩnh chính trị lật đổ

    Cùng với việc vơ vét, lũng đoạn, phá hoại tổ chức Đảng, "Nhóm lợi ích" ráo riết tiến hành xây dựng cương lĩnh chính trị phục vụ "giai đoạn mới".

    Mục tiêu cương lĩnh không phải là xây dựng một chế độ dân chủ thực sự mà "Nhóm lợi ích" toan tính dựng lên một nhà nước với chế độ tổng thống độc tài lãnh đạo do "Nhóm" kiểm soát. "Nhóm lợi ích" công khai cổ vũ mô hình của Nga thời hậu Cộng sản, đồng thời không giấu diếm bàn bạc về "sự chuyển tiếp" trong hòa bình. Một số bố già được "Nhóm" cử đi tham quan, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cương lĩnh chính trị.

    Theo cương lĩnh chính trị, một nhà nước tư bản độc tài sẽ được dựng lên với tổng thống do các bố già thao túng. Bộ máy an ninh quân đội, truyền thông sẽ phục vụ lợi ích của các bố già này, toàn bộ tài sản quốc gia sẽ tập trung vào tay các Soái, các Bố.

    Những ai đứng sau cương lĩnh này là câu hỏi lớn nhất mà những người thực hiện Kế hoạch tạm gọi là "Bảo vệ chế độ" đang ráo riết tìm câu trả lời và câu trả lời chắc chắn sẽ được sử dụng để Đảng thực hiện thanh trừng nội bộ. Quy mô và phạm vi thanh trừng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có tin là không loại trừ cả Thủ tướng. Trong những ngày tới cuộc đấu tranh nội bộ này của Đảng Cộng sản sẽ diễn ra rất gay gắt nhưng thầm lặng.

    Có tin là đoàn Chính phủ đã xin vào chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng vẫn chưa được "sắp xếp".

    Cầu Nhật Tân
    Nguồn:caunhattan.wor dpress.com

    o0o


    Năm nay, không hiểu có phải do Quân ủy Trung ương "rút phép thông công" hay không mà đoàn Chính phủ vào chúc thọ Đại tướng chỉ vẻn vẹn do anh Chủ nhiệm Văn phòng dẫn đầu với lèo tèo vài thành viên, hoàn toàn không tương xứng với ngay cả đoàn địa phương là Hà Nội. Sự mất cân xứng này chưa từng xảy ra trong các hoạt động lễ tiết của Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

    Đã thành thông lệ trong nhiều năm gần đây, vào dịp sinh nhật vị tướng "đặc đẳng công thần" này (25/8), toàn bộ lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ máy Đảng, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể đều đến chúc mừng vị lão tướng. Năm nay thì thông lệ đó đã thành ngoại lệ.

    Vụ "khủng hoảng chính trị nội bộ" với phần bị động thuộc về Thủ tướng xảy ra sát với ngày sinh Đại tướng đã khiến dịp này trở nên khá "nhạy cảm". Được biết, việc sắp xếp đoàn vào chúc lần này đều phải xin chỉ đạo của Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ QP (Bí thư và Phó Bí thư Quân ủy Trung ương). Với đoàn Chính phủ, việc "sắp xếp" này mất khá nhiều thời gian trao đi, đổi lại.

    Hôm nay 24/8, đoàn của Đảng, Nhà nước do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đã vào chúc mừng Đại tướng. Sau đó, các đoàn quân, dân, chính, đảng khác đều do các thủ trưởng cơ quan, tổ chức dẫn đầu lần lượt vào chúc.

    Đoàn địa phương là Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu.

    Bên Chính phủ, năm ngoái, một dàn các quan chức cao cấp nhất gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh đã đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng.

    Năm nay, không hiểu Quân ủy "sắp xếp" ra sao hay do sự "nhạy cảm" trong cơn "khủng hoảng chính trị nội bộ" mà đoàn Chính phủ vào chúc Đại tướng chỉ vẻn vẹn do anh Chủ nhiệm Văn phòng dẫn đầu với lèo tèo vài thành viên, hoàn toàn không tương xứng với ngay cả đoàn địa phương là Hà Nội. Sự mất cân xứng này chưa từng xảy ra trong các hoạt động lễ tiết của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Nhiều người quan sát đang đặt câu hỏi liệu có phải Thủ tướng Chính phủ đã bị "rút phép thông công" trong dịp này?

    Cập nhật: Blog Cầu Nhật Tân mới có thông tin là mấy ngày qua Thủ tướng dành nhiều thời gian trao đổi "những vấn đề hệ trọng" với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nên việc qua chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì "không tiện" cho Thủ tướng vào lúc này bởi mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh không ngọt" bấy lâu giữa hai vị đại tướng. Có thể Thủ tướng sử dụng việc bỏ chúc thọ Đại tướng làm lời "tái tuyên thệ" trước nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
    .

    Chú thích: sử dụng cụm từ "rút phép thông công" trong bài không có hàm ý báng bổ tôn giáo.

    Nguồn:caunhattan.wor dpress.com

  3. #3
    Member
    Join Date
    20-09-2011
    Posts
    1,523

    VỠ QUẺ BẦU KIÊN CHỈ LÀ CUỘC CHIẾN MINI


    Nguyễn Quốc Quân

    Dư luận rúng động, truyền thông căng lên, vàng tăng giá, chứng khoán sập sàn…là những dấu hiệu bề nổi vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

    Còn tảng băng chìm là những bình luận vô tiền khoáng hậu ở mọi cấp về một cuộc chiến Ba-Tư[1]; là sự lo ngại sụp đổ của hệ thống tiền tệ, là băn khoăn về một xu hướng mới theo Mỹ hay theo Tàu; và thậm chí cả hy vọng của những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội.


    Phải tìm cho ra kẻ thù

    Có thể trong những ngày tới, 5 hay 10 người nữa sẽ bị bắt, mỗi tuần vài chú, nhưng chắc chắn không có bộ trưởng, thậm chí thứ trưởng nào vào vòng lao lý.

    Màn kịch này đủ để gây xúc động nhưng không để có biến động.

    Nhiều người cho rằng "quẻ" đã vỡ và sẽ có biến động chính trị, nhưng chắc chắn là không có chuyện đó vào thời điểm này, vì những uỷ viên BCT có thể kèn cựa nhau về quyền lợi và những mâu thuẫn cá nhân nhưng đều đang cùng một nhóm lợi ích bảo vệ sự thống trị của chính mình.

    Các "vina" có đổ vỡ ào ạt nhưng song sắt, vốn đang khóa chặt nhiều người dân vô tội, không rộng mở để đón chào các ủy viên Bộ Chính Trị.

    Việc bắt bớ là hệ quả tất yếu của những diễn biến kinh tế chính trị thời gian qua ở Việt Nam. Khi cơ chế "lập lờ đánh lận con đen" này đã tạo ra những ổ tham nhũng, những tập đoàn Mafia lũng đoạn đến "tận căn", vượt quá ngưỡng chịu đựng của dân chúng là lúc Bộ Chính trị phải bật đèn xanh để tìm ra một số: "kẻ thù của nhân dân"nhằm thỏa mãn đòi hỏi của dân chúng.

    Kẻ thù dễ chĩa mũi dùi vào nhất vẫn là các chủ tư bản mới nổi. Nó vừa phù hợp với học thuyết vô sản mà đảng đang cổ súy đồng thời ngăn chặn được sự phẫn nộ của công chúng về bất công quá đáng của cơ chế thị trường.

    Về mặt bề ngoài, nó cũng cần có một "sự biến" đủ lớn để tạo nên những chú ý trong dư luận nhưng chắc chắn không thể đi xa ngoài tầm kiểm soát.

    14 thành viên BCT vẫn đủ tỉnh táo và nhẫn nhục để thỏa hiệp và stop lại nếu như nó tạo ra một cuộc đảo chính hoặc một cuộc chiến tranh "mini".

    Bóng tối, thủ kho và tên trộm

    Vào một đêm nọ có một thằng ăn cắp đi vào một kho tài sản khổng lồ của nhân dân bao đời gầy dựng với biết bao nhiêu máu và nước mắt. Đầu tiên có kẻ tắt đèn bằng Nghị quyết làm cho bóng tối bao trùm; một tay thủ kho cầm chìa khóa đang đợi sẵn để mở theo Luật pháp.

    Tên trộm lẻn vào và ăn cắp tài sản của nhân dân, nó lấy đi nhiều đến nỗi dân chúng không còn cái để ăn, mẹ già ốm không có thuốc, công nhân đói bị teo cơ, ngư phủ chết vì giành nhau cá ươn, thiếu nữ chạy loạn xin lấy chồng Hàn Quốc để kiếm miếng ăn…

    Đèn bật sáng bằng chỉ thị, tên thủ kho tung chưởng hình sự và kẻ trộm bị chính hai kẻ này bắt giữ. Nhân dân vỗ tay vui mừng hớn hở mà quên rằng không thể có một sự lũng đoạn nào được thực thi nếu không có sự chỉ đạo bằng Nghị Quyết và tiếp tay bằng Pháp luật.

    Xong rồi, đảng sẽ lại trong sạch hơn, nghiêm túc hơn trong mắt nhân dân. Thế là họ lại bắt đầu một cuộc chơi mới, đầy bóng tối với những tay thủ kho và tên trộm.

    Và những khoản thủ đắc ngày càng lớn hơn.

    Nhưng thực tế thì tên trộm này là người nuôi bóng tối và thủ kho trong suốt nhiều năm qua. Ngoài tiền thuế nó đóng vào ngân sách để trả lương cho cả hai hệ thống Đảng và Nhà nước, những giám đốc này rải tiền dài miên man từ Móng cái đến Cà Mau, rải sâu từ trưởng thôn lên tận Bộ Chính Trị, rải mạnh đến mức từ thông tư đến cả nghị quyết đảng đều có dấu ấn tư duy của họ thâm nhập vào trong từng điều khoản.

    Tên trộm bị bắt nhưng bởi cùng hội cùng thuyền nên những kẻ bị bắt sẽ không bao giờ khai ra hoặc tố cáo những người đương chức trong chính quyền vì họ có cơ sở để tin rằng là mình sẽ được "giải cứu" từ chính những người đã tắt đèn và mở khóa để họ vào kho.

    Kết cục sẽ ra sao ?

    Rồi những án tù sẽ được đưa ra mà thời hạn thua xa so với một vài cá nhân viết blogs cho vui với duy nhất một điều là mong mỏi một cuộc sống chân thật hơn;

    Rồi chỉ vài năm sau những tên mafia cỡ bự lại quay về với những tài sản ăn cắp được của mình, vẫn còn đó những kẻ tắt đèn và thủ kho trung thành đợi sẵn.

    Rồi nhân dân Việt Nam ngàn đời lam lũ, vốn giàu lòng vị tha, cũng vội quên đi tiền thuế, máu và nước mắt, thậm chí cả cái chết của họ.

    Quan trọng hơn họ bị đánh lừa khỏi những vấn đề thời sự lớn lao hơn là giặc giã ngoài biên cương, biển đảo bị mất, tây nguyên bị chiếm và vô vàn vấn nạn nhãn tiền khác.

    Rồi sẽ còn họp hành liên miên với vô vàn tranh luận vô bổ rất mất thời gian giữa luật và nghị quyết. Cuối cùng có thể phải đi đến một số biểu quyết nhưng có thể cũng như cuộc bỏ phiếu "tín nhiệm" ở cấp cao nhất vừa qua, dù có 3/13 phiếu thuận thì thủ tướng vẫn bình chân như vại vì đó không phải là bỏ phiếu "bãi nhiệm".

    Và nếu có "bãi nhiệm" thì cũng không ai có thể "bứng" ông đi được nếu bản thân ông muốn trụ lại.

    Liêm sỉ đang là thứ quá xa xỉ, chưa nói đến sự đan xen nhằng nhịt quyền lợi giữa đảng và chính phủ, giữa luật và nghị quyết, giữa lợi ích cá nhân và phe nhóm.

    Điều đó cho phép hàng loạt thỏa hiệp dễ dàng tiếp theo với một thời gian rất dài so với mong mỏi của người dân và những người đang đấu tranh cho công lý và minh bạch xã hội.

    Công lý và tự do báo chí !

    Cuộc đánh nhau hiện nay có thể dẫn đến kẻ thắng kẻ thua, nhưng công lý thì không bao giờ được thực thi vì chính những kẻ trong và ngoài song sắt đều không hướng việc hy sinh thân mình để tiêu diệt điều xấu xa, để tăng cường pháp chế và bảo vệ dân chủ mà họ chỉ lo bảo vệ tài sản và bản thân mình.

    Nhưng rõ ràng chỉ có một nhà nước pháp quyền mới soi rọi được kẻ có tội và bảo vệ người vô tội, tội phạm mới chùn tay làm việc ác còn người vô tội mới được thanh thản sống bình an.

    Không có pháp quyền và công lý thì Nhà nước sẽ nghiền nát nhân dân như cát sỏi, trái lại một Nhà nước pháp quyền vì công lý thì sẽ bảo vệ mọi người trong phạm vi của nó, kể cả những kẻ tội phạm.

    Nếu có tự do báo chí thì vụ bắt "bầu Kiên" và các vụ tiếp tục sau này phải bắt đầu bằng một cuộc họp báo.

    Ở giữa là Bộ Công an, một bên là Ngân hàng Nhà nước và một bên là Viện Kiểm sát. Tất cả hành vi tội trạng phải được nêu ra công khai và báo chí tha hồ đặt câu hỏi về tình tiết, động cơ, mục đích, thái độ và bất cứ ai đứng sau chịu trách nhiệm về vụ việc này với những kiểu hỏi và trả lời đầy lắt léo, ngoạn mục...

    Nhưng trên tất cả chỉ có dân chủ mới có đối lập để cùng cạnh tranh chạy đua hướng đến một kết quả tốt đẹp.

    Nếu Đảng cộng sản vẫn tiếp tục độc quyền và tổ chức bắt giữ người như những vở kịch để làm tươi mới và trong sạch hóa bề ngoài nhằm duy trì sự độc tôn lãnh đạo và xác lập cả khuynh hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới thì biết đâu lại mang họa lớn cho toàn dân tộc ?

    Nguyễn Quốc Quân

    [1] Dư luận cho rằng đang có sự tranh chấp quyền lợi và đấu đá giữa Ba Dũng (TT Nguyễn Tấn Dũng ) và Tư Sang (TC nước Trương Tấn Sang )

    Nguồn

  4. #4
    Member
    Join Date
    20-09-2011
    Posts
    1,523

    Bóng tối




    Trong trường hợp đáng quan tâm nhất, khi người thổi nên trận cuồng phong này là một hay những thế lực đối lập với chính quyền cộng sản Việt Nam, với cái đích cuối cùng không phải là anh Ba hay anh Tư mà toàn bộ các anh đã được đánh số, thì tôi tin rằng một khởi đầu tử tế cho một xã hội sáng sủa hơn không thể đi từ sự lên ngôi của một quyền lực mờ ám. Lũng đoạn và mafia hóa thông tin không thể là công cụ cho một mục tiêu tốt đẹp...

    *

    Điều gì sẽ xảy ra, nếu Di chúc Chính trị mà Lenin viết trên giường bệnh cuối năm 1922 và bổ sung lần cuối đầu năm 1923 về vấn đề nhân sự ở tầng cao nhất của ĐCS Liên Xô được tung lên mạng ngay tại thời điểm đó? Và chủ blog “Lenin Làm báo” không ai khác, chính là Varlam Šalamov [1]? Rất có thể toàn bộ lịch sử thế giới cận hiện đại sẽ thay đổi. Và lịch sử văn học cũng vậy, không có tác gia Varlam Šalamov, nhà văn Nga yêu thích nhất của tôi cạnh Maxim Gorky. Song không có gì chắc chắn là phong trào cộng sản quốc tế vì thế sẽ bớt tai họa hơn, bớt đẫm máu hơn. Bị đánh bật khỏi đế chế của Stalin, lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotsky tìm được chỗ đứng nơi học thuyết của Mao Trạch Đông. Hậu quả của cuộc thanh trừng định mệnh ấy, không dân này thì dân kia gánh chịu. Trong hệ thống toàn trị, phe nào thắng nhân dân cũng bại.

    Thanh trừng nội bộ là một trong những truyền thống lâu đời và khét tiếng nhất của các đảng cộng sản. Số phận những nạn nhân của nó không có gì đáng ghen tị. Các đồng chí của họ không bao giờ quên viết hàng chữ “kẻ phản bội” lên ngực họ trước khi đâm nhát dao kỉ luật của tổ chức vào đó, và điều chua chát là bi kịch được biểu quyết trong bóng tối của họ cũng khép lại trong bóng tối, nếu họ vẫn giữ lòng trung thành với cái tổ chức mà họ dường như đã phản bội. Cho đến khi qua đời, một người như ông Nguyễn Hữu Đang vẫn không hé răng về những oan khuất trong vụ án “gián điệp phản cách mạng” đã đày ải ông mười lăm năm trời. Một người từng thâu tóm mọi cương vị chủ chốt của hệ thống quyền lực vào mình như ông Hồ Chí Minh cũng lặng thinh diễn nốt vai biểu tượng khi đã bị vô hiệu hóa. Luật omertà, của Cosa Nostra Đỏ.

    Những người đang nín thở xem vở tuồng nội chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên sân khấu ảo rồi sẽ rất bực mình. Màn một, với diễn viên nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên trong một vai phụ, hứa hẹn kịch tính tiếp nối kịch tính, và công chúng đang đòi quyền được xả tất cả những bất mãn dồn nén với thực trạng xã hội của mình vào một hồi kết nếu không có đầu rơi máu chảy thì ít nhất cũng loảng xoảng tiếng gông cùm. Nhưng tôi tin rằng ngoài vài ba nhân vật phụ khác mà số lượng không thể nhiều hơn trong các vở lừng danh như Năm Cam, Minh Phụng, PMU 18, Vinashin, Vinalines…, sẽ không có cao trào ngoạn mục nào cống hiến cho sự chờ đợi của công chúng nữa. Để biểu dương sức mạnh đoàn kết của mình và củng cố ấn tượng về ổn định chính trị [2], Đảng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn sự ấm ức của khán giả rất nhiều. Các vai chính sẽ chỉ ra sân khấu để trình diễn một kết thúc có hậu.

    Tôi cũng tin rằng cuộc hỗn chiến thông tin trên mạng hiện tại với ngôi sao vụt hiện là Quan Làm báo và những blog bí ẩn khác như Tư Sang, Anh Ba Dũng… nằm ngoài dự liệu của tất cả các phe đang tham chiến. Điều mà những người đứng đầu chế độ này, bất kể phe nào, ít cần đến nhất là sự rò rỉ thông tin về cuộc thanh trừng trong bóng tối của họ, áp lực của dư luận và cảnh hỗn quân hỗn quan. Việc bộ máy an ninh Việt Nam không triệt hạ nổi những kênh thông tin này có thể có một nguyên nhân rất đơn giản: bất lực, cũng như toàn bộ hệ thống đang bất lực trước phần lớn những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nhiều năm nay một mạng lưới cả trăm website giả danh các quan chức Đảng và Nhà nước Việt Nam từ cỡ Phó Bí thư Tỉnh ủy và Thứ trưởng trở lên đã ung dung tồn tại, được chăm sóc và cập nhật hàng ngày [3]. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính quyền ma như vậy tháp tùng từng bước, với đầy đủ lệ bộ, đóng ngoài biên giới, ngoài tầm kiểm soát, mà chính quyền thật dường như cũng đành bó tay thây kệ.

    Vậy ai là người thủ lợi trong cuộc hỗn chiến thông tin này?

    Tôi không có hứng thú nào tham dự những phỏng đoán ngả nghiêng theo mỗi cơn bão tin tức thật giả lẫn lộn, đang gây nên một cơn cuồng tập thể cho những người Việt vốn đói sự thật dù không biết mặt mũi của nó và thiếu kinh nghiệm chọn lựa thông tin, vì xưa nay họ không có nhiều hơn một chọn lựa. Trong trường hợp đáng quan tâm nhất, khi người thổi nên trận cuồng phong này là một hay những thế lực đối lập với chính quyền cộng sản Việt Nam, với cái đích cuối cùng không phải là anh Ba hay anh Tư mà toàn bộ các anh đã được đánh số, thì tôi tin rằng một khởi đầu tử tế cho một xã hội sáng sủa hơn không thể đi từ sự lên ngôi của một quyền lực mờ ám. Lũng đoạn và mafia hóa thông tin không thể là công cụ cho một mục tiêu tốt đẹp.

    Một người bạn rất thân của tôi lại cho rằng bóng tối chỉ có thể xua bằng bóng tối, rồi ánh sáng sẽ khắc đến. Tôi không mong rằng anh có lí.

    Phạm Thị Hoài
    © 2012 pro&contra
    http://www.procontra.asia/

    ____________________ __________


    [1] Varlam Šalamov bị bắt khi đang in ronéo bản Di chúc này và bị kết án tù khổ sai 3 năm. Cùng với 5 năm tù lần thứ hai trong chiến dịch Đại Khủng bố của Stalin và 10 năm tù cải tạo tiếp theo vì đã tuyên bố rằng Ivan Bunin là nhà văn Nga kinh điển, ông đã trải qua tổng cộng 18 năm trong các Gulag Xô-viết. Các tác phẩm của ông chưa có trong bản dịch tiếng Việt.

    [2] Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện rất kịp thời với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trái với dư luận rằng ông mất chức này vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như thông tin về việc chính ông đã “chỉ đạo chặt chẽ” việc khởi tố và bắt giam bầu Kiên, là những tín hiệu rõ ràng về điều này.

    [3] Nhân đây tôi cũng hi vọng bài viết này không bị tất cả các trang của chính quyền ma này đồng loạt đăng lại, như trường hợp bài “Báo quan” mới đây. Không thể tránh, nhưng tôi không mong có những đồng minh bất ngờ như thế.

    Đáng chú ý là mặc dù không phải thành viên chính phủ hay lãnh đạo Đảng cao cấp, con gái Thủ tướng là cô Nguyễn Thanh Phượng, người đang ăn mì tôm trong bếp nhà tôi theo tin mật do Quan Làm báo tiết lộ, cũng được dành riêng một website giả danh như vậy.

  5. #5
    Member
    Join Date
    20-09-2011
    Posts
    1,523
    Đỉnh cao của nhóm vc gốc Đông Âu & Nga (chưa thấy rõ lắm)



    Đỉnh cao của nhóm vc thân Tàu (đã & đang thấy rõ ràng)


    Phe vc gốc nào thì cũng là "giòi"
    Phe nào thì cũng là 1 lũ "xấu xí" (phi nhân phi thú) cho dân Việt Nam và không phải là điều mà dân tộc & đất nước VN (nên) trông đợi

  6. #6
    Member
    Join Date
    15-08-2010
    Posts
    1,129
    Thưa, "phi nhân phi thú" thì còn có thể là "cầm". Cầm thì cũng rất xinh xắn hữu dụng.

    Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy gọi chúng nó là phi cầm phi thú: nghe rất đã.

    Không phải cầm, cũng chằng phải thú. Vậy chỉ còn lại côn trùng.

    Nhưng xét ra côn trùng rất cần thiết để cân bằng cái eco-system. Côn trùng rất hữu dụng.

    Cộng sản, đặc biệt là Việt cộng thấp hơn cả côn trùng!

    Chúng nó chỉ đáng vất đi.

    Đông Âu hay tàu, hễ là cộng sản thì phải vất đi. Thằng Dũng hay thằng Trọng, thằng nào cũng như thằng nấy. Vất mẹ chúng hết.

    Việt Nam thiếu gì những người khác có khả năng hơn lên thay?

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •